Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 19/08/2011 20:43 (GMT+7)

Chính sách đối ngoại của Vatican dưới thời Giáo hoàng Benedict XVI

Ngay khi vừa được bầu chọn, Giáo hoàng Benedict XVI được nhiều người cho rằng sẽ tiếp tục chính sách của Giáo hoàng John Paul II. Thứ nhất, Ratzinger là một thân cận gần gũi của cố Giáo hoàng vì chính ông là người đã thiết kế nên đường lối chủ chốt cho triều đại John Paul II. Thứ hai, theo bản chất cấu trúc thể chế của giáo hội Công giáo, thường có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Theo logic, ít nhất cũng sẽ có sự tiếp nối chính sách của John Paul II dưới thời của Giáo hoàng Benedict XVI.

Tuy nhiên, dựa trên thực tế tình hình thế giới và nội bộ giáo hội công giáo hiện nay, có thể cho rằng nhận định này không hoàn toàn chính xác. Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) không còn là mục tiêu hiện hữu để Vaticanphải chú tâm tới. Một cách sát thực hơn, chính sự suy giảm uy tín trên trường quốc tế của Vatican, sự suy yếu về giáo lý của Chúa trong cộng đồng giáo dân, sự vươn lên của tôn giáo khác và tình trạng rối ren trong nội bộ Tòa thánh tồn dư từ thời John Paul II đến nay mới là những ưu tiên quan trọng hàng đầu trong chính sách của Tòa thánh hiện nay.

Hơn nữa, do sự khác nhau về định hướng cá nhân, nhãn quan tư tưởng và nhận thức vai trò và năng lực của nhà thờ trong xã hội hiện đại, nên trọng tâm chính sách của Giáo hoàng Benedict XVI cũng sẽ khác với cố Giáo hoàng John Paul II.

Những thách thức đối với Giáo hội công giáo trong thế kỷ XXI

Dưới thời cố Giáo hoàng John Paul II, những tinh thần tiến bộ của Vatican II đã không được áp dụng một cách triệt để và phát huy hiệu quả. Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, Giáo hội công giáo lâm vào khó khăn và đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Thứ nhất, uy thế của Vatican trên trường quốc tế đang suy giảm tương đối, do mối đe dọa từ Chủ nghĩa Cộng sản - chất kết dính các nước phương Tây với Vatican - không còn nữa. Ảnh hưởng của Tòa thánh đối với các chính quyền phương Tây không còn mạnh như xưa. Mỹ và EU đang đi trên con đường riêng của mình tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, trong khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Tòa thánh vẫn chưa được tháo gỡ. Ngược lại, Tòa thánh không che giấu thái độ bất hòa với phương Tây qua việc lên án chiến tranh I-rắc và đề nghị EU đưa tinh thần Thiên Chúa Giáo vào hiến pháp. Thứ hai, chủ nghĩa thế tục phát triển mạnh mẽ. Giáo hoàng Benedict XVI ví thế giới của chúng ta hiện nay rơi vào tình trạng của đêm trường trung cổ trước kia. Giáo hội Thiên chúa giáo ở châu Âu đang rơi vào thời điểm khó khăn. Thuyết chống giáo hội đã xuất hiện ở nhiều nơi, lên án Giáo hoàng chỉ quan tâm đến bảo vệ quyền lực và đặc quyền của mình. Thứ ba, sự suy yếu giáo lý của Chú trong cộng đồng giáo dân và tình trạng rối ren trong nội bộ Tòa thánh tồn tại từ thời John Paul II khiến cho nội bộ giáo hội mâu thuẫn sâu sắc và lâm vào bế tắc. Cuối cùng, sự vươn lên của tôn giáo khác gây nên mối lo ngại của Tòa thánh về khả năng mất vị trí độc tôn của Thiên chúa giáo.

Trước những thách thức đó, Giáo hoàng Benedict XVI - một con người cứng rắn và trung thành với truyền thống của Giáo hội Thiên chúa giáo - đã nhận thấy phải tiến hành một cuộc cách tân thực sự theo tinh thần của Công đồng Vatican II nhằm cứu vãn tình thế suy yếu hiện nay của Giáo hội.

Công đồng Vatican II

Trong bối cảnh thế kỷ 20 có những thay đổi hết sức nhanh chóng và vĩ đại so với các thế kỷ trước, Giáo hội hơn bao giờ hết cần phải chuẩn bị đối diện với những vấn đề cực kỳ khó khăn của thời đại đang hoặc sắp xảy đến. Với tinh thần nhập thể của Đức Ki-tô "không thể không thay đổi" - nếu không thay đổi, Giáo hội không thể thích ứng với thế giới mới và sẽ trở nên xa lạ với thế giới hiện đại và sẽ không đem lại ích lợi gì cho nhân loại - năm 1962, Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II (gọi tắt là Vatican II) nhằm thực hiện một cuộc cải tổ lớn lao và sâu sắc nhất trong lịch sử phát triển của Giáo hội.

