Bình Phước: Thực trạng và giải pháp để thu hút đội ngũ trí thức
Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn tiếp tục diễn ra
Theo thống kê của Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước và số liệu khảo sát ban đầu của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, tính đến ngày 31/12/2014 toàn tỉnh có 24.432 người có trình độ cao đẳng trở lên, chiếm 2,6% dân số tỉnh. Trong đó có 7 tiến sĩ (0,03 % trí thức), 372 thạc sĩ (1,5% trí thức), 10.778 người có trình độ đại học (44,1% trí thức); bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I có 181 người, bác sĩ chuyên khoa II có 03 người, chiếm 5,7% tổng nhân lực ngành y tế (184/3210).
Công tác trí thức tỉnh Bình Phước thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hiện nay sự đóng góp của đội ngũ trí thức Bình Phước chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ sẵn có. Tỉnh thiếu nhiều cán bộ tầm cỡ khoa học, chuyên gia đầu ngành, chưa có giáo sư, phó giáo sư nào, tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ trong đội ngũ trí thức còn thấp.Trí thức trẻ được đào tạo căn bản nhưng một bộ phận tính năng động, sáng tạo không cao; chưa tạo được sự đột phá, sức bật trong phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức còn mất cân đối giữa các lĩnh vực, ngành, nghề… Cơ chế, chính sách đối với trí thức gần đây có nhiều chuyển biến tốt nhưng chưa thực sự kích thích, tạo động lực để thúc đẩy và phát huy tiềm năng sáng tạo của trí thức; chưa đủ sức thuyết phục, sức hút để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Phước mà trái lại tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn tiếp tục diễn ra. Những hạn chế trên đã khiến phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước hiện xếp cuối trong các tỉnh, thành thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giải pháp để thu hút đội ngũ trí thức
Tại hội thảo, nhiều báo cáo tham luận của các sở, ngành đã phân tích, làm rõ nguyên nhân những hạn chế, đưa ra giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh. Ông Đoàn Tấn Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng, tri thức trong hệ thống chính trị tuy đông nhưng chưa mạnh, mất cân đối giữa các lĩnh vực, ngành nghề; trong khi đó công tác đào tạo chỉ mới chú trọng công tác đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, chất lượng đào tạo chưa cao. Vì vậy, trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ để sắp xếp, bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu lâu dài của tỉnh, chấm dứt việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc tuyển dụng trước, đào tạo sau. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt khâu xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng góp phần quyết định việc đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hiền - Trưởng phòng Đào tạo, Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước đưa ra giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chính sách thu hút nhân tài mạnh mẽ hơn, đặc biệt là học sinh các trường chuyên Quang Trung, Bình Long và một số trường THPT có chất lượng của tỉnh, đồng thời xây dựng các chương trình trọng điểm với quy mô và thời hạn khác nhau thu hút sự đóng góp của các nguồn nhân lực bên ngoài trên từng lĩnh vực. Đại tá Vũ Tiến Điển - Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đề cao yếu tố năng lực trong tuyển dụng đội ngũ tri thức. Theo đó việc tuyển dụng phải có quy trình thống nhất, quan tâm đến chất lượng ứng viên, không vì nôn nóng giải quyết việc thiếu hụt về số lượng mