Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 02/11/2023 11:38 (GMT+7)

Đảm bảo, thống nhất đồng bộ Luật Quy hoạch

Theo Bộ Xây dựng, đô thị hóa là quá trình tất yếu, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Việc kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết.

Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới và cần được quy định thống nhất trong cùng một Luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn.

Hiện nay, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại 02 luật chính là: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng), được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đồng thời, trong hệ thống pháp luật, có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Kiến trúc năm 2019; Luật Nhà ở năm 2014; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Luật Đất đai năm 2013; Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch. 

Hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi bổ sung và ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật; việc điều chỉnh trực tiếp tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng) và tản mạn tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành.

Do đó, cần thiết quy định trong một luật, thống nhất về tên gọi, đồng thời làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

tm-img-alt

KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tich Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Năm 2017, Luật Quy hoạch ra đời và chính thức có hiệu lực vào tháng 01/01/2019. Sau nhiều năm Luật Quy hoạch thực hiện, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh ở các địa phương, KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tich Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.

KTS Chính cho biết thêm, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khớp nối hệ thống quy hoạch trong cả nước. Đó là sự khớp nối đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia – quy hoạch ngành- quy hoạch không gian biển quốc gia, để làm căn cứ lập quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch vùng

Cũng theo Luật Quy hoạch, phải lập 06 quy hoạch vùng cho 6 vùng kinh tế- xã hội. Đó là Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, mới chỉ có Quy hoạch vùng ĐBSCL được phê duyệt.

Đây là quy hoạch vùng đầu tiên ở nước ta được lập theo Luật Quy hoạch, nhằm tích hợp tất cả các nội dung phát triển kinh tế- xã hội, phát triển không gian, hệ thống đô thị nông thôn trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Đây là quy hoạch đã được nghiên cứu công phu, khoa học, đã đưa ra các định hướng phát triển và làm cơ sở pháp lý cho công tác lập quy hoạch tỉnh của 13 địa phương trong toàn vùng. Thông qua quy hoạch vùng ĐBSCL, phương hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng sẽ được cụ thể hóa và kết nối, thống nhất, đồng bộ, trở thành công cụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước để triển khai các quy hoạch cấp dưới một cách thiết thực và hiệu quả.

Vì vậy, để có được một Quy hoạch hoàn chỉnh cần tiến hành đánh giá và kế thừa những nội dung trong quy hoạch không gian vùng lãnh thổ đã được đề cập trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, hạn chế lớn nhất trong quy hoạch vùng hiện nay, đó là thiếu bộ máy quản lý, cơ chế phối hợp và cơ chế hoạt động chung của vùng. Điều này ngay cả trong trong Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng chưa đề cập đến cấp chính quyền vùng. Việc quản lý phát triển vùng liên tỉnh chủ yếu theo nguyên tắc hợp tác và chỉ đạo của Trung ương.

Vì vậy, mỗi vùng cần có bộ máy để quản lý quy hoạch vùng và liên kết vùng theo đúng quy hoạch, trên cơ sở quy chế hoạt động cấp vùng. Kinh nghiệm quản lý phát triển vùng ở các nước cho thấy, dù quản lý vùng theo hình thức nào, thì cơ quan quản lý vùng cần tôn trọng các chức năng và quyền hạn của các địa phương trong vùng, để công tác quản lý vùng thực sự thiết thực và mang lại hiệu quả, KTS Chính cho biết.

tm-img-alt

Xây dựng quy hoạch thành phố Hà Nộ và thành phố Hồ Chí Minh

Ở nước ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ) từ lâu đã được lập Quy hoạch chung xây dựng cho 20 năm và tầm nhìn đến 30, 40 năm. Những đồ án quy hoạch chung xây dựng của 5 đô thị này cũng như nhiều đô thị quan trọng khác được các tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước có kinh nghiệm lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là đồ án làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để từ đó lập các dự án đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở tuân thủ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các Luật có liên quan, trong thực tế xây dựng đô thị, các quy hoạch này đã phát huy tác dụng trong việc triển khai xây dựng và quản lý đô thị có hiệu quả. Đó là minh chứng cho công tác quy hoạch xây dựng trong thời gian qua.

Vì vậy, nếu thực hiện quy hoạch tỉnh cho 5 đô thị trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch sẽ rất khó thực thi, do những nội dung quan trọng như tổ chức không gian, tổ chức cảnh quan, tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức quản lý các khu chức năng rất khó thực hiện và không khả thi. Áp theo Luật Quy hoạch mới, các quy hoạch trước đây đã đạt được yêu cầu từ 80- 90%. Nếu bây giờ lập quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch thì khối lượng dữ liệu, thông tin cần tích hợp là rất lớn và phức tạp, kéo theo quá trình lập, thẩm định, lấy ý kiến, thủ tục thỏa thuận, với các ngành, các cấp… sẽ cần rất nhiều thời gian. Mỗi ngành lại có định hướng, chỉ tiêu riêng, gây khó khăn khi thống nhất, tích hợp trong cùng một quy hoạch.

Ví dụ, Thủ đô Hà Nội vừa phải triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, vừa phải tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát (theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây là điều không cần thiết, gây tốn kém về nguồn lực và thời gian thực hiện.

