Một số điều lưu ý khi sử dụng thức ăn, phân bón trong nuôi cá
Hiện nay rất nhiều bà con nuôi cá chưa biết cách sử dụng thức ăn, phân bón hợp lý, đúng cách, hoặc biết nhưng coi nhẹ, sử dụng tùy tiện, theo thói quen… đa số người nuôi cá sử dụng đơn một loại lương thực (ngô, cám, lúa)… hoặc sử dụng thức ăn dạng thô để cho cá ăn mà ít khi phối trộn, chế biến (nấu chín, ủ chua, nghiền nhỏ…) nên không đảm bảo các thành phần dinh dưỡng, cá khó hấp thụ. Ngoài ra, rất nhiều người nuôi cá hiện nay cho cá ăn mà không xác định được khẩu phần ăn bao nhiều là đủ mà chủ yếu dựa vào cảm tính và khả năng cung cấp nguyên liệu có sẵn của gia đình, không căn cứ vào số lượng cá nuôi trong ao.Việc không xác định đúng khẩu phần ăn cho cá dẫn đến tình trạng thiếu hoặc thừa thức ăn. Nếu thiếu thức ăn cá sẽ còi cọc, chậm lớn, sức đề kháng kém… ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi; thừa thì lại lãng phí và gây ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh đó, việc cho cá ăn đúng thời gian, đúng vị trí hàng ngày cũng ít được bà con chú trọng áp dụng mặc dù đã được hướng dẫn. Vào những ngày nắng nóng hoặc thời tiết thay đổi, buổi sáng ao nuôi thiếu oxy, cá nổi đầu để thở mà vẫn đưa thức ăn xuống ao, thức ăn thừa nhiều chìm xuống đáy làm ô nhiễm môi trường nước lại càng gây thiếu oxy trong nước hơn. Ngoài ra, bà con nuôi cá thường sử dụng thức ăn tinh ở những tháng nuôi đầu và cuối vụ nuôi, những tháng nuôi giữa ít cho cá ăn hoặc thỉnh thoảng mới cho ăn, quá trình cung cấp thức ăn không liên tục, ảnh hưởng đến sinh trưởng bình thường của cá. Việc sử dụng phân bón, nhất là phân hữu cơ trong nuôi cá cũng chưa đúng cách, nhất là trong các trang trại chăn nuôi kết hợp với nuôi thủy sản, chuồng trại được xây dựng cạnh ao nuôi hoặc ngay trên mặt ao.
Một số lưu ý:
- Việc sử dụng thức ăn phải tuân theo nguyên tắc 4 định; định chất lượng thức ăn; định thời gian cho ăn và định địa điểm cho ăn. Thức ăn phải hợp cỡ mồi, đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển và phù hợp với đặc tính dinh dưỡng của từng loại cá.
- Khẩu phần ăn hàng ngày phải căn cứ vào thành phần và khối lượng cá nuôi trong ao, đảm bảo cá ăn đủ no, ăn hết, tránh nhiều thức ăn cá chậm lớn hoặc thừa thức ăn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường nước. Với hình thức nuôi bán thân canh đang được áp dụng phổ biến hiện nay, khẩu phần ăn là thức ăn tinh (bột ngô, cám, lúa, đõ tương, bột cá….) cho các loài cá rô hu, mrigal, chép lai, chim trắng, rô phi từ 2-3% trọng lượng cá nuôi trong ao; thức ăn xanh cho cá trắm cỏ từ 15-25% tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá và theo điều kiện thời tiết, môi trường ao nuôi.
- Việc sử dụng phân bón, nhất là phân hữu cơ trong nuôi cá, trong các trang trại chăn nuôi kết hợp với nuôi cá, chuồng trại được xây dựng cạnh ao nuôi hoặc ngay trên mặt ao thì phải gom phân, ủ vôi bột ít nhất 15 ngày mới sử dụng. Đặc biệt là không xả nước thải rửa chuồng trại trực tiếp xuống ao mà phải dẫn vào hầm biogas. Nếu thải trực tiếp thì những tháng nuôi đầu cá rất nhanh lớn do nguồn thức ăn dồi dào, nhưng từ tháng nuôi thứ 3, 4 trở đi cá bắt đầu bị bệnh và chết hàng loạt. Nguyên nhân là do mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng) theo phân, nước thải xuống ao, thời gian đầu lượng vi khuẩn, vi rút còn ít, cá chưa bị mắc bệnh, những tháng nuôi sau, lượng vi khuẩn, vi rút xuống ao nhiều, cá ăn phải lượng vi khuẩn lớn vào trong ruột, gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột (còn gọi là bệnh đốm đỏ, xuất huyết) là loại bệnh nguy hiểm, gây hại nghiêm trọng nhất trong nghề nuôi cá nước ngọt hiện nay. Bên cạnh đó, môi trường nước bị ô nhiễm làm cho cá nuôi chết hàng loạt.
- Khi sử dụng phân vô cơ trong nuôi cá (phân đạm, phân lân) phải được bón riêng từng loại, phân phải được hòa lãng té đều khắp ao, tỷ lệ phân đạm/lân là 2/1. Mục đích bón phân cho ao nuôi là để cung cấp muối dinh dưỡng cho tảo phát triển làm thức ăn cho cá và cân bằng môi trường nước, do vậy phải chọn thời điểm thích hợp sử dụng. Thời điểm thích hợp để bón phân vô cơ là từ 8 - 10 giờ sáng khi có ánh sáng mặt trời, tảo quang hợp và hấp thu muối dinh dưỡng tốt nhất, tránh bón phân vào sáng sớm hoặc chiều tốt, khi không có ánh sáng mặt trời, tảo không quang hợp được sẽ lãng phí.
Những biện pháp kỹ thuật nêu trên tưởng chừng rất đơn giản nhưng ít được người nuôi cá áp dụng, sử dụng hợp lý, đúng cách dẫn đến thất bại trong sản xuất. Thiết nghĩ đây là bài học sâu sắc cho nhiều nông dân, chủ trang trại nuôi cá hiện nay.