Gốm Lái Thiêu
Gốm Lái Thiêu còn có sự tổng hợp hài hòa của ba trường phái gốm Nam Trung Hoa. Đó là trường phái Quảng Đông, chuyên sản xuất các tượng trang trí, chậu và đôn các loại, thường sử dụng men nhiều màu. Trường phái Phúc Kiến chuyên sử dụng men màu đen, màu vàng da lươn, sản phẩm chủ yếu là các loại chóe rượu, khạp, lu, vại, hũ… Trường phái Triều Châu nổi tiếng với việc sử dụng men xanh trắng, bên cạnh đó là men nhiều màu nét vẽ sinh động, hoa văn gần gũi với cuộc sống người dân Nam bộ. Sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng như tô, tộ, chén, đĩa, bình…
Trong giai đoạn đầu, sản phẩm gốm Lái Thiêu chủ yếu của các lò gốm thuộc trường phái Phúc Kiến như lu, khạp, hũ, vịm, nồi, siêu. Đặc biệt là các loại lu, khạp dùng để đựng đường cho các lò đường thời bấy giờ. Một số lò gốm nổi tiếng như lò Kiến Xuân, lò Quảng Thái Xương, lò Anh Ký đến nay vẫn tồn tại và phát triển.
Những thập niên đầu thế kỷ XX, với sự bổ sung của những thợ gốm Sài Gòn, gốm Lái Thiêu phát triển cực thịnh, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở khu vực Nam bộ mà còn được tiêu thụ khắp cả nước. Nổi tiếng thời bấy giờ là các loại tô, đĩa vẽ hoa văn hình gà trống thường được biết đến với tên gọi “Bát đĩa con gà” do lò Vinh Phát, lò Đào Xương, lò Duyệt An… sản xuất.
Thập niên 50 - 60 của thế kỷ XX, bên cạnh các đồ gia dụng thông thường gốm Lái Thiêu bắt đầu sản xuất gốm mỹ thuật, gốm trang trí như các loại tượng trang trí, đôn, voi, chậu hoa mang nhiều yếu tố nghệ thuật. Sản phẩm lúc này không chỉ tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu.
Gốm Lái Thiêu tuy ra đời muộn nhưng đã nhanh chóng hòa nhập và ngày càng phát triển mạnh. Người thợ gốm Lái Thiêu đã lấy hình ảnh thực của vùng đất Nam bộ như con gà, con cua, con cá, con chim chào mào, cây chuối, hoa cúc, thảo mộc… để làm cảm hứng sáng tác trên sản phẩm gốm của mình, tạo nên những bức tranh gốm hồn nhiên, hấp dẫn cùng với nghệ thuật thể hiện màu sắc tương phản, sinh động, bút pháp điêu luyện càng làm cho người sử dụng yêu thích mến mộ.