Vì vậy, nên chăng việc lập quy hoạch cho các thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch chỉ nên theo hướng rà soát, bổ sung những nội dung còn thiếu để có một quy hoạch chung.

tm-img-alt

Hiện nay, nếu theo Luật Quy hoạch thì Hà Nội phải xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch Thủ đôHà Nội thực chất chỉ là cái tên khác của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, mà các nội dung trong đó đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt với slogan rất đặc sắc Hà Nội Xanh- Văn hóa- Văn minh- Hiện đại”.

Vậy, việc có thêm Quy hoạch Thủ đô để theo Luật Quy hoạch, với sự tốn kém đến hơn 100 tỷ, lại vừa gây khó khăn, chồng chéo cho Quy hoạch chung xây dựngthủ đô Hà Nội, sẽ vừa kéo dài thời gian, làm khó khăn cho công tác thẩm định 2 quy hoạch này và lãng phí tiền bạc của quốc gia. Đối với quy hoạch tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự như vậy, cũng sẽ gây chồng chéo, tốn kém trên 100 tỷ.

Một số phân tích về những bất cập, hạn chế của Luật Quy hoạch như đã nêu trên, cho thấy để Luật Quy hoạch được hoàn chỉnh và đi vào cuộc sống, thì rất cần có thêm thời gian kiểm chứng, xem xét, đánh giá và sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tăng tính khả thi của Luật. Ngoài những vấn đề đã nêu, công tác tư vấn, lựa chọn chuyên gia tư vấn trong nước hay quốc tế cũng cần có những quy định bổ sung. Điều quan trọng là cần phải lựa chọn được tư vấn có kinh nghiệm, am hiểu về địa phương.

Tuy nhiên, nếu sử dụng chuyên gia tư vấn quốc tế thì bị ràng buộc bởi các quy định trong Luật Đấu thầu, dẫn đến các thủ tục liên quan thường bị kéo dài. Đây là những trở ngại đáng kể đối với các đơn vị tư vấn. Nếu sử dụng tư vấn trong nước, thì lại bị hạn chế về khả năng tiếp cận những phương pháp lập quy hoạch hiện đại, vận dụng những chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế.

Hồ sơ năng lực nhà thầu cũng là một vấn đề. Trong quá trình lựa chọn các đơn vị tư vấn cần có sự kiểm soát và đánh giá hồ sơ năng lực thực sự của các nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Nếu có thể được, cần cung cấp cho các địa phương danh mục các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế có đủ năng lực, kinh nghiệm, làm định hướng cho các địa phương khi lựa chọn nhà thầu, tiết kiệm thời gian và chi phí không cần thiết.

Về đơn giá định mức lập quy hoạch. Mặc dù đã có văn bản của các Bộ ngành liên quan đến định mức cho công tác quy hoạch quy định mức chuyên gia tư vấn, tuy nhiên cần làm rõ cơ sở để xây dựng đơn giá; cần cụ thể cho từng loại quy hoạch trên cơ sở xác định độ khó, quy mô, vị trí lập quy hoạch… và cần được thống nhất trên cả nước.

Vì vậy, cần bổ sung quy định về nội dung hồ sơ của các loại quy hoạch, trong đó quy định cụ thể về nội dung thể hiện đối với thuyết minh tổng hợp, thuyết minh tóm tắt, dự thảo tờ trình. Nên chăng cơ quan chủ trì cần phải có hướng dẫn thống nhất trong việc lập hồ sơ, nội dung và quy cách thể hiện bản đồ, quy định số lượng bản đồ, tỷ lệ bản đồ, bản đồ chính trong toàn bộ quy hoạch, hướng dẫn cách thể hiện trên bản vẽ.

Xem Thêm

Phú Yên: Nơi góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội BVQLNTD) tỉnh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên đã trải qua ba kỳ đại hội với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch, mua bán để trở thành những người tiêu dùng thông minh.
Phú Yên: Công ty Điện lực luôn phát huy phong trào sáng tạo Kỹ thuật
Ngày 31/10, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10, năm 2022-2023 (Hội thi) tổ chức tổng kết trao thưởng 30 giải pháp đạt giải (01 giải Nhất, 05 giải Nhì, 10 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Trong đó, Công ty Điện lực Phú Yên (PC Phú Yên) đạt 01 giải Nhì và 1 giải Ba.

Tin mới

Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023 (Vietnam - Asia Smart City Summit 2023) đã khai mạc vào sáng 29-11 tại Hà Nội. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội; Sở Thông tin và Truyền thông và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), phối hợp tổ chức với chủ đề “Khai thác dữ liệu – Xây dựng Thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Phú Thọ: Đánh giá tác động của chính sách đến chương trình mỗi xã một sản phẩm
Ngày 27/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá tác động của chính sách đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - những vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất giải pháp đối với tỉnh Phú Thọ.
Phú Yên: Nơi góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội BVQLNTD) tỉnh thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên đã trải qua ba kỳ đại hội với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch, mua bán để trở thành những người tiêu dùng thông minh.
Bình Định: Nâng cao năng lực xây dựng các dự án bảo tồn
Từ 19-21/11, tại tỉnh Đồng Tháp, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam của Quỹ Môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc – viết tắt: UNDP-GEF/SGP) phối hợp với Liên hiệp Hội Bình Định tổ chức “Hội thảo Nâng cao năng lực xây dựng các dự án bảo tồn – phát triển”.