Câu đối xuân và những giai thoại về câu đối
Tuy nhiên, dùng gỗ đào tạc tượng thần quá phiền phức, sau đó liền đổi thành tấm gỗ đào, vẽ hình hai thần, một trái một phải đóng đinh ở trên cửa thay “người canh cửa” nhà. Tôn dung của hai thần hết sức xấu xí, hung ác, đủ để trấn áp quỷ quái. Đó là “môn thần” ban đầu, về sau lại tiến một bước giản đơn hoá, trên tấm gỗ đào viết tên hai thần hoặc vẽ những bùa chú ngoằn ngoèo, “đào phù” (bùa đào) liền nảy sinh. Cũng có thể nói, đó là hình thái ban đầu của câu đối.
Đến đời Đường, thơ luật hưng khởi, liên cằm (hai câu 3,4) và liên cổ (hai câu 5,6) trong thơ phải theo phép đối, làm nảy sinh ảnh hưởng tích cực đối với diễn biến của đào phù. Đến cuối Đường Ngũ đại, có một số đào phù không viết tên thần hoặc bùa chú mà viết hai câu có ý nghĩa cát tường đối nhau. Như vậy, câu đối xuân đầu tiên ra đời.
Thông thường người ta cho rằng cấu đối xuân của vua Hậu Thục đời Ngũ đại Mạnh Sưởng viết là câu đối xuân đầu tiên của Trung Quốc. Câu đối Mạnh Sưởng viết là:
Tân niên nạp dư khánh(Năm mới đón nhận điều vui mừng còn dư lại)
Giai tiết hiệu trường xuân(Tiết lành đặt hiệu là trường xuân).
Sự ra đời của câu đối này được ghi lại trong sử sách như sau: Mỗi khi đến tiết xuân, Mạnh Sưởng đều để các đại thần soạn một số lời cát tường, viết trên tấm đào phù. Năm Quảng Chính thứ 27 (946) hôm ba mươi tết, Mạnh Sưởng bảo học sĩ Tân Dần Tốn viết đào phù, định treo ở trên cửa phòng ngủ của mình.
Nhưng sau khi Tân Dần Tốn viết xong, Mạnh Sưởng nhìn không vừa mắt, liền dứt khoát tự tay viết. Cái mà ông viết là hai câu bên trên. Đôi câu đối này rất nổi tiếng trong lịch sử, không chỉ bởi vì nó xuất tự tay một vị hoàng đế, mà chủ yếu là người ta cho rằng hai câu đó là một lời sấm báo trước triều Tống sắp diệt nước Hậu Thục. Bởi vì năm sau, Hậu Thục bị triều Tống diệt. Đại thần triều Tống Lã Dư Khánh đến đây làm tri phủ Thành Đô, quả đúng với lời ở vế trên “Tân niên nạp dư khánh”. Lại thêm “trường xuân”, lại là cái mà triều Tống gọi là “thánh tiết”. Sự khéo trùng hợp của lịch sử này, khiến câu đối của Mạnh Tưởng có tiếng tăm rất lớn, được ghi vào một số sách sử, thành câu đối đầu tiên truyền đời.
Kỳ thực, câu đối không phải một mình Mạnh Sưởng sáng tạo. Tiến sĩ Hậu Đường Phạm Chất cùng thời đại với ông khi ẩn cư trong dân gian, từng viết trên chiếc quạt lụa trắng của mình một đôi câu đối biểu đạt sự căm hận của mình đối với tham quan ô lại:
Đại thử khứ hạo lại(Nắng to quan lại tàn bạo đi)
Thanh phong lại cố nhân(Gió mát, cố nhân đến)
Có thể nói một cách khẳng định, sự nảy sinh của câu đối phải sớm hơn thời đại của Mạnh Sưởng, vào đời Đường đã có. Chỉ là câu đối của nhân vật nhỏ bé viết, sẽ không được ghi trên sách sử, như vậy câu đối của “nhân vật lớn” như Mạnh Sưởng liền “lộ mặt”.
Câu đối đến đời Tống đã ngày càng đi đến thành thục. Không ít văn nhân rất thích hình thức văn học mới mẻ này, như các nhà văn học nổi tiếng Vương Vũ Xứng, Dương Đại Niên, Yến Thù, Vương An Thạch, Lý Thanh Chiếu, Chu Hi… và đều sáng tác không ít câu đối. Nhà văn học lớn Tô Thức là cao thủ về làm câu đối. Ông từng nói: “Trong thiên hạ không có lời gì không thể thành đối”.
Đời Minh câu đối hết sức hưng thịnh. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương rất thích câu đối, đã viết không ít câu đối tặng cho văn võ trong triều.
