Kon Tum: Nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum (Liên hiệp hội) được thành lập năm 2006, đến nay đã qua 3 kỳ đại hội, Liên hiệp hội không ngừng được củng cố và phát triển; vị thế tổ chức ngày càng được khẳng định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2017-2022, hoạt động của Liên hiệp hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid 19, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; với sự quyết tâm khắc phục khó khăn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Liên hiệp hội đã từng bước củng cố, phát triển; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN; tổ chức có hiệu quả các Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh. Đội ngũ trí thức KHCN ngày càng tâm huyết tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Liên hiệp hội tổ chức Hội thảo dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh
Đến nay, Liên hiệp hội có 12 Hội thành viên, với tổng số 4.146 hội viên (chưa tính 72.273 hội viên Hội Khuyến học), tăng 02 hội thành viên so với nhiệm kỳ II. Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Dấu ấn trong nhiệm kỳ
Trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH), để khẳng định vai trò TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội đối với hoạt động này, Liên hiệp hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND, ngày 27/9/2017 ban hành Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum. Qua đó, đã tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực để tham gia TVPB&GĐXH đối với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường. Hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội tỉnh thực hiện trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ngành, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Trong 5 năm qua, Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã tham gia phản biện, góp ý 174 dự thảo quyết định, quy hoạch, chương trình, đề cương do các Ban Đảng, UBND tỉnh và các đơn vị trong tỉnh đề nghị; thực hiện tư vấn, phản biện Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Đề án “Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum tính đến năm 2025, định hướng đến 2030”, Đề án “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025”. Thực hiện phản biện 135 dự án/đề tài đánh giá tác động môi trường; nhận xét và đánh giá 95 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh; tham gia đánh giá và phân hạng 148 sản phẩm nông nghiệp thuộc Chương trình mỗi xã 01 sản phẩm (OCOP) của tỉnh, nhận xét và bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh...
Song song với hoạt động tư vấn phản biện, Liên hiệp hội cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, biên tập và xuất bản các bản tin “Khoa học kỹ thuật và đời sống” và truyền thông qua trang thông tin điện tử của Liên hiệp hội để quảng bá, khuyến khích việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Trong nhiệm kỳ đã phối hợp tổ chức 16 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn; xuất bản được 20 số bản tin ”Khoa học kỹ thuật và đời sống” (01 số/quý) với số lượng phát hành 300 bản/số phát tặng đến UBND các xã, phường, Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh. Duy trì hoạt động và từng bước nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử của Liên hiệp hội. Thông quan Bản tin và Trang thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN áp dụng vào sản xuất và đời sống, nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa góp phần xây dựng nông thôn mới, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo ông Đặng Thanh Long, các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật của Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên đã giúp người dân ứng dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nhiều chương trình tập huấn đã góp phần nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật, ý thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ về tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý, xây dựng mô hình phát triển kinh tế của cộng đồng tại các địa phương.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi), Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (Cuộc thi), Liên hiệp hội đã phối hợp với các ngành triển khai tổ chức đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2017-2022 đã tổ chức 03 lần Hội thi, có 17/26 giải pháp kỹ thuật đạt giải. Tổ chức 05 lần Cuộc thi với 200 mô hình, sản phẩm tham gia; có 99 mô hình, sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 04 sản phẩm đạt giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc. Đặc biệt với sản phẩm “Máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị” của 02 tác giả Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đạt Giải Nhất Cuộc thi sáng tạo TTN&NĐ toàn quốc lần thứ 13 (năm 2017) được cử tham dự và đã đạt huy chương Đồng tại Triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế năm 2018 (IEYI 2018) tại Ấn Độ. Cuộc thi ngày càng lan tỏa sâu rộng và được đông đảo thanh, thiếu niên và nhi đồng tham gia.
Từ các hoạt động của Hội thi, Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức, cán bộ, công chức, người lao động, thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Tạo sân chơi bổ ích, nơi hội tụ tài năng sáng tạo ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, góp phần đưa những sáng tạo có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
Song song với việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Liên hiệp hội đã chủ động phối hợp với Viện Tư vấn phát triển Hà Nội (Viện CODE) và Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á - Hà Nội (CENDI) thực hiện đề án thí điểm giao đất, giao rừng, phục hồi rừng gắn với phát triển sinh kế, quản lý bảo vệ rừng, giữ nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Sa Thầy, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà. Qua đó, xác lập và phổ biến các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng để phát triển sinh kế cho người dân nơi có rừng, sản xuất gắn kết Rừng-Rẫy-Ruộng với xây dựng nông thôn mới…
Tập huấn, giới thiệu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Kon Plông
Phát huy sức sáng tạo trong nhiệm kỳ mới
“Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, nhiệm kỳ 2022-2027, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, đội ngũ trí thức KH&CN tiếp tục phát huy vai trò, trí tuệ, sức sáng tạo, với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển”. Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm tham vấn, tham gia ý kiến với cấp uỷ đảng, chính quyền các luận cứ khoa học xác đáng trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đi đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học công nghệ cho cán bộ, nhân dân; nghiên cứu, tìm ra những cách làm thiết thực, có hiệu quả trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, đời sống, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững” - ông Đặng Thanh Long cho hay.