Giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện miền núi phía Bắc
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức Hội thảo Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc.
TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, tài nguyên nước là thiết yếu đối với cuộc sống con người, tuy nhiên hiện nay các vấn đề về thực trạng môi trường và các hệ lụy của việc ô nhiễm môi trường do các dự án thủy điện miền núi phía Bắc gây ra; Chính vì thế, hội thảo rất cần những ý kiến thảo luận nguyên nhân, bất cập và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Ths Nguyễn Tuấn Cường – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương
Theo ý kiến của Ths Nguyễn Tuấn Cường – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho rằng, các dự án thủy điện hầu hết được đầu tư xây dựng tại các huyện miền núi xa trung tâm, có địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ nên rất khó khăn và gặp nhiều rủi ro không lường trước trong việc thi công xây dựng công trình;
Tiến độ xây dựng thủy điện phải đồng bộ với tiến độ xây dựng của các quy hoạch khác có liên quan, tuy nhiên hiện nay tại một số địa phương, tuy đã có quy hoạch lưới điện, giao thông, hạ tầng một cách đồng bộ nhưng do thiếu vốn hoặc phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng của các dự án thủy điện;
Đặc thù của việc xây dựng các công trình thủy điện là phải thu hồi khá nhiều diện tích đất, bình quân 1 MW chiếm dụng khoảng 7,41 ha (trong đó gồm 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất trồng lúa, 0,808 ha đất trồng màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất mặt nước sông suối và các loại đất khác) và phải di dời, tái định cư 0,16 hộ dân;
Các tác động của việc xây dựng thủy điện đến môi trường sinh thái trong giai đoạn xây dựng (chế độ thủy văn, chất lượng nước, xói lở đất, bụi đất xây dựng, tiếng ồn,...) chưa được Chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương quan tâm giám sát chặt chẽ; việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình thủy điện, mặc dù góp phần tăng cường kết nối giao thông nhưng cũng tạo cơ hội cho lâm tặc sử dụng để tiếp cận khai thác, vận chuyển gỗ trái phép;
TS Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam
Còn theo ý kiến của TS Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, theo báo cáo khảo sát 32 dự án TĐN đã xây dựng ở Hà Giang (TCSLM 634,8MW): diện tích đất thu hồi là 1.641,8ha, trung bình thu hồi 2,586ha cho 1MW, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 425,9 ha, đất lâm nghiệp là 542,5 ha;, đất khác là 673,4 ha.
Khảo sát 4 dự án TĐN đang thi công ở Hà Giang vào năm 2019, TCSLM 83,2MW, thi diện tích đất thu hồi là 90,9ha, trung bình thu hồi 1,1 ha đất cho 1 MW; Trong đó đất nông nghiệp là 5,5ha, đất lâm nghiệp là 9,9 ha, đất khác là 75,5 ha (đất sông suối, đất phi nông nghiệp…).
32 dự án chuẩn bị đầu tư có TCSLM 287,2 MW thì tổng diện tích đất thu hồi là 1.423,8ha (trung bình 4,95 ha/1MW), trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 42,1ha, đất lâm nghiệp là 214,6 ha, đất khác là 1.167,1ha.
Số liệu thống kế cho thấy: do đặc điểm địa hình, khác với khu vực Tây nguyên, các dự án TĐN ở khu vực miền núi phí Bắc không sử dụng nhiều đất (như số liệu trên), tuy nhiên ở một số dự án, do mở đường thi công và đổ thải bừa bãi đã ảnh hưởng tới diện tích rừng phòng hộ, trong đó có cả rừng tự nhiên, sau khi có chỉ thị của Ban bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017) và luật Lâm nghiệp (số 16/2017/QH14), thì rừng đã được quản lý chặt chẽ hơn.
GS.TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam
Theo ý kiến của GS.TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hồ chứa có những bất lợi cho cả phía thượng lưu và hạ lưu hồ. Vấn đề nan giải nhất, lâu dài nhất là giải quyết hậu quả ngập lụt lòng hồ: Di dời dân cư, cơ sở văn hoá, xã hội, đất dai, cây rừng, đặc sản, khoáng sản đã biết và chưa biết, cản trở thú rừng di chuyển và sinh sống, v.v. Đây là vấn đề rất lớn của các vùng có hồ chứa.
Một lượng lớn phù sa của dòng sông, suối sẽ được giữ lại trong các hồ. Giảm phù sa sẽ dẫn đến giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với chế độ dòng chảy thay đổi, sẽ gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, ven biển và hạ thấp đáy sông.
Lưu lượng và tổng lượng dòng chảy trung bình mùa lũ sẽ giảm, những năm lũ trung bình và lũ nhỏ ở thượng nguồn, sẽ không có lũ ở hạ du. Nhưng lưu lượng dòng chảy lũ cực đoan vẫn tăng cao, lưu lượng dòng chảy kiệt nhỏ nhất.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và cho rằng cần quan tâm đánh giá các tác động bất lợi của một số dự án thuỷ điện nhỏ tới cảnh quan môi trường ở vùng có tiềm năng phát triển du lịch.
Quang cảnh buổi hội thảo
Cần đánh giá thận trọng các dự án thuỷ điện nhỏ trên dòng chính sông Hồng (sông Lô, sông Thao, sông Chảy) và một số phụ lưu cấp I tới tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai; sạt lở vùng hạ du, tới đa dạng sinh học, giao thông thuỷ, nên lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng khi phê duyệt quy hoạch.
Về thẩm định thiết kế các giai đoạn: Nâng cao năng lực thẩm định của các cơ quan quản lý chuyên ngành (cấp tỉnh) liên quan đến bảo vệ rừng, tác động tới nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa phương, kiến trúc xây dựng, chính sách thoả đáng cho đền bù, tái định cư, vấn đề đổ chất thải, vấn đề an toàn đập và vùng hạ du,....
Tin, ảnh: HT