Nên hiểu thế nào câu ngổn ngang gò đống kéo lên?
Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nen/ Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay
Đào Duy Anh (1) và Lê Văn Hòe (2) cùng giảng câu 48 là: “người ta kéo nhau lên các gò đống nằm ngổn ngang” Nguyễn Thạch Giang (3) lại giảng là: “họ tấp nập, lộn xộn kéo nhau lên các gò đống”.
Theo tôi, cả hai cách giảng này không khỏi khiên cưỡng, vì nếu đúng là Nguyễn Du muốn nói thế thì cụ phải viết: “kéo lên gò đống ngổn ngang” mới đúng ngữ pháp tiếng Việt. Còn giảng như Nguyễn Thạch Giang càng khó chấp nhận, vì chữ ngổn ngang chỉ áp dụng được cho các trạng thái tỉnh, thí dụ: “nằm ngổn ngang” chứ không thể nói: “đi ngổn ngang” được.
Một mặt khác, trong bốn câu trên, thì hai câu đầu tả cảnh trên đường, câu thứ hai lại tả cảnh “rắc vàng vó, đốt giấy tiền”, mà câu thứ ba lại nói là “tài tử, giai nhân kéo nhau lên các gò đống” thì thật khó hiểu, vì chi tiết ấy chẳng ăn nhập gì với việc tảo mộ, thì họ “rắc vàng vó, đốt giấy tiền” ở đâu, để làm gì.
Bùi Khánh Diễm trong (4) thì dẫn câu thơ Đường: “ Hổ kì sơn thượng luy luy” (dịch nghĩa: Trên núi Hổ Kỳ mả chôn dàn dạt). Như vậy, rất có thể là Nguyễn Du dùng hai chữ “gò đống” để chỉ “mồ mả”. Điều này có thể chấp nhận được, vì nhân dân ta thường gọi nấm mộ của những người vô danh “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan” ở ven đường là “ông đống”. Nhưng nếu “gò đống” là “mồ mả” thì “kéo lên” lại không ổn, vì không ai nỡ “kéo lên” cái chỗ yên nghỉ của những người đã khuất.
Thắc mắc này của tôi đã được gửi ông tôi giải đáp một cách mà tôi nghĩ rằng rất có lí. Tôi xin phép nhắc lại lời của ông tôi, như sau:
“Hồi ông còn nhỏ, có lần được nghe cụ giảng thế này: Hai chữ “kéo lên” phải đọc theo âm Hán là “kiều liên”, mới đúng. Mà theo cách viết chữ quốc ngữ bây giờ, lại còn phải viết hoa nữa, vì đó là tên người. Cụ còn kể cho ông nghe, chuyện chép trong một cuốn sách gì đó, một người con gái trẻ, đẹp, nhưng chết sớm, lúc tới tuần cập kê, tên là Kiều Liên. Sau này lớn lên, ông muốn tìm lại cuốn sách thì cụ mất rồi, ông đã cố tìm và hỏi nhiều người, mà vẫn không sao tìm ra. Chắc là cuốn sách trong đó có chuyện ấy thuộc loại hiếm, ít người biết. Như thế, câu của “cụ Kiều” (ông tôi thường gọi tác giả Truyện Kiều như vậy) có nghĩa là “chị em Kiều đi vào khu vực có nhiều mổ mả các cô gái trẻ, chôn ngổn ngang”.
Tôi rất lấy làm tiếc, vì ông tôi không tìm lại được cuốn sách ấy và điển tích ấy. Nhưng tôi tin rằng cụ tôi và ông tôi không sáng tác ra truyện Kiều Liên. Còn việc đọc “Kiều Liên” thành “kéo lên” là hòan tòan dễ hiểu, vì Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm, người đọc tất nhiên là phải đọc theo âm nôm, mà theo cách viết chữ nôm, thì Nguyễn Du không có cách gì để báo cho người đọc rằng, riêng hai chữ “Kiều Liên” phải để nguyên âm Hán, mà chỉ có thể “truyền khẩu” cho một số ít người gần gũi với cụ.Chấp nhận cách lí giải này của ông tôi, tôi cảm thấy thỏa mãn, vì thấy nó hợp lí, và do đó, giải tỏa cho tôi cái tâm trạng ức chế phải chấp nhận một câu viết sai ngữ pháp, lại có nội dung tầm thường, khó có thể cho là của Nguyễn Du.
Tôi xin mạnh dạn trình bày điều mình nghe được, với lòng thiết tha mong mỏi các vị xác minh giùm ông cháu tôi, cái điển tích “Kiều Liên” thú vị này.
Tài liệu tham khảo:
(1) Đào Duy Anh - Từ điển Truyện Kiều, Nxb KHXH, 1989.
(2) Truyện Kiều chú giải, Văn học Lê Văn Hòe quốc học thư xã, Hà Nội, 1953.
(3) Truyện Kiều, Thạch Giang khảo đính và chú thích, Nxb Đại học và THCN, 1972.
(4) Bùi Khánh Diễn chú thích - Kim vân Kiều, Nxb Sống mới, Sài Gòn, 1960.