Vatican II đã đề cập một quy cách qui mô đến nhiều vấn đề phức tạp, phong phú. Đặc biệt là nêu một quan niệm chính xác và đúng đắn hơn về giáo hội mà trên cơ sở đó mới có thể xác định những vấn đề quan trọng khác như quan hệ giữa Giáo hội với thế giới, vấn đề hiệp nhất các giáo phái Ki-tô, v.v…

Một trong những mục đích lớn của Công đồng Vatican II mở ra hướng đi mới về đối thoại và hợp tác, cởi mở tôn giáo, ít nhiều làm giảm nhẹ những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ thế giới, tạo điều kiện cho sự hiệp nhất giữa những người tin theo Đức Ki-tô, nêu cao tinh thần tự do, dân chủ, bao dung, chấp nhận sự đa dạng, khác biệt.

Các chuyên gia tôn giáo thần học và triết học cho rằng cuộc cách tân của Vatican II mang nhiều tư tưởng tiến bộ đã đưa Giáo hội Thiên Chúa La Mã tiến tới từ bỏ độc quyền văn hóa, tôn giáo, cởi mở hơn với những tư tưởng của thời đại, giúp giáo hội được "nhân loại hóa" trong khi thực thi sứ mạng "thánh hóa nhân loại". Cộng đồng II như thổi luồng sinh khí mới cho Giáo hội Thiên Chúa toàn cầu, các cộng đồng giáo hội xứ truyền giáo Á, Phi, Mỹ La-tinh, tạo điều kiện hội nhập với nền văn hóa dân tộc khu vực.

Trong cuốn Phóng sự về Ratzinger, Giáo hoàng Benedict XVI nói: "Tôi luôn cố gắng trung thành với Vatican II, với Giáo hội của ngày hôm nay mà không hề nhung nhớ cái ngày hôm qua, và không hề hăm hở ào tới cái ngày mai chưa thuộc về chúng ta". Nói cách khác, trong nhiệm kỳ của Giáo hoàng Benedict XVI, Vatican vẫn tiếp nối con đường của Công đồng Vatican II nhưng có những đổi mới, cách tân phù hợp điều kiện thực tế mới với một đường lối chính sách mềm mỏng và cởi mở hơn.

Một số điều chỉnh chính sách của Giáo hoàng Benedict XVI

Nhiệm vụ khẩn thiết đối với giáo hội hiện nay là sứ mệnh truyền giáochống chủ nghĩa thế tục . Vì vậy, Vaticanđã chọn con đường liên thông tôn giáo, đối thoại thẳng thắn cởi mở và hòa hợp để thực hiện nhiệm vụ này.

Không ảo tưởng có khả năng cải tạo thế giới trần tục trong một thời gian ngắn, Giáo hoàng Benedict XVI cho rằng cùng với việc truyền bá Phúc âm, Giáo hội cần phải nâng đỡ các cộng đồng Thiên chúa giáo, giữ gìn chân tính của mình, bảo đảm họ sẽ không bị đồng hóa bởi một nền văn hóa thế tục ở phương Tây tiên tiến.

Giáo hoàng cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Giáo hội không chỉ quan tâm đến tín đồ Thiên chúa giáo mà cả tín đồ thuộc các tôn giáo khác, muốn đối thoại thẳng thắn và cởi mở với hết thảy mọi người trong gia đình nhân loại nhằm xóa bỏ những mâu thuẫn và nghi kỵ, tạo dựng niềm tin vào giáo lý và giáo hội. Cần có những cử chỉ cụ thể có thể đi vào lòng người, khơi dậy lương tâm, mời mọi người hoán cải nội tâm, như là tiền đề của mọi phát triển trên con đường hợp nhất. Về phương diện đó, ông đã kêu gọi một sự "thanh lọc ký ức" sâu xa hơn để nhìn nhận những lỗi lầm trong quá khứ và hiện tại, và cam kết sẽ làm tất cả để cải thiện mối quan hệ với các tín đồ Thiên Chúa giáo.

Đây có thể là một trong những lý do Vatican tích cực thúc đẩy đối thoại với một số nước như Trung Quốc và Việt Nam để giải quyết những mâu thuẫn tồn tại trong quá khứ, tiến tới xây dựng quan hệ ngoại giao trong tương lai.

