Địa danh gắn với nhân vật ở Cần Thơ
Cùng với địa danh Hán Việt, địa danh gắn với nhân vật chiếm một số lượng lớn trong quá trình chúng tôi điều tra và khảo sát. Nếu địa danh Hán Việt chủ yếu được dùng để định danh cho địa danh hành chính (quận, huyện, xã, ấp) thì địa danh gắn với nhân vật chủ yếu được dùng để định danh cho địa danh gắn với giao thông vận tải (cầu, đường, cống, kênh, rạch…). Từ đó, có thể làm nảy sinh một câu hỏi tại sao lại có một sự phân hoá rõ nét về cách địa danh như vậy? Có nhiều ý kiến khác nhau để lí giải vấn đề này, nhưng theo chúng tôi có hai cách giải thích hợp lí nhất là do địa danh ở Cần Thơ nói riêng và địa danh Nam Bộ nói chung có tính dân gian và tính nguyên sơ. Để quản lý về mặt hành chính nói chung thì nhà nước cần phải đặt tên cho từng quận, huyện, xã, ấp… Chính vì vậy mà tên địa danh theo chữ Hán Việt là một lựa chọn đầu tiên vì nó thể hiện được tính trang trọng, nghiêm túc trong quá trình quản lí nhà nước. Tên của một quận hay huyện không thể là : Út Lặc, Bầu Hát, Cai Sự, Hai Ốm, Ông Cọphay Bà Mụđược mà phải là Vĩnh Thạnh, Long Tuyền, Bình Thuỷ, Phước Thới, Tân An…Mặt khác, Cần Thơ cũng là một vùng đất có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nên việc nhà nước đặt tên cho từng con sông, kênh, rạch là rất khó, vả lại có đặt đi nữa thì những cái tên ấy sẽ khó nhớ, chi bằng lấy tên những con người nơi vùng đất đó để đặt tên - một cách định danh vừa dễ nhớ lại gần gũi với người dân. Cần Thơ vốn là một vùng đất “trẻ”, những địa danh ra đời trong buổi sơ khai vẫn chưa bị thời gian thay thế bằng những cái tên khác như các tỉnh ở miền Bắc hay miền Trung. Một cách lí giải khác cũng có lí là do thành phần cư dân buổi đầu của quá trình khai phá chủ yếu là những người dân thuộc giới bình dân, trình độ học vấn không cao. Họ đến khai phá và định cư nên lấy tên của chính mình hay người khác để đặt tên cho địa danh đó. Địa danh gắn với nhân vật ở thành phố Cần Thơ rất nhiều nhưng nhìn chung chúng được cấu tạo theo những phương thức cơ bản như sau:
- Kiểu địa danh được tạo thành từ sự kết hợp giữa thứ bậc trong gia đình với tên gọi hàng ngày của một người nào đó. Địa danh cấu tạo theo phương thức này chiếm một số lượng lớn và thường là lấy tên của nam giới: Hai Bang, Hai Hồng, Hai Hàm, Hai Giúp, Hai Hào, Hai Lỡ, Hai Hoàng, Hai Yết, Ba Rích, Ba Căn, Ba Sang, Ba Đinh, Ba Vũ, Ba Chánh, Ba Dia, Ba Xứng; Tư Thành, Tư Trạch, Tư Thủ, Tư Gáo, Tư Đa, Tư Thái, Tư Bảnh; Năm Hồng, Năm Kị, Năm Nữ, Năm Chéo, Năm Châu, Năm Vẹn, Năm Thiều; Sáu Gòn, Sáu Trì, Sáu Tùng, Sáu Hậu, Sáu Bông, Sáu Dê, Sáu Gu; Bảy Tất, Bảy Địa, Bảy Luyến Bảy, Bảy Ghém, Bảy Ảnh, Bảy Y, Bảy Dùng; Tám Lình, Tám Chơ, Tám Đậm, Tám Tri, Tám Đực, Tám Bê, Tám Củ; Chín Hết, Chín Chè, Chín Mi, Chín Diệp, Chín Quầy, Chín Phải, Chín Phùng; Mười Sót, Út Cang, Út Dư, Út Mừng, Út Giúp, Út Trâm, Út Đinh, Út Quới..Lí giải cho điều này có người cho rằng do ảnh hưởng (dù không quá sâu sắc) của ý thức hệ phong kiến “trọng nam kinh nữ” nên tên của nam giới thường được dùng nhiều trong khi đặt tên địa anh. Hoặc cũng có thể giải thích theo một cách khác là do người đàn ông vốn là trụ cột trong gia đình, một khi người phụ nữ có chồng thì trong giao tiếp họ được gọi theo tên của chồng, chẳng hạn như: vợ Hai Như… và tên của họ gần như ít được gọi đến. Cho nên việc địa danh như trên cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, kiểu địa danh này còn mang cả tính đặc thù trong cách xưng gọi của người Nam Bộ. Nó thể hiện sự thân tình, thái độ trân trọng và tình cảm đối với người được lấy tên làm địa danh.
