Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Lương y Nguyễn Sỹ Nghị - Một tấm lòng cao cả
Tôi đến nhà ông trong ánh nắng tà của chiều cuối đông miền sơn cước. Khách vẫn còn đông tới hơn chục người chờ đến lượt mình lấy thuốc. Vẫn tác phong hiền từ, không có gì vồn vã, ông mời tôi vào nhà uống nước, trò chuyện. Tôi ngạc nhiên đề nghị ông tiếp tục bốc thuốc cho bệnh nhân trước đã. ông cười hồn hậu: Chú yên tâm. Bây giờ chỉ những lúc bệnh nhân nặng hoặc quá đông khách tôi mới phải làm còn bình thường đã có cậu cả lo. Tôi mừng thầm, vậy là ông đã có người kế nghiệp.
Phương thuốc bí truyền và bàn tay kỳ diệu
Không ai thốngkêđượcbao nhiêu ngườibệnhđãqua tayông,khônghềcóhồsơbệnhán nàođểlại. Chỉbiếtrằng, tổ tiên ông làm thuốc từ thời Hậu Lê. Ông làm nghề này đã hơn 43 năm do cha ông truyền lại. Hiện nay, ngày ít nhất cũng có trên 50 bệnh nhân, ngày đông có tới hơn 200 người. Người bệnh đến với ông từ khắp mọi miền đất nước. Thuốc của ông cũng đã lên máy bay đến với bệnh nhân các nước, đặc biệt là bà con Việt Kiều xa Tổ quốc. Không chỉ người đến lấy trực tiếp mà còn rất nhiều người gửi thư và tiền đến nhờ ông gửi giúp thuốc cho. Ông thong thả lôi ra một đống thư từ có đến hơn chục cân của người bệnh từ xa gửi về cảm ơn hoặc đề nghị gửi thuốc. Trong số đó có nhiều bức thư của các đồng chí cán bộ cấp cao, không chỉ Việt Nam mà cả từ nước bạn Lào.
Rất nhiều căn bệnh liên quan đến xương qua tay ông đều chóng khỏi đến khó tin. Chỉ 5 phút nếu bị trật khớp, vài tuần nếu là gãy xương, bệnh nhân sẽ được chữa khỏi hoàn toàn. Tôi còn nhớ như in cách đây hai mươi năm cậu Toàn - người thành phố Vinh, bị gãy xương hàm, đi hết bệnh viện này bệnh viện khác bốn tháng trời vẫn không khỏi, tình cờ tôi vào thăm nhìn bạn phải húp từng thìa cháo, tôi vội vàng chở bạn vào gặp ông Nghị lấy thuốc, chỉ vài tuần sau bạn tôi đã bình phục hoàn toàn. Tôi được thơm lây, tình bạn bè càng thêm khăng khít.
Thuốc của ông tuy chỉ là những thứ thảo mộc dân dã nhưng không chỉ chữa được những bệnh về xương mà cả những bệnh về khớp cũng đều có khả năng chữa khỏi hoặc giảm nhẹ cơn đau. Nhiều bệnh nhân thoái hoá cột sống, đau khớp gối cũng tìm đến ông. Tuy nhiên với tư cách là một lương y chân chính, ông không bao giờ làm bừa, chữa ẩu. Những bệnh nhân bị gãy xương cần phẫu thuật, bó bột, ông chỉ bó định vị giúp và giới thiệu đi bệnh viện ngay. Điều ngạc nhiên là các bác sỹ bao giờ cũng đánh giá cao sự định vị chuẩn xác của ông. Nhiều trường hợp bệnh viện không cần cố định lại, chỉ bó bột là xong
Thầy thuốc của người nghèo
Hai mươi năm trước một thang thuốc của ông là 1 ngàn đồng, bấy giờ khi giá cả đã leo thang chóng mặt, mỗi thang thuốc của ông cũng chỉ 2.500 đồng (12/2007). Số tiền chênh lệch này chỉ đủ bù cho khoản tiền trả công cho người thu hái dược liệu.Có người hỏi: Sao bác không tăng giá thuốc lên năm ngàn, mười ngàn..?. ông lắc đầu lặng buồn không nói. Nhiều người trả tiền hơn ông kiên quyết không nhận. Một cán bộ lãnh đạo nước Lào còn trả hàng trăm USD ông cũng chỉ lấy đúng số tiền như người Việt. Cảm ân đức của ông có người có nhã ý tặng ông cả nếp nhà, có người muốn mời ông một chuyến du lịch trọn gói ở châu Âu, ông chỉ lắc đầu nhẹ nhàng từ chối.
Những gia đình chính sách, bà con lối xóm, bạn bè và những bệnh nhân nghèo, những ca tai nạn do Hội Chữ thập đỏ giới thiệu đến đều được ông chữa miễn phí. Một số người tại các địa phương khác đề nghị ông được làm đại lý thuốc để kiếm lời, ông kiên quyết từ chối. Đã có một vài điểm lấy thuốc ông rồi pha chế, gói lại để bán, khiến người bệnh tiền mất tật mạng Bây giờ, trong mỗi chén thuốc của ông, ngoài hướng dẫn cách sắc, cách uống ông còn có thêm dòng chữ : Thuốc chỉ bán tại nhà, không bán tại bất kỳ đại lý nào khác.
