Nhiều hành vi đối phó với cơ quan chức năng trong phòng chống hàng giả và gian lận thương mại
Đây là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số: Phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử” được tổ chức chiều 5/8, tại Hà Nội, do Tạp chí Việt Nam Hội Nhập thuộc Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý phối hợp cùng Tạp chí Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (Viện Kỹ thuật Chống hàng giả) tổ chức.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tham dự tọa đàm có Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả Nguyễn Đức Tài; Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý Phạm Hữu Tiến; TS. Khổng Quốc Minh; đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ;; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM); Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC); Cùng các doanh nghiệp đang tham gia trong lĩnh vực thương mại điện tử: Lazada Việt Nam; Công ty Cổ phần Vina Electric; Công ty Sức khỏe Vàng Việt Nam…
Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, trong tình hình thực tiễn phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại từ góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay đã và đang có nhiều vấn đề bất cấp cho dù ở bất cứ đối tượng nào.
Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chi trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường, đồng thời đẩy mạnh Chuyển đổi Số.
Ông Khổng Quốc Minh - Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ trao đổi tại tọa đàm
Tuy nhiên, theo các đại biểu, vấn nạn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp trong hoạt động này, tác động nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Theo thông tin của Bộ Công thương, trong khoảng 2 đến 3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên hoạt động thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Các hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này rất khó lường bởi lẽ chúng có tính ẩn danh cao, dễ giả mạo, dễ tẩy xóa, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch, đồng thời thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng…
Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả Nguyễn Đức Tài phát biểu
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả Nguyễn Đức Tài đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu được đưa ra trao đổi tại buổi tọa đàm, đây là cơ sở để Ban tổ chức đề xuất kiến nghị về chính sách tới các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách phù hợp về phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, đưa ra giải pháp kịp thời nhằm tăng cường phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong giao dịch thương mại điện tử.