Ông Nguyễn Huy Phục: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của liên hiệp Hội
Nhân dịp Xuân Quý Mão, vusta.vn có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Huy Phục - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến tre về hoạt động của Liên hiệp Hội trong năm qua.
Chia sẻ với pv, ông Phục cho hay, trong giai đoạn 2017-2022, tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội từng bước được kiện toàn, hoạt động đi vào nền nếp theo quy chế, bám sát chương trình, kế hoạch đề ra trong từng năm. Liên hiệp Hội có 20 tổ chức hội thành viên với tổng số 449.943 hội viên.
Ông Nguyễn Huy Phục - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Bến tre
Liên hiệp Hội đã thực hiện tốt hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học. Đồng thời điều hòa phối hợp và trợ giúp hoạt động của các hội thành viên, sở ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lãnh đạo thực hiện khá tốt công tác tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ, cũng như phối hợp với MTTQ, đoàn thể, các cấp, ngành trên từng lĩnh vực.
Để tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức, Ban Thường vụ Liên hiệp Hội đã có nhiều cải tiến và đa dạng hình thức tập hợp lực lượng. Thông qua họp mặt trí thức hàng năm với những chủ đề và gợi ý cụ thể để xin ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức, các hoạt động tư vấn phản biện, thực hiện đề tài đều mời các chuyên gia trong và ngoài tỉnh tham gia. Liên hiệp Hội tỉnh cũng duy trì tổ chuyên gia tư vấn, phản biện từ 30 thành viên lên 70 vị gồm những nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trên lĩnh vực khoa học và công nghệ đang công tác trong và ngoài tỉnh, sẵn sàng tham gia tư vấn phản biện những đề tài dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ông Phục cho biết.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ nên Liên hiệp Hội đã làm việc và thống nhất phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bến Tre. Trong 5 năm qua Liên hiệp Hội đã chủ trì triển khai khảo sát điều tra và đề xuất giải pháp thực hiện các tiêu chí khó cho 11 xã. Liên hiệp Hội đã chủ trì đề tài khoa học: “Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020); cung cấp luận cứ, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm góp phần xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025)” phục vụ cho xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Chủ trì biên soạn quyển sách “Bến Tre - Đất và Người” (xuất bản năm 2020), tái bản sách “Phan Văn Trị- Quê hương, cuộc đời và tác phẩm”.
Phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đánh giá tác động môi trường và kinh tế xã hội của công trình đập vùng cửa sông Cửu Long: Nghiên cứu thí điểm đập Ba Lai”. Hội thảo đã nêu ra những mặt tích cực và tiêu cực mà hệ thống đập Ba Lai mang lại, từ đó đưa ra chính sách để giải quyết các hộ bị tác động cống đập Ba Lai chuyển đổi mô hình sản xuất.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn tư vấn, phản biện nhiều đề tài, dự án như Nghiên cứu Khu đô thị nông nghiệp thông minh tại 7 xã thuộc huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre; Quy hoạch dự án đầu tư khu đô thị mới (KĐTM) Khu phố 4 (thị trấn Mỏ Cày Nam); KĐTM Mỹ An, xã Mỹ Thạnh (thành phố Bến Tre); KĐTM Mỹ Hóa, xã Mỹ Thạnh (thành phố Bến Tre); góp ý Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030...
Trong nhiềunăm qua, Liên hiệp Hội còn tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và phát động Cuộc thi. Có 2.494 sản phẩm dự thi cấp huyện, thành phố. Ban Tổ chức đã trao giải vòng trường, vòng huyện và chọn 165 sản phẩm xuất sắc gửi dự thi vòng tỉnh. Kết quả có 38/165 sản phẩm đoạt giải, trong đó: 01 giải nhất, 03 giải nhì, 11 giải ba, 23 giải khuyến khích. Tỉnh đã gửi 05 sản phẩm dự thi toàn quốc, có 01 sản phẩm đoạt giải khuyến khích. Chất lượng sản phẩm cũng từng bước được nâng lên góp phần bồi dưỡng, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy, năng lực sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng, giúp các em tìm kiếm những ý tưởng mới, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, gắn kết những kiến thức được học tập trong nhà trường với những vấn đề thực tiễn đặt ra trong dạy và học, trong đời sống xã hội.
