Hà Tĩnh: Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về công tác trí thức
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đảng đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh về công tác tập hợp đội ngũ trí thức. Ảnh: Thái Sơn
Trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức
Xác định công tác trí thức và đội ngũ trí thức có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, nhất là sau khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm tạo điều kiện và nguồn lực thỏa đáng nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Hằng năm, Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ban hành các cơ chế, chính sách tạo động lực khích lệ đội ngũ trí thức hoạt động, cống hiến. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc trưng cầu, tiếp thu ý kiến của trí thức trong hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tạo điều kiện để trí thức tham gia giám định, phản biện xã hội các chương trình, dự án lớn của tỉnh, của các bộ, ngành. Tổ chức gặp mặt các giáo sư, phó giáo sư là những người con quê hương Hà Tĩnh để tranh thủ ý kiến góp ý định hướng chiến lược phát triển của tỉnh. Quan tâm việc tôn vinh trí thức tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh; định kỳ tổ chức gặp mặt, tôn vinh trí thức có nhiều thành tích, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có chính sách hỗ trợ trí thức trẻ, thành lập Quỹ hỗ trợ các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn vào đại học… Các cấp, các ngành làm tốt công tác thi đua khen thưởng, nêu gương những trí thức có nhiều đóng góp, cống hiến trên các lĩnh vực.
Chính sách trọng dụng nhân tài của tỉnh đã thu hút được một số trí thức có kinh nghiệm, trình độ cao về quê hương công tác, cống hiến. Nhiều trí thức thuộc nguồn lao động chất lượng cao tuy đã hết tuổi lao động nhưng vẫn tiếp tục cống hiến, sáng tạo trên lĩnh vực chuyên môn của mình với tư cách là hội viên các hội khoa học và kỹ thuật.
Hiện nay, đội ngũ trí thức của tỉnh Hà Tĩnh có trên 36.000 trí thức, trong đó trí thức có trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ 22,21% (giảm 24% so với năm 2008); Đại học chiếm tỷ lệ 68,94% (tăng 18,14% so với năm 2008); Sau đại học là 8,85% (tăng hơn 6% so với 2008).
Hoạt động của Liên hiệp hội các cấp ngày càng đi vào chiều sâu
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổ chức các đơn vị thành viên, chỉ đạo các Hội đến nhiệm kỳ đại hội, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, giải thể tổ chức Hội hoạt động không hiệu quả.
Từ năm 2018 đến nay, đã giải thể 01 tổ chức Hội chuyên ngành cấp tỉnh; thành lập 01 tổ chức Liên hiệp hội cấp huyện, kết nạp 02 tổ chức thành viên, chỉ đạo 24 tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo đúng quy định. Đến nay, Hà Tĩnh đã thành lập được 13/13 Liên hiệp hội cấp huyện, là một trong ít các tỉnh, thành trong cả nước có mô hình tổ chức của trí thức đến cấp huyện. Các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn nên hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, một mặt góp phần quan trọng nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức Liên hiệp Hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trí thức và chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức vẫn còn những hạn chế, bất cập đáng quan tâm. Cơ cấu của đội ngũ trí thức chưa hợp lý giữa các vùng, miền, lĩnh vực; chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với trình độ được đào tạo, còn ít trí thức chuyên sâu về nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của tỉnh chưa đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân người tài. Vẫn còn tình trạng lãng phí, “chảy máu” chất xám, việc giữ chân trí thức có trình độ cao ở lại công tác trong các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực y tế. Chưa tranh thủ phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức là con em quê hương Hà Tĩnh ở ngoài tỉnh và nước ngoài cống hiến xây dựng quê hương. Hoạt động của trí thức về tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thiếu chủ động và chưa rõ nét. Hoạt động của một số hội trí thức hiệu quả chưa cao; việc tập hợp, khuyến khích trí thức hiến kế, giám định, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của tỉnh chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu nhiệm vụ.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương, nghị quyết về công tác trí thức trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Liên hiệp Hội cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 52-KL/TW, Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về liên quan đến công tác trí thức trên các lĩnh vực.
Tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Quan tâm xây dựng và ban các quy chế, quy định bảo đảm điều kiện thuận lợi, môi trường dân chủ, tôn trọng tự do cho các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật của trí thức, văn nghệ sỹ. Tổ chức các diễn đàn để khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Tích cực, chủ động, phối hợp thực hiện các chính sách, chế độ đối với trí thức, đặc biệt là chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng các nhà khoa học, trí thức đầu ngành; Tạo chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả trong việc đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ trí thức. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ trí thức đáp ứng cho từng giai đoạn phát triển, nhất là trí thức công tác tại vùng có điều kiện khó khăn, các lĩnh vực, ngành còn thiếu, yếu. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, kế cận.
Đoàn kết tập hợp và nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hoá các hoạt động khâu nối, tập hợp trí thức, trí thức trẻ, trí thức trong các lĩnh vực, thành phần kinh tế bằng các chương trình liên kết, phối hợp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức.
Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội trí thức. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh và các ban, chi hội, hội thành viên đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò của mình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức. Có các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, sử dụng, đãi ngộ trí thức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhất là đối với những công trình, đề án, dự án có tác động lớn tới sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh.