Đất nước thiếu trí thức lớn sẽ khó đột biến phát triển
Chúng ta đã bước sang một năm mới. Lúc này đây, lòng tôi đang reo vang với những cảm xúc kỳ lạ. Thời gian như một con tàu lớn đang cập bến. Và chúng ta - những hành khách - đang bước lên con tàu thời gian để bắt đầu một chặng mới của cuộc hành trình kỳ vĩ, cuộc hành trình đưa chúng ta về tương lai. Nơi đó, những điều kỳ diệu đang đợi chờ chúng ta. Đó là nơi trú ngụ giấc mơ của con người: giấc mơ về sự phồn vinh, lẽ công bằng, về lương tri và tình yêu.
Giờ đây, bao phiền muộn và sai lầm của năm cũ đã và đang lùi vào quá khứ. Chúng ta không chạy trốn những phiền muộn và những sai lầm. Nhưng chúng ta phải bước qua. Con đường mà chúng ta đi về tương lai với toàn bộ giấc mơ và ý chí của mình luôn luôn là con đường của ánh sáng và đức tin.
Lúc này, tôi mơ trở thành một ngọn gió để đi đến mọi nơi và bước vào mọi ngôi nhà trên xứ sở Việt Nam thân yêu của chúng ta. Để được ngắm nhìn những gương mặt rạng rỡ đợi chờ mùa xuân, để được nhìn sâu vào những đôi mắt tràn ngập ánh xuân, để được nghe những lời cầu chúc nồng ấm khi mùa xuân đặt bước chân đầu tiên qua bậc cửa mọi ngôi nhà và để được nghe tiếng đập những trái tim tựa những chiếc chuông vàng ngân vang sự sống.
Như năm trước, tôi - nhà báo Việt Long- được trò chuyện với bạn đọc trong những giờ phút thiêng liêng này. Chúng ta cùng nhau bầy tỏ cảm xúc về một tương lai của đất nước đang dâng lên trong lòng, chúng ta cùng nhau nói về một số điều liên quan đến sự phát triển của đất nước và cùng nhau nhóm lên ngọn lửa của giấc mơ và đức tin về một tương lai tốt đẹp của đất nước mình. Và qua những chia sẻ và những câu hỏi của bạn đọc gửi về, cho dù nhiều câu hỏi đặt ra những thách thức không nhỏ, nhưng tôi nhận thấy rằng: tất cả những chia sẻ và những câu hỏi đều xuất phát từ những giấc mơ đẹp đẽ, từ trách nhiệm đối với đất nước và từ lòng tin về một ngày mai tốt đẹp hơn cho đất nước.
Đất nước thiếu trí thức lớn sẽ khó có đột biến phát triển
Trần Đức Thịnh, quận Tây Hồ, Hà Nội:Thưa nhà báo Việt Long, tôi có một câu hỏi hơi chung chung, nhưng tôi muốn được nhà báo chia sẻ cùng tôi trong giờ phút cuối cùng của năm cũ này. Hơn 70 năm sống trên cõi đời này, tôi đã có biết bao năm sống trong giờ phút cuối cùng của năm cũ. Trong giờ phút đó, tôi đã cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho cá nhân tôi, cho gia đình tôi và cho đất nước và tôi luôn tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay tôi đang sống. Nhưng cuộc đời này vẫn còn những khổ đau, những sợ hãi và cả những thất vọng. Chiến tranh vẫn nổ ra, bệnh tật vẫn hành hạ con người, tội ác vẫn không hề giảm... Vậy sao con người trong những giờ phút cuối cùng của năm cũ vẫn tin một cách náo nức và mãnh liệt năm mới sẽ đến với những điều tốt đẹp hơn?
