GS Ngô Bảo Châu-người 3 lần được thế giới vinh danh
Bức thư của Chủ tịch Viện Toán học Clay
Những ngày giữa tháng 10/2004, Ngô Bảo Châu dự Hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết được tổ chức tại Viện Fields, Canada. Cùng với nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới, GS Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể. Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng GS Gérard Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet.
Đó là công trình 100 trang về Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên con đường phát triển lý thuyết tự đẳng cấu (automorphic forms theory), dần dần thực hiện Chương trình Langlands.
Trước Hội nghị Canada, anh nhận được bức thư điện tử của James Carlson, Chủ tịch Viện Toán học Clay, viết:
“Giáo sư Ngô thân mến,
Tôi vui mừng báo để ông biết: Viện Toán học Clay vừa chọn ông và ông Gérard Laumon là hai người được tặng Giải thưởng Nghiên cứu Clay sẽ trao vào ngày 5/11/2004 tại Cambridge, bang Massachusetts, trong phiên họp hằng năm của viện. Mục đích của giải thưởng này là để công nhận công trình nghiên cứu chung của hai ông về bổ đề cơ bản. Năm ngoái, hai người nhận giải thưởng là Richard Hamilton và Terry Tao. Năm trước, giải thưởng đã được trao cho Manindra Agrawal và Oded Schramm.
Hội đồng Cố vấn của Viện chúng tôi, gồm các ông James Carlson, Simon Donaldson, Gregory Margulis, Richard Melrose, Yum-Tong Siu, Andrew Wiles, gửi lời chúc mừng hai ông.
Tôi muốn hỏi ý kiến ông về những gì mà viện chúng tôi có thể giúp ông và ông Laumon trong nghiên cứu vào năm tới. Phạm vi giúp đỡ khá rộng, hai ông có thể tuỳ ý lựa chọn, bao gồm cả phí tổn những chuyến đi ra nước ngoài của hai ông và những người mà hai ông muốn cộng tác, hoặc để tổ chức hội thảo chuyên đề...
Tôi cũng muốn mời ông dự cuộc họp của viện chúng tôi tại Cambridge vào thứ sáu 5/11 để nhận giải thưởng. Viện sẽ trả mọi phí tổn đi lại, lưu trú và các khoản chi tiêu hằng ngày. Nếu ông muốn kéo dài chuyến đi ngoài thời gian dự cuộc họp, trước hoặc sau, chẳng hạn để nói chuyện với các nhà toán học tại đây hoặc tại những nơi khác, chúng tôi sẵn lòng thanh toán mọi chi phí.
Tôi cũng viết thư cho ông Laumon để thông báo với ông ấy về giải thưởng và mời ông ấy đến dự cuộc họp để cùng nhận giải thưởng với ông. Chúng tôi cũng mời ông ấy nói chuyện về công trình mà ông ấy và ông đã hoàn thành về bổ đề cơ bản.
Tôi chờ đợi để sớm được nói chuyện với ông. Chúng ta có thể thoả thuận về thời gian tôi gọi điện cho ông?
Rất chân thành,
Jim Carlson
Chủ tịch Viện Toán học Clay”
Suýt không đến nhận giải được vì hộ chiếu
Sau khi kết thúc hội nghị ở Viện Fields, Ngô Bảo Châu trở về vùng Plaiseau, xanh ngắt những ngọn đồi thông, mênh mông những cánh đồng kiều mạch ở ngoại thành Paris, nơi anh sống cùng vợ - chị Nguyễn Bảo Thanh, người bạn gái cùng lớp từ thời còn học cấp II chuyên toán Trưng Vương - và ba cô con gái nhỏ. Hộ chiếu sắp hết hạn. Anh phải đến ngay Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để xin gia hạn, điều này không khó. Nhưng rồi, sau đó, liệu có còn đủ thời gian để làm thị thực nhập cảnh vào Mỹ không?
