Ở nước ngoài, lương giáo sư không cao
Thật là khó cho tôi khi được yêu cầu bình luận về tình trạng lương bổng của giáo sư đại học và các nhà khoa học trong nước, bởi một lý do đơn giản là tôi không hiểu rõ hệ thống lương bổng ở trong nước. Do đó, tôi chỉ muốn đưa vài kinh nghiệm ở nước ngoài để bạn đọc và đồng nghiệp trong nước có thể so sánh. Tôi nghĩ, kinh nghiệm từ nước ngoài cũng quan trọng, bởi vì trong giai đoạn nước ta hội nhập với thế giới, chúng ta cũng cần biết ở ngoài người ta có chính sách ra sao.
Kinh nghiệm từ nước ngoài
Tại Úc, hệ thống giáo dục đại học chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước, do đó các giáo sư và nhà khoa học đều nhận lương từ nhà nước. Nói như thế không có nghĩa giáo sư Úc là công chức, mà thực sự là những người làm việc theo hợp đồng với các trường đại học, và hợp đồng được ký kết cũng như kiểm tra hàng năm. Hiện nay, lương bổng của một giáo sư thường khoảng 100.000 đôla Úc một năm trở lên, một phó giáo sư khoảng 80.000 đến 110.000 đôla, và giảng sư khoảng 65.000 đến 85.000 đô la.
Ở Mỹ, vì hệ thống giáo dục đại học có phần tư nhân và có phần do nhà nước quản lý, nên mức độ lương bổng rất khác nhau giữa các trường đại học. Chẳng hạn như theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu gần đây, lương giáo sư có thể dao động giữa con số 93.000 đôla Mỹ đến 131.200 đôla, và cho một phó giáo sư: từ 70.000 đôla đến 110.000 đôla. Ngay cả ở cấp giảng sư (tức assistant professor) mức độ dao động cũng khá cao: từ 57.700 đôla đến 75.500 đôla. Qua thống kê này, người ta thấy trường Đại học Duke có xu hướng trả lương cho giáo sư cao nhất, và trường trả lương “tệ” nhất là trường Đại học Georgia !
Trên đây chỉ là lương chính thức, phần lớn giáo sư và nhà khoa học đều có thu nhập phụ khác. Rất nhiều giáo sư, nhất là các giáo sư thuộc các bộ môn công nghệ thông tin, y sinh học, khoa học ứng dụng, v.v… đều đóng vai trò cố vấn cho chính phủ và các công ty tư nhân. Có nhiều giáo sư có thu nhập từ các nguồn này còn cao hơn cả thu nhập từ lương chính thức, nhưng các vị này thường là những giáo sư có tên tuổi và hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn. Chẳng hạn như một công ty dược có thể trả hàng trăm ngàn đôla cho một giáo sư y học nếu vị này cung cấp cho họ những tư vấn về nghiên cứu và phát triển thuốc!
Đó là chưa kể thuế. Theo chế độ thuế vụ tại các nước phương Tây, người có thu nhập càng cao càng phải đóng thuế cao. Thành ra, tuy con số lương bổng trên có vẻ cao, nhưng trong thực tế, sau khi khấu trừ thuế, thu nhập thật sự đến túi giáo sư chỉ khoảng phân nửa hay dưới phân nửa số tiền trên chỉ vừa đảm bảo cho nhà khoa học một mức sống tương đối thoải mái, nếu không muốn nói là dưới trung lưu một chút.
Trong khi đó, một chuyên gia công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp cử nhân (không cần đến cao học hay tiến sĩ) khoảng 10 năm có thể đã có mức lương cao gấp 2 lần so với mức lương của giáo sư. Một bác sĩ sau khi tốt nghiệp khoảng 5 năm cũng có thể có thu nhập lên đến 200.000đôla một năm. Ở Úc, một số thợ lành nghề lâu năm trong một công xưởng cũng có thể có thu nhập lên đến 100.000 đôla Úc một năm.
