Nobel phải chăng còn xa vời?
Ngoại lực trong khoa học
Đã có một số nhà bác học sinh ra ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Venezuela, Argentina... được tặng giải Nobel về các ngành khoa học tự nhiên như vật lý, hoá học, sinh lý học/ y học hay huy chương Fields về toán học (chúng tôi không đề cập đến các giải Nobel văn chương và hoà bình, bởi lẽ nhiều trường hợp các giải này bị ảnh hưởng bởi nhãn quan chính trị của những người nắm quyền lựa chọn, trao tặng giải, nên gây ra tranh cãi gay gắt).
Nhưng, đến tuổi trưởng thành, hầu hết những người lỗi lạc nói trên đều được đào tạo nghiêm ngặt, với chất lượng rất cao, tại các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Mỹ, Anh; bảo vệ luận án tiến sĩ, rồi tiếp tục công việc nghiên cứu ở các nước đó, trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất, giữa môi trường khoa học tiên tiến bậc nhất. Việc họ giành được giải Nobel hay huy chương Fields rõ ràng một phần nào - nếu không muốn nói là phần lớn - nhờ vào "ngoại lực".
Năm 1957, lần đầu tiên hai nhà vật lý gốc Trung Quốc Chen Ning Yang (Dương Chấn Ninh) và Tsung-Dao Lee (Lý Chính Đạo) được tặng giải Nobel khi mới 35 tuổi và 31 tuổi, vì đã khám phá ra sự không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu.
Hai ông đã học tập và nghiên cứu trong môi trường nào?
Chen Ning Yang |
Ông là giáo sư Đại học Quốc gia New York tại Stony Brook, là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ, viện sĩ Viện Hoàng gia Anh, kiêm cả tiến sĩ khoa học danh dự Đại học Lomonosov (Nga)...
Còn Lý Chính Đạo thì sao? Ông sinh tại Thượng Hải năm 1926, nhưng sang Mỹ học Đại học Chicago, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1950, khi mới 24 tuổi, giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trường đại học hàng đầu của Mỹ như Princeton, Harvard, Columbia..., trở thành giáo sư năm 30 tuổi rồi thành viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ...
Một nhà vật lý được tặng giải Nobel rất quen thuộc với giới khoa học nước ta là Abdus Salam, người sáng lập và giữ chức chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba trong nhiều năm. Ông sinh tại Jhang, Pakistan năm 1926, học trung học tại Lahore, nhưng sau đó, sang Anh học Đại học Cambridge - nơi các nhà vật lý lừng danh như I. Newton, P. Dirac từng làm việc bảo vệ luận án tiến sĩ năm 26 tuổi, trở thành giáo sư Đại học Cambridge, được tặng giải thưởng Nobel năm 1979 vì đã cùng S. Glashow (Mỹ) và S. Weinberg (Mỹ) thống nhất tương tác điện từ; tương tác yếu thành tương tác điện-yếu.
Tsung Dao Lee |
Và César Milstein, người Argentina, sinh tại Bahia Blanca, nhưng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh), viện sĩ Viện Hoàng gia Anh, rồi được tặng giải Nobel về sinh lý học/ y học năm 1984, do các kết quả nghiên cứu tại Anh. Còn Baruj Benacerraf, người Venezuela, sinh tại Caracas, nhưng học đại học và làm việc tại Pháp, Mỹ; là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kỳ, được tặng giải Nobel về sinh lý học/ y học năm 1980 khi đang dạy Đại học Harvard.
Quả thật, nếu chỉ được đào tạo và nghiên cứu trên "mảnh đất cằn cỗi" ở quê hương mình, chỉ hoàn toàn dựa vào "nội lực" của nước mình, thì những bộ óc thông minh xuất chúng kể trên khó có thể phát huy hết tiềm năng để vươn tới những đỉnh cao chót vót như giải thưởng Nobel, huy chương Fields.
Với người Việt, có lẽ cũng khó có ngoại lệ
Khi "nhân tài như lá mùa thu"
Subrahmanyan Chandrasekhar |
Theo báo cáo hằng năm của Liên Hiệp Quốc về chỉ số sáng tạo (innovation index), Việt Nam xếp thứ 82/117 nước, nằm trong nhóm các nước yếu kém, đứng sau nhóm các nước có trình độ cao và nhóm các nước dừng ở mức trung bình.
