Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 03/10/2007 23:33 (GMT+7)

Nhan đề, tựa đề, tiêu đề

1- Nhan đề:Còn gọi là đầu đề, là tên, là cái "tít" (title - tiếng Anh, titre - tiếng Pháp) chung của một văn bản, một tác phẩm. Nó như gương mặt của một con người; nó là cái nổi bật nhất để phân biệt tác phẩm này với tác phẩm khác.

Nhan đề (đầu đề) thường do người viết đặt ra - như người bố, người mẹ đặt tên cho đứa con của mình; nhưng cũng có khi do người khác (cán bộ biên tập) đặt hộ, hoặc đổi tên đi cho hay, cho phù hợp với chủ đề của tác phẩm. Có những bài nói, bài viết không có nhan đề, nhưng khi đăng báo, toà soạn phải đặt tên cho. Vì thế, ở phía dưới có ghi chú: Nhan đề (tên bài, đầu đề) do toà soạn đặt.

Đặt được một nhan đề cho một văn bản, một tác phẩm sao cho đúng, cho hay, cho độc đáo - không phải dễ. Nhan đề phải khái quát ở mức cao về nội dung tư tưởng của văn bản, của tác phẩm; phải nói cô đọng được cái "thần", cái "hồn" của tác phẩm.

Nhan đề như thế mới hay và bản thân nó đã có sức thu hút người đọc, người xem. Nhiều nhà báo, nhà văn (và các tác giả khác) đã phải trăn trở, hoặc phải thay đổi nhiều lần cho một cái tên tác phẩm của mình.

Thế nhưng, trên báo chí của ta bây giờ lại có những nhan đề, những cái "tít" dễ dãi, giật gân; hoặc nhan đề quá lớn, quá rộng, mà nội dung lại quá hẹp. Chẳng hạn, các nhan đề: "Có một ông (bà) X như thế", "Có một doanh nghiệp như thế", "Cô gái vàng thể thao Việt Nam", "Giọng hát không có đối thủ" v.v... Đặt nhan đề kiểu này, phần lớn là các bài viết về thể thao, nghệ thuật.

Trên một tờ báo có bài viết nhan đề: "L.V.L sáng cả màn bạc" (tôi viết tắt tên diễn viên - Đ.N.Đ). Nghe tên bài, thấy ghê gớm quá! Hoá ra, diễn viên này vốn là một vũ công, mới đóng một vai trong phim, mà đâu đã nổi đình nổi đám gì mà lăngxê đến mức như vậy!

Đọc các nhan đề loại này, những người có trí tuệ và thận trọng thường bỏ qua các bài viết ấy và hiểu ngay ra cái "tầm" và cái "tâm" (!) của người viết - sau khi thở dài ngao ngán mà than rằng: Tác giả này không biết dùng tiếng Việt, không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt!

2 - Tựa đề:Còn gọi là đề tựa hay lời tựa, là những lời - thường là của tác giả - viết dưới nhan đề (đầu đề), để giới thiệu, hoặc để nói điều cần thiết, hệ trọng của một văn bản, một tác phẩm.

Tựa đề (lời tựa) có thể tương đối dài, ở đầu một cuốn sách, là để giới thiệu cuốn sách đó. Ví dụ: "Tựa đề cho tác phẩm X". Nhưng, nhiều khi tựa đề chỉ là một, hai dòng ngắn gọn, nói lên chủ đích của tác giả, hoặc cảm hứng khởi nguồn cho tác phẩm của mình.

Như vậy, tựa đề hoàn toàn không phải là nhan đề. Ấy thế mà, nhiều người dẫn chương trình trên Đài Truyền hình VN và các đài địa phương, nhiều ca sĩ cứ nói trơn tuột: "Bài hát có tựa đề..." để nêu tên ca khúc. Một số MC khả ái của VTV phạm sai lầm này nhiều nhất, nghe rất chối tai và làm giảm thiện cảm của công chúng!

Có ông đạo diễn nọ cũng... rưng rưng cảm động mà rằng: "Tôi được giao làm bộ phim có tựa đề...". Đáng tiếc, nhiều nhà báo, nhà văn cũng dùng tựa đề để nói tên của một tác phẩm! Chán quá chừng!

3 - Tiêu đề:Là cái nhan đề nhỏ, là tên của một chương mục trong chỉnh thể tác phẩm, hoặc tên một phần của văn bản. Những văn bản dài, các tiểu thuyết hoặc phóng sự, v.v... thường có các tiêu đề, để tách các phần, các chương, hoặc các ý lớn, làm cho bố cục của tác phẩm trở nên rành mạch và người đọc dễ tiếp nhận. Dưới mỗi tiêu đề là một vài đoạn văn, tạo thành một bộ phận của tác phẩm, có ý nghĩa tương đối độc lập.

Các tiêu đề thường được đánh dấu: I, II, III,..., hoặc A, B, C,... Ví dụ: Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (nhan đề) của Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Chính trị quốc gia và NXB Trẻ, in năm 1999), gồm có 6 tiêu đề: I - Phê bình và sửa chữa; II - Mấy điều kinh nghiệm: III - Tư cách và đạo đức cách mạng; IV - Vấn đề cán bộ; V - Cách lãnh đạo; VI - Chống thói ba hoa.

Phân biệt rạch ròi và dùng cho đúng các khái niệm nhan đề, tựa đề và tiêu đề là góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Xem Thêm

Tin mới

Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Trong hai ngày 7-8/5, TSKH Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận (đơn vị bầu cử số 2) đã có buổi tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).