Mấy năm gần đây, do quá lo sợ khủng bố, việc xét cấp visa cho công dân các nước Á, Phi vào Mỹ thường kéo dài cả tháng. Anh Châu sang Pháp học từ năm 1990, không phải do tiền Nhà nước ta cấp, không bị ràng buộc bởi lời cam kết phải trở về nước phục vụ. Sống và làm việc tại Paris đã gần 15 năm, thế mà, do đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, mang cuốn hộ chiếu phổ thông bìa xanh, cho dù điều ấy lắm khi gây phiền hà cho anh, chẳng hạn trong việc xin visa vào Mỹ. Anh định nhờ G. Laumon thay mặt cho cả hai người sang Cambridge nhận Giải thưởng Nghiên cứu Clay. Bởi vì, G. Laumon mang hộ chiếu Pháp, sang Mỹ đâu có cần visa!
Đang gần như hết hy vọng, bỗng anh được biết: Viện Toán học Clay đã nhờ Thượng nghị sĩ E. Kennedy can thiệp, gọi điện thẳng từ Boston sang Paris cho Đại sứ quán Mỹ.
Thế là, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, anh nhận được visa!
Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu Clay năm 2004 diễn ra giản dị mà trọng thể trong phiên họp hằng năm của Viện Toán học Clay, tại giảng đường Đại học Harvard (Mỹ) ngày 5/11/2004. Cho tới hôm ấy, chỉ mới có 12 nhà toán học trên thế giới được tặng giải thưởng này.
Năm 2005, Nhà nước ta đã đặc cách công nhận chức danh Giáo sư kiêm chức cho Tiến sĩ khoa học Ngô Bảo Châu. Anh trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam, 33 tuổi.
Còn Giáo sư Gérard Laumon, sau khi nhận Giải thưởng Nghiên cứu Clay, đã được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Thêm 2 lần được thế giới vinh danh
Sau khi nhận Giải thưởng Clay ở Mỹ, Ngô Bảo Châu còn được tặng Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) ở CHLB Đức. Đây là giải thưởng toán học ba năm mới tặng một lần cho một hoặc hai nhà toán học dưới 36 tuổi có công trình đặc biệt xuất sắc ở châu Âu.
Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) năm 2007 dành cho một mình Ngô Bảo Châu, do công trình nổi bật 188 trang về đại số và lý thuyết số (algebra and number theory). Giải do Quỹ Oberwolfach và Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach ở Đức trao tặng.
Công trình mới của nhà toán học mang quốc tịch Việt Nam làm việc tại Đại học Orsay (tức Đại học Paris-Sud) nhằm giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản theo phỏng đoán của Langlands và Shelstad (the conjecture of Langlands and Shelstad).
Với những chứng minh xác đáng, Ngô Bảo Châu được thừa nhận là chuyên gia dẫn đầu ở nơi gặp gỡ giữa hình học đại số và lý thuyết các dạng tự đẳng cấu. Nếu năm 2004, cùng G. Laumon, Ngô Bảo Châu mới giải quyết Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita; thì giờ đây, anh đưa ra lời giải cho các trường hợp khái quát hơn.
Đọc diễn văn ca ngợi (laudatory speech) tại buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức vào đầu năm 2008, GS Rapoport coi công trình mới của Ngô Bảo Châu là “một thành tựu sáng chói” (a brilliant achievement). Sau đó, GS Ngô Bảo Châu còn nhận được Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Đầu năm 2004, Ngô Bảo Châu và GS G. Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về Bổ đề cơ bản trong Chương trình Langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Với kết quả ấy, anh và GS Laumon được tặng Giải thưởng Clay danh giá; anh được mời làm giáo sư Đại học Paris-Nam (Université Paris-Sud). Năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn Bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn.” GS Ngô Việt Trung kết luận: “Chúng ta có cơ sở để hy vọng anh Ngô Bảo Châu được tặng một trong những giải thưởng cao quý nhất của toán học là Huy chương Fields (Fields Medal).” Còn GS Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse(Université de Toulouse), Pháp, thì nhận xét: “Nếu chúng ta có thể tự hào về trống đồng, thì cũng có thể tự hào về một người Việt Nam đạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như GS Ngô Bảo Châu.” |