Giải thưởng Nobel, huy chương Fields chỉ trao cho những thành tựu khoa học kiệt xuất trên cái nền nghiên cứu cơ bản hùng mạnh. Cái "nền" đó được "xây đắp" trước tiên trên số lượng và chất lượng các bài báo khoa học (scientific article) được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín và số lần mỗi bài báo được đồng nghiệp trích dẫn.
Sau đó, các chuyên gia mới phân tích sâu thêm để đưa ra kết luận cuối cùng. Viện Thông tin khoa học (Institute of Scientific Information, ISI) có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ) - một trung tâm thông tin khoa học được cộng đồng quốc tế tin cậy - qua khảo sát 5.969 tạp chí trên thế giới về hàng trăm chuyên ngành khoa học, công nghệ, xã hội - nhân văn, nghiên cứu nghệ thuật, đã vẽ nên một bức tranh, tuy chưa thể coi là chính xác 100%, nhưng đã khá hoàn chỉnh về một nền khoa học hiện đại.
Hằng năm, trên thế giới công bố khoảng 800.000 bài báo khoa học, trong số đó Mỹ chiếm 300.000 bài, Nhật Bản 75.000, Đức 66.000, Anh 59.000, Trung Quốc 57.000, Pháp 47.000... Còn Việt Nam? Trung bình hằng năm chỉ được đăng khoảng 200 - 450 bài! Thế mà trong con số ít ỏi ấy, 3/4 lại là những bài mà người Việt Nam là đồng tác giả với người nước ngoài! Chỉ có 1/4, tức khoảng 80 bài, là hoàn toàn của người Việt Nam, được thực hiện chủ yếu bằng "nội lực".
Ngô Bảo Châu |
Ở Philippines, người nghiên cứu sinh, khi viết luận án tiến sĩ, ít nhất phải có một công trình công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín (được ISI lựa chọn); trong khi ở nước ta, nhiều vị giáo sư, tiến sĩ chưa hề có một công trình nào như vậy. Khi nói đến thành tích khoa học và công nghệ (hay R & D), các cơ quan quản lý khoa học của ta thường nêu lên số giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam đông nhất Đông Nam Á, nhưng lại không đả động gì đến các kết quả nghiên cứu của họ (theo tiêu chí quốc tế). Nhà vật lý Đặng Mộng Lân nhận xét, làm như vậy thì có khác nào nói đến thành tựu phát triển kinh tế mà chỉ kể ra số dân đông đúc, nhưng lại không hề nhắc đến mức GDP quá ư... "khiêm tốn"!
Và "tuấn kiệt" vẫn "như sao buổi sớm"
Chúng ta rất mừng khi thấy một vài nhà khoa học Việt Nam như giáo Hoàng Tuỵ, giáo sư Ngô Việt Trung có nhiều công trình đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín cao.
Nhưng, đáng tiếc, một số nhà khoa học Việt Nam khác, làm việc ở trong nước, suốt thập kỷ vừa qua, cũng có số công trình đáng kể in trên các tạp chí quốc tế, được ISI ghi nhận, nhưng tên tuổi hầu như chẳng được xã hội ta chú ý: Phạm Duy Hiển, Nguyễn Bá Ân, Đoàn Nhật Quang, Hoàng Ngọc Long, Trần Thoại Duy Bảo, Nguyễn Quốc Thắng...
Trong khi đó có người tự coi mình là nhà toán học ngang tầm Lobatchevsky, được lăng-xê trên một số tờ báo là "một trong 500 nhân vật hàng đầu thế kỷ 20", "thiên tài lỗi lạc thế kỷ 21" nhưng, theo giáo sư Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse (Pháp), thì "công trình" của vị "danh nhân" ấy chẳng được ai trên thế giới quan tâm! Lại thêm những người hầu như chẳng có một bài báo nào được in trên các tạp chí khoa học quốc tế (loại có uy tín cao), được đồng nghiệp trích dẫn nhiều lần, nhưng nhờ có "tài ngoại giao" vẫn kiếm được chân "viện sĩ" của một "viện hàn lâm vườn" - chữ của giáo sư Dũng - nào đó, rồi ung dung xuất hiện trên báo, đài với danh hiệu viện sĩ X, viện sĩ Y... làm cho tình hình "vinh danh" các nhà khoa học ở nước ta càng thêm hỗn độn, vàng thau lẫn lộn, thật giả nhập nhằng, thậm chí "cò gỗ mổ cò thật"! Thật ra, chữ academy có nhiều nghĩa, khi thì chỉ trường trung cấp dạy nghề (như hairstyle academy), khi thì chỉ hội khoa học (như New York Academy of science)...
