Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và những ngôi mộ gió ở đảo Lý Sơn
“ Hoàng Sa mây nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai Khao lề thế lính Hoàng Sa”
Câu ca đó và những ngôi môi gió trên hòn đảo rộng chưa đầy 10 km vuông cứ luôn là nỗi day dứt, ám ảnh trong tâm thức của người dân Lý Sơn, mặc dù ngày nay không còn những cuộc ra đi phó mặc sinh mệnh cho sóng to, gió lớn biển Đông của các trai làng Lý Sơn như thuở trước.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa bắt nguồn từ những năm đầu thế kỷ XVII, khi chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong thành lập các đội dân binh bao gồm các trai tráng Lý Sơn, vào tháng 2 lên thuyền ra Hoàng Sa (tên gọi chung của cả Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay) thu lượm hàng hoá trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm về dâng nộp.
Về sự kiện này, Sách Phủ biên Tạp lụccủa Lê Quý Đôn, viết rất rõ: “trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người ở xã Anh Vĩnh (thuộc đảo Lý Sơn - TG) xung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển 3 ngày, 3 đêm thì đến các đảo ấy (tức Hoàng Sa, Trường Sa - TG) rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột ốc hoa rất nhiều. Đến kì tháng 8 thì về, vào cửa Eo (cửa Thuận An - TG) thành Phú Xuân để nộp. Cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về”. Trong Toàn tập Thiên nam Tứ chi Lộ đồ thưcủa Đỗ Bá Công Đạo, ở phần chú thích bản đồ phủ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng viết: “Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 10 chiếc thuyền đến lấy hoá vật phần nhiều là vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn”.
Thực chất đội Hoàng Sa là đội thuỷ binh mà Nhà nước lập nên để làm nhiệm vụ khai thác kinh tế ở Hoàng Sa, Trường Sa. Sang thời các vua Gia Long, Minh Mạng đội này còn được giao thêm nhiệm vụ đo đường đi, vẽ bản đồ, cắm cột mốc đồng thời lưu trú ở đây trong khoảng thời gian 6 tháng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo.
Trong điều kiện đi biển với các công cụ hết sức thô sơ thời bấy giờ, những cuộc ra đi của trai làng Lý Sơn là những cuộc ra đi tiềm ẩn đầy bất trắc không hẹn ngày về. Để tránh những rủi ro, cầu mong sự bình an may mắn, các gia đình, họ tộc có người thân đi biển đã làm lễ Khao lề thế lính. Lễ này thường được tiến hành vào khoảng trung tuần tháng 2 hàng năm, trước thời điểm đội Hoàng Sa lên đường ra đảo. Họ làm các hình nộm, mời pháp sư yểm bùa, sau đó cho xuống những bè làm bằng cây chuối hoặc tre, nứa thả xuống biển, đồng thời dâng sớ khấn vái với hi vọng người ra đi sẽ sống sót trở về vì đã có hình nhân thế mạng.
Không biết có bao nhiêu người con của Lý Sơn lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Nhà nước giao phó. Trong số ấy, có bao nhiêu người may mắn trở về và còn bao nhiêu người nữa đã nằm lại trên biển. Với tâm niệm, để cho linh hồn người chết được siêu thoát, khỏi tủi phận, các gia đình, dòng họ có con em vĩnh viễn ra đi mà xác thân không tìm thấy, đã làm những ngôi mộ gió (thực chất là những ngôi mộ chôn các hình nhân). Trải từ đời này qua đời khác suốt hơn 2 thế kỷ tồn tại của đội Hoàng Sa (từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX), trên hòn đảo này cứ một dày thêm những ngôi mộ gió nhỏ to đủ kích cỡ. Đó chính là một phần của trang sử đầy bi hùng về những chàng trai đất Việt từng vượt sóng gió, hiểm nguy ra khai thác và trấn giữ vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc trên biển.
Những ngôi mộ gió và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tự khi nào đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh cộng đồng cư dân người Việt trên đảo Lý Sơn. Đó vừa là nét đẹp truyền thống văn hoá của người dân nơi đây, vừa là minh chứng hùng hồn hết sức có giá trị khẳng định một điều không thể chối cãi: Hoàng Sa, Trường Sa chính là phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đã được cắm dựng trong lòng người dân đất Việt suốt mấy trăm năm. Cột mốc ấy ai có thể dễ dàng phủ nhận và xô ngã nổi.