Việt Long:Kính thưa ông Trần Đức Thịnh. Câu hỏi của ông chính là hiện thực của đời sống con người. Hiện thực đó là: con người không bao giờ đánh mất niềm tin cho dù đang sống trong hoàn cảnh nào. Đó là chính là sự kỳ diệu của nhân loại. Sự kỳ diệu này đã làm nên văn hóa và văn minh trên thế gian này. Nhân loại từng bị rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng. Những cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc như quét sạch con người, những cơn đại dịch làm cho thế giới như trở nên hoang tàn, những sai lầm tưởng nhân loại không thể nào tìm lại được con đường ánh sáng của mình... Nhưng rồi từng người, từng người một trong hàng tỷ người sống trên trái đất này đã lần lượt đứng dậy với niềm tin vào chủ nghĩa nhân văn cao cả và khát vọng lớn lao của con người. Nhân loại vĩ đại không phải là ai khác mà là chính ông, chính là những người bên cạnh ông, chính tôi và những người bên cạnh tôi... Mỗi con người như chúng ta đang sống đã làm nên thế giới, làm lên lịch sử bi tráng của mình, làm lên văn hóa. Nếu có gì khác biệt giữa sự sống trên trái đất này và những nơi khác thì đó chính là văn hóa. Đức tin, đó chính là yếu tố huyền nhiệm nhất giúp con người đi qua bóng tối để làm ra một thế giới ánh sáng.
Phạm Thị Minh Thu, Thái Bình:Thưa nhà báo Việt Long, năm 2010 để lại trong ông những gì đặc biệt nhất và những điều đặc biệt này sẽ gợi mở cho đất nước ta những gì trong năm 2011?
Việt Long:Tôi nghĩ, mỗi một người sẽ có sự lựa chọn riêng của mình. Nhưng một điều vô cùng quan trọng là: khi kết thúc một năm cũ, một ai đó chỉ cần chọn lựa một ấn tượng, một vẻ đẹp, một câu chuyện xúc động và ý nghĩa trong thời gian của năm cũ thôi là người đó có đủ lý do để bước vào năm mới với một tinh thần khác biệt. Điều đó có nghĩa rằng: mỗi cá nhân đã tìm thấy một lý do để cảm hứng, để sống và sáng tạo trong công việc của mình. Sự chọn lựa này chính là sự xác lập đức tin và mơ ước của con người vào hiện tại và tương lai của mình.
Có thể chúng ta sẽ chọn lựa điều đặc biệt của một năm qua từ một người lãnh đạo, từ một công dân bình thường, từ một sự kiện văn hóa, từ một hành động của một người vô danh, từ một em bé, từ một sinh viên và từ ngay từ chính bản thân mình. Chỉ cần mỗi cá nhân chúng ta làm được một việc nhân văn hay sáng tạo cho cộng đồng là chúng ta có đủ cảm hứng và niềm tin bước tiếp. Năm 2010 có nhiều điều để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ. Và từ những điều ấy, đức tin của tôi về con người Việt Nam, về đất nước Việt Nam và về tương lại của dân tộc được củng cố vững bền hơn.
Có hai sự kiện chính trị trong năm 2010 chứng minh những bước đi dài của dân chủ. Đó là những chất vấn, những tranh luận trong kỳ họp Quốc hội cuối năm và Đại hội XI của Đảng Cộng sản. Nếu chị nhìn lại quá trình dân chủ của đất nước, chị sẽ thấy dân chủ ở nước ta mở rộng theo cấp số nhân. Trước kia, ở Việt Nam nếu 10 năm dân chủ mới đi được một bước thì sau đó là 5 năm, rồi 1 năm. Mười năm trước, chúng ta đâu nghĩ có một ngày bất cứ ai cũng có thể mở một diễn đàn riêng cho mình như blog, trang web... để lên tiếng về những vấn đề liên quan đến con người và đất nước. Tôi tin chắc rằng: những năm tới, nền dân chủ ở đất nước ta sẽ càng ngày càng mở rộng và đúng bản chất của nó. Một xã hội có dân chủ là một xã hội có tri thức và nhân văn. Chỉ ở những xã hội độc tài, phi nhân tính thì dân chủ mới bị bóp chết.
Có một sự kiện vô cùng ấn tượng trong năm 2010. Đó là sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhân Giải thưởng Fields. Sự kiện này cho thấy hai điều quan trọng. Một, người Việt Nam có thể chiếm lĩnh những đỉnh cao trong mọi lĩnh vực. Hai, sự kiện này cho thấy nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt thì chúng ta sẽ sản sinh cho đất nước những trí thức lớn. Một đất nước không có những trí thức lớn sẽ là một đất nước khó có những đột biến trong sự phát triển.
