Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/02/2012 22:37 (GMT+7)

Một số vấn đề về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức

1.Tổng quan về chế độ kỹ luật đối với cán bộ, công chức

Trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại, nhà nước nào cũng quantaam đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để bảo đảm thực hiện mục tiêu chính trị đã được xác định. Đội ngũ cán bộ, công chức là những người phục vụ trong bộ máy nhà nước. Họ là một nhóm lao động chiếm số lượng không lớn nhưng có một ý nghĩa đặc biệt trong xã hội, bởi hoạt động của họ chứng minh cho sự tồn tại của nhà nước, phản ánh bản chất và hình ảnh của nhà nước đó trong cộng đồng dân cư và trong đời sống xã hội.

Chính vì vậy hoạt động công vụ đòi hỏi cao, toàn diện về phẩm chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức. Trong công vụ người cán bộ công chức chỉ được hành xử theo quy định của pháp luật, không được hành xử tùy tiện theo ý chí chủ quan của mình. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức. Tính chất của một vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều một vi phạm kỷ luật của người lao động trong các tổ chức ngoài nhà nước.

Do vậy, khác với các nhóm lao động khác, cán bộ, công chức sẽ phải chịu sự ràng buộc của pháp luật nghiêm ngặt và chặt chẽ trong công vụ. Trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức là một dạng trách nhiệm pháp lý, còn các hình thức kỷ luật đối với lao động trong các tổ chức ngoài nhà nước đơn thuần chỉ là những biện pháp trừng phạt do người chủ hay người đứng đầu tổ chức ngoài nhà nước đó đặt ra mà thôi.

Các quy định của nhà nước về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức là một chế định không thể thiếu trong hệ thống pháp luật để Nhà nước kiểm soát hành vi và cả thái độ của những người lao động phục vụ trong bộ máy của mình. Việc thiết lập một hàng rào pháp lý về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức hình thành một trong những công cụ pháp lý quan trọng của Nhà nước nhằm phòng, chống và xử lý nghiêm túc những vi phạm kỷ luật trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần quản lý hiệu quả nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước.

Chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức có một số đặc điểm sau:

* Chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức mang tính cưỡng chế nhà nước

Khác với các tổ chức dân sự tồn tại và hoạt động vì mục tiêu tự thân, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước tồn tại với những mục tiêu đã được cam kết với người dân, phục vụ người dân được xem là trách nhiệm hàng đầu. Chính vì điều này, Nhà nước cần phải có một cách hành xử khác đối với đội ngũ lao động làm việc trong bộ máy của mình, điều đó thể hiện trong pháp luật về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đây có thể coi là bộ quy tắc xử sự bắt buộc đối với những người được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng vào các vị trí làm việc làm trong các cơ quan nhà nước. Những quy tắc xử sự này được xây dựng phái sinh theo sự cam kết của Nhà nước đối với nhân dân. Điều này có nghĩa là khác với các nhóm lao động khác trong xã hội, người công chức phải chịu chế tài pháp lý rất sớm ngay khi họ có biểu hiện chưa tốt về mặt đạo đức. Tính cưỡng chế của những quy định về chế độ kỷ luật đòi hỏi cán bộ, công chức không chỉ tuân thủ, mà còn bị xử lý nghiêm túc, kịp thời khi vi phạm kỷ luật.

* Chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức ghi nhận những chuẩn mực ở mức độ tối thiểu của một con người bình thường mà mỗi cán bộ, công chức cần phải có

Điều này có nghĩa là khi một người được xếp vào một vị trí làm việc nhất định trong cơ quan Nhà nước, ngoài việc có đủ các tiêu chuẩn cần có cho vị trí việc làm, người đó cần phải ý thức về việc giữ gìn những đạo đức tối thiểu ở một con người có thể chất bình thường.

Chẳng hạn, khi giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức “phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp, ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc” (Điều 16 Luật Cán bộ công chức năm 2008); hoặc khi tiếp xúc với nhân dân, cán bộ, công chức “phải gần gũi với nhân dân, có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn, ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc” (Điều 17 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).

Những điều này có thể không cần thiết phải quan tâm nhiều hoặc thậm chí có thể bỏ qua ở các tổ chức ngoài nhà nước, nhưng lại là những giá trị vô cùng quan trọng trong các cơ quan nhà nước, buộc mỗi cá nhân làm việc trong khu vực này phải luôn ý thức đến.