Chia sẻ về cuộc thi, ông Phục cho biết thêm do Bến Tre phát động Cuộc thi sau các tỉnh, thành trong toàn quốc đến 10 năm, nên Bến Tre chưa có những kinh nghiệm thực tiển, nhất là hai năm đầu (2015, 2016) chưa hình thành được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, nên việc tổ chức phát động, hướng dẫn Cuộc thi… không có cơ quan nào đứng ra chủ trì nên gặp không ít khó khăn. Từ thực tế đó, năm 2017 thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh (Liên hiệp Hội), đã đề xuất được sự chấp thuận của UBND tỉnh cho thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, thành phố, hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí cho các em làm sản phẩm trao giải thưởng cấp huyện. Tổ chức các lớp tập huấn viết báo cáo thuyết minh các sản phẩm dự thi cho giáo viên hướng dẩn ở 100% trường học các cấp trong tỉnh… đã kịp thời thảo gở những khó khăn, vướng mắc ở cấp huyện và cơ sở. Nhưng từ năm 2021 đến nay, không còn Ban Tổ chức cấp huyện, không còn kinh phí hỡ trợ cho các em làm sản phẩm cộng với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã phát sinh nhiều khó khăn mới ở cơ sở phải tháo gỡ.
Như chúng ta đã biết, trong hồ sơ dự thi Bản thuyết minh sản phẩm dự thi đóng vai trò rất quan trọng; yêu cầu của bản thuyết minh là: để người đọc biết vì sao tác giả nẩy sinh ra ý tưởng đó; từ ý tưởng để làm ra sản phẩm là một quá trình lao động bằng trí tuệ, trước hết là phải vẻ được bản thiết kế, lắp ráp, quy trình kỹ thuật, nguyên tắc vận hành… Nếu không mô tả đầy đủ những vấn đề nêu trên trong bản thuyết minh, thì sản phẩm đó khó có thể đạt giải. Mặt hạn chế trong hồ sơ dự thi vừa qua ở Bến Tre là, phần nhiều các tác giả dự thi viết bản thuyết minh mô tả sản phẩm chưa đạt yêu cầu như Ban Tổ chức Cuộc thi hướng dẫn như đã nêu trên. Chính kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướn mắc như nêu trên, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho huyện và thành phố trong chỉ đạo tổ chức phát động Cuộc thi ở cấp huyện và cơ sở kích thích phong trào thi đua lao động Sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng nói chung, nhất là trong nhà trường có sự khởi sắc hơn, sản phẩm dự thi tăng cả về số lượng và chất lượng.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là, việc ứng dụng được các sản phẩm dự thi vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Vì hầu hết các sản phẩm của các em qua bốn năm tham dự Cuộc thi ở Bến Tre được cất giữ trong kho, hoặc cho các tác giả nhận lại mà chưa được hoàn thiện để ứng dụng vào thực tiễn. Theo chúng tôi, có mấy nguyên nhân chủ yếu như:
Những sản phẩm tham gia dự thi của các em hầu hết chưa được hoàn thiện về quy trình kỹ thuật, cá biệt có sản phẩm mới hình thành mô hình của ý tưởng, nhưng Bến Tre nói chung và các trường nói riêng không có đội ngủ chuyên gia giỏi về chuyên môn kỹ thuật hướng dẫn. Mặt khác, để hoàn thiện các sản phẩm phải có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, hoặc hình thành các quỹ hỗ trợ sáng tạo, doanh nghiệp đỡ đầu… nhưng Bến Tre không có các nguồn đó, ông Phục cho hay.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo ông Phục vẫn còn một số vướng mắc và khó khăn như cơ cấu Ban Chấp hành còn thiếu chuyên gia trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ. Hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chưa đồng bộ. Năng lực, kinh nghiệm, một số chưa đồng đều, nhất là bộ phận chuyên trách còn hạn chế nên chưa phát huy, tập hợp được đội ngũ trí thức.
Về thực hiện cơ chế phối hợp tuy có nhiều tiến bộ so với nhiệm kỳ trước, nhưng giữa Liên hiệp Hội với các Hội thành viên, các ngành các cấp trong tỉnh có một số mặt, lĩnh vực chưa đồng bộ trong thực hiện các nội dung đã được xác định.
Trong phương hướng tới, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đủ sức giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi muc tiêu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Và để phát huy các kết quả đã đạt được, Liên hiệp Hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, xây dựng Liên hiệp Hội và các hội thành viên thành tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, vận động, đoàn kết trí thức khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung cho các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ trí thức, kiện toàn tổ chức bộ máy Liên hiệp Hội và các hội thành viên, điều hòa, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các hội thành viên, tăng cường liên kết, phối hợp với các sở, ban ngành chính quyền và đoàn thể chính trị xã hội, vận động trí thức khoa học và công nghệ, tôn vinh trí thức tiêu biểu.