Giáo hoàng Benedict XVI muốn xây dựng "những chiếc cầu hữu nghị" nhằm thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Ông ủng hộ hòa giải và hòa hợp dân tộc, phản đối xung đột vũ trng cũng như các hệ thống kinh tế quốc tế không bảo vệ quyền lợi của người nghèo trên thế giới. Đối với hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh do Hoa Kỳ khởi xướng, Tòa thánh đã công khai lên tiếng chống đối, thậm chí còn mỉa mai rằng khái niệm "chiến tranh phủ đầu" không có mặt trong sách Giáo lý Hội thánh công giáo. Những ai mong chờ người đứng đầu Tòa thánh đóng vai "tuyên úy cho khối Liên minh Đại Tây Dương" và làm dịu đi việc chỉ trích của Vatican về chủ nghĩa quân phiệt và toàn cầu hòa của phương Tây có lẽ sẽ thất vọng.

Nếu vậy, Việt Namsẽ có thêm cơ sở yêu cầu Vatican đóng vai trò tích cực hơn trong việc hòa giải mâu thuẫn giữa cộng đồng công giáo Việt Nam với chính quyền.

Nhiệm kỳ của Giáo hoàng Benedict XVI được dự đoán sẽ không phải là một thời kỳ Giáo hội thu mình và giảm hoạt động, mà sẽ nỗ lực phát triển trên nền tảng sức mạnh và năng động của triều đại John Paul. Thời gian đầu khi mới đăng quang, Giáo hoàng John Paul II cũng được cho là người không mấy quan tâm đến đối ngoại. Trên thực tế, thời đại John Paul II đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử Quan hệ quốc tế. Giáo hoàng Benedict XVI chắc chắn cũng sẽ tham gia sôi nổi vào đời sống chính trị quốc tế nhưng với một tư thế độc lập hơn với phương Tây. Vì vậy, Vaticankhông thể trở thành một đối tác bị bỏ qua trong hợp tác quốc tế.

Mặt khác, Giáo hoàng Benedict XVI là người nổi tiếng cứng rắn bảo vệ những quan điểm truyền thống của Giáo hội công giáo, dưới sự quản lý của ông, Vatican chắc chắn phản đối mạnh mẽ chủ thuyết tương đối, coi đây là mối nguy hiểm đối với sự tồn vong của các giáo lý Thiên chúa giáo, "là vấn đề nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta". Họ lo sợ sẽ có sự kết hợp giữa chủ thuyết tương đối của phương Tây với thuyết bất khả tri của phương Đông tạo nên một "món lẩu tư tưởng rất hấp dẫn đối với lối tư duy hiện đại", sẽ ủng hộ quan điểm truyền thống về các vấn đề đạo đức tính dục như đồng tính luyến ái, yêu cầu việc tôn trọng các tôn giáo khác không được làm lu mờ tính độc nhất của sự cứu rỗi nhờ Chúa Jesus, và đòi hỏi các nhà thần học công giáo phải ủng hộ các giáo huấn của tòa thánh, phản đối các phong trào thần học giải phóng.

Giáo hoàng dứt khoát không chấp nhận khái niệm "hội nhập văn hóa" (inculturation) mà chỉ chấp nhận khái niệm "giao thoa văn hóa" (inter-culturality) và tuyên bố: "Dù giáo hội vui sướng nhìn nhận bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo truyền thống Phật giáo, Ấn độ và I-xlam giáo không có nghĩa là giáo hội phải bớt đi nhiệm vụ và quyết tâm của mình, tức là tuyên bố một cách dứt khoát Đức Giêsu là đường đi, là sự thật và sư sống".

Quan điểm này của Tòa thánh có thể sẽ vừa là tin vui vừa là mối lo ngại đối với các tôn giáo và văn hóa dân tộc khác. Bởi lẽ, Thiên chúa giáo ngày nay sẽ không tìm cách để "chực chạy thế văn hóa và tôn giáo bản địa", nhưng sẽ tìm cách vươn lên để trở thành tôn giáo có ưu thế hơn các tôn giáo khác.

Về mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội công giáo, trong bản thông điệp đầu tiên của mình, Giáo hoàng Benedict XVI nhắc đến trách nhiệm chủ chốt của Nhà nước trong việc đảm bảo trật tự và công bằng xã hội nhưng đồng thời ông không quên nhấn mạnh rằng giáo hội công giáo không thể đứng bên lề của cuộc đấu tranh vì công bằng đó, không thể tiếm quyền của Nhà nước đối với chính trị quốc gia đó và nhà thờ phải gắn kết với Nhà nước nếu không muốn bị lãng quên.

