Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 28/06/2013 22:40 (GMT+7)

“Phong cách Chánh Lộ” trong lịch sử điêu khắc Chăm

Thật ra, việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm đã bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX bởi một số người Pháp yêu thích khảo cổ học, quan tâm đến nền văn hoá Chăm, đặc biệt là những người làm việc tại EFEO và những đồng nghiệp Việt Nam. Một bức ảnh chụp vào đầu thế kỷ XX cho thấy địa điểm được chọn để tập trung các hiện vật là một gò đất có nhiều cây lớn, rải rác đây đó ngoài trời là các mảng bệ thờ, tượng đá. Đến những năm đầu thế kỷ XX, một số hiện vật điêu khắc Chăm đã được chuyển đi Pháp, một số khác được chuyển đến các bảo tàng tại Hà Nội và Sài Gòn, tuy vậy phần lớn những tác phẩm tiêu biểu vẫn lưu lại Đà Nẵng, cho đến hiện nay.

Ý tưởng về xây dựng một nhà bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm đã manh nha từ năm 1902 với một đề án của Khoa Khảo cổ thuộc EFEO. Quá trình xây dựng đề án và vận động để đề án được thực hiện có sự đóng góp lớn của kiến trúc sư – chuyên gia khảo cổ Henri Parmentier, một trong những người đầu tiên tiến hành sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hoá Chăm một cách có hệ thống và khoa học.

Vào khoảng những năm 1950-1960, bảo tàng được mở rộng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, tăng thêm các sảnh trưng bày, song vẫn bắt nhịp với kiến trúc tổng thể, mang phong cách Gothique, hài hoà vào không gian xung quanh. Sau lần cải tạo và mở rộng vào năm 2002, bảo tàng có tổng diện tích gần 7 ngàn m 2, trong đó phần trưng bày chiếm 2 ngàn m 2, giới thiệu khoảng 500 hiện vật nghệ thuật, phân theo các gian tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện, gồm 4 phòng (Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫn) và 6 hành lang (Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định). Hiện nay Bảo tàng điêu khắc Chăm là một điểm tham quan thu hút nhiều nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.

Hành lang Quảng Ngãi tại Bảo tàng này trưng bày 14 hiện vật niên đại từ cuối thế kỷ X đến giữa thế kỷ XI, hầu hết được khai quật và mang về từ Chánh Lộ và một số địa phương khác của tỉnh Quảng Ngãi. Cũng xin nhắc lại rằng, Chánh Lộ là tên người đời đặt cho một cụm phế tháp Chăm, nằm trong khu vực làng Chánh Lộ, nay thuộc phường Trần Phú – thành phố Quảng Ngãi. Tháp đã bị đổ nát từ lâu và đến năm 1904 thì được H. Parmentier khai quật và tìm thấy khoảng 100 hiện vật có dáng dấp của một phong cách nghệ thuật riêng mà về sau nhà nghệ thuật học và nghiên cứu Chăm J. Boisselier gọi là “phong cách Chánh Lộ” mang những đặc điểm chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Tháp Mẫm trong dòng chảy kiến trúc – điêu khắc Chăm. Tượng thần Uma, phù điêu Sarasvarti và tượng nữ thần Laksmi là ba hiện vật rất đáng lưu ý ở hành lang Quảng Ngãi.

Tượng nữ thần Uma cao 84cm, rộng 23cm, chất liệu đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ X, tìm thấy ở làng Đông Phước, nay thuộc xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, năm 1901. Đây là một tượng tròn, tư thế đứng thẳng. Khi mới phát hiện, tượng đã bị mất 2 cánh tay và 2 bàn chân, đến khoảng trước năm 1972, phần đầu cũng bị mất. Tuy vậy, pho tượng vẫn toát lên vẻ đẹp nữ tính, quyến rũ và duyên dáng, hai bầu vú tràn đầy sức sống với ba nếp nhăn ước lệ bên dưới, liền với phần bụng. Phần thân dưới của nữ thần khoác chiếc sarong đặc biệt, có hai lớp với nhiều chi tiết trang trí phong phú, tinh tế, chạy từ thắt lưng xuống mắt cá chân.

Uma (còn có nhiều tên gọi khác như: Parvati, Durga, Sati, Gauri, Chamunda và Kali) là vợ của thần Siva và là vị nữ thần vừa phức tạp vừa có quyền lực cao nhất trong số các vị nữ thần của Ấn Độ giáo. Henry Parmentier đãm iêu tả khá kỹ về bức tượng này trong tác phẩm Cathalogue Le musée de Cam de Tourane (1919), khi tuyệt tác chưa bị mất phần đầu. Bảo tàng Chăm Đà Nẵng ghi chú xuất xứ pho tượng ở làng “Đông Phúc” là chưa thật chính xác; có lẽ đọc nhầm âm Hán Việt trong các bản ghi chép Hán tự hoá tên làng này.

