Ông Vũ Năng Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội Khoa học Đất Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (2022-2027).
Được thành lập năm 1991, trải qua 06 nhiệm kỳ hoạt động (1991 - 2021), đến nay Hội Khoa học Đất Việt Nam có 24 chi hội và 442 hội viên. Hội Khoa học Đất Việt Nam đã không ngừng phấn đấu góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động của Hội thời gian qua đã bám sát những nhiệm vụ đặt ra trong Điều lệ Hội và Nghị quyết Đại hội VI của Hội phù hợp với tình hình mới.
Quang cảnh tại Đại hội
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đã tập hợp, đoàn kết hội viên từ mọi miền đất nước thuộc các lĩnh vực: Điều tra, phân loại, lập bản đồ đất; Đánh giá, phân hạng đất đai; Phân bón và dinh dưỡng của cây trồng; Quản lý đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; Thuỷ lợi cải tạo đất; Sinh thái, môi trường; Chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; Đào tạo, giảng dạy... Đây là những thế mạnh của Hội.
Trong quá trình hoạt động, Hội Khoa học Đất Việt Nam giữ được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý cấp trên (Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ...). Các hoạt động của Hội đều tuân thủ pháp luật, Điều lệ Hội và quy chế của đơn vị; thực hiện có nề nếp báo cáo định kỳ, xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số khó khăn như các Ban của Hội hoạt động chưa đều; Sự phối hợp hoạt động của Văn phòng Hội, các Ban, Trung tâm và Chi hội cơ sở chưa chặt chẽ, chưa tạo được sức mạnh liên kết tổng hợp trong việc đẩy mạnh các hoạt động của Hội. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm đứt gãy, gián đoạn hoạt động của hệ thống tổ chức Hội và ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động Hội; Hội chưa nắm bắt được cụ thể kịp thời về hoạt động của một số đơn vị trực thuộc ở xa; Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với một số chương trình, dự án, đề tài trọng điểm của Nhà nước liên quan đến Hội chưa mạnh; Kinh phí hoạt động của Hội còn quá hạn hẹp nhất là trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm; Đa số hội viên hoạt động kiêm nhiệm, chưa có điều kiện tập trung vào các hoạt động của Hội; Hoạt động tập thể đối với tư cách các chi hội còn chưa mạnh.
Nhằm phát triển Hội hơn nữa, trong nhiệm kỳ này, Hội tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các chi hội hiện có, thành lập một số chi hội mới ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, địa phương; Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, liên danh giữa Hội và các tổ chức liên quan trong việc thực hiện một số chương trình, dự án, đề tài trọng điểm.
Tham gia tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên đất để tiện sử dụng và lưu trữ; Phát triển các nghiên cứu định lượng về tài nguyên đất; Đẩy mạnh các nghiên cứu về môi trường đất, khả năng sản xuất của đất và an ninh lương thực; Thực hiện đồng bộ các nghiên cứu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về độ phì đất, phân bón và dinh dưỡng cây trồng; Nghiên cứu về đất đai gắn với biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính trong sử dụng đất.
Ngoài ra, Hội sẽ đặc biệt tập trung vào hoạt động tư vấn phản biện các chương trình của Nhà nước về đất phân như: quy hoạch đất đai; mở rộng đất nông nghiệp, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc; môi trường (chống thoái hóa, hoang mạc hóa và ô nhiễm môi trường đất, nước); quản lý lưu vực, quản lý đất ngập nước; quản lý đất dốc; phát triển nông nghiệp bền vững; nông lâm kết hợp; an ninh lương thực, chính sách pháp luật đất đai, biến đổi khí hậu...
Để đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Hội cần tập trung trí tuệ sớm xây dựng được chương trình ngắn và dài hạn cùng với kế hoạch phù hợp với tư vấn phản biện.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thống nhất bầu ông Vũ Năng Dũng chủ tịch Hội Đất Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 làm Chủ tịch Hội Đất Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.