Luật sư Phan Anh: Chuyện “thời thế tạo anh hùng”
Ông còn giữ cương vị phó chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; phụ trách nhóm liên minh Quốc hội sau khi Việt Nam gia nhập LHQ năm 1979; ông còn là chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới của Việt Nam và phó chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới, phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Luật gia - luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại làng Tùng ảnh (xã Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Với truyền thống từ một gia đình nho học yêu nước, vượt qua cuộc sống thời niên thiếu gian nan, vất vả, ông sớm tiếp cận đến một nền tri thức hiện đại tạo nên phẩm chất của một nhà hoạt động xã hội, một chính khách.
Năm 22 tuổi, ông thi đỗ 3 bằng tú tài (Tú tài bản xứ, Tú tài chính quốc Pháp về toán và triết học - một thành tích hiếm có lúc đó). Lên đại học, ông phải chọn giữa hai ngành luật và y dược (vì lúc đó ở Đông Dương chỉ có một trường đại học Đông Dương với 2 ngành đào tạo là Luật và Y dược). Với tư tưởng hành nghề tự do sau khi ra trường, ông đã quyết định học Luật.
Cuối năm 1937, ông sang Pháp để tiếp tục học luật, với ý định trở thành giáo sư trường Đại học Luật. Tuy nhiên, cuối năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông phải bỏ dở việc học để trở về Tổ quốc. Trong thời gian ở Pháp, ông đã tập trung nghiên cứu pháp luật và tích lũy được những kiến thức sâu rộng về nhiều ngành pháp luật, tiếp cận những quan điểm tiến bộ của giới luật gia các nước phương Tây.
Vì thế, khi về nước, ông quyết định hành nghề luật sư. Bằng những lập luận chặt chẽ, có cơ sở pháp luật, khai thác một cách khôn khéo những tình tiết giảm tội, sử dụng những kỹ năng bào chữa, trong nhiều trường hợp phức tạp, ông đã thuyết phục tòa án Pháp, quan tòa Pháp đưa ra những phán quyết có lợi cho những chiến sĩ cách mạng là thân chủ của ông.
Từ khi về nước, luật sư Phan Anh sớm ý thức được trách nhiệm của người trí thức đối với đồng bào và Tổ quốc khi chọn diễn đàn "Thanh Nghị" của giới trí thức cấp tiến đương thời để lập ngôn. Là người am hiểu pháp luật, ông đã góp sức mình trong việc xây dựng chế độ Cộng hòa Dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc và dùng lý lẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế.
Từ một luật sư, ông đã trở thành chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng, 30 năm là Đại biểu Quốc hội, thành viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII. Bằng học vấn uyên bác, tư duy logic, sự nhạy cảm về chính trị, tài năng, tâm hồn của một luật gia trong sáng là những yếu tố đã giúp ông trong hoạt động chính trị trong nước và quan hệ với chính khách nước ngoài.
Trên báo Nhân dân (tháng 7/1990), luật sư Phan Anh kể về lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách đầy bất ngờ: "Tôi nhớ một đêm đông ở trường trung học mà tôi ở nội trú, kỷ luật sắt của nhà trường không cho phép ai mang sách lên phòng ngủ. Nhưng tôi đã đi vào nằm trong giường, đắp chăn trùm kín chỉ để hé một khe nhỏ để đọc một quyển sách nằm trong danh sách cấm của chính quyền Thực dân khi đó. Đó là quyển sách "Bản án chế độ thực dân Pháp".
Tôi đọc từng trang, từng dòng; háo hức như người khát nước, uống từng câu từng chữ, quên cả ngủ để đọc. Sáng hôm sau quyển sách phải chuyền tay cho anh bạn khác. Tôi nghĩ: Phần lớn thanh niên, học sinh ở lớp tuổi tôi trong thời gian này (1925 - 1930) đã được gặp Hồ Chủ tịch theo cách đó....".