* Việc áp dụng chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức được tiến hành chặt chẽ đúng thủ tục theo quy định của pháp luật

Việc xác định một cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật và phải chịu một trách nhiệm kỷ luật nhất định sẽ được quyết định bởi một Hội đồng kỷ luật, chứ không phải từ quyết định kỷ luật của một cá nhân nào. Việc kỷ luật cán bộ, công chức sẽ được lưu vào hồ sơ quản lý cán bộ, công chức, bởi vậy, bát kỳ một hình thức kỷ luật nào dù là thấp nhất khi được áp dụng cũng sẽ làm tổn hại đến uy tín và danh dự của cán bộ, công chức đó.

Pháp luật về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức quy định rằng: “Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức phải thành lập Hội đồng kỷ luật” (Điều 5 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức). Hội đồng kỷ luật làm việc theo những nguyên tắc nhất định, tuân theo một quy trình chặt chẽ, với tính chất đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, nhằm đưa ra một quyết định hợp lý, khách quan, đúng người, đúng hành vi vi phạm. Theo đó, Hội đồng chỉ có thể làm việc khi đã triệu tập đầy đủ các thành viên; cán bộ, công chức bị xem xét xử lý kỷ luật cũng sẽ được gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng họp 07 ngày, như vậy, người lao động có thể chủ động chuẩn bị những tài liệu hoặc những lý lẽ bào chữa cần thiết để trình bày trước cuộc họp của Hội đồng. Cuối cùng, việc xác định hình thức kỷ luật thích đáng cho người vi phạm sẽ phụ thuộc vào việc từng thành viên trong Hội đồng bỏ phiếu kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật theo đánh giá của riêng mình, và hình thức kỷ luật nào được đa số thành viên Hội đồng bỏ phiếu kiến nghị thì sẽ được quyết định áp dụng cho cán bộ, công chức đó. Giống như các loại hình trách nhiệm pháp lý khác, chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức cũng đảm bảo cho người bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại về quyết định xử lý kỷ luật mà người đó cho rằng không thích đáng với mình, nhất là đối với hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc, người đó có thể theo đuổi để bảo vệ quyền lợi của mình bằng con đường tố tụng thông qua Tòa án.

2. Pháp luật về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức

a. Về các văn bản pháp luật

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Nhà nước ta ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức mới, những “công bộc” của nhân dân. Các ngạch quan hành chính, tư pháp và học quan của chế độ cũ không phù hợp với chế độ dân chủ nhân dân đều bị bãi bỏ bằng Sắc lệnh số 18/SL ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 32/SL ngày 13/9/1945. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký Sắc lệnh số 41/SL ngày 3/10/1945 bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan trước thuộc phủ toàn quyền Đông Dương của chế độ thực dân. Trong điều kiện chính quyền non trẻ với muôn ván khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, công chức mới đã nhanh chóng được xây dựng và khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội.

Ngày 20 tháng 05 năm 1950, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam (sau đây gọi là Sắc lệnh 76/SL). Đây là một văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên của Nhà nước Việt Namđộc lập ghi nhận sự tồn tại của một đội ngũ lao động mới trong xã hội: “công chức Việt Nam ”. Văn bản này không chỉ khẳng định vị trí của công chức trong xã hội như Lời nói đầu của Sắc lệnh đã viết: “Người công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Đi đôi với nhiệm vụ trên, công chức Việt Nam cần có một địa vị xứng đáng với tài năng của mình. Địa vị ấy được đề cao trong Quy chế này”, mà còn quy định cụ thể trách nhiệm, chế độ kỷ luật đối với đội ngũ công chức trong bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, đặt nền móng cho việc hình thành chế độ kỷ luật cán bộ, công chức.

Sơn 60 năm qua, trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức qua từng giai đoạn phát triển của sự nghiệp cách mạng, chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã không ngừng được hoàn thiện. Trong điều kiện của nền kinh tế kế hoạch hóa, hệ thống các văn bản pháp luật về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, các tổ chức kinh tế nhà nước đã được ban hành như: Nghị định số 195/CP của Hội đồng chính phủ ngày 31/12/1964 ban hành Điều lệ về kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, cơ quan nhà nước (sau đây gọi là Nghị định 195/CP), Nghị định số 217/CP của Hội đồng chính phủ ngày 08/6/1979 ban hành “Bản quy định về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan nhà nước” (sau đây gọi là Nghị định 217/CP)…

Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) khởi xướng, đất nước ta đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, ây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Với mục tiêu xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, phục vụ nhân dân, nhiều văn bản pháp luật quan trọng về cán bộ công chức đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, trong đó có các quy định về chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/03/2005 về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (sau đây gọi là Nghị định 35/2005/NĐ-CP); Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Nghị định 114/2003/NĐ-CP)…

Trong các văn bản pháp luật hiện hành, các quy định về chế độ kỷ luật cán bộ công chức đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế trên rất nhiều phương diện như đối tượng điều chỉnh, hình thức xử lý kỷ luật, nguyên tắc thực thi chế độ kỷ luật, quy trình thực hiện hay áp dụng một biện pháp kỷ luật nhất định…

b. Về đối tượng điều chỉnh

Theo Pháp lệnh số 01/1998/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 10 ban hành ngày 26/02/1998 về cán bộ, công chức và được nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2000, 2003, các thuật ngữ “cán bộ”, “công chức”, “viên chức” dần được tách biệt và làm rõ. Hiện nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã thay thế hoàn toàn các văn bản nói trên, tạo lập một quy chế pháp lý riêng cho những đối tượng chính thức thực thi công vụ nhà nước. Chế độ kỷ luật đối với cán bộ, công chức sẽ được áp dụng cho những đối tượng thực hiện những hoạt động mang tính công vụ nhà nước được quy định tại Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức. Những nhóm lao động khác như viên chức các đơn vị sự nghiệp, người lao động trong các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ công cho xã hội… được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác.

c. Về các hình thức kỷ luật

Theo Điều 56 của Sắc lệnh 76/SL, nếu công chức vi phạm kỷ luật thì tùy vào lỗi nặng hay nhẹ sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật:

- Cảnh cáo;

- Khiển trách;

- Hoãn dụ thăng thưởng trong hạn một hay hai năm;

- Xóa tên trong bảng thăng thưởng;

- Giáng một hay hai trật;

- Từ chức bắt buộc;

- Cách chức.

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức đã được thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Kế thừa các quy định về chế độ kỷ luật của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, Nghị định 35/2005/NĐ-CP và các văn bản có liên quan, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định cán bộ, công chức sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật khi vi phạm những nhóm quy định sau:

- Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức;

- Vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm;

- Vi phạm pháp luật bị Tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luật bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.

Dựa trên hành vi vi phạm các nhóm quy định nói trên và đánh giá về tính chất và mức độ lỗi nặng hay nhẹ, cán bộ, công chức có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định các hình thức kỷ luật khác nhau đối với từng nhóm đối tượng là cán bộ hay công chức. Theo đó, cán bộ khi có hành vi được xác định là vi phạm kỷ luật thì bị áp dụng các hình thức kỷ luật quy định tại Điều 78 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, bao gồm:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Cách chức (chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỷ);

- Bãi nhiệm (đối với cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc).

Đối với công chức vi phạm kỷ luật thì bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 như sau:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Hạ bậc lượng;

- Giáng chức (chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý);

- Cách chức (chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý);

- Buộc thôi việc (đối với công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm).

Luật Cán bộ, công chức năm 2008 không chỉ cụ thể hóa việc áp dụng các hình thức kỷ luật đối với cán bộ và đối với công chức, mà còn thay đổi một số hình thức kỷ luật đối với công chức. Theo các quy định hiện hành, trong 6 hình thức kỷ luật đối với công chức vi phạm kỷ luật, thì không còn hình thức hạ ngạch nhưng bổ sung hình thức giáng chức để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

d. Các nguyên tắc xử lý kỷ luật

Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức khi bị xác định là có hành vi vi phạm kỷ luật có khá nhiều thay đổi. Các văn bản pháp lý cũ như Sắc lệnh 76/SL, Nghị định 195/CP, Nghị định 217/CP đều không đưa ra nguyên tắc xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật hoặc chỉ quy định ở một vài điều khoản riêng biệt mà không quy định tập trung có tính bắt buộc phải thực hiện khi tiến hành xử lý kỷ luật.

Đến Nghị định 97/1998/NĐ-CP, một nhóm nguyên tắc đã được quy định để xử lý công chức có hành vi vi phạm kỷ luật, nhưng chưa thể coi là một định hướng chuẩn, vì nhóm nguyên tắc này vừa thiếu lại vừa thừa. Chẳng hạn, việc tiến hành xử lý kỷ luật phải do một Hội đồng kỷ luật tiến hành thay vì chỉ là một cá nhân được quy định tại Điều 5 Nghị định thì lại bị tách ra khỏi cả nhóm nguyên tắc được quy định tại Điều 9 khiến cho nó mất đi giá trị định hướng quan trọng mà đáng ra nó phải có.