Khi mà dư luận xã hội đang bức xúc về sự xuống cấp của y tâm y đức trong ngành y, khi mà còn có những thầy thuốc làm tiền trên đau khổ của bệnh nhân thì những con người như ông thật đáng trân trọng. Khi tôi đề cập đến chuyện này, ông cười buồn: “ Không chỉ có bệnh viện tỉnh, huyện đâu chú ạ. Ngay cả các trạm xá bây giờ, mỗi đêm năm trạm cũng phải nộp 15 ngàn tiền viện phí, mỗi phát tiêm, ngoài tiền mua xơ ranh cũng phải trả 2 ngàn đồng”. Theo ông, ngoài việc nâng cao chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ y tế cần phải xây dựng thêm nhiều bệnh viện tư để tăng tính cạnh tranh đồng thời phải nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến tỉnh để giảm tải cho các bệnh viện ở Trung ương.
Một lương y- Giải quyết việc làm bằng một xí nghiệp
Trời gần tối, bệnh nhân về gần hết, năm bảy chị trung niên chở mỗi người ba bốn bì lá vào nhà ông. Đó là những người cung cấp dược liệu cho ông. Vừa đẩy hộ xe cho một chị vào cổng tôi vừa hỏi vui: Mùa màng đến đâu rồi mà đi bứt lá chị? Chị hồ hởi đáp: “Nhà chỉ có dăm sào ruộng hai vợ chồng làm chỉ có mấy ngày là hết việc. May có ông Nghị làng tui được nhờ, tiền tiêu vặt, tiền học của con đều nhờ ở lộc ông cả”. Ông cho biết, mỗi năm gia đình ông thu mua trên 30 tấn dược liệu, nhờ vậy giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 ngưòi với thu nhập 50-70 ngàn đồng mỗi người/ngày. Trong lúc vấn đề giải quyết công việc cho bà con nông dân lúc nông nhàn đang là vấn đề bức xúc thì điều này lại là một đóng góp quan trọng nữa của ông đối với xã hội.
Một ước mơ nho nhỏ
Lương y Nguyễn Sỹ Nghị quê ở xã Nga Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Điện thoại nhà riêng ông Nghị 039 842143. Đường đi vào nhà ông Nghị: Từ Thị trấn Can Lộc(Nghèn ) đi lên khoảng 20km hoặc từ thị xã Hồng Lĩnh đi theo đường 8A 10KM rẽ về đường 15 A 8 Km hỏi thăm ai cũng biết nhà ông Nghị. |
Nhìn thuốc chứa chất ních cả một nhà kho ba gian, tôi nghĩ thầm không biết khai thác như vậy thì nguồn dược liệu dù đơn giản kia có bao giờ cạn kiệt không.? Tôi đem điều băn khoăn đó hỏi ông có cần một sự trợ giúp nào để bảo tồn nguồn dược liệu kia không? Ông cho biết: “ Người dân rất có ý thức bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu vì đó là một nguồn thu nhập của họ, chỉ có một số loài suy giảm như cây Đẻn thì bản thân ông đã hỗ trợ bà con ươm giống trồng rồi”. Như vây là không đợi đến chương trình này chương trình nọ như những nơi khác, ông đã có sự chuẩn bị cho tương lai. Tôi gặng hỏi tiếp: “ Ông có cần một trợ giúp nào về khoa học công nghệ không?”. Ông vui vẻ: “ Nếu có tôi chỉ mong có được mỗi cái máy đóng gói thuốc.Tôi sẵn sàng bỏ tiền để mua chiếc máy đó. Tôi không đóng gói bằng túi ni lông vì nó vừa làm giảm hiệu quả thuốc vừa gây tác động xấu đến môi trường. Chỉ riêng giấy để gói thuốc mỗi tháng cũng đến 300 kg báo cũ”. Chỉ đơn giản vậy nhưng biết bao giờ ước mơ của ông mới thành hiện thực? Tôi viết lại cây chuyện này để các nhà chế tạo máy quan tâm đến ước mơ của ông - một ước mơ rất giản dị của một lương y tài năng, tâm huyết.
Phúc dày để lại
Tôi đã từng nhiều lần tiếp xúc với ông, phải thừa nhận rằng ông là một con người lao động chân chính, một con người thức thời. Là một lương y, đồng thời lại một nhà nông giỏi. Trong con mắt người dân xã Nga Lộc là hình ảnh một ông Nghị làm ruộng giỏi, chăn nuôi cừ với hàng trăm con trâu bò, hàng chục con hươu. Ông rất đủ điều kiện để đến lập nghiệp ở các thành phố, thậm chí ở Hà Nội, nhưng ông vẫn gắn bó với quê hương, với nghiệp cứu người, giúp đời. Bản thân là vậy, nhưng ông lại rất chú trọng việc học của con cái. Nhờ tu tâm, tích đức, nhờ biết đầu tư cho tương lai, đến bây giờ bảy người con của ông đều học hành tử tế: một người thạc sỹ, năm người tốt nghiệp đại học, một trung cấp, trong đó ba người con làm ăn ở nước ngoài, một ở Ba Lan, hai người ở Nga, còn lại anh con cả ở quê nối nghiệp bố.
Công lao to lớn của ông thật đáng trân trọng. Không chỉ hoạt động chuyên môn, ông còn tích cực tham gia vào công tác xã hội. Người dân Nga Lộc còn nhớ mãi hình ảnh ông y sỹ tận tuỵ của trạm Y tế xã năm nào. Giờ đây đã nghỉ hưu nhưng số tiền lương đó ông dành cho việc thiện. Ông còn là Hội viên Hội Đông y, hội viên Hội Chữ thập đỏ. Hàng chục tấm bằng khen của các cấp và Huân chương lao động hạng Ba của nhà nước trao tặng năm 2000 đã phần nào nói lên công trạng của ông.
Rồi thời gian sẽ qua, dù không tượng đài, bia đá nhưng chắc chắn rằng tên tuổi của ông sẽ lưu danh trong sử sách ngành y và hình ảnh của ông sẽ là một tượng đài vĩnh cửu nằm giữa lòng dân.