Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 05/01/2012 20:57 (GMT+7)

Đề đốc Lê Trực cuộc đời và sự nghiệp

Lê Trực thuở nhỏ có tên là Lê Vợn. Ông sinh năm 1828 tại làng Thanh Thuỷ, xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Lên 5 tuổi mồ côi cha, bà mẹ một tay không nuôi nổi 7 đứa con đành đem Lê Vợn đi ở với người chị ruột là Nguyễn Thị Hân. Ông Lê Sức, chồng bà Hân làm thủ ngữ trấn ải Cửa Gianh. Lê Vợn được Lê Sức cho học võ. Lê Vợn học rất giỏi, một mình đã thắng được 3 người con ông Lê Sức (tên là Trung, Bình, Chính. Lê Vợn kém Lê Trung 10 tuổi). Năm 13 tuổi, Lê Vợn được Lê Sức đổi tên thành Lê Trực và nhận làm con nuôi. Năm 18 tuổi, Lê Trực đã nổi tiếng một vùng. Ông quyết định ra Thanh Hoá tìm lại gốc gác của mình và tìm thầy học võ. (Lê Trực có người ông nội làm tri phủ bị cách chức vì dâng sớ lên vua đòi giảm thuế). Ông gặp Nguyễn Xuân Tuynh, một nhà nho người Nghệ An ra Thanh Hoá học. Năm đó phủ Kinh Môn, Thanh Hoá rơi vào tay giặc khách. Ông đã cùng Nguyễn Xuân Tuynh thu phục Kinh Môn. Sau 3 lần thi Hương ông đỗ Cử nhân rồi Tiến sĩ võ. Bấy giờ đầu làng Thanh thủy có Phạm Duy Đôn đậu Hoàng Giáp, cuối làng có Lê Trực đậu tiến sĩ võ. “Lưỡng quốc tiến sĩ” Trần Chuẩn người làng La Hà có tặng 2 câu đối: “Ngô châu nhân vật chí tương thiên cỗ truyền linh thuỷ nguyên đầu thanh thủy trí. Thử địa văn võ khoa vi nhất châu xướng trúc sơn mạch cước mã sơn cao”.

Năm 1858, Lê Trực được triều đình bổ làm suất đội Ninh Bình và năm 1860 làm chánh hiệp quản Thanh Hoá. Ông làm đến chức chánh lãnh binh Lạng Sơn rồi lãnh binh thành Hà Ninh dưới quyền của tổng đốc Hoàng Diệu. Tháng 4 - 1882, tên đại tá Pháp Heri Rivìere cùng hơn 400 quân kéo đến đóng tại đồn Thủy cách Hà Nội 5km nhằm uy hiếp Hà thành. Ông cùng tổng đốc Hoàng Diệu cho xây dựng tuyến phòng thủ chuẩn bị đánh Pháp và yêu cầu triều đình Huế viện binh. Tự Đức quở trách Hoàng Diệu là “Doạ giặc và chế ngự sai đường”. Tự Đức chấp nhận mất miền Bắc để bảo toàn ngai vàng của mình. Ông ta cho là Hoàng Diệu đã “chọc giận” giặc. Tổng đốc Hoàng Diệu sai quan án sát Tôn Thất Bá đi điều đình với Rivière nhưng Tôn Thất Bá quay mặt làm phản. Bá đã báo cáo tình hình bố phòng của Hoàng Diệu để Heri Rivière đánh thành. Bá còn xin Heri Rivière cho làm Tổng đốc và dâng sớ lên Tự Đức quy tội Hoàng Diệu. Sáng 25 - 4 - 1882, Rivière cùng 4 tàu chiến và 450 quân tấn công thành Hà Nội. Khí giới thô sơ, không được triều đình ủng hộ, kho thuốc súng trong thành lại trúng đạn bị nổ tung. Quân giặc tập trung hoả lực công thành, chúng dùng thang trèo qua được thành phía tây, Hà thành thất thủ. Hoàng Diệu cho tướng sĩ giải tán để tránh thương vong. Ông cắn tay lấy máu viết di biểu cho Tự Đức rồi tự vẫn. Lê Trực cùng các quan bị triệu về Huế trị tội. Nhiều người trong triều đình can ngăn mãi ông mới được Tự Đức tha cho về quê.