Phù điêu Sarasvati là một hiện vật có giá trị, cao 100cm, rộng 91cm, chất liệu đá sa thạch, niên đại ước khoảng thế kỷ XI, tìm thấy trong cuộc khai quật Chánh Lộ năm 1904. Sarasvati là nữ thần tri thức, âm nhạc và nghệ thuật, vợ của thần Brahma. Nữ thần thường xuất hiện trong tranh, tượng nghệ thuật và thần thoại với phong cách duyên dáng, giàu nữ tính, cưỡi trên lưng ngỗng Hamsa hoặc ngồi trên một đài sen, có bốn vật báu cầm tay gồm: quyển sách (biểu tượng của văn chương, học thuật), đàn vina (biểu tượng cho sự am tường nghệ thuật), chuỗi tràng hạt pha lê (biểu tượng cho sức mạnh tinh thần) và lọ nước thiêng (biểu tượng của năng lực sáng tạo và sự thanh tẩy). Sarasvati còn là nữ thần của sông ngòi, tượng trưng cho sự màu mỡ và thịnh vượng.

Tác phẩm trưng bày tại bảo tàng là một tấm lá nhỏ hình lá đề có chóp nhọn, thể hiện nữ thần trong tư thế múa tribhanga, chân khuỳnh, hông nhếch, ngực và bụng ưỡn về phía trước, dáng điệu mềm mại, uyển chuyển. Nữ thần đeo vòng cổ với nhiều chiếc liên tiếp nhau, chiếc trong cùng có đáy hình trái tim chạm đến khe sâu giữa hai bầu vú đầy đặn, nhưng phía dưới không có ngấn như thường thấy. Khoác trên mình nữ thần là một sampot ngắn, trang trí nhiều hoa, vạt trước dài, xếp thành nhiều nếp, buông mềm mại theo những nét uốn lượn của thân thể. Thần đội kirita ba tầng trên đầu, tai đeo nhiều vòng trang sức, khóe miệng có hai lúm sâu như thể mỉm cười.

Tượng nữ thần Laksmi (thế kỷ XI), tìm thấy ở làng Phú Nhơn, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Tác phẩm có chiều cao 96cm, rộng 42cm, tạo tác bằng đá sa thạch, đứng thẳng trên một đế hình vuông, lưng tựa vào giá đỡ hình cung tròn hai ngấn, từ đỉnh đầu xuống đến vai thắt lại thành hình chiếc lá đề, phần dưới vuốt xuôi cân đối dọc theo thân thể. Nét mặt nữ thần nghiêm trang, mắt khép hờ, chân mày giao nhau, tai dài nhưng không đeo trang sức, tóc búi cao hai tầng. Chiếc cổ hai ngấn của nữ thần không mang vòng trang trí như thể kín đáo khoe vẻ đẹp đầy đặn, hợp với đôi ngực vun tròn. Phía dưới vú là những ngấn ước lệ, cho thấy vòng eo thon gọn. Đôi tay Laksmi buông theo thân mình, bên trái cầm chiếc lọ nhỏ, bên phải cầm búp sen non. Nữ thần mặc váy chấm đến cổ chân, để trơn, không trang trí, nhưng lại gợi lên vòng ba đầy đặn.

Laksmi (cũng có khi mang tên Sri) là vị thần của vận may, sức khoẻ, sắc đẹp và thịnh vượng, vì thế người ta thờ cúng nàng để cầu mong có được phú quý, sung túc và giàu sang. Nàng là vợ của Vishnu, và là mẹ của Kama - thần tình yêu, nhục cảm. Trong nghệ thuật Ấn Độ, Laksmi thường được thể hiện qua hình tượng một phụ nữ xinh đẹp, có hai hoặc bốn tay, đứng hoặc ngồi trên một đoá hoa sen - biểu tượng của vẻ đẹp tinh thần thuần tuý và tinh khiết. Theo truyền thuyết, nữ thần Laksmi sinh ra từ biển. Khi các vị thần khuấy biển sữa, nàng nổi lên từ bọt biển sáng ngời, tay cầm đoá hoa sen - một trong 14 vật quý nhất được sinh ra trong cuộc khuấy biển sữa vĩ đại này. Tại bảo tàng, tên làng tìm thấy pho tượng cũng ghi nhầm thành “Phú Nhân” (đúng phải là Phú Nhơn), nguyên nhân cũng giống như trường hợp tượng Uma Đông Phước. Nhầm lẫn này khá phổ biến, vì hiện tượng “đồng âm dị nghĩa” trong vốn tự vựng Hán Việt, đặc biệt là ở Đàng Trong, khi các âm Nhơn/Nhân khi ghi chép bằng Hán tự chỉ là một con chữ, tương tự trường hợp Phước/Phúc.

Ngoài 3 hiện vật mà cũng là 3 tác phẩm nghệ thuật độc đáo kể trên, hành lang Quảng Ngãi tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng còn trưng bày 3 bức phù điêu bằng đá sa thạch, thu hút sự chú ý của khách tham quan và các nhà nghiên cứu, đó là phù điêu Parvati, phù điêu Brahma và phù điêu Vishnu.

Phù điêu Parvati, cao 164cm, rộng 162cm, tìm thấy ở khu phế tháp Chăm Chánh Lộ, nhưng đến năm 1938 mới đưa về bảo tàng. Tác phẩm thể hiện nữ thần có 4 tay (một đôi chính và một đôi phụ), đang múa, chân khuỳnh ra. Tay phải chính cầm búp sen, có cuống dài uốn lượn đưa lên ngang tay; tay phải chính gập vào hông, cổ tay xoay ra ngoài, ngón cái và ngón giữa chạm nhau, tạo thành vòng tròn. Đầu nữ thần đội lá nhọn hình mũi lao, tóc búi cao, thắt lại ở giữa, dáng vẻ khuôn mặt tươi vui, cánh mũi cân xứng, cằm xẻ sâu ở giữa, chân mày dài, mềm mại nhưng không giao nhau. Nữ thần có khuôn ngực phì nhiêu, cổ đeo vòng trang trí có 5 viên ngọc lớn, mình khoác sampot có thân trước buông dài đến bàn chân.

Theo Ấn Độ giáo, Parvarti là nữ thần núi, còn có tên khác là Durgo, thần núi tuyết Hymalaya… Nữ thần là người vợ yêu dấu của thần Shiva, từng bị đày xuống trần gian, sống trong gia đình của một người đánh cá nghèo khổ.

Phù điêu Brahma, cao 83cm, phát hiện năm 1904 tại Khu phế tháp Chánh Lộ, có niên đại khoảng thế kỷ XI. Đây là một trong ba tác phẩm thể hiện thần Brahma hiện có tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Phù điêu còn có dạng thô, chưa kịp hoàn tất, với hình tượng thần Brahma 3 đầu, khuôn mặt đầy đặn, hai tay có đeo vòng, cầm hai búp sen non tựa nhẹ trên đầu gối. Cả 3 đầu của vị thần đội chung một chiếc nón chóp, hai đầu tả hữu trông hơi nghiêng.

Brahma, cùng với Vishnu và Shiva là ba vị thần ở vị trí tối thượng của Ấn Độ giáo. Thần Brahma sáng tạo, định dạng vũ trụ, sinh ra con người cùng muôn vật, đồng thời canh gác và bảo vệ thế giới. Theo truyền thuyết, bốn bộ kinh Veda (Vệ đà) sinh ra từ những chiếc đầu của Brahma, vì vậy thần được xem là biểu tượng của sự thông thái.

Phù điêu Vishnu, phát hiện năm 1904 ở Phú Thọ, vốn là đất có thành Cổ Luỹ của người Chăm, nay thuộc xã Nghĩa Phú, huyện Từ Nghĩa. Tác phẩm cao 72cm, dài 192cm, niên đại ước đoán vào thế kỷ XI, khắc hoạ thần Vishnu trên biển vũ trụ Ananta, thân hình nằm nghiêng trên mình rắn Shesha. Bảy đầu rắn kết thành lọng che đầu vị thần, còn thân rắn uốn lượn theo làn sóng vô biên của biển vũ trụ. Đầu thần Vishnu có búi tóc cao hình trụ tròn,đội mũ mukuta, phía sau có vầng hào quang. Thần có hai đôi tay, một đôi chính và một đôi phụ, với 4 tư thế khác nhau của 4 cánh tay, nhìn thật sinh động và mang nhiều ý nghĩa.

Vishnu, trong thần thoại Ấn Độ, là vị thần bảo tồn, duy trì toàn bộ vũ trụ và các quy tắc của hệ thống dharma. Thần Vishnu có bản tính nhân từ, yêu thương con người và bảo vệ cuộc sống, sẵn sàng hiện xuống hạ giới để diệt loài ngạ quỷ, cứu vớt chúng sinh.

Hành lang Quảng Ngãi tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là điểm đến không thể thiếu đối với những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về phong cách Chánh Lộ - một phong cách nghệ thuật độc đáo trong lịch sử điêu khắc và kiến trúc Chăm.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...