Sau khi nhận được câu hỏi của chị, tôi có gọi điện hỏi một hai người bạn điều gì đặc biệt nhất đối với họ trong năm 2010. Một chị bạn tôi trả lời điều đặc biết nhất đối với chị ấy chính là cậu con trai chị. Trong năm 2010, con trai chị đang học lớp 10 đã dành thời gian để giúp đỡ một bạn học bị tai nạn xe máy vượt qua những ngày tháng khó khăn. Tình bạn của con chị làm chị có đêm thức giấc khóc vì hạnh phúc. Điều chị lo sợ nhất ở các con chị là sự vô cảm và ích kỷ trong đời sống hiện đại và đầy thói hưởng thụ cá nhân này. Còn một anh bạn của tôi lại vôcùng ấn tượng về một người nông dân ở quê anh. Người nông dân đó suốt một năm kêu gọi những người khác hãy bảo vệ môi trường thiên nhiên và làm sạch nguồn nước ở chính nơi họ đang sống.
Từ mấy năm trước, diễn đàn của VietNamNet đã bàn đến tiêu chuẩn của một công dân toàn cầu. Với cá nhân tôi, một công dân toàn cầu là một công dân biết yêu thương mảnh đất anh ta đang đứng trên đó và biết yêu thương một người bên cạnh anh ta. Khi làm được như vậy thì có nghĩa là anh ta đã yêu cả thế gian này và nhân loại. Nếu chúng ta không yêu nổi mảnh đất chúng ta đang đứng cho dù chỉ vừa hai bàn chân và không yêu nổi một người bên cạnh chúng ta thì chúng ta không yêu được bất cứ nơi nào khác và bất cứ người nào khác.
Chính vì điều đó, những điều tôi đã và đang chứng kiến, tôi tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Bởi chỉ với một số điều ít ỏi mà tôi vừa đề cập đã chứa đựng một đời sống văn minh (dân chủ) và một chủ nghĩa nhân văn (tình yêu và trách nhiệm với người khác, với cộng đồng).
Đỗ Văn Hùng, TP HCM: Chào nhà báo Việt Long, tham nhũng vẫn còn là vấn nạn nhức nhối với quốc gia. Tham nhũng, trước đây thường nói đến người có chức quyền, nhưng nay, trong thực tế, một nhân viên (y tá, cán bộ hành chính nơi công đường...) đều có khả năng tham nhũng. Tham nhũng đi từ quan tới dân. Đã có rất nhiều ý kiến chủ đề này, nhưng xem ra đều là phê phán, chưa nhiều giải pháp. Vì sao vậy, thưa nhà báo? Từ thực tiễn đi nhiều, đọc nhiều, quan sát và trải nghiệm, nhà báo thấy giải pháp chống tham nhũng nên thế nào?
Việt Long: Chữa bệnh phải chữa từ gốc. Tham nhũng sinh ra từ lòng tham và thói ích kỷ của con người. Đơn giản là như vậy. Tham nhũng sinh ra bắt đầu từ đó. Nó như virus gây bệnh "lớn" lên khi được sống trong một cơ thể không khỏe mạnh. Cơ thể không khỏe mạnh đó chính là hệ thống giáo dục ý thức sống của con người yếu kém và hệ thống luật pháp không nghiêm minh.
Khi một con người được giáo dục sống có ý thức với người bên cạnh và với cộng đồng của anh ta thì sẽ biết xấu hổ khi anh ta "ăn cướp" công sức của người khác với bất cứ hình thức nào. Còn hệ thống luật pháp ở đây không chỉ là văn bản hóa mà phải hiện thực hóa luật pháp trong đời sống của chúng ta.
Nhưng có một điều vô cùng quan trọng là chúng ta đã thực sự thấy hết mối đe dọa khủng khiếp của tham nhũng đối với sự vững mạnh của quốc gia như thế nào chưa? Tham nhũng có thể giết chết một đất nước. Có không ít ví dụ từ một số quốc gia trên thế giới đã trở nên "bại liệt" vì tham nhũng. Một hiện thực cho thấy Việt Nam luôn luôn nằm trong Top của những nước tham nhũng cao. Điều này thật đáng xấu hổ. Nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự chống tham nhũng với tinh thần cao nhất.
Chúng ta không thiếu những bộ óc nghĩ ra các phương thức chống tham nhũng có hiệu quả cao. Chúng ta còn thiếu một hệ thống chống tham nhũng có hiệu quả. Một yếu tố quan trọng nhất như nền tảng của hệ thống chống tham nhũng là lòng quả cảm và sự hy sinh cho sự trong sạch và công bằng của xã hội. Ví dụ, chúng ta đã có luật kê khai tài sản. Nhưng không ai dám làm điều này đúng nghĩa và đến cùng. Kê khai tài sản là một trong những phương pháp hữu hiệu chống tham nhũng.