Sau “sự biến kinh thành” năm 1885, vua Hàm Nghi đến vùng rừng núi Quảng Bình lập căn cứ kháng chiến. Lê Trực cùng các sĩ phu Quảng Bình như Lê Mô Khởi, Đoàn Chí Tuân, Mai Lượng… tập hợp dưới ngọn cờ Cần Vương. Lê Trực thống lãnh đội quân phía bắc Rào Nậy (nhánh ngoài cùng của con sông Gianh) cùng Tôn Thất Đàm,Tôn Thất Thiệp, tri phủ Nguyễn Phạm Tuân kiểm soát một vùng rộng lớn từ Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá ra đến Hà Tĩnh. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ “Sơn triều”. Tháng 7 - 1885, thực dân Pháp đánh ra Quảng Bình. Ngày 19 - 9 - 1885 thực dân Pháp dựng Đồng Khánh lên làm vua bù nhìn. Tháng 12 - 1880, toàn quyền Pônbe (p.Bert) ra lệnh cho Đồng Khánh xuống một dụ hàng nhưng nghĩa quân “triều đình Hàm Nghi” không hề buông súng. Đêm mùng 9 rạng ngày 10 - 5 - 1886, Lê Trực đã bao vây thành Đồng Hới giết tên bố chánh gian ác Nguyễn Đình Dương, cắt đứt giao thông từ Ba Đồn vào Đồng Hới gần 2 tháng. Ngày 25 - 5 - 1886, quân Lê Trực đã phục kích và bẻ gãy cuộc hành quân của thực dân Pháp ra Hà Tĩnh trên sông Ròn. Ông đã sát cánh cùng Mai Lượng đánh thắng những trận lớn tại Biểu Lệ, Diên Trường, Lâm Xuân (Quảng Trạch), Hạ Trang (Lê Sơn, Văn Hoá, Tuyên Hoá). Đáng chú ý nhất là trận đánh ở chùa Sãi Mẹo. Cuối năm 1886, giặc Pháp có tên cố đạo ở nhà thờ Hướng Phương dẫn đường bao vây nghĩa quân ở chùa. Quân của Lê Trực từ trên núi đánh xuống. Bằng vũ khí thô sơ như súng kíp, mã tấu, mác Lào và một số súng trường cướp được của giặc, nghĩa quân đã đánh cho chúng một trận tơi bời phải tháo chạy xuống thuyền. Tên cố đạo bị bắn trọng thương. Mấy ngày sau, địch tập trung 200 chiếc thuyền theo sông Rào Nậy lên uy hiếp nghĩa quân để mở đầu cho việc đóng đồn Minh Cầm. Lê Trực đã cho quân đón thỏng mai phục cuối đuồi Cồn Nổi. Ông lập đài quan sát trên bàu Phượng Hoàng nằm giữa đồng Luy, sát chân hòn lèn Bảng. Khi đoàn thuyền của địch lọt vào trận địa, ông bắn súng lệnh. Nghĩa quân trên bờ ào ra bắn chặn đầu, khoá đuối làm cho chúng phải đổ bộ lên đồng Vãi, hai bên đánh giáp lá cà từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Quân ta thắng lớn, thu được nhiều vũ khí.

Đầu năm 1887, giặc Pháp đã đặt được đại bản doanh ở Minh Cầm. Chúng đã đánh bật nghĩa quân Mai Lượng ra khỏi căn cứ Troóc và Cao Mại. Tình hình trở nên khó khăn hơn. Khí giới lương thực của nghĩa quân cạn kiệt. Nghĩa quân phải vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đêm 18 rạng ngày 19 - 6 - 1887, có tên lí trưởng làng Lâm Lan dẫn đường, quân Pháp đã đánh úp được nghĩa quân ở rú Cấm bắt đi hơn chục người trong đó có Nguyễn Phạm Tuân và lãnh binh Phạm Tường. Nguyễn Phạm Tâm bị bêu đầu ở đồn Minh Cầm, xác thả xuống sông (rào Nậy), ba ngày sau trôi về Lâm Lang. Dân làng Lâm Lang đã bí mật lên lấy được đầu ông về chôn cất chu đáo. Phạm Tường bị giặc Pháp đem về chém ở Miệu Cá Ông phía trên Ba Đồn (Quảng Trạch). Nhà của Lê Trực cũng bị giặc đốt, hai người vợ của ông bị bắt về nhà thờ Hướng Phương. Người vợ cả bị chúng tra khảo cho đến khi bị mù. Mặc dù bị tổn thất nặng nề nhưng đầu năm 1888, nghĩa quân Lê Trị, Tôn Thất Đàm đã cùng cánh quân Mai Lượng chiếm lại căn cứ Troóc và Cao Mai (đầu nguồn sông Nanvà sông Son – hai nhánh còn lại của con sông Gianh).