Đối với vấn đề của những nước cụ thể, Giáo hoàng Benedict XVI có thể ít quan tâm đến tự do của con người nhưng quan tâm nhiều đến sự tồn tại và phát triển của nhà thờ và khả năng thực hiện chức năng lễ phước và nghi thức lễ tế và cũng là chủ trương của Vatican đối với Việt Nam. Vì vậy, hơn một thập kỷ qua, Vatican đã chấp nhận các phủ quyết của Việt Nam đối với việc bổ nhiệm giáo mục. Đây là một trong những hình thức ngoại giao mở của Tòa thánh.

Trong chính sách cải tổ nội bộ giáo hội, đi ngược lại quan điểm của Giáo hoàng John Paul II, Giáo hoàng Benedict XVI hướng tới sự phân quyền cho giáo hội địa phương. Là một người xuất thân từ truyền thống tôn giáo Đức - coi trọng học thuyết xã hội "dính líu ở cấp toàn cầu" của Giáo hoàng Leo 13, Giáo hoàng Benedict XVI chủ trương trao quyền cho nhà thờ địa phương đảm trách quản lý vi mô những vấn đề của giáo hội công giáo ở địa phương mà Vatican không thấy cần phải can dự. Lập luận của Giáo hoàng là để giáo hội nói lên quyền của mình và giải quyết các vấn đề của mình.

Cách tiếp cận này có thể tốt cho sự phát triển của giáo hội công giáo. Tuy nhiên, đối với riêng Việt Nam, ở một mức độ nào đó, tăng quyền lực cho giáo hội công giáo Việt Nam có thể sẽ khiến mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo hội thêm khó giải quyết.

Chính sách đối ngoại của Giáo hoàng Benedict XVI đối với một số quốc gia

Với phương Tây

Quan hệ Mỹ - Vatican trải qua nhiều bước thăng trầm. Từ năm 1963 đến đầu thế kỷ 1980, do mâu thuẫn về vấn đề giải giáp vũ khí và chạy đua vũ trang, quan hệ hai bên tương đối căng thẳng. Giữa thập kỷ 1980, bên cạnh nhu cầu hợp tác chống Chủ nghĩa Cộng sản tăng cao, sự tương đồng quan điểm về nhân quyền và phát triển kinh tế đã thúc đẩy Giáo hoàng John Paul II và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan xích lại gần nhau, và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa thánh vào năm 1984. Nhưng ngay sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, mâu thuẫn vốn có giữa hai bên lại bùng phát. Kể từ khi Hồng y Joseph Ratzinger nhậm chức Giáo hoàng vào năm 2005, quan hệ Vatican - Mỹ thể hiện ngày càng rõ những bất đồng trên một số vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ, từ sự thay đổi khí hậu đến cuộc chiến ở I-rắc, những vấn đề nội bộ như nạo phá thai, nghiên cứu tế bào gốc.. Giữa Tòa thánh và Mỹ được cho rằng hiện đang có những khác biệt về mặt tư tưởng.

Thứ nhất, một số phân tích cho rằng Vaticankhông ủng hộ biện pháp của chính quyền Bush sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố. Mặc dù không phản đối Mỹ tự vệ, nhưng Vaticankhông đồng tình việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công I-rắc. Năm 2003, cựu Hồng Y Joseph Ratzinger công khai tuyên bố rằng "chẳng có lý do chính đáng nào để tiến hành một cuộc chiến tranh như vậy tại I-rắc".

Thứ hai, Vatican, đặc biệt là Giáo hoàng Benedict XVI, nghi ngờ các giá trị của chính sách đối ngoại của Mỹ. Họ cho rằng "một số nơi ở Mỹ đang hăng hái cổ vũ cho việc Tin lành hóa châu Mỹ La-tinh và từ đó loại bỏ Giáo hội Công giáo, nhằm xây dựng những giáo hội tự do, xuất phát từ tin tưởng rằng Giáo hội Công giáo không có khả năng bảo đảm một hệ thống chính trị và kinh tế vững chắc. Một vài thế lực ở Mỹ không xem đạo Công giáo là tương thích với thị trường tự do và các hệ thống xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bởi vậy đang cố phá vỡ bản chất Công giáo của châu Mỹ La tinh". Vì vậy, có thể thấy Giáo hoàng Benedict XVI không mấy ủng hộ hệ thống kinh tế Mỹ theo cách mà Giáo hoàng John Paul II đã tuyên bố trước đây. Ông ủng hộ một hệ thống kinh tế quốc tế công bằng hơn theo mô hình Anglo-Saxon với những cách thức không phải lúc nào cũng thích hợp với những quyền lợi chính trị và thương mại của Mỹ.