Đến đời Thanh, câu đối đến thời kỳ cực thịnh. Hoàng đế các đời triều Thanh đều viết không ít câu đối, trong số đó có hai hoàng đế Khang Hy, Càn Long khi đi tuần du các địa phương còn đề câu đối khắp nơi. Càn Long là một người rất thích câu đối, chỉ riêng trong số câu đối ở các danh thắng Bắc Kinh, xuất từ tay Càn Long đã có đến 179 câu đối.
Kỷ Quân tức Kỷ Hiểu Phong là đại học sĩ của hoàng đế Càn Long, ông thường cùng vua chơi trò đối câu đối. Có một lần, Càn Long ra cho ông một vế “đối hồi văn”:
Khách thượng thiên nhiên cư, cư nhiên thiên thượng khách.
Câu “đối hồi văn” là câu đọc xuôi, đọc ngược đều có thể giảng được thông. “Thiên nhiên cư” trong vế đối là một cửa hàng ăn ở Bắc Kinh, cả câu có nghĩa: “Khách lên cửa hàng ăn Thiên nhiên cư, nghiễm nhiên như khách trên trời”. Kỷ Quân nghĩ một lúc, nhớ đến chùa lớn ở Bắc Kinh “Đại Phật tự” liền đối:
Nhân quá đại phật tự, tự phật đại quá nhân.
Câu này có nghĩa: “Người đến Đại Phật tự, Phật trong chùa lớn hơn người”.
Một hôm, có một thái giám ra cho Kỷ Quân một vế đối:
Tam nguyên giải hội trạng(Tam nguyên là giải nguyên, hội nguyên, trạng nguyên)
Ông không cần nghĩ ngợi liền đối:
Tứ quý hạ thu đông(Bốn mùa hạ thu đông).
Thái giám hỏi ông: “Xuân ở chỗ nào?”. Ông đáp: “Xuân ở chỗ nào, chỉ có ngài biết”. Mọi người đều cười rộ.
Văn nhân đời Thanh Lưu Phượng Hạo thuận tay viết câu đối mừng thọ, được người ta khen ngợi. Một lần, có người chuẩn bị sẵn giấy viết câu đối rất tốt nhờ ông viết câu đối mừng thọ một ông già. Khi ông phục xuống án vung bút buột miệng hỏi: Lão ông sinh vào ngày nào? Đáp rằng: “Ngày mười một tháng mười một”. Ông liền hạ bút viết:
Thập nhất nguyệt thập nhất nhật(Ngày mười một tháng mười một).
Thế mà cũng gọi là câu đối ư? Người ấy giận dữ nhưng không dám nói. Lưu Phương Hạo lại hỏi: “Lão ông năm nay thọ bao nhiêu?” Đáp rằng: “Vừa khéo đại thọ tám mươi”. Ông lại viết:
Bát thiên xuân bát thiên thu(Tám nghìn xuân tám nghìn thu).
Đó liền thành một đôi câu đối mừng thọ tuyệt diệu: “Bát thiên” là gấp trăm lần “bát thập”, thể hiện lời chúc lão ông tám mươi thọ gấp trăm lần. Chẳng trách người ấy xem xong tươi cười, khen không dứt miệng.
Ở Việt Nam cũng có những câu đối ghép chữ rất tài tình.
Làng Vân Chàng có nghề rèn dao cổ truyền. Một người thợ trong làng tên là Đoàn Hy, vừa làm nghề rèn, vừa chăm chỉ học tập. Trong một kỳ thi Hương triều Nguyễn, Đoàn Hy ứng thí và đỗ thủ khoa. Ông chủ khảo biết nghề nghiệp của tân khoa này, nên đã ra câu đối:
Than bỏ vào lò, sắt bỏ vào lò, bễ thì thổi phì phò, đúc ra nén bạc.
Đoàn Hy đối lại:
Mực nằm trong túi, bút nằm trong túi, ngồi viết lúi húi, tên chiếm bảng vàng.
Lúc còn trẻ tuổi, Trần Quốc Khái (quê xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Tây) bị lý dịch trong làng bắt đi phu đắp đê. Vì sức yếu vác đất không nổi, bị phạt phải chôn chân ôm cọc để làm gương cho kẻ khác. Viên quan thị coi sóc việc đê điều, thấy tình cảnh anh học trò tội nghiệp liền ra câu đối thử tài, nếu đối được thì sẽ miễn tội. Ông đọc:
Ông quan thị, cắm đường cái tiêu, trị hồng thuỷ cho dân được cậy.
Vế ra khó vì có 4 chữ quả: thị, chuối tiêu, hồng, cậy. Chàng thư sinh không phải nghĩ ngợi gì, đối ngay:
Trai quất động, thi đỗ bảng nhãn, phù quân vương, phỉ chí mới cam.
Vế đối cũng đủ bốn thứ quả: quất, nhãn, phù quân và cam.