Viện sĩ |
Trừ một vài ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử hiện đại như Albert Einstein thời trẻ (làm khoa học gần như "nghiệp dư", không nhận được một khoản tài trợ nào, mà vẫn sáng tạo nên công trình "động trời": Thuyết tương đối), còn thì nói chung, nghiên cứu khoa học là công việc rất tốn kém. Muốn có nhiều công trình đạt trình độ quốc tế ở đầu ra (output) thì phải đổ nhiều tiền nơi đầu vào (input). Theo tiến sĩ khoa học Nguyễn Tiến Dũng, người từng đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Helsinki (Phần Lan) khi mới 14 tuổi rưỡi, nay là giáo sư Đại học Toulouse, thì "giá thành" một bài báo toán được in trên một tạp chí khoa học quốc tế (có phản biện nghiêm túc) bằng giá một chiếc ô tô! Nghĩa là trung bình phải "bỏ vốn" khoảng 20.000 - 50.000 USD (trả lương cho nhà toán học và các chi phí khác) mới "sản xuất" ra được một công trình toán học! "Giá thành" một công trình vật lý, hoá học, sinh lý học/y học còn cao hơn nhiều, do phải sử dụng nhiều thiết bị hết sức đắt tiền. Trong lần đến thăm Genève và Fermilab, tôi đã thấy những cỗ máy gia tốc hạt electron - phản electron, proton - phản proton trị giá nhiều tỉ USD. Mới đây, đến thăm Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen ở Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, tôi cũng thấy những chiếc máy cực kỳ tinh vi của Mỹ, chỉ nhỏ bằng cái nồi cơm điện, nhưng giá hàng tỉ đồng Việt Nam. Nếu thiếu những thiết bị tối tân giá tổng cộng khoảng 50 tỉ đồng, thì phòng thí nghiệm này khó nghiên cứu nổi virus cúm gia cầm để xây dựng nên một quy trình điều chế vắc-xin chống cúm, rồi phổ biến cho các viện và các công ty thuốc thú y sản xuất đại trà.
Chỉ có bộ óc thông minh không thôi, chưa đủ! Còn phải có nhiều tiền thì mới mong làm khoa học và công nghệ trong thời hiện đại! Ở các nước tiên tiến, số tiền nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2-3% GDP; ở Trung Quốc chiếm gần 2% GDP. Còn ở nước ta? Con số đó mới vào khoảng 2% tổng ngân sách nhà nước; nhưng tổng ngân sách nhà nước ở ta chỉ chiếm một phần nhỏ GDP.
Đàm Thanh Sơn |
Tôi không có ý định phác ra một bức tranh ảm đạm về tình hình nghiên cứu khoa học và công nghệ ở nước ta. Chúng ta đang có nhiều nhà khoa học trẻ đầy tài năng - nhất là trong lĩnh vực toán học và vật lý lý thuyết - ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cùng đông đảo các em học sinh, sinh viên giỏi. Vấn đề là làm sao tạo ra được những điều kiện tốt nhất để họ có thể phát huy hết tiềm năng sáng tạo. Muốn thế, phải có những đổi mới mang tính cách mạng - mạnh mẽ nhưng thận trọng - trong giáo dục và đào tạo cũng như trong khoa học và công nghệ để ngày càng hội nhập sâu hơn vào "sân chơi quốc tế". Được vậy thì biết đâu đấy, trong một vài thập kỷ tới, chẳng có một vài người Việt Nam xuất chúng vươn tới những đỉnh cao khoa học như giải thưởng Nobel hay huy chương Fields? Tất nhiên, chỉ nên hy vọng một cách dè dặt, rất dè dặt...
Nguồn: Khám phá số 25, ngày 20/3/2006