Tôi đã từng đọc trên báo thấy người ta nói đến một Ủy ban chống tham nhũng do người dân lãnh đạo. Đây là một sáng kiến. Bài báo đó cũng nói một ông Chủ tịch làm trưởng ban chống tham nhũng có dám chống tham nhũng ông Bí thư, bà Chủ tịch hội đồng và các quan chức khác không?
Nếu chúng ta thực sự muốn chống tham nhũng, chúng ta hãy công khai lấy ý kiến của nhân dân xem phải chống tham nhũng như thế nào? Tôi cam chắc sẽ có những đề án chống tham nhũng kỹ lưỡng, khoa học và đầy hiệu quả nếu những đề án đó được áp dụng. Hàng rào cản trở công cuộc chống tham nhũng lớn nhất vẫn là con người. Đó là những người thực thi luật pháp trong việc chống tham nhũng.
Theo tôi, bây giờ chúng ta chỉ cần làm tốt ba biện pháp chống tham nhũng là chúng ta sẽ phát hiện ra những kẻ tham nhũng một cách không khó khăn lắm. Biện pháp thứ nhất: giám sát các tài khoản cá nhân trong hệ thống ngân hàng trong và ngoài nước. Biện pháp thứ hai: kê khai và kiểm tra tài sản của các quan chức một cách nghiêm ngặt. Trong đó có kê khai tài sản của những người liên quan đến đối tượng chính là các quan chức. Sau đó, các đối tượng chính sẽ phải đối chất với Ủy ban chống tham nhũng hoặc với bộ phận chuyên trách nào để chứng minh nguồn gốc tài sản và thu nhập của minh. Biện pháp thứ ba: Lập Ủy ban chống tham nhũng do nhân dân đề cử các thành viên của Ủy ban đó.
Nhưng pháp luật hay các biện pháp cụ thể nào đó chỉ có ý nghĩa khi con người làm ra nó, nghĩ ra nó và thực hiện nó vì con người.
Không thể đối xử bộ phận tinh hoa của đất nước như mọi bộ phận khác
Nguyễn Lam, Quận Ba Đình, Hà Nội: Văn hóa là một lĩnh vực căn cốt làm nên diện mạo, thế đứng một quốc gia. Nhưng chưa lúc nào như bây giờ, văn hóa Việt bộc lộ hết sự hẫng hụt, khiếm khuyết đến vậy, nhất là qua những sự kiện văn hóa lớn, có tầm quốc gia. Theo ông, gốc gác của hiện tượng này do đâu? Ông có kỳ vọng đến lúc nào đó, văn hóa Việt được tôn vinh đúng như phải có? Nhưng muốn vậy, chúng ta phải gỡ từ đâu, thưa nhà báo?
Việt Long: Chúng ta phải xác định một cách rõ ràng hai vấn đề của một sự kiện văn hóa: kỹ năng tổ chức sự kiện văn hóa đó và lối sống văn hóa được hiển lộ trong sự kiện văn hóa. Có những sự kiện văn hóa bộc lộ kỹ năng quá yếu kém của chúng ta trong tổ chức sự kiện đó để làm cho sự kiện đó có sức lan tỏa vào đời sống sau sự kiện. Tôi không lo sợ điều này. Chúng ta sẽ tiến bộ từng bước trình độ tổ chức của chúng ta qua từng sự kiện. Nhưng điều mà ông nói đến hay là đang cảnh báo đó chính là lối sống văn hóa. Hay nói một cách khác là tinh thần văn hóa thẩm thấu qua tình cảm, tư duy và hành động của con người Việt Nam đương đại.
Tinh thần văn hóa được thể hiện qua 3 điều: Một, nhận thức của con người về văn hóa. Hai, ứng xử của con người với các di sản văn hóa. Ba, ứng xử của con người với con người và thiên nhiên. Cả ba điều này lại đang làm cho những người có lương tâm như ông lo sợ. Văn hóa trong đời sống đương đại đang là lời cảnh báo nguy hiểm nhất đối với sự tồn vong và phát triển của đất nước.