- Một phương thức đặt địa danh khác có điểm tương đồng với phương thức thứ nhất gồm một thành tố chung là Nhàcộng thứ bậc trong gia đình cùng với tên gọi hàng ngày: Nhà Hai Nghiêm, Nhà Hai Du, Nhà Hai Hữu, Nhà Ba Kẹt, Nhà Tư Khuê, Nhà Năm Gật, Nhà Bảy Hỉnh, Nhà Tám Xiên, Nhà Mười Lu, Nhà Út Chí, Nhà Út Cũng… Những địa danh này thường là tên của một tuyến đường ở các xã, ấp của thành phố Cần Thơ. Tuy hiện nay các cơ quan nhà nước đặt tên lại nhưng những tên địa danh như thế vẫn tồn tại song song và in đậm trong trí nhớ của mỗi người dân.
- Kiểu địa danh được tạo thành từ việc lấy tên người không kèm theo thứ bậc gia đình, đa phần cũng là tên của nam giới: Giáo Ngảnh, Giáo Dẫn, Giáo Hấp, Giáo Tuấn, Thầy Tài, Thầy Pháp, Thầy Ất, Nhà Thầy Thép, Bầu Ly, Bầu Hạt, Y Sĩ Bé, Hai Lò Rèn…Từ kiểu địa danh này chúng ta có thể nhận thấy sự phong phú về ngành nghề và phần nào phản ánh được cuộc sống lao động của người dân nơi đây. Điểm đáng chú ý là kiểu địa danh có chứa thành tố Giáođứng đầu khá nhiều, chứng tỏ Cần Thơ là vùng có nhiều người làm nghề dạy học và có truyền thống hiếu học. Thực tế đã chứng minh điều đó khi Cần Thơ là nơi sản sinh ra những người con ưu tú học giỏi, tài cao mà tên tuổi của họ là một dấu son trong lịch sử dân tộc như: Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Châu Văn Liêm…
- Kiểu địa danh được tạo thành từ việc lấy chức vụ nghề nghiệp với tên của người đó: Huyện Chơn, Hội Đồng Khương A, Hội Đồng Khương B, Thấy Kí, Lí Chiêu, Xã Xanh, Xã Tú, Xã Năm, Đội Tư, Đội Ngãi, Lĩ Mực, Cai Sư, Hào Phẩm…Lớp địa danh này thể hiện tính sơ khai rất rõ bởi những cái tên như thế đã tồn tại từ rất lâu trong cộng đồng. Đồng thời, chúng còn ghi lại cả dấu ấn lịch sử về thời kì mà chế độ quân chủ chuyên chế vẫn còn tồn tại. Khảo sát lớp địa danh này, chúng tôi tự hỏi tại sao những cái tên như thế vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay vì những người có chức quyền trong xã hội phong kiến xưa như các ông hội đồng, lí trưởng, phú hào thường rất gian trá và độc ác. Lẽ ra người dân phải ghét cay ghét đắng, nhưng ngược lại tên của họ lại được lấy để đặt địa danh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thực ra họ cũng là người tốt, hiền lành, tốt bụng, hay giúp đỡ người nghèo không giống với những ông hội đồng hay các tên lí trưởng khác. Như vậy việc lấy tên của họ để đặt địa danh cũng là cách người dân ghi nhớ công ơn của họ và lưu truyền cho nhiều đời sau.
