GS. TS. Nguyễn Đình Tứ - người đặt nền móng cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam
Nguyễn Đình Tứ quê gốc ở xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ngày 1-10-1932 trong một gia đình nhà giáo. Từ khi cắp sách đến trường giữa năm 1951, trải qua các trường tiểu học và THPT ở Bình Định và Nghệ Tĩnh, ông nổi tiếng thông minh học giỏi và ham mê khoa học. Ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong thời học phổ thông, được kết nạp vào Đảng năm 1949. Dường như ở chàng thanh niên Nguyễn Đình Tứ, năng lực bẩm sinh về khoa học tự nhiên và ý thức trách nhiệm đối với đất nước đã bộc lộ rất sớm và điều ấy chi phối suốt cuộc đời ông.
Từ giữa năm 1951 đến giữa năm 1957, Nguyễn Đình Tứ được Nhà nước cử sang học ở Trung Quốc, sau khoá học chuyên ban 2 năm (1951-1953); lớp Trung văn 1 năm (1953-1954), ông theo học ngành Thủy lợi - Thủy văn ở Đại học Vũ Hán, tốt nghiệp loại ưu và được đề nghị chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Chính trong những năm tháng này một bước ngoặt lớn đã đến, Nhà nước chọn cử ông lãnh đạo một nhóm gồm 3 thanh niên ưu tú sang cộng tác nghiên cứu ở Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Duvna (một trung tâm khoa học lớn của các nước xã hội chủ nghĩa bấy giờ, cách Moscow khoảng 150 km về phía Bắc).
Từ tháng 8-1957, Nguyễn Đình Tứ trở thành cộng tác viên khoa học trẻ của phòng Thí nghiệm năng lượng cao. Tại đây, dưới sự lãnh đạo của Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Vesler, người đề xuất nguyên lý và chỉ đạo thành công máy gia tốc Synnchrophasotron tiên tiến nhất thời bấy giờ, nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Tứ đã cùng với các nhà khoa học khác của các nước XHCN tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị về vật lý hạt cơ bản. Bước vào một lĩnh vực cao về tri thức lại chủ yếu là tự học về chuyên môn và về cả tiếng Nga đòi hỏi ông phải có một sự cố gắng vượt bậc. Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Đình Tứ đã làm chủ các phương pháp thí nghiệm, nắm bắt khá sâu sắc những kiến thức vật lý lý thuyết cần thiết và đi tiên phong trong sử dụng công cụ máy tính. Ông đã đóng góp xuất sắc trong những thành tựu nghiên cứu của tập thể khoa học quốc tế và trong 50 công trình khoa học đã công bố.
Trong hơn 10 năm qua, với hai thời kỳ (từ tháng 8-1957 đến tháng 6-1963) và từ tháng 6-1966 đến tháng 6-1971) sống và làm việc ở Duvna, ông nổi tiếng là nhà vật lý Việt Nam tài năng, có uy tín khoa học tầm cỡ quốc tế. Ở tuổi 30 nhà vật lý Nguyễn Đình Tứ đã thay mặt nhóm phát minh, trực tiếp báo cáo tại diễn đàn Hội nghị khoa học quốc tế ở Tây Âu các kết quả phát minh: Phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đây về sự tạo thành phản hạt hyperon sigma âm; với khối lượng gấp 2.340 lần khối lượng electron tích điện dương, thời gian sống bằng một phần mười tỷ giây và phân rã thành các hạt phimeson dương và phản nơtron.
Đánh giá công lao đóng góp của sự kiện trên, năm 1961, ngay sau khi công bố công trình, tác giả Nguyễn Đình Tứ cũng đã nhận được Giải thưởng của Hội đồng khoa học của Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Duvna; năm 1968 được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế: năm 2000, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng phần thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm công trình phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao.
Ngay trong những năm tháng bận rộn ở phòng thí nghiệm Năng lượng cao Duvna, ông đã lại giành thời gian quan tâm, tìm hiểu một lĩnh vực khác có quan hệ với tương lai của đất nước: năng lượng nguyên tử. Chính ông chứ không phải ai khác trong những năm cuối thập kỷ 60 đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình trong tập thể khoa học Việt Nam ở Duvna do mình phụ trách những vấn đề tin học, về kỹ thuật lò phản ứng và điện nguyên tử.