"Sự gặp gỡ này đã quyết định hướng đi của đời tôi vốn có gốc rễ từ trong quê hương Nghệ Tĩnh, trong một gia đình nhà nho nghèo: Học không chỉ để mưu sinh, mà nhất định là phải đi tìm con đường để giải phóng đất nước. Bằng con đường nào? Bằng con đường mà Nguyễn ái Quốc đã vạch ra".
Từ sự chọn lựa này, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông về nước làm luật sư ở Tòa thượng thẩm Hà Nội và tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim (Giai đoạn sau khi Nhật đảo chính Pháp) với chức vụ Bộ trưởng Bộ Thanh niên, cùng Tạ Quang Bửu thành lập Trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế (năm 1945). Từ năm 1945 cho đến khi thống nhất Tổ quốc năm 1975, ông là thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau năm 1975 cho đến cuối đời, ông tham gia các hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới.
Trong những năm 1976 - 1990, bằng tài năng và nhiệt huyết, ông đã đóng góp xứng đáng vào phong trào hòa bình của nhân loại tiến bộ, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Tấm Huy chương vàng Giôliô Quyri do Hội đồng Hòa bình Thế giới trao tặng cho ông đã nói lên điều đó.
Những hoạt động đóng góp của luật sư Phan Anh đã được ghi nhận. Điển hình là ngày 2/3/1946, lúc 10h sáng, tại lễ công bố thành viên Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, khi giới thiệu thành phần Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Một thanh niên trí thức và hoạt động mà quốc dân đã từng nghe tiếng, ông Phan Anh".
Sau này, trong lời nhận xét của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đánh giá: "... Anh Phan Anh, người trí thức yêu nước đã một lòng đi theo con đường của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Việt Nam ". Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Romesh Chandra, cũng phải thốt lên: "Đồng chí Phan Anh là một người chỉ dẫn, người thầy giáo (là) một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng...".
Luật gia - luật sư Phan Anh không chỉ là một chính khách mà còn là một nhà hoạt động xã hội, xây dựng và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực pháp luật. Nổi bật là sáng kiến của ông sau Đại hội khóa III thành lập ủy ban Dân chủ - Pháp luật, một tổ chức tư vấn về pháp luật tập hợp các Luật gia nhằm tư vấn cho ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dân chủ và pháp luật.
Những năm cuối đời (1987 - 1990), cùng với Ban Dân chủ - Pháp luật mà ông là Trưởng ban, ông đã đóng góp ý kiến nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng Hình sự (1987), Pháp lệnh Tổ chức Luật sư (1987). Nhắc đến ông, người ta còn biết đến là một trong những người đầu tiên tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp nước ta năm 1946.
Luật gia - luật sư Phan Anh đặc biệt quan tâm đến việc tập hợp đội ngũ Luật gia Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng Nhà nước, trụ cột của hệ thống chính trị, công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc quan điểm của quần chúng, trong 35 năm lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam (1955 - 1990) trên cương vị chủ tịch Hội, ông đã góp phần quan trọng đưa Hội, một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của trí thức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật từng bước trưởng thành, lớn mạnh, vị thế ngày càng được nâng cao ở trong nước về trên trường quốc tế.
Năm 1993, tại Đại hội Luật gia Việt Nam lần thứ VIII (tháng 5/1993), đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Trải qua thử thách của mấy thập kỷ chiến đấu chống ngoại xâm, đội ngũ Luật gia chúng ta đã tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của mình đối với công việc của đất nước cũng như trên trường quốc tế, góp phần làm sáng tỏ về mặt pháp lí cũng như chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, chẳng những tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của thế giới mà còn có những đóng góp cho sự phát triển của pháp luật quốc tế, nhất là khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Công pháp quốc tế hiện đại. Trên mặt trận đó, nổi lên tên tuổi của các luật gia tiêu biểu: Nguyễn Hữu Thọ, Phan Anh”.