Nghị định 35/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định 97/1998/NĐ-CN đã xác định được rõ hơn những nguyên tắc cần có cho việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Các nguyên tắc đó bao gồm (Điều 5 Nghị định 35/200:

(1) Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng thời hiệu quy định.

(2) Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức phải thành lập Hội đồng kỷ luật, trừ trường hợp cán bộ, công chức phạm tội bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo.

(3) Quyết định xử lý kỷ luật phải do người có thẩm quyền ký theo đúng quy định của Nghị định này.

(4) Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu hình thức kỷ luật cao hơn một mức.

(5) Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; cấm áp dụng biện pháp phạt triển thay cho hình thức kỷ luật.

(6) Không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức nữ khi đang có thai và cán bộ, công chức đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đây là những nguyên tắc nhằm đảm bảo cho việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện đúng pháp luật, xử lý kịp thời, đúng người, đúng lỗi vi phạm, đồng thời cũng chính là để bảo vệ cho những quyền lợi chính đáng khác của cán bộ, công chức, mặc dù họ có hành vi vi phạm kỷ luật nhất định nhưng họ vẫn phải được Nhà nước bảo vệ những quyền tối thiểu khác giống như mọi công dân trong xã hội.

Khi có thông báo về việc một cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật thì người tiếp nhận thông tin cần phải đánh giá về tính khách quan, hợp pháp, hợp lý của thông tin, tránh những thông tin có tính chất thù hằn cá nhân, hoặc có tính chất không xây dựng. Quá trình xem xét kỷ luật được tiến hành khách quan, công bằng, công khai, dân chủ thông qua trình tự và thủ tục hoạt động của Hội đồng kỷ luật mà đã được pháp luật quy định.

3. Một số kiến nghị

Trong những năm qua, trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Nhà nước ta đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện chế định kỷ luật cán bộ, công chức. Chế định này trở thành một trong những phương tiện quan trọng để đánh giá và quản lý hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ trong các cơ quan của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chế định kỷ luật cán bộ, công chức đang bộc lộ những bất cập, cần được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung:

3.1. Sớm có văn bản hướng dẫn việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức

Về xử lý các vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã có những thay đổi quan trọng. Theo Luật này, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ và đối với công chức đã được phân biệt cụ thể, đồng thời không có hình thức kỷ luật hạ ngạch nhưng thêm hình thức kỷ luật giáng chức.

Khoản 4 Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010, Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, nhưng sự chậm trễ trong việc ban hành đã dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật.

3.2. Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức

Việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 118/2006/NĐ-CP ngày 10/10/2006. Nghị định này được ban hành trên cơ sở của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, và những sửa đổi bổ sung của Pháp lệnh này. Đến nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thay thế Pháp lệnh năm 1998 nhưng Nghị định số 118/2006/NĐ-CP quy định về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức chậm được sửa đổi bổ sung. Tình trạng này đã dẫn đến sự lúng túng khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức khi có sự việc xảy ra.

3.3. Cần hướng dẫn cụ thể về những đối tượng áp dụng chế độ kỷ luật đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp công lập

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì những người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 3 Luật Viên chức năm 2010, khi giải thích từ ngữ thì quy định như sau: “Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải là công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý”. Như vậy, cần có sự hướng dẫn thống nhất đối tượng nào trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức và đối tượng nào là viên chức quản lý, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chế độ kỷ luật đối với các đối tượng này.

Xem Thêm

Bình Thuận: Chọn danh mục đề án phản biện năm 2025
Chiều ngày 02/01/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức họp cho ý kiến danh mục các đề án, dự án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch (gọi chung đề án) thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội năm 2025 của Liên hiệp hội tỉnh.

Tin mới

VUSTA tham dự Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới được tổ chức từ ngày 26-31/01/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Oman. Đại diện VUSTA có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dự.
VUSTA làm việc với tổ chức Korea CEO Summit
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2025 – Tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đã có buổi làm việc với ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc của tổ chức Korea CEO Summit. Hai bên đã chia sẻ thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác để tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ 2025 (CICON 2025).
Vĩnh Phúc: Sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh
Sáng ngày 07/02/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (LHH) tổ chức Hội nghị thông qua đề án sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh. Phó Chủ tịch phụ trách LHH Đỗ Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Đạm đồng chủ trì hội nghị.