Tháng 2 - 1888 viên thiếu tá Glađet được điều động từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình phối hợp với tên đại uý Callet dựng thêm nhiều đồn bốt tăng quân số và tần suất các cuộc càn quét. Suất đội Lê Đình Tình không chịu nổi cuộc chiến đấu gian khổ đã ra đầu thú Pháp. Tình đã dụ dỗ được Trương Quang Ngọc (người thiểu số hầu cận nhà vua) phản bội. Đêm 26 - 9 - 1888 (có tài liệu cho rằng đêm 1 - 1 - 1888), Tình và Ngọc đã bắt được vua Hàm Nghi. Chúng đã giết chết Tôn Thất Thiệp, giải nhà vua xuống bè theo sông Gianh đến đồn Tiên Lãng giao cho viên đại uý Boulangier đem về đồn Thuận Bài (nay thuộc xã Quang Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chiều 14 - 11 - 1888, vua về đến Thuận Bài. Trước mặt viên trung uý Bonnefoy chỉ huy đồn, nhà vua không nhận mình là Hàm Nghi. Suốt từ đó cho đến lúc bị giặc bắt đi đày ở Algérie (Ch. Gosselin – L’Empire d Annam ), vua Hàm Nghi không hé răng nói lấy nửa lời.

Bị mất vị thủ lĩnh tinh thần, ý chí chiến đấu của quân sĩ đã giảm sút. Lê Trực lúc này cũng đang ốm nặng. Ông cho quân sĩ theo Đoàn Chí Tuân (Bạch Xĩ) vượt vòng vây sang Lào, ra Hà Tĩnh phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng tiếp tục phong trào kháng chiến, còn mình ở lại trong rừng (có các con chăm sóc).

Lê Trực mất ngày 4 - 6 - 1919 thọ 91 tuổi. Những ngày cuối đời ông không ăn uống gì ngoài chuối và nước lã. Trước lúc hấp hối ông ứa nước mắt nói với các con – ông thương nhớ nghĩa quân, những con người kiên trung nếm mật nằm gai cùng ông ăn quả rừng, củ rừng để đánh Pháp mà nay vẫn nước mất nhà tan. Mộ của ông nằm dưới chân núi Đá Dù, gần chiến trường xưa, cách trụ sở UBND xã Tiến Hoá ngày nay chừng 2km về phía tây nam.

Ngày nay, những địa danh như các hàn Bồ Muối, các kho quân lương ở Tiến Hoá và Mai Hoá, những núi Lò Rèn, khe Mài Gươm, cồn Đánh Mõ, bãi Tập, đồng Đón Thỏng gắn liền với tên ông, vang bóng một thời trận mạc. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở thủ đô Hà Nội, các thành phố Huế và Đồng Hới. Ngay trên làng Thanh Thuỷ có ngôi trường mang tên ông - Trường THPT Lê Trực và trường tiểu học Lê Trực. Vào ngày 30 hàng tháng, học sinh 2 trường lại đến thắp hương tưởng niệm người anh hùng của quê hương trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 21 - 6 - 1993, thay mặt Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, thứ trưởng Lưu Trần Tiêu đã kí công nhận di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ đề đốc Lê Trực. Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp “Bằng công nhận di tích Lịch sử - Văn hoá” và cấp kinh phí trùng tu nhà thờ, lăng mộ. Ngoài các hiện vật hiến tặng Bảo tàng lịch sử Việt Nam, ông Lê Duy Từ, người chắt nội của Lê Trực cũng đã sưu tầm được nhiều vật dụng, vũ khí của thời Cần Vương để tổ chức phòng trưng bày cho các thế hệ con cháu mai sau học tập.

Lê Trực xứng đáng là một danh tướng xuất sắc của phong trào Cần Vương, là niềm tự hào của quân dân Quảng Bình và cả nước.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...