Ông hỏi tôi gốc gác của sự hụt hẫng và khiếm khuyết trong văn hóa hiện nay là từ đâu? Với những suy ngẫm lâu nay, tôi xin trả lời: gốc gác là từ nền giáo dục của chúng ta. Nhưng tôi muốn nói rõ hơn về giáo dục. Giáo dục không chỉ là nhà trường. Giáo dục là chiếc kiềng ba chân: Gia đình, nhà trường và xã hội. Xã hội gồm có con người và thiên nhiên.
Cả ba chân kiềng này đều lung lay. Cả ba chân kiềng gia đình, nhà trường và xã hội đã xa rời sứ mệnh giáo dục nhân văn. Đó là sai lầm chết người. Mục đích duy nhất của mọi nền giáo dục từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim là làm cho con người đối xử với con người và thiên nhiên một cách nhân văn nhất. Chúng ta đào tạo một bác sỹ giỏi, một kỹ sư nông nghiệp giỏi, một lái xe giỏi hay một cảnh sát giỏi cũng là để thực hiện chủ nghĩa nhân văn một cách thiết thực nhất đối với con người trong đời sống thường nhật mà thôi.
Nếu bây giờ tôi là người có quyền cao nhất quyết định mọi vấn đề của nền giáo dục Việt Nam thì có lẽ tôi phải cần đến một nhiệm kỳ ít nhất là 50 năm để hoàn thiện nó. Điều đó có nghĩa là nền giáo dục chúng ta đã bị "hỏng hóc" một cách nghiêm trọng. Chúng ta không thể bóc tách một thế hệ nào đó ra để áp dụng một nền giáo dục nhân tính nhất và tiên tiến nhất đối với họ. Rồi từ đó chúng ta có ngay được một xã hội tràn ngập tính nhân văn. Mà chúng ta phải áp dụng nền giáo dục đó vào tất cả mọi thế hệ đang cùng tồn tại trong xã hội chúng ta. Những người ông, người bà, những cha mẹ, những cô dì chú bác, những anh chị, những thầy cô, những hàng xóm... và cả thiên nhiên đều phải trở thành những người thầy, người cô. Chủ nghĩa nhân văn phải được giăng mọi ngã đường mà những đứa trẻ đi qua.
Khi một người sống với chủ nghĩa nhân văn cao cả nhất thì văn hóa sẽ hiển lộ trong mọi ứng xử của người đó trước con người và thiên nhiên. Tôi đã lặng lẽ theo dõi trong nhiều năm nay nhiều gia đình khác nhau, nhiều trường học ở các cấp khác nhau và nhiều công sở khác nhau và nhận thấy: ngôn ngữ và hành động nhân văn đã trở nên vô cùng khan hiếm hay nói cách khác là đã và đang bị ngôn ngữ và hành động thực dụng chiếm chỗ.
Lê Văn Thương, TP Huế: Thưa Việt Long, năm 2010 là năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đã có rất nhiều hoạt động long trọng được tổ chức để kỷ niệm sự kiện lớn ngàn năm có một này của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là năm "nóng" lên hàng loạt các vấn đề về bảo vệ và trùng tu di sản. Nhiều di sản sau khi trùng tu khiến mọi người ngỡ ngàng vì không còn nhận ra nổi. Vậy theo Việt Long với tình hình như vậy liệu chúng ta có bảo tồn được dấu tích xưa nào cho thế hệ ngàn năm sau hay không? Trong mơ ước của Việt Long, đất nước 1000 năm sau sẽ thế nào?
Việt Long: Nếu cách ứng xử của chúng ta đối với các di sản như hiện nay mà không có gì thay đổi thì một ngày không xa, hậu duệ của chúng ta sẽ chẳng được chiêm ngưỡng những di sản kỳ vĩ của dân tộc nữa. Có quá nhiều di sản đã bị phá hủy bởi chính trùng du. Một sự thật quá bi hài. Hậu quả này xuất phát từ 3 điều: một, những người quản lý các di sản và những người trực tiếp điều hành việc trùng tu không hiểu biết về giá trị, vẻ đẹp của các di sản và không hiểu biết về trùng tu. Hai, trùng tu chỉ là cái cớ hợp pháp để những ai đó tham ô, tham nhũng. Ba, họ quản lý di sản và trùng tu các di sản mà không hề có tình yêu đối với các di sản.
