Đánh giá mô hình bộ máy cán bộ lãnh đạo chủ chốt Liên hiệp Hội
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chiến lược phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho những năm tiếp theo đạt nhiều kết quả tích cực, mô hình tổ chức bộ máy hiện nay đã từng bước được củng cố. Tuy nhiên, một số mục tiêu quan trọng đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì vậy để tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt Liên hiệp hội các tỉnh thành phố trong thời gian tới cần được hoàn chỉnh hơn nữa, đó là ý kiến của TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết trong Hội thảo Đánh giá mô hình bộ máy cán bộ lãnh đạo chủ chốt Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội.
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
Ông Nguyễn Quyết Chiến – Trưởng ban Tổ chức và Chính sách hội, LHHVN
Theo ý TS Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hải Phòng cho biết, lãnh đạo chuyên trách chủ chốt Liên hiệp Hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định, có cơ cấu hợp lý (trình độ chuyên môn, học hàm, học vị về khoa học kỹ thuật, khoa học nhân văn…) quan trọng nhất là người đứng đầu -Chủ tịch Liên hiệp Hội;
Kiện toàn đồng bộ tổ chức, bộ máy cán bộ cơ quan thường trực Liên hiệp Hội đủ về số lượng; đảm bảo chất lượng và cơ cấu hợp lý theo mô hình định hướng của Ban Bí thư Trung ương Đảng; hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phổ biến là 02 ban chuyên môn và văn phòng Liên hiệp Hội phải có từ 9 ÷ 12 biên chế cùng một số cán bộ, nhân viên hợp đồng theo chế độ quy định;
TS Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hải Phòng
Nhà nước và các tỉnh, thành có cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc để đảm bảo, động viên về vật chất, tinh thần cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan thường trực Liên hiệp Hội, đồng thời thường xuyên quan tâm giao nhiệm vụ cho hệ thống Liên hiệp Hội ở địa phương;
Đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội theo hướng quan tâm và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động, đóng góp của Hội vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, TS Kể cho hay.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến
Theo ý kiến của đại diện Liên hiệp Hội tỉnh Cao Bằng cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xây dựng Điều lệ Liên hiệp hội của địa phương, trong đó quy định cụ thể mô hình tổ chức bộ máy lãnh đạo Liên hiệp hội phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được nhà nước giao, đảm bảo thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Còn đối với ý kiến của đại diện của Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, mỗi mô hình đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Mô hình thứ ba có 100% lãnh đạo chủ chốt là cán bộ, công chức (trong độ tuổi lao động) là mô hình có nhiều ưu điểm nhất và hạn chế ít nhất, vai trò và vị thế của Liên hiệp hội được khẳng định rõ hơn. Với tổ chức bộ máy lãnh đạo chủ chốt Liên hiệp hội các tỉnh thành phố là cán bộ đương chức được phân công đảm nhận vị trí công tác các đồng chí sẽ thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình với tổ chức, luôn chủ động trong lãnh chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp hội; vai trò, vị thế của Liên hiệp hội tỉnh, thành phố ngày càng được nâng lên.
Thực trạng với một tổ chức Hội có rất nhiều mô hình lãnh đạo chủ chốt như vậy, cho thấy là một tổ chức thiếu thống nhất, thiếu chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, dẫn tới nhận thức của lãnh đạo tỉnh, cũng như các sở, ngành coi Liên hiệp hội như là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác là đương nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân chính yếu chưa thể khẳng định được vai trò, vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội của Liên hiệp hội.
Do vậy, cần có sự thống nhất về mô hình lãnh đạo chủ chốt nói riêng và tổ chức bộ máy nói chung của Liên hiệp hội từ trung ương đến địa phương. Khuyến nghị thực hiện thống nhất mô hình lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, công chức công tác tại Liên hiệp hội là chuyên trách và trong độ tuổi lao động, để khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức chính trị - xã hội của Liên hiệp hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến như Liên hiệp hội Việt Nam tiếp tục kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tổ chức bộ máy Liên hiệp hội Trung ương và địa phương. Hướng dẫn thực hiện thống nhất mô hình lãnh đạo chủ chốt và tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội địa phương.
Về tổ chức Đại hội, cần đề ra chủ trương thực hiện thống nhất về thời gian Đại hội nhiệm kỳ, như của Liên hiệp hội địa phương theo nhiệm kỳ của Liên hiệp hội Việt Nam (các tỉnh, thành có thể tổ chức Đại hội sớm hơn hoặc muộn hơn để tiến tới trùng với nhiệm kỳ của Liên hiệp hội Việt Nam.
Quang cảnh buổi hội thảo
Việc sử dụng chung Điều lệ và theo nhiệm kỳ Đại hội, cũng như việc tổ chức Đại hội ở các địa phương, bầu cử đại biểu dự Đại hội cấp trên; thỏa thuận nhân sự chủ chốt với Liên hiệp hội Việt Nam; tham mưu Ban Bí thư có Chỉ thị chỉ đạo Đại hội Liên hiệp hội các cấp, tiến tới Đại hội Liên hiệp hội Việt Nam….; cần thực hiện như các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Thống nhất việc Liên hiệp hội địa phương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị. Hiện nay, còn nhiều địa phương, đều báo cáo, xin ý kiến trực tiếp UBND tỉnh, thậm chí một số nội dung như |Đại hội nhiệm kỳ, vẫn phải báo cáo qua Sở Nội vụ, như một hội xã hội, nghề nghiệp.
Một số địa phương hiện nay, có văn bản giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản của Liên hiệp hội là trái với tinh thần của Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị; đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam có văn bản kiến nghị với Bộ Chính trị về vấn đề này.
Tiếp tục kiến nghị về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại Liên hiệp hội như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Xác định rõ đối tượng công tác tại Liên hiệp hội là công chức.
Tin, ảnh: HT