Thứ ba, một trong những vấn đề mâu thuẫn khó giải quyết lâu nay giữa Mỹ và Vaticanlà những khác biệt về quan niệm giá trị đạo đức và xã hội. Vaticanluôn kịch liệt phản đối chính sách của Mỹ cho phép nghiên cứu trên tế bào gốc và quyền được nạo phá thi của phụ nữ.

Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, Giáo hoàng Benedict XVI đã chuyển thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Obama, tuyên bố Vaticanphản đối mọi nỗ lực nới lỏng chính sách cho phép nghiên cứu trên tế bào phôi. Tháng 3/2009, các quan chức Vaticanchỉ trích Mỹ bãi bỏ lệnh cấm tài trợ các hoạt động nghiên cứu trên tế bào phôi và Chính sách thành phố Mêhicô (Mexico City Policy). Người ta dự đoán rằng quan hệ hai bên sẽ còn căng thẳng hơn nếu sắp tới Mỹ phê chuẩn đạo luật Tự do lựa chọn (Freedom of Choice Act) cho phép phụ nữ Mỹ được quyền nạo phá thai.

Cũng giống như người tiền nhiệm, trong một chừng mực nào đó, quan điểm của Giáo hoàng hiện nay đối với Mỹ lẫn lộn giữa khen và chê. Bên cạnh việc chỉ trích Mỹ trong một số vấn đề nêu trên, Vatican ủng hộ Mỹ chống buôn lâu ma túy, giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu, ngăn chặn chạy đua vũ trang… Có lẽ sẽ rất khó phán đoán chính sách của Vatican đối với Mỹ trong thời gian tới, nhưng sẽ không ai có thể mong đợi Tòa thánh trở thành người bênh vực trung thành cho chính sách của Mỹ.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Vaticantác động tới chính sách của Mỹ đã giảm đi ít nhiều, chủ yếu giới hạn trong một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích của nhà thờ ở các nơi trên nước Mỹ.

Với khả năng hiện nay của Tòa thánh, người ta có thể nhận thấy vai trò của Vaticantrong việc giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế không thực sự nổi bật như trong quá khứ, khi liên kết chặt chẽ với phương Tây. Tuy nhiên, sự tan rã của "liên minh thần thánh" đem lại thuận lợi cho các quốc gia trong quan hệ với Vatican . Việt Namhay Trung Quốc có thể dễ dàng đối thoại với Vaticanhơn khi không có sự đan xen lợi ích của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong lợi ích của tôn giáo.

Với Trung Quốc

Nhìn lại lịch sử quan hệ Vatican - Trung Quốc, dường như sự căng thẳng chưa bao giờ được giải tỏa. Quan điểm cứng rắn của cả hai bên về việc phong thánh, bổ nhiệm hồng y, công nhận hội công giáo yêu nước do Trung Quốc thành lập năm 1957 và quan hệ giữa Vatican với Đài Loan là những nguyên nhân gây nghi ngờ lẫn nhau sâu sắc giữa Vatican và Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Trung Quốc cho rằng Vatican muốn thực hiện một "hình thức kiểu Ba Lan" ở Trung Quốc, trong khi Vatican lên án Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và can thiệp vào công việc chính đáng của Giáo hội Thiên chúa giáo.

Tuy nhiên, kể từ khi cố Giáo hoàng John Paul II, vào năm 2000, đã lên tiếng xin lỗi các quốc gia về những việc lầm lỡ trong quá khứ của Giáo hội, quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc có những tín hiệu được cải thiện. Đặc biệt, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI lên ngôi năm 2005, cả hai bên chứng tỏ cố gắng tìm kiếm một giải pháp để tiến tới việc khôi phục quan hệ song phương.

Hiện nay, Vatican xem việc cải thiện quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, cam kết làm hết khả năng để bình thường hóa quan hệ. Ngày 13/5/2005, trước đoàn ngoại giao, Giáo hoàng Benedict XVI đã nói đến Trung Quốc như một trong những nước mà Vaticanmuốn bình thường hóa quan hệ. Vatican còn gửi giấy mời bốn vị giám mục Trung Quốc, trong đó có hai giám mục của Nhà thời chính thống đến Vaticanvào tháng 10/2006 để dự hội nghị về lễ ban thánh. Phía Vatican đã bày tỏ rằng Vaticancó thể xem xét vấn đề quan hệ ngoại giao với Đài Loan, trước khi nói chuyện với Trung Quốc.