Mơ ước của tôi về đất nước của 100 năm sau hay của 100 năm sau là một xứ sở thanh bình với thiên nhiên phù trú, với những di sản văn hóa lộng lẫy và linh thiêng, với con người đầy lòng nhân ái. Trên thế gian này, có những vùng đất như vậy mà tôi đã từng chứng kiến. Tháng Bảy năm 2003, tôi đã đến Achill, Ireland. Đó là một vùng đồi với những quả đồi phủ kín hoa dại bên bờ biển. Người dân Achillnói ở đó chỉ có hai thứ là của chung. Đó là nhà thờ và bưu điện. Đêm đêm những người dân Achilltụ tập ở các quán bia. Họ uống bia và nghe hát dân ca. Tôi đã gọi đó là Thiên đường trên mặt đất. Tại sao họ làm được như vậy còn chúng ta thì không? Câu trả lời lại là: văn hóa. Khi tinh thần văn hóa không còn chảy trong trong tâm hồn của con người thì mọi điều sẽ trở nên tồi tệ và đi đến kết thúc một cách đen tối.
Nguyễn Lan Anh, Hà Nội: Năm 2010, cả nước hân hoan với sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng danh giá Fields. Chúng ta tự hào vì đất nước Việt Nam đã sản sinh ra một trí tuệ lớn khiến cả thế giới ngưỡng mộ như vậy. Nhưng sự kiện này cũng đồng thời làm dấy lên nhiều vấn đề: tại sao nhiều người tài của đất nước chỉ có thể thành danh ở nước ngoài; chế độ đối đãi hiện nay của chúng ta liệu có đủ sức nuôi dưỡng và thu hút các nhân tài khi mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn phải sống quá chật vật với đồng lương "còm"; chúng ta đã tạo được một môi trường thực sự tự do để sáng tạo hết khả năng?... Không chỉ trong lĩnh vực khoa học, những vấn đề trên còn đặt ra cho mọi lĩnh vực khác. Vậy theo Việt Long, để trí tuệ Việt có thể thực sự được nuôi dưỡng và cất cánh từ chính nền giáo dục, đào tạo của Việt Nam và cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước, chúng ta cần làm gì? Trách nhiệm này trước hết thuộc về ai?
Việt Long:Mấy đêm trước tôi vừa đọc lại một tài liệu nói về các nhà thơ đời Đường, Trung Hoa. Một trong những điều tôi suy nghĩ rất nhiều là Vua Đường đã đãi các nhà thơ như các thượng khách. Đó có lẽ là một trong những lý do quan trọng nhất làm nên một trong những thời đại thơ ca vĩ đại nhất thế giới: thơ Đường.
Tôi nói đến các nhà thơ đời Đường, Trung Hoa vì có liên quan gián tiếp đến câu hỏi của chị. Đất nước nào và ở thời nào cũng có phần tinh hoa của đất nước đó. Chúng ta không thể đối xử với bộ phận tinh hoa của đất nước như mọi bộ phận khác. Đây không phải là sự không công bằng mà là một chiến lược của mọi quốc gia ở mọi thời đại. Chúng ta ai cũng biết chuyện Thánh Gióng. Từ Vua cha cho đến các thần dân đã tập trung cho Thánh Gióng để làm nên nghiệp lớn cho dân tộc.
Nếu GS Ngô Bảo Châu sinh sống và làm việc ở Việt Namthì Giải thưởng và GS giành được sẽ mang đến cho người Việt Nam niềm tự hào trọn vẹn hơn. Như tôi nói ở trên, Giải thưởng mà GS Ngô Bảo Châu giành được ngoài niềm tự hào, niềm tin vào con người Việt Nam chúng ta cũng nhận ra lỗ hổng trong việc đầu tư cho những nhân tài của đất nước từ khi còn nhỏ. Nhân tài cũng giống như một hạt giống tốt phải được gieo trồng và chăm bón một cách kỹ lưỡng từ khi ta gieo hạt giống đó xuống đất. Nếu không chúng ta cũng chỉ nhận được một cái cây còi cọc mà thôi.