Vấn đề không phải là so đo lương bổng giữa giáo sư (những người có học vị rất cao và phải phấn đấu rất gian nan) với những thành phần lao động khác, bởi vì một sự so sánh như thế là khập khiễng. Trong thực tế, trách nhiệm của bác sĩ đối với bệnh nhân, hay trách nhiệm của kỹ sư đối với khách hàng khác với trách nhiệm giảng dạy của một giáo sư đại học: một bên là hành nghề và một bên là truyền đạt kiến thức và nghiên cứu.
Vài đề nghị
Theo tôi, lương bổng của nhà khoa học cần phải định đoạt sao cho mang tính công bằng, đảo bảo một cuộc sống thoải mái và phải luôn được kiểm tra rà soát thường xuyên. Để đảm bảo ba tính này, việc xác định lương bổng cần phải cân nhắc đến những yếu tố nội tại và những yếu tố bên ngoài. Những yếu tố nội tại bao gồm thang bậc của giáo sư, hệ số lượng và lao động, thưởng, v.v..Những yếu tố ngoại tại là xem xét đến nhu cầu của bộ môn chuyên môn.
Về chính sách nội tại, ở các nước phương Tây, các trường đại học có hẳn một thang bậc cụ thể và rõ ràng (tức là công bố cho mọi giáo sư và nhân viên giảng dạy biết). Họ chia các nhân viên giảng dạy thành 4 bậc: trợ giảng (instructor, proctor, tutor), giáo sư dự khuyết (assistant professor), phó giáo sư (associate professor) và giáo sư (professor). Thang lương được chia thành 10 thang, từ thang thấp nhất (hay thang chuẩn) 1 đến thang cao nhất số 10. Trợ giảng có 3 thang lương, giáo sư dự khuyết và phó giáo sư có 4 thang lương, và giáo sư có 5 thang lương.
Bậc lương cho thang chuẩn (số 1) có thể là 50.000 đôla hay 60.000 đôla, tuỳ theo chính sách của trường đại học. Chẳng hạn, để xác định lương cho một giáo sư năm đầu, và nếu lương thang chuẩn là 50.000 đôla, thì lương khởi đầu cho giáo sư (thang 6) là 50.000 đôla x 1,7 = 85.000 đôla, và lương này tương đương với lương của một phó giáo sư (thang 6).
Nhưng thang bậc trên chỉ mới là nội tại, khi xem xét lương bổng trường đại học cũng phải nên xem xét các yếu tố bên ngoài, hay nói trắng ra là yếu tố thị trường. Chẳng hạn như để thu hút các giáo sư công nghệ thông tin, cần phải có chế độ ưu đãi họ hơn những giáo sư thuộc các ngành mà nhu cầu thị trường không mấy cao. “Ưu đãi” ở đây có nghĩa là ngoài thang bậc chuẩn về lương, trường đại học có thể cung cấp thêm các khoản thu nhập mang tính khuyến khích như cho phép họ làm cố vấn ngoài với một giới hạn như 5% hay 10% thời gian, hay chế độ hưu bổng, hay cung cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu, v.v…
Trong một ý kiến phát biểu trên Báo Nhân dân cách nay cũng khá lâu, tôi có viết đại khái rằng một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học là ổn định đời sống các nhà khoa học và giáo sư. Đại học và những viện nghiên cứu chuyên môn không chỉ là nơi tập trung những thành phần trí thức ưu tú, mà còn là cái nôi phát triển và nuôi dưỡng nhân tài. Nhưng điều đáng buồn ở Việt Nam ngày nay là đại học không có sức thu hút nhân tài, vì tình trạng lương bổng quá nghèo nàn, không đủ nuôi sống những nhà khoa học có tài thực sự. Vì thế, cần phải ổn định một số nhỏ nhà nghiên cứu làm nghiên cứu cơ bản qua tăng lương một cách xứng đáng cho họ có thể sinh sống trong một nền kinh tế thị trường. Một nhà khoa học không thể nào nghiên cứu trong khi cứ nơm nớp lo nghĩ đến miếng ăn hàng ngày. Cần phải có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà khoa bảng làm nghiên cứu ứng dụng và qua đó tăng khả năng thu nhập riêng cho họ và cho trường đại học. Hy vọng rằng những kinh nghiệm từ nước ngoài mà tôi trình bày sơ lược trên đây góp phần vào định hướng đó.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 92 (1810), ngày 18/11/2005, trang 5