- Kiểu địa danh được tạo thành theo mô hình “Ông + x” hay “Bà + x”, thành tố x có thể là tên người, nghề nghiệp, thứ bậc trong gia đình hoặc một đặc điểm nổi bật của người đó: Ông Hiền, Ông Tung, Ông Hành, Ông Tành, Ông Chỉnh, Ông Tân, Ông Tùng, Ông Xì, Ông Hạp, Ông Án, Ông Cọp, Ông Tac, Ông Cục, Ông Mười Cụt, Ông Nghĩa, Ông Thất, Ông Phách, Ông Thậm, Ông Dự, Ông Mẫn, Ông Khứ, Ông Phùng, Ông Sang, Ông Phương, Ông Đề, Ông Bầu; Bà Ruôi, Bà Mụ, Bà Kiểu, Bà Biềm, Bà Sự, Bà Quý, Bà Thiện, Bà Hằng, Bà Bảy, Bà Đen, Bà Muối, Bà Lữ, Bà Bồi, Bà Khen, Bà Luý, Bà Chiêu, Bà Cà, Bà Phó, Bà Chiêu, Bà Chằng, Bà Gưng…Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của lớp địa danh này không phải là một công việc dễ dàng. Có những địa danh ngay cả những người thuộc hàng lão nơi vùng đất ấy cũng không biết. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng họ là những người đã có công trong việc khai phá, xây dựng vùng đất nơi họ sinh sống. Rồi dần dà theo thói quen tên của họ được dùng để đặt tên cho con kênh, con rạch, cây cầu, tuyến đường… Tìm hiểu thực tế về địa danh Rạch Ông Cụcở ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điển thành phố Cần Thơ chúng tôi được biết cái tên ấy đã tồn tại từ rất lâu nhưng nguồn gốc của nó thì đa số người dân quanh vùng đều không biết. Tuy nhiên, một người cao tuổi ở đây đã kể lại cho chúng tôi nghe về giai thoại Ông Cục. Theo lời kể, trước đây có một người tên Cục sinh sống trong vùng đã mở một đường nước từ sông lớn vào ruộng của mình để thuận tiện cho việc tưới tiêu. Dần dần đường nước đó được mở rộng và kéo dài thêm ra thành một con rạch lớn và người dân đã tập trung sinh sống hai bên bờ của con rạch, hình thành nên một khu vực dân cư đông đúc. Chính vì vậy, để ghi nhớ công ơn người khai mở con rạch đầu tiên người dân gọi là con rạch là rạch Ông Cục. Cách lí giải như trên rất hợp lí vì ngay ở cách gọi Ông, Bà chúng ta thấy được sự tôn trọng nhất định với người được lấy tên để làm địa danh. Ngoài ra, nó còn thể hiện được truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” từ bao đời nay của dân tộc bởi tên của họ giờ đây đã thành tên làng nước. Số lượng địa danh có cấu tạo theo phương thức như trên rất lớn, nhưng điểm nổi bật ở đây là địa danh có thành tố Bà đứng đầu. Nếu các địa danh ở các tỉnh phía Bắc Bộ và Trung Bộ rất ít thành tố Bà đứng đầu, thì ở Nam Bộ lớp địa danh này khá nhiều, không chỉ riêng ở thành phố Cần Thơ mà ở các tỉnh khác cũng tương tự. Vấn đề này có thể xuất phát từ nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất với dân cư phần đông là những lưu dân từ các vùng khác đến định cư. Họ có cuộc sống phóng khoáng, không bị chi phối quá nặng nề bởi ý thức hệ phong kiến. Chính điều này đã làm cho vị trí của người phụ nữ có phần bình đẳng với nam giới. Tên tuổi của họ cũng thành tên của một nơi nào đó. Qua khảo sát cho thấy số lượng địa danh có thành tố Bà cũng tương đương với số địa danh có thành tố Ông. Từ thực tế đó, lớp địa danh cấu tạo theo phương thức này đã nói lên tâm lí, tư tưởng, cách sống của người dân nơi đây - một khía cạnh tưởng chừng không thể tìm thấy được ở những cái tên quen thuộc hằng ngày ấy.
Tìm hiểu lớp địa danh gắn với nhân vật ở thành phố Cần Thơ cho chúng ta biết bao điều thú vị và qua đó chúng tôi càng thêm hiểu, thêm yêu quê hương mình hơn. Địa danh nói chung và địa danh gắn với nhân vật nói riêng là nơi lưu trữ nhiều giá trị về mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, kiến trúc, dân tộc học và cả ngôn ngữ học. Tìm hiểu địa danh cũng chính là cách tìm hiểu về cội nguồn của cha ông, của dân tộc chúng ta.
Tài liệu tham khảo
- Bùi Đức Tịnh, 1999 - Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, Nxb Văn Nghệ Tp. HCM.
- Huỳnh Công Tín, 2002 - Địa danh ở đồng bằng Nam Bộ, Ngữ học trẻ 2003.
- Lê Trung Hoa, 1982 – Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb KHXH.
- Vương Hồng Sển, 1993 - Tự vị tiếng Việt miền Nam, Nxb Văn hoá.