Hai ông bạn nhà nho, một người lấy vợ ở La Qua, huyện Điện Bàn, Quảng Nam người kia lấy vợ ở Phước Chỉ, huyện Duy Xuyên, chơi với nhau thật tương đắc. Một ngày, hai ông thách thức văn chương, ông rể Phước Chỉ đọc câu đối trêu bạn:
-Con gái La Qua, qua hôn, qua hít, qua vít, qua véo, qua chọc, qua ghẹo, qua biểu em đừng có la qua!
Tiếng miền Trung, qua có nghĩa là tôi, là ta. La qua có nghĩa là mắng tôi lại đồng âm với tên làng. Ông rể ở La Qua ngẫm nghĩ một chốc rồi đối lại:
Con gái Phước Chỉ, chỉ xấu, chỉ xa, chỉ lười, chỉ nhác, chỉ bạc, chỉ bài, chỉ có một chồng là may phước chỉ.
Tiếng miền Trung, phát âm chị và chỉ giống nhau, nên đọc qua Phước Chỉ cũng thành phước chị.
Một chàng trai ở xứ Ba Đồn, cưới vợ tại làng Than Lộng (Quảng Bình). Làng này có con ngòi, tên địa phương gọi là hói Kịa. Đoàn xin dâu đi đến đầu làng, gặp ngay dân xóm chăng dây, ra câu đối:
Chân dậm, tay mò bơn hói Kịa.
Bơn là tên một loài cá (cá thờn bơn). Cá này có hình lá vông, khum khum dẹt dẹt. Câu đối ra như vậy là vừa nghịch vừa ác! Đám nhà trai còn đang ngơ ngác thì Nguyễn Hàm Ninh đã vượt lên, ứng khẩu đối lại:
Má kề, miệng ngậm bống khe Giang.
Khe Giang là một con suối ở Ba Đồn, có nhiều cá bống. Cá bống ở đây có con khá lớn, mập và có con dài đến gần một tấc. Đối lại như thế quả là tài tình và nghịch ngợm không kém.
Năm ấy, tỉnh Thanh Hoá gọi dân phu đi đào một con kênh gọi là kênh Hạc. Nguyễn Bá Nhạ vì chưa đỗ đạt, nên cũng phải đi làm lao lực. Viên quan chỉ huy ngồi trên võng, bắt lính khiêng ra bờ kênh cho hắn coi sóc, đốc thúc việc đào kênh. Thấy Nguyên Bá Nhạ gánh gồng trầy trật, hắn liền gọi tới hỏi và ra cho anh một vế đối, bảo đối được thì cho miễn lao dịch. Câu đối là:
Gia công đào kênh Hạc, giang lưng gánh đất cổ cò cò.
Vế ra rất khó vì có tên năm giống chim: gia (đa đa), công, hạc, giang, cò. Nguyễn Bá Nhạ đối lại:
Võng phượng mắc ngàm loan, sáo rủ khách nằm kêu két két.
Vế đối lại cũng có tên năm giống chim: phượng, loan, sáo, khách, két, lại hàm ý mỉa mai tên quan, nằm dài nhởn nhơ giữa bao nhiêu người đổ mồ hôi lao động.
Nguyễn Văn Chấn, người làng Xuân Hồ, huyện Nam Đàn, đỗ phó bảng, làm quan với Pháp, khi về hưu được phong làm Quang Lộc hiếu khanh, ngồi chiếu trên trong làng. Một bữa họp làng, không rõ bụng dạ thế nào, vô ý để lọt ra một phát trung tiện. Các quan viên chức sắc đều che miệng cười. Nguyễn Văn Chấn đọc liền một vế câu đối chữa thẹn:
Đùi Quang Lộc vắt ngang, hỏi: ếch kêu đâu đó?
Bỗng từ chiếu dưới, một thầy nho xin đổi vế đối là:
Mũi hương hào vếch ngược, rằng: cóc chết nơi đây.
Thầy đồ muốn thử tài học sinh của mình, ra một vế đối:
Kiến đậu cành cam, bò quấn quít.
Thầy dùng tiểu xảo, có cam có quít. Chữ quít vừa là tiếng đệm, lại vừa là tên cây. Cả đám học trò loay hoay nghĩ mãi chưa ra thì chú bé hầu trà của thầy đã chắp tay xin đối. Vế đối là:
Ngựa về đường Bưởi, chạy lanh chanh.
Vế đối có bưởi lại có chanh, chữ chanh vừa là tiếng đệm lại vừa là tên cây.
Ngày xuân mạn đàm về câu đối để thấy rằng trong văn hóa dân gian còn lưu truyền rất phong phú, tiếc rằng ngày nay tục viết câu đối ngày tết không còn phổ biến nữa.
Nguồn: Xưa và nay, số 132,133 tháng 1+2 năm 2003