Điều kiện tốt cho sự phát triển của các nhân tài bao gồm cả hai mặt: điều kiện sống và điều kiện làm việc. Nhưng cả hai mặt này còn quá nhiều bất cập. Đặc biệt là điều kiện làm việc. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng của điều kiện làm việc là tập thể có khả năng phát huy năng lực sáng tạo và cá tính sáng tạo của cá nhân nhân tài. Đó chính là tự do sáng tạo. Nhưng chúng ta đang mắc một sai lầm nghiêm trọng là không chấp nhận năng lực sáng tạo và cá tính sáng tạo của các nhân tài vượt ra khỏi quan niệm và những quy định hạn chế và cực đoan của chúng ta. Điều đó đã làm xói mòn cảm hứng sáng tạo của nhân tài. Những áp đặt được mang tên "tập thể" đã giết chết ít nhiều cảm hứng và tính đột phá trong sáng tạo của con người. Một đặc điểm "chết người" là "tập thể" luôn luôn bắt các cá nhân phải phụ thuộc vào "tập thể" và sáng tạo trong vòng kim cô của "tập thể". Bởi thế, có biết bao nhân tài sau nhiều năm tháng làm việc trong một tập thể đã bị "tập thể" hóa mà không còn khả năng tư duy độc lập nữa. Khi một cá nhân hay một nhân tài không có khả năng tư duy độc lập thì cá nhân đó hay nhân tài đó trở thành một sản phẩm hàng loạt giống như những chiếc ốc được sản xuất trong cùng một dây chuyền.
Tự do sáng tạo và sự tự do đó được tôn trọng, được khuyến khích và được tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho các cá nhân thăng hoa sự sáng tạo của mình là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để chúng ta có được các nhân tài thực sự.
Nguyễn Thị Thanh Thanh, Cát Cụt, Hải Phòng: Thưa nhà báo Việt Long, tôi đọc trên báo thấy một tổ chức quốc tế nghiên cứu đời sống của các nước trên thế giới và đưa ra kết luận Việt Nam là một trong những nước mà người dân có lòng tin cao nhất vào tương lai trong khi mức sống của người dân Việt Nam lại nằm trong các nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Nhà báo lý giải điều này như thế nào ?
Việt Long:Một sự thật có vẻ mâu thuẫn. Nhưng đó lại là sự thật. Những khó khăn về kinh tế cùng với những vấn đề đang được cảnh báo như giáo dục, văn hóa, ý tế... chưa thể sánh được với những khó khăn, thách thức trong những cuộc chiến tranh vệ quốc trước kia của đất nước chúng ta. Nhưng dân tộc Việt Nam đã đi qua. Cho đến bây giờ, không ít người không lý giải được và một số người còn nhạo báng một câu thơ của cố thi sỹ Phạm Tiến Duật " Đường ra trận mùa này đẹp lắm".
Nhưng những người đã sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc ấy đặc biệt là những người lính thì lại thấy đó là một câu thơ nói đúng sự thật tinh thần người Việt Nam trong chiến tranh. Đứng về mặt ngôn từ, thì chữ ĐẸP ở đây không phải là cái đẹp mang chức năng miêu tả mà nó mang chức năng biểu cảm nội tâm. Cái đẹp của lòng yêu nước, cái đẹp của những người được hiến dâng cho hòa bình của dân tộc, cái đẹp của đức tin vào dân tộc mình. Cái đẹp này thể hiện lòng quả cảm, lòng kiêu hãnh và nhân cách sống của dân tộc Việt Nam trước cường bạo và cái ác. Và dân tộc Việt Nam đã đi qua những thách thức khó khăn nhất mà phải trả bằng máu.
Bởi vậy mà trong những năm tháng này, mọi khó khăn không thể sánh được với những hy sinh, mất mát trong chiến tranh mà con người Việt Nam đã đi qua. Hơn nữa, thực tế đang chứng minh rằng: phồn vinh và dân chủ đang từng bước, từng bước trải rộng trên đất nước chúng ta. Với bản chất yêu hòa bình, không chịu khuất phục mọi kẻ thù, niềm say mê lao động, lòng tự hào dân tộc cùng với giấc mơ không bao giờ lụi tắt về một tương lai của con người Việt Nam đã làm cho con người Việt Nam luôn luôn mang trên gương mặt mình ánh sáng của niềm tin.
Với niềm tin ấy, con người Việt Nam sẽ từng bước hóa giải những khó khăn, những thách thức, những kém cỏi, những ích kỷ... để bước đến tương lai của mình.
Thưa bạn đọc,
Năm mới đang đến gần. Những ngọn gió xuân ấm áp và dào dạt sức sống đang thổi trên đất đai của tổ quốc chúng ta như nghịp điệu của thời gian muôn thuở. Cho dù năm nay, rét đậm hơn, kéo dài hơn nhiều năm trước thì đào vẫn nở hồng, mai vẫn rực ấm, những mầm cây vẫn tách vỏ vươn lên. Sự thật ấy càng cho con người tin vào những điều tốt đẹp ngày mai.
Tôi xin cầu chúc những điều tốt lành nhất cho mỗi con người Việt Nam và cho dân tộc chúng ta. Hôm qua đã trở thành quá khứ cho dù hôm qua với những phiền muộn và sai lầm. Hiện tại đang cuộn chảy như gió xuân và như nhựa cây dâng trào để sinh ra những mùa hoa trái mới. Tương lại đang nằm trong lòng tay con người, và không ai khác, chính chúng ta là người quyết định vận mệnh của chúng ta.
Để thay cho kết thúc cuộc trò chuyện này, tôi xin gửi tới bạn đọc bài thơ của một bạn đọc - nhà thơ Khuất Bình Nguyên.
Người cùng khổ
Kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Không chỉ ngày qua đến cả mai sau
Người đi cùng nỗi khổ đau nhân loại
Qua mười hai nghề nghiệp khác nhau*
Hiểu thấu hết những kiếp đời cơ cực.
Đổi họ thay tên có đến trăm lần
Vẫn là tên của người cùng khổ
Sợ chi đâu giặc kết án tử hình
Tuổi của người 79 năm thế giới có hai cuộc chiến
Gánh Tổ quốc mình đi tìm hòa bình ở khắp năm châu.
Người cùng khổ vượt qua sóng giao thoa các cầu tầu văn hóa
Thấy thẳm sâu triết học khốn cùng
Đi qua những cánh đồng mênh mông chữ viết
Triết của người nhìn ra sự khác nhau
Những trận bão lịch sử phương Đông, phương Tây
Cuộn những chiều dài chẳng giống nhau trên lưng trần nhân loại **
Rồi tìm thấy dòng hải lưu hòa đồng thời đại
Jê su, Các Mác, Thích Ca, Khổng Tử
Nếu cùng thời họ là bạn của nhau
Cùng cứu rỗi nỗi đau trái đất.
Người cùng khổ cởi trần khác đâu người lính
Cầm sào phơi áo đi giữa nắng trưa
Áo chưa kịp khô vào mùa chiến dịch
Như người lính ở đội hình xung kích...
Người cùng khổ sinh ra và nhắm mắt xuôi tay như tất cả chúng ta
Giờ ly biệt mong được uống một làn nước mát
Múc lên từ suối nhạc dân gian của Tổ quốc mình
Hãy vẽ người phút giây có tiếng nói xúc động này
Không phải như thánh với tông đồ yên lặng
Lịch sử tự nhiên sẽ đi tiếp con đường vô tận
Quy luật của những vì sao sáng tối khôn cùng
Những thiên tài hằng đêm vắt tay trên trán loài người không ngủ
Máu, mồ hôi có chảy dọc đường dài?
Cùng với nhân bản người có kẻ treo bom trên trời, trên biển giết người
Cách biệt giàu nghèo vẫn hai luồng gió thổi
Hun hút dài trong lịch sử biết bao năm?
Khuôn mặt chúng sinh còn hai dòng lệ chảy
Hạnh phúc đắng cay của đời hai nửa sáng long lanh.
Tiếng gọi khàn khắc khoải chống bất công.
Trải mỏng trái đất ra trên cùng mặt phẳng
Lịch sử gọi tên Jê su, Các Mác, Thích Ca, Khổng Tử...
Hãy sống lại cùng loài người giải tiếp chuyện mai sau
"Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian"
Lịch sử tự nhiên thôi thúc loài người ngàn lần câu hỏi
"Ta tồn tại hay không tồn tại"?
Nhân loại đặt tên người đồng hành là Người cùng khổ
Người viết dòng đầu cho văn hóa của Tương lai***
Nhà thơ Khuất Bình Nguyên
--------
*Một số chi tiết cụ thể trong bài thơ này được lựa chọn từ: "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh" của Trần Dân Tiên.
** Hồ Chí Minh tiểu sử - NXB Lý luận chính trị năm 2006, trang 150 và 698.
*** Sách trên đã dẫn trang 130.