Chia tay với những đề án thí nghiệm dở dang trên máy gia tốc hiện đại ở Secpukhôp, tháng 7-1971, Nguyễn Đình Tứ trở về nước. Dù bận rộn với những trọng trách mới là Bộ trưởng, ông vẫn dành nhiều tâm lực cho việc hình thành ngành Năng lượng nguyên tử của đất nước. Sau 5 năm chuẩn bị, tập hợp nhiều cán bộ khoa học hạt nhân có năng lực và tâm huyết, từ một phòng nghiên cứu thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước do ông lãnh đạo, tháng 4-1976, Chính phủ đã thành lập viện nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước và sau đó, tháng 2-1979 trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, ông được giao nhiệm vụ làm Viện trưởng từ những ngày mới thành lập Viện. Năm 1994, khi Viện đổi tên thành Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ông vẫn là người lãnh đạo cao nhất của ngành trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Viện cho đến khi qua đời.
Dưới sự lãnh đạo của ông, ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong gần 20 năm đầu tiên, đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khôi phục và mở rộng, ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế quốc dân (y tế, công nghiệp khai thác quặng…) Hợp tác quốc tế được mở rộng theo hướng đa phương và song phương, các hiệp định quốc tế thể hiện chủ trương sử dụng năng lượng nguyên tử vì hoà bình được ký kết. Các cán bộ khoa học có trình độ đã được tập hợp, phát huy và nhiều cán bộ khoa học trẻ được đào tạo trưởng thành. Với uy tín của mình, ông đã mở đường và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), với Liên Xô, Ấn Độ, Nhật Bản v.v… và các mối quan hệ đó ngày càng phát triển.
Trong hoạt động khoa học, GS Nguyễn Đình Tứ đã làm Chủ nhiệm các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước. Đó là Chương trình 50 B tập trung định hướng và nguyên vật liệu hạt nhân (1986-1990), Chương trình KC.09 về khoa học và công nghệ hạt nhân (1991-1995). Kết quả là các ứng dụng của kỹ thuật hật nhân trong các lĩnh vực khác nhau, trước hết là trong y tế, trong công nghệ khử trùng và bảo quản được mở rộng. Đặc biệt, sự quan tâm nhiều năm của ông về điện nguyên tử đã phát triển thành Dự án nghiên cứu điện nguyên tử vào Việt Nam.
GS. Nguyễn Đình Tứ tham gia nhiều hoạt động xã hội và giữ nhiều trọng trách khác nhau trong Nhà nước và Trung ương Đảng. Trong ngành Giáo dục - Đào tạo, đã từng kinh qua các chức vụ: Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (7/1971-3/1976), Thứ trưởng (4/1976-6/1976) và Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (6/1976-2/1987), ông đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo cán bộ cho đất nước, đưa ngành GD-ĐT đi những bước táo bạo đầu tiên. Sau khi sắp xếp các trường ĐH ở miền Nam theo mô hình nhà trường XHCN cho thống nhất trên cả nước, ông và đồng nghiệp mở 3 trường dự bị ĐH để tạo nguồn cán bộ có trình độ tự các đối tượng chính sách, mỗi tỉnh trên cả nước bắt đầu có 5 trường THCN (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, sư phạm, văn hoá) nơi đào tạo lực lượng lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức - tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời; bằng việc triển khai hàng loạt chủ trương lớn, ông và các đồng nghiệp đem đến cho ngành giáo dục Việt Nam một diện mạo mới. Việt Nam bắt đầu đào tạo sau ĐH ở trong nước; bắt đầu dùng công nghệ và công cụ hiện đại (máy tính IBM) để tổ chức tuyển sinh; bắt đầu phong học hàm GS, PGS; chuyên gia Việt Nam bắt đầu sang nước ngoài (châu Phi) làm việc. Ông là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, là Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật của Quốc hội. Từ năm 1976, ông được bầu vào TƯ Đảng, sau đó giữ những cương vị Bí thư TƯ, Trưởng Ban Khoa giáo (Đại hội VII) và Ủy viên Bộ Chính trị (Đại hội VIII). Ông mất năm 1996 do căn bệnh hiểm nghèo.
Cùng với Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp to lớn của GS Nguyễn Đình Tứ trong sự nghiệp chung của đất nước, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Rồi đây, khi cuộc sống con người được cải thiện đáng kể nhờ những thành tựu khoa học ứng dụng năng lượng và bức xạ hạt nhân, khi năng lượng nguyên tử trở thành khái niệm đại chúng hơn, người dân Việt Nam sẽ mái nhớ tới GS Nguyễn Đình Tứ với tư cách là người đã đặt nền móng cho ngành khoa học này.
Nguồn: Khoa học và Cuộc sống, số Xuân Ất Dậu, trang 18, 19