Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam với công tác bảo vệ môi trường
Môi trường là tập hợp những điều kiện bên ngoài tác động đến các hoạt động sản xuất và đời sống của con người, trong đó có môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế và môi trường xã hội. Đối với sự sống còn và phát triển của cả loài người, từng dân tộc và mỗi cộng đồng, môi trường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Với 98 hội thành viên ( 56 hội khoa học - công nghệ ngành ở trung ương và 42 liện hiệp hội tỉnh, thành phố) và khoảng 120 đơn vị trực thuộc, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) là nơi tập hợp các nhà khoa học và công nghệ đầu ngành đạt trình độ cao và giàu kinh nghiệm. Đội ngũ chuyên gia đó hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, và khoa học công nghệ, tạo nên tiềm năng đa ngành và liên ngành của Liên hiệp hội. Đại diện cho đông đảo các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam bao gồm khoảng 180 vạn người ở trong nước và 30 vạn người ở nước ngoài, Liên hiệp hội là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ nước nhà.
Phát huy tiềm năng thế mạnh đó, Liên hiệp hội không ngừng ra sức phấn đấu nhằm củng cố và phát triển tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V thông qua; trong đó công tác bảo vệ môi trường thường xuyên giữ một vị trí quan trọng và được thực hiện thông qua các hoạt động sau đây:
Đào tạo và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường: 72/149 tờ báo, tạp chí, bản tin và trang web đăng tải nhiều tin, bài về bảo vệ môi trường. Hàng trăm đầu sách được xuất bản với nội dung bảo vệ môi trường, trong đó có bộ sách “ Việt Nam: Môi trường và cuộc sống” (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ấn hành). Nội dung này cũng được đề cập trong sinh hoạt của hơn 40 câu lạc bộ, được giới thiệu tại hơn 10 cuộc triển lãm, trong đó nổi bật là Hội chợ triển lãm Tuần lễ Xanh Quốc tế Việt Namđược tổ chức hàng năm. Hơn 70 hội nghị, hội thảo khoa học về bảo vệ môi trường đã được tổ chức với những quy mô khác nhau trong thời gian qua. Ngoài ra còn có hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn với nội dung bảo vệ môi trường.
Điều tra hiện trạng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường: Trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, với kinh phí từ sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khoa học, Liên hiệp hội và các hội thành viên thực hiện 23 dự án điều tra hiện trạng, 19 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 27 nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường. Bằng nguồn kinh phí của các bộ, ngành và địa phương cũng đã có 44 đề tài, dự án do 16 liên hiệp hội tỉnh, thành phố chủ trì hoặc phối hợp thực hiện. Ngoài ra, 27 công nghệ đã được chuyển giao vào các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo vệ đất, sản xuất thuốc và bảo vệ thực phẩm. Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc tổ chức 2 năm 1 lần đã thu hút được khoảng 350 giải pháp kỹ thuật có liên quan đến việc làm sạch nước phục vụ sinh hoạt, xử lý các loại chất thải. Trong những năm 2001-2003, trong số 37 công trình khoa học về bảo vệ môi trường được xét chọn, đã có 20 công trình được nhận Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam.
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội về bảo vệ môi trường: Trong hầu hết các báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội, công tác bảo vệ môi trường chiếm một vị trí quan trọng. Đó là các dự án nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, công trình thuỷ điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua vườn Quốc gia Cúc Phương), thay nước Hồ Tây (Hà Nội) v.v… Bên cạnh đó là việc thẩm định và phản biện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với gần 40 công trình. Ngoài ra, Liên hiệp hội và các hội thành viên còn đóng góp ý kiến quan trọng vào các văn bản dự luật và dưới luật có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
Phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo: Trong số 35 dự án phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo do Liên hiệp hội thực hiện có 4 dự án liên quan đến việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cùng với việc đóng góp công sức và trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực và giàu nhiệt tình, Liên hiệp hội còn huy động từ các nguồn khác nhau và đầu tư cho hoạt động này hàng chục tỷ đồng. Qua đó, Liên hiệp hội không chỉ góp phần cải thiện đời sống vật chất của nhân dân, đặc biệt là của đồng bao các dân tộc ít người, mà còn tác động mạnh mẽ vào việc thay đổi phong tục, tập quán, bảo vệ và cải thiện môi trường tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường: Từ hơn mười năm nay, cùng với việc phát huy cao độ nội lực, Liên hiệp hội, các hội thành viên và đơn vị trực thuộc luôn luôn coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Hàng chục cuộc hội thảo khoa học quốc tế đã cung cấp cho các nhà khoa học của Liên hiệp hội những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về nhiều lĩnh vực chuyên môn, nhiều hiện tượng tự nhiên có quan hệ trực tiếp đến sự phát triển của các quốc gia, đến cuộc sống của nhân dân các nước. Sự trợ giúp quốc tế đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất bản và phát hành nhiều loại ấn phẩm định kỳ và không định kỳ với các nội dung về bảo vệ môi trường. Hội chợ triển lãm Tuần lễ Xanh Quốc tế Việt Nam không chỉ có các gian trưng bày những hình ảnh, thành tựu, trang thiết bị, máy móc thuộc các lĩnh vực về nông, lâm, ngư nghiệp và bảo vệ môi trường của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút được sự tham gia của hàng chục quốc gia khác. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, một số cán bộ của các tổ chức hội có điều kiện tu nghiệp hoặc tham dự các sinh hoạt khoa học về bảo vệ môi trường ở nước ngoài, trong đó có người đã đoạt được học vị Thạc sỹ. Với sự tài trợ quốc tế, đến nay đã có trên 50 dự án được triển khai, trong đó có một số dự án về môi trường tại các địa bàn dân cư miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trên cơ sở quán triệt các văn kiện của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu tiềm năng và thế mạnh, tổng kết thành tựu và kinh nghiệm của Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có các nhiệm vụ ưu tiên của Liên hiệp hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho giai đoạn đến năm 2010. Những nhiệm vụ này đã được trình bày tại các cuộc hội thảo do Liên hiệp hội tổ chức tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều hội thành viên và đơn vị trực thuộc có các hoạt động bảo vệ môi trường.
1 . Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường: Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác nâng cao nhận thức của cộng đồng sau 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến về xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thực của cộng đồng về bảo vệ môi trường tại các đô thị và khu công nghiệp, các làng nghề, các làng văn hoá, các khu du lịch, các hang động, các vườn quốc gia và khu bảo tồn sinh thái, các rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ, các vùng ven biển và hải đảo, các vùng có hệ sinh thái kém bền vững, về các tai biến thiên nhiên và địa chất, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho giáo viên và học sinh, tuyên truyền và phổ biến kiến thức kết hợp sản xuất nông - lâm nghiệp với bảo vệ môi trường.
2 . Điều tra hiện trạng và đề xuất quy hoạch môi trường: Điều tra, đánh giá tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường và tài nguyên ở các thành phố lớn, thực trạng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại các đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, hiện trạng và nhu cầu nước sạch ở nông thôn, hiện trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, các cơ sở nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, các vùng khai hoang, ven biển, đất ngập nước và rừng ngập mặn, tai biến thiên nhiên tại các sông rạch, hồ chứa nước lớn, hiện trạng môi trường vùng phụ cận các nhà máy xi măng, nhiệt điện và lò phản ứng hạt nhân, hiện trạng và xu thế diễn biến của đa dạng sinh học trên hành lang đường Hồ Chí Minh, khai thác kiến thức bản địa và văn hoá truyền thống trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng có hệ sinh thái nhạy cảm.
Cán bộ dự án “Nghiên cứu tác động của quá trình tái định cư công trình thủy điện Sơn La” cùng người dân địa phương |
4. Thẩm định, giám sát đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong các dự án đầu tư: Tổng kết kinh nghiệm xây dựng quy trình, phương pháp thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các đề án quy hoạch và kiến trúc đô thị, các dự án di dân tái định cư, các khu công nghiệp và khu chế xuất, các khu du lịch, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản tập trung, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho một số ngành nông, ngư nghiệp.
5. Tư vấn lựa chọn công nghệ thích hợp trong bảo vệ môi trường: Tư vấn lựa chọn công nghệ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, mô hình hầm biogas, xử lý ô nhiễm bụi ở các cơ sở sản xuất công nghiệp, xử lý chất thải rắn, bùn và chất thải lỏng ở các đô thị lớn, xử lý nước nhiễm Fe ++, NH 4+, NO 2-, NO 3-, As, công nghệ sản xuất sạch trong nông nghiệp và thuỷ sản, cấp - thoát nước tại các vùng nuôi tôm trên cát, phòng và ứng cứu sự cố tràn dầu tại các sông, biển, công nghệ và thiết bị lọc nước.
6. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường: Trao đổi kinh nghiệm về quản lý môi trường và tài nguyên nước thuộc lưu vực sông Hồng và sông Mêkông, các vùng ven biển, hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường, về quản lý nước theo vùng, theo thuỷ vực, về xử lý rác thải, tìm kiếm, thăm dò và bảo vệ nước dưới đất ở những vùng đá vôi gần biên giới, ứng dụng kỹ thuật viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, đánh giá hiện trạng và vai trò của đa dạng sinh học.
Từ mỗi nhiệm vụ ưu tiên nêu trên có thể hình thành một số dự án, đề tài do một hay một số tổ chức hội thực hiện. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ lý thuyết và thực hành của đội ngũ cán bộ hội, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.