Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 24/11/2011 21:33 (GMT+7)

Phật giáo với việc bảo vệ môi trường

Thiên tai, chiến tranh xảy ra ở nhiều đất nước gây biết bao đau thương cho con người và vạn vật. Nhận biết được những lo lắng, ưu phiền đó đang tác động vào tâm thức của mỗi người con Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức ngày hội Phật đản gắn liền với chủ đề môi trường. Mùa Phật đản năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi những người con Phật tích cực phát huy tinh thần tôn trọng sự sống, chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường và sự an nguy của trái đất.

Cách dây 2.500 năm trước, có một nhà môi trường học vĩ đại, đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã quán chiếu sự tác hại của việc huỷ hoại môi trường. Ngài đã dạy môn đồ rằng: Hãy đến với thiên nhiên như loài ong hút mật mà không làm tổn hại đến hoa. Cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập Niết Bàn là một minh chứng xác thực cho một đời sống chan hoà với thiên nhiên và cỏ cây. Ngài sinh ra dưới gốc cây Vô ưu vào mùa trăng tròn. Ngài thiền định trong rừng sâu, thành đạo dưới gốc cây Bồ đề, bên dòng sông Ni Liên Thuyền cũng trong một mùa trăng tròn. Ngài thuyết bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Ngài từ giã thế gian cũng tại khu rừng dưới hai cội Sa la đại thọ. Đức Phật đã cùng chư đệ tử thường an trú nơi núi non, hang động, dưới những cội cây... Cuộc sống của Ngài gắn liền với thiên nhiên như vậy nên Ngài luôn có thái độ yêu mến và trân trọng thiên nhiên. Trên con đường tìm chân lý, Đức Phật cùng chư đệ tử thường an trú nơi núi non, dưới những cội cây. Ngài đã từng nhiều lần nói cỏ cây cũng có cuộc sống của riêng nó. Ngài khuyên chư đệ tử không nên đốn phá cây cối cho dù là nhặt cành hay bẻ lá. Ngài tỏ thái độ tôn trọng sự sống của thiên nhiên của mình bằng cách chế ra các luật cho hàng đệ tử xuất gia nghiêm cấm đệ tử tàn hại đến cỏ cây. Đức Phật còn chế giới không được ném bó rác rưởi hay khạc nhổ trên nước vì sẽ làm ô nhiễm môi trường. Ngài nhắc nhở tăng đoàn vào mùa mưa nên tìm chỗ an cư thích hợp để tránh việc đi ra đường dẫm đạp lên cỏ non, giết hại côn trùng và gây tổn hại cho những sinh linh khác. Tất cả những điều này thể hiện thái độ tôn trọng sự sống muôn loài, vạn vật và lòng từ mẫn vô biên của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh, dù là vô hình hay hữu hình. Trong các kinh điển Nguyên thuỷ, Đức Phật đã nhiều lần dạy về việc giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển sự sống bằng cách khuyến khích việc trồng cây xanh để có thêm bóng mát. Trong Anguttara, Đức Phật dạy rằng: Trồng cây xanh để có thêm bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho bản thân ta.

Tiếp nối thánh hạnh của Đức Thế Tôn, các thiền sư, các bậc tổ sư, các bậc cao tăng thường chọn những vùng thiên nhiên tươi tốt, núi rừng thâm u để cất dựng thảo am làm nơi tu hành, thực tập giới, định, tuệ. Chùa chiền do đó cũng thường có cảnh trí hài hoà với thiên nhiên, khiêm tốn ẩn mình dưới các tàng cổ thụ, khéo léo nép bên vách núi đầy bóng mát của cây xanh, sơn thuỷ hữu tình. Có rất nhiều tấm gương quý báu của chư tổ về yêu quý thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường khi tu hành để các phật tử chiêm nghiệm.

Tôn trọng sự sống là một điều được đề cao trong Phật giáo, bảo vệ rừng, đấu tranh cho quyền sống của muông thú, chia sẻ những ích lợi một cách bình đẳng, dẹp bỏ suy nghĩ cho rằng con người có quyền tối thượng, có quyền được hưởng thụ và ép buộc mọi thứ phải theo mình. Người phật tử nhận thức sâu sắc lời Phật dạy là người luôn ý thức rằng không thể có hạnh phúc khi xâm phạm đến hạnh phúc của tha nhân; không thể có một môi trường tốt lành nếu không biết đóng góp thiết thực xây dựng môi trường sống lành mạnh, xanh tươi... Và ngược lại, mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động có hại cho tha nhân, cho môi trường cũng là đang gây hại cho chính mình.

Ngày nay con người do lòng tham muốn thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, ngày càng tỏ ra coi thường thiên nhiên, không biết tôn trọng quy luật của tự nhiên, khai thác vô độ nguồn lợi, xâm hại nghiêm trọng đến thiên nhiên, chặt cây, phá rừng, phá núi hàng loạt nên con người phải chịu nhiều thảm họa. Muốn chấm dứt những thảm họa thiên tai gây nhiều đau khổ, theo giáo lý của nhà Phật, con người phải sống đúng theo chính pháp, phải có ý thức nghiêm túc về giáo lý duyên sinh, tức là sống theo quy luật tự nhiên hay tuân theo luật nhân duyên sanh khởi. Có nghĩa là thiên nhiên cung cấp môi trường sống cho loài người và động vật, ngược lại, loài người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên để giữ môi trường trong sạch và cân bằng sinh thái.

Một giải pháp cho vấn đề xã hội là giáo dục nhận thức của mỗi cá nhân, bắt đầu từ việc giảm thiểu tham, sân, si; tăng trưởng tâm từ, bi, hỷ, xả thì xã hội sẽ dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Theo cách nhìn của Phật giáo, sẽ không bao giờ có một xã hội tốt đẹp khi ở đó cộng tồn những cá thể chất chứa quá nhiều tham, sân, si - gốc rễ của những hành vi bất thiện. Thực hiện lời Phật dạy, người phật tử chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát để kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi người một cây, mỗi chùa một khuôn viên xanh sẽ tạo ra những vườn cây xanh tươi mát cho thế hệ mai sau, đem lại cuộc sống thanh bình, thịnh lạc cho muôn loài.

Ngày nay, trong Phật giáo đã xuất hiện nhiều cá nhân và tổ chức đưa ra những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn những việc làm gây tổn hại cho môi trường. Phong trào bảo vệ môi trường do tăng ni phật tử khởi xướng tại nhiều nước trên thế giới đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Nhân mùa Phật đản 2011, trong không khí trang nghiêm và thành kính của muôn vạn người con Phật, hướng về và học theo lời dạy của Đức Thế Tôn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi sự nhiệt thành hưởng ứng các cuộc vận động vì một môi trường sống tốt lành, các phong trào làm sạch, gìn giữ môi trường sống hiền, đẹp, trong sạch do cộng đồng phát khởi, nhằm cứu vãn và bảo vệ màu xanh của trái đất.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...