Người của những ý tưởng táo bạo
Hai vùng vịnh này có bề rộng trung bình 10-35 km nhưng khá nông, có chỗ có thể xắn quần lội qua, chỗ sâu cũng chỉ bằng nửa con sào. Nó lại bị ngăn cách với vịnh Bắc bộ bởi hệ thống đảo chạy dài gần 84 km từ Móng Cái đến Tiên Yên. Cho nên nơi đây thường là “biển yên sóng lặng”, rất tiện cho phù sa của sông Hà Cối, Ba Chẽ, Tiên Yên đổ vào lắng đọng lại, không phải lo chuyện sóng dữ, triều cường tàn phá nếu đắp đê lấn biển. Thiên nhiên đã tạo ra yếu tố thuận lợi tuyệt vời cho dự án khi đã có sẵn đến 90% đê tự nhiên như bức tường chắn sóng. Theo dự án của ông, để lấn vùng biển rộng lớn này chỉ cần xử lý 10 eo biển nối giữa hệ thống đảo, mỗi đoạn dài từ vài trăm mét đến hơn 1km, tổng chiều dài 8,5km. Nhưng để làm việc này sẽ phải đào đắp tới hàng chục triệu mét khối đất đá trong một khoảng thời gian kéo dài 10-20 năm, riêng đắp các đê nối các eo biển phải mất khoảng 3 năm.
Ông Quang giải thích: Để lấn biển, đảo quốc Singapore từng phải nhập cả… đất đá của Malaysia. Nước ta có một thế mạnh mà Singapore không sao có được, đó là sự hiện diện của hàng loạt các dải núi thấp mà thành phần thạch học của chúng lại bao gồm gần như 100% là các loại đất đá màu đỏ hoặc các thành tạo chứa than nghèo nằm sát liền kề, bao quanh 2 vịnh Hà Cối và Đồng Rui giúp cho việc cào bằng và hất chúng xuống 2 vịnh một cách rất dễ dàng. Những dải núi hiện đang ở trong giai đoạn thoái hoá và đất thì bạc màu vì thế việc khai thác sinh lợi chúng rất bị hạn chế. Nay nếu cào bằng chúng để lấp biển thì đương nhiên sẽ có thêm một diện tích rộng ít nhất bằng khoảng 1/3 diện tích của 2 vịnh nói trên khiến diện tích sử dụng hữu ích của công việc lấn biển này trên thực tế sẽ tăng thêm khoảng gần 300km2 đồng nghĩa với diện tích toàn vùng sau khi cải tạo sẽ được nâng lên tới hơn 1.000km2 gần bằng 2 đảo Phú Quốc.
Sau khi viết dự án ông đã trình Thủ tướng Chính phủ và UBND Quảng Ninh. Hơn 10 ngày sau, ngày 12/10/2000, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã có công văn phúc đáp chuyển dự án sang Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 24/10/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có thư gửi TS Quang đánh giá cao dự án của ông. Bức thư viết: “Dự án là một ý tưởng hay, mang tính khả thi và có nhiều hiệu quả nếu được triển khai”. Đặc biệt, ngày 15/10/2002, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn mời TS Quang ra Quảng Ninh dự hội thảo khoa học về dự án này. Hội thảo đã đánh giá cao dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quynh một lần nữa ghi nhận và ủng hộ. Tuy nhiên, với đặc điểm cơ cấu ngành nghề của Quảng Ninh hiện nay, việc lấn biển theo dự án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai từng bước. Hiện nay dự án đã cơ bản được hoàn thiện trình các cơ quan chức năng duyệt và triển khai bước 1 với số vốn đầu tư ban đầu là 3,5 tỷ đồng.
Nhà khoa học với những ý tưởng táo bạo này còn nghiên cứu nhiều “siêu dự án” khác. Ông tâm sự: “Sau 48 năm miệt mài lao động trong ngành địa chất, đặc biệt là từ khi nghỉ hưu (1996), tôi không thể ngồi im khi mà tình hình lũ lụt, hạn hán đang ngày càng tàn phá nặng nề ở đồng bằng sông Cửu Long và ở nhiều nơi khác”. Từ năm 1997 đến nay, ông đã trình Chính phủ kết quả nghiên cứu các giải pháp trị thuỷ sông Mê Kông, sông Hồng và sông Mã, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nhà máy thuỷ điện trên sông Đà và giải pháp trị thuỷ sông Cả. Sắp tới ông sẽ trình Chính phủ giải pháp cải tạo đồng bằng Bắc bộ.
Dự án trị thuỷ sông Mê Kông là điều mà TS Quang ấp ủ từ lâu. Trong dự án, ông đề xuất giải pháp đào một con sông nối liền giữa Xê -băng - hiêng (Lào) và sông Rào Quán - Thạch Hãn (Quảng Trị). Dòng sông này sẽ đưa tới 30% lượng nước sông Mê Kông ở đây ra biển Đông, tránh được thảm hoạ lũ lụt cho phần lớn diện tích nếu mưa lũ kết hợp với nước hồ Tông - lê -sap (Campuchia). Qua hệ thống sông này, nước Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan, Đông Campuchia sẽ có đường ra biển. Hiện nay, trục đường 9 dự kiến thành hành kinh tế Đông Tây đã có đường bộ và đường sắt trong tương lai gần thì với sự xuất hiện của đường sông này sẽ tạo ra sự giao lưu kinh tế mạnh mẽ trong khu vực Đông Dương.
Dù những dự án của ông đã từng được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu báo cáo và được Thủ tướng cùng nhiều nhà khoa học ủng hộ nhưng rồi có khi nó lại bị chìm đi theo thời gian vì nó hay nhưng… lớn quá.
Hồng Minh
Nguồn: Công Lý 30/05/2005