KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH NINH BÌNH
Cùng với những chuyển biến nhanh chóng về kinh tế xã hội, về phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, đội ngũ trí thức Ninh Bình tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, không ngừng phấn đấu, nỗ lực nâng cao trình độ về mọi mặt, là lực lượng quan trọng đóng góp chủ yếu vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Xây dựng nền kinh tế tri thức là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, trong đó việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN có vai trò nòng cốt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là cách tiếp cận quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, tiếp thu, ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại vào các lĩnh vực sản xuất và quản lý xã hội, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN, nhất là các tri thức mới cho quảng đại quần chúng nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của người dân để mọi người có thể áp dụng các tiến bộ KHCN vào đời sống, sản xuất; cung cấp tri thức cần thiết để người dân có thể tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại, tuân thủ luật pháp, từ bỏ thói quen nếp sống lạc hậu, nâng cao đời sống văn hóa và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Trong những năm qua, Liên hiệp Hội Ninh Bình đã làm tốt công tác củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tiếp tục đổi mới phương thức tập hợp Hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Liên hiệp Hội cho đến các Hội thành viên. Hoạt động phổ biến kiến thức KHCN của Liên hiệp Hội đã được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, triển khai trên diện rộng và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các chương trình ưu tiên hướng đến người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phổ biến kiến thức KHCN được đa dạng hóa với nhiều hình thức như biên soạn, xuất bản sách, các loại báo, tạp chí, bản tin, tài liệu, tờ rơi và phát hành các ấn phẩm truyền thông về KHCN, cũng như các chương trình phổ biến kiến thức KHCN trên Đài PT&TH. Đặc biệt là phương thức phổ biến trực tiếp thông qua các khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức KHCN, tổ chức hội thảo, hội nghị nâng cao kiến thức và chuyển giao tiến bộ KHCN cho Hội viên và người dân được chú trọng. Chủ động, phối hợp với các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện thị, thành phố tổ chức, trao giải thành công Cuộc thi, Hội thi, Giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm khuyến khích, tôn vinh các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trẻ. Đã biên soạn, phát hành cuốn sách “Những nhà khoa bảng và khoa học người Ninh Bình”, “Các công trình, giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VI, năm 2012-2013”...để tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sáng tạo KHCN, các gương điển hình hoạt động KHCN trong quần chúng nhân dân, đồng thời ghi nhận sự đóng góp của những người con quê hương Ninh Bình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, Đài PT&TH đã hợp tác với Liên hiệp Hội trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN góp phần đưa kiến thức mới, tiến bộ KHCN đến với người dân một cách kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên, đứng trước sự phát triển vô cùng nhanh chóng của tiến bộ KHCN trong thời đại ngày nay, cũng như để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải nỗ lực phấn đấu, cùng nhau đổi mới cách nghĩ, cách làm nhiều hơn nữa. Sự đổi mới về tổ chức và nhất là về phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội và một số Hội thành viên thật sự không theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực, không chỉ là kinh tế mà cả về văn hóa, xã hội. Chúng ta chưa thể hài lòng vì công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trên một số lĩnh vực triển khai thực hiện chưa đồng bộ, kết quả còn hạn chế; sự hợp tác giữa các nhà khoa học và giữa nghiên cứu với ứng dụng còn yếu; xã hội còn nhận được quá ít những dự báo khoa học liên quan đến các lĩnh vực quan trọng, như quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh tế xã hội và môi trường… Ngoài ra một số cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức KHCN. Nên thiếu sự quan tâm, nhất là chậm sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên cũng như của các Hội viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa được phát huy mạnh mẽ; nội dung, phương thức hoạt động chưa phong phú, hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục phát huy vai trò của Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vấn đề đầu tiên là Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải đẩy nhanh hoạt động phối hợp với Bộ KH&CN trong việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phổ biến kiến thức KHCN nhằm triển khai Điều 48 của Luật KH&CN năm 2013, trình Thủ tướng phê duyệt; xây dựng cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động về thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức. Bên cạnh đó, Hệ thống Liên hiệp Hội cần tăng cường lồng ghép các hoạt động nghiên cứu, phát triển với hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN cho nhân dân; khuyến khích hình thành, phát triển cổng thông tin hai chiều giữa nhà khoa học và nông dân. Đặc biệt, các Hội thành viên và các tổ chức KHCN trong Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam cần chủ động, tăng cường hoạt động phổ biến kiến thức theo hướng: đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đổi mới trong phương thức thực hiện, huy động các nguồn tài chính trong nước và quốc tế để tuyên truyền phổ biến kiến thức thực sự là phong trào của toàn dân, phát huy nội lực, tiềm năng trí tuệ của cán bộ, công nhân, viên chức, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, cùng quần chúng lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quê hương đất nước.
Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng, muốn phát huy được công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN của Liên hiệp Hội địa phương một cách hiệu quả, Liên hiệp Hội địa phương phải được sự quan tâm, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt là sự chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, đây là yếu tố mấu chốt quan trọng, quyết định sự thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN đến với quần chúng nhân dân.
Liên hiệp Hội địa phương cần thực hiện tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND dành kinh phí cho công tác tuyên truyền, phố biến kiến thức KHCN phù hợp với ngân sách của địa phương. Đồng thời tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN sâu rộng tới quảng đại quần chúng phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất thực tế của tỉnh nhà. Tích cực, quyết tâm đưa KHCN trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở ban ngành, nhất là với cơ quan thông tin đại chúng, như: Báo, Đài PT&TH, cùng với việc biên soạn, xuất bản sách, in ấn tờ rơi, đặc san, đưa thông tin lên website của Liên hiệp Hội để phổ biến sâu rộng tri thức KHCN tới toàn bộ đội ngũ cán bộ các sở ban ngành, doanh nghiệp, xí nghiệp và quần chúng nhân dân lao động... Đồng thời, triển khai các dự án nâng cao năng lực của cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện tổ chức tốt các Cuộc thi, Hội thi, Giải thưởng... Tổng kết, đánh giá công tác triển khai, trao giải Cuộc thi, Hội thi, Giải thưởng để tôn vinh các tập thể, cá nhân có các công trình/giải pháp sáng tạo, biên soạn kỷ yếu nội dung các công trình/giải pháp đoạt giải vì đây cũng là một hình thức, một kênh thông tin để tuyên truyền, phổ biến kiến thức một cách hiệu quả, góp phần thiết thực trong việc giáo dục, động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, nghiên cứu khoa học.
Tác giả bài viết : Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Ninh Bình