Về việc phong giám mục, cả Trung Quốc và Vatican đã bước đầu đạt được sự nhượng bộ khi Giáo hoàng chấp nhận phong chức giám mục cho linh mục công giáo yêu nước Xing WenZhi vào ngày 28/6/2005. Việc đề cử giám mục cũng đang dần được giải quyết. Từ tháng 1/2005 đến tháng 4/2006, đã có bốn đợt tấn phong giám mục được công giáo chính thức của Trung Quốc đã bổ nhiệm một giám mục mới cho giáo phận Bắc Kinh, cha Lý Sơn, 42 tuổi và Giáo hoàng Benedict đã chính thức chấp nhận. Đồng thời, Giáo hoàng đã bước đầu thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ Trung Quốc và dừng việc bổ nhiệm các cha xứ của giáo hội hoạt động ngầm, nhấn mạnh việc bổ nhiệm nên nhận được sự chấp nhận của chính phủ Trung Quốc.

Mặc dù không tham dự được Thế vận hội Olymlic Bắc Kinh 2008, nhưng năm ngày trước khi khai mạc, Giáo hoàng Benedict đã công khai gửi lời chúc nước chủ nhà Trung Quốc và ban tổ chức, vận động viên đạt nhiều thành công.

Đối với Vatican, 17 triệu tín đồ Công giáo ở Trung Quốc không phải là một con số quá nhỏ để Vaticancó thể bỏ rơi lâu dài.

Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Vatican đối với Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với Việt Nam . Thứ nhất, những nhân nhượng của Tòa thánh đối với Trung Quốc sẽ là tiền lệ hoặc là cơ sở tham chiếu hữu ích cho Việt Namtrong quá trình xây dựng quan hệ ngoại giao của Vatican . Thứ hai, Vatican có thể cần Việt Nam như là một "chất thử" đối với Trung Quốc, khi mà hai nước là láng giềng và có nhiều điểm tương đồng.

Với Hồi giáo

Giữa đạo Thiên chúa và đạo Hồi có một sự khác biệt sâu sắc về quan điểm tôn giáo. Trong kinh Koran phủ nhận tính thiêng liêng của Chúa Jesus (Thiên chúa giáo), lên án Công giáo là đạo đa thần, phân biệt đối xử với những người không theo đạo Hồi. Những cuộc chiến tranh khốc liệt trên thế giới đều xuất phát từ cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Như các cuộc Thập tự chinh kéo dài từ thế kỷ XI cho tới thế kỷ XIII, chiến tranh giữa Đế quốc Ottoman và các nước theo Thiên chúa giáo.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Tòa thánh với chính phủ một số quốc gia Hồi giáo nhìn chung phát triển thuận lợi. Vaticanđã thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia Hồi giáo từ khá sớm (với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1868 - từ thời Đế quốc Ottoman; với I-ran từ năm 1950, với In-đô-nê-xi-a từ năm 1947). Trong suốt thời gian từ đó cho đến nay, Vaticanluôn cố gắng duy trì quan hệ tích cực.

Trên thực tế, cái vỏ bọc bên ngoài bằng quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Tòa thánh với các quốc gia Hồi giáo không che lấp được những mâu thuẫn nội tại của các mối quan hệ nhuốm màu sắc tôn giáo.

Rõ ràng ở các nước Hồi giáo này, đạo Hồi là tôn giáo thống trị và tư tưởng đạo Hồi chi phối mạnh mẽ đến đời sống chính trị và xã hội. Dù cho họ có tuyên bố là nhà nước thế tục, tôn giáo không thể ảnh hưởng tới chính phủ, và Hiến pháp đảm bảo các quyền tự do tôn giáo và phi tôn giáo của người dân, cộng đồng công giáo ở các quốc gia này vẫn bị đối xử không công bằng và bị kiềm chế.

Tại I-ran, sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Hiến pháp mới cho phép những người Thiên chúa giáo được phép thực hiện các tín lễ của mình. Nhưng đồng thời, Hiến pháp mới cũng coi kinh Koran là pháp luật nên người Thiên chúa giáo không có quyền bình đẳng như người Hồi giáo, không được phép làm việc tại các cơ quan nhà nước. Tại In-đô-nê-xi-a, dưới sự phản kháng mạnh mẽ của những người Hồi giáo chính thống đối với năm nguyên tắc xây dựng nhà nước In-đô-nê-xi-a do Tổng thống Sukarno đưa ra năm 1945, In-đô-nê-xi-a buộc phải có chính sách nghiêng về phía Hồi giáo. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, quyền của các Giáo chức - người đại diện cho Vaticanvà quyền sở hữu của nhà thờ bị hạn chế. Người Thiên chúa giáo gặp khó khăn khi tới hành hương tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, chính sách của hầu hết các nước Hồi giáo đối với các tôn giáo thiểu số (trong đó có Thiên chúa giáo) khá cứng rắn.

Một thực tế khác đang gây lo lắng cho giáo hội công giáo thế giới hiện nay là đạo Hồi có xu hướng phát triển nổi trội, kể cả ở những nơi vốn là quê hương của Thiên chúa giáo. Người ta đang lo ngại rằng những nguồn sinh lực của đạo Kito có thể sẽ suy yếu đi, đặc biệt là ở châu Âu, trong lúc Hồi giáo đang tăng. Điều đó khiến nảy sinh một số phán đoán về khả năng Tòa thánh đang tái thực hiện cuộc thập tự chinh chống lại Hồi giáo. Tuy nhiên, dựa vào hoàn cảnh hiện nay, có thể chủ quan khẳng định rằng điều đó không thể xảy ra.

Giáo hoàng Benedict XVI có thể bị nghi ngờ là người không khoan dung với Hồi giáo chỉ vì trong lịch sử ông đã phản đối kịch liệt Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu. Xuất phát từ tầm nhìn thần học, ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Á, sự gia nhập vào EU sẽ dẫn tới sự phai nhạt các đặc điểm văn hóa của cả hai phía. Ông nói: "Sẽ là một sai lầm khi nghĩ hai lục địa giống nhau, điều đó có nghĩa là đánh mất sự phong phú của những nét khác biệt và từ bỏ văn hóa để đổi lấy những thuận lợi trong lĩnh vực kinh tế". Và trong tương lai, chắc chắn Vaticansẽ ngăn cản một cách thận trọng và tinh tế những trường hợp mở rộng EU như vậy. Thêm vào đó, Vaticancũng đã hòa theo tiếng nói của Nhà Trắng phản đối kịch liệt chủ nghĩa khủng bố ở những quốc gia Hồi giáo, thúc ép những người theo đạo Hồi có quan điểm trung lập phải lên án khủng bố ở Trung Đông.

Tuy nhiên, xuất phát từ tầm nhìn thần học, có thể giải thích rằng Giáo hoàng muốn chống đối tư tưởng cấp tiến để bảo vệ đức tin của Thiên chúa giáo. Theo J.Bryan Hehir, chuyên gia về nhà thờ công giáo tại trường Harvard, điều đó không thể được xem như sẽ nổ ra một cuộc thánh chiến. Vaticanủng hộ chống khủng bố, nhưng không ủng hộ Mỹ gây chiến tranh vũ trang ở thế giới Hồi giáo.

Hơn hết, mối quan tâm thực sự hiện nay của Vaticanlà Chính thống phương Đông và đạt tới sự tái hợp Nhà thờ La Mã và Nhà thờ Chính thống. Điều này có ỹ nghĩa địa chính trị sâu sắc trên toàn khu vực giao nhau giữa châu Á và châu Âu.

Chính sách đối với phương Đông và Việt Nam

Mặc dù "cứu vớt Phương Tây" là trọng tâm trong chương trình hành động của Tòa thánh hiện nay, nhưng thời gian gần đây Vatican tỏ ra quan tâm nhiều đến khu vực châu Á, nơi tập trung hai phần ba tín đồ Công giáo trên thế giới. Vai trò của Vatican sẽ vẫn bị suy giảm và những nỗ lực của Tòa thánh cũng sẽ bị thất bại nếu không đáp ứng được nguyện vọng của người công giáo ở Nam bán cầu. Giáo hội công giáo ở Nam bán cầu là những thành phần cốt lõi của nhà thờ kể cả về mặt học thuyết và địa lý. Dù cho có thể thấy không cần thiết phải quan tâm đến những vấn đề như dưới thời Giáo hoàng John Paul II thì ngày nay Giáo hội không thể không gắn kết vào những vấn đề đó. Vì vậy, đối với khu vực này, những tuyên bố ngoại giao của Vaticancó thể sẽ vẫn nhằm vào giá trị con người nhưng có lẽ sẽ ít gay gắt hơn sơ với dưới thời Giáo hoàng John Paul II.

Đối với Việt Nam, có thể nhận thấy Vatican đang tích cực thúc đẩy tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam . Những biến chuyển trong chính sách của Vatican đối với Việt Nam thời gian gần đây xuất phát từ nhận thức của phía Tòa thánh rằng "thế hệ cộng sản hôm nay khác với thế hệ cộng sản hôm qua". Rõ ràng, Việt Nam trong những năm qua đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới, chứng tỏ được vị thế của mình trên trường quốc tế và trở thành nhân tố không thể không quan tâm trong chính sách đối ngoại của mọi quốc gia trên thế giới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giáo hoàng Benedict XVI đã hoan nghênh Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, coi Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á.

Mặt khác, Tòa thánh muốn đòi hỏi có được những quyền lớn hơn nữa cho Giáo hội công giáo Việt Nam . Mặc dù Vatican thừa nhận rằng Việt Nam đang thực hiện tốt chính sách tự do tôn giáo, giáo hội công giáo Việt Nam không bị chối bỏ các quyền tự do làm việc thờ phụng, nhưng đồng thời họ vẫn quan điểm rằng tự do tôn giáo bao gồm một thực trạng rộng lớn hơn, tự do thành lập các hội đoàn công giáo, các cơ sở giáo dục từ thiện, tự do trong việc bổ nhiệm chức sắc của mình. Quan điểm này đã làm cho lập trường của hai bên trở nên cách xa.

Nhìn từ phía Vatican, việc thiết lập quan hệ chính thức với Việt Namcó thể góp phần thúc đẩy việc cải thiện mối quan hệ song phương của Vaticanvới một số quốc gia khác.

Sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, từ năm 1989 đến nay, với chủ trương "làm bạn với tất cả các nước" và trên thế giới bầu không khí Chiến tranh lạnh cũng kết thúc thì quan hệ Việt Nam - Vatican ấm dần. Ngày 1/7/1989, Hồng y Roger Etchagaray đã đến thăm Việt Nam . Đây là quan chức cao cấp nhất của Vatican đến Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Cuộc viếng thăm đã mở ra một lộ trình mới là thường xuyên có cuộc làm việc hàng năm giữa hai phái đoàn của Tòa thánh và chính phủ Việt Nam bắt đầu từ năm 1990. Từ đó đến nay đã có 13 lượt đoàn Vatican đến Việt Nam . Những buổi làm việc đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến Giáo hội công giáo tại Việt Nam như vấn đề bổ nhiệm nhân sự cho các tòa giám mục, thành lập cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai bên. Cũng có những vấn đề căng thẳng, bức xúc như nhân sự cho Tòa Tổng giám mục TPHCM, tuy nhiên, với tinh thần tích cực và sáng tạo, hai bên đã giải quyết được căng thẳng. Cuối năm 2005, Hồng y Crescen zio Sepe - Tổng trưởng Bộ truyền giáo đã đến thăm Việt Nam và dự sinh hoạt của giáo hội ba miền, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam - Vatican.

Về phía Việt Nam, cũng có những động thái thể hiện sự quan tâm đối với Vatican . Tháng 6/1992, đồng chí Vũ Quang - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã dẫn đầu đoàn công tác qua Roma. Tháng 6/2005, đồng chí Ngô Yên Thi - Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ thăm Vatican . Ngày 27/5/2000, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng có buổi gặp Ngoại trưởng Tòa thánh J.Louis Tauran. Thủ tướng Phan Văn Khải gửi điện chia buồn khi Giáo hoàng John Paul II qua đời và điện mừng Giáo hoàng Benedict XVI lên ngôi. Đỉnh cao nhất của mối quan hệ Việt Nam- Vaticanlà buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedict XVI tại Roma ngày 25/1/2007. Thủ tướng đã phát biểu: "Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh, chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh có tiếng nói khích lệ cộng đồng công giáo Việt Nam luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh". Ngay sau đó, tháng 3/2007, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Pietro Parolin đến Việt Nam làm việc với Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo Chính phủ để thúc đẩy quan hệ song phương.

Trên tinh thần các cuộc tiếp xúc và những kết quả đạt được, với đường lối đối ngoại "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" và "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước", mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican có triển vọng phát triển tích cực trong thời gian tới.

Như vậy, so với thời của Giáo hoàng John Paul II, chính sách đối ngoại của Vatican dưới thời Giáo hoàng Benedict XVI có nhiều cải cách tiến bộ hơn, bám sát tinh thần của Công đồng Vatican II. Phương thức đối ngoại có thể mềm mỏng và thỏa hiệp, nhưng mục tiêu bảo vệ giáo lý Kitô vẫn mang tính chất trung thành tuyệt đối. Sự điều chỉnh của chính sách đối ngoại của Vatican dưới thời Giáo hoàng Benedict XVI có ý nghĩa tạo thuận lợi cho Việt Namtrong đàm phán thiết lập quan hệ song phương cũng như trong quan hệ với Tòa thánh nói chung và với giáo hội công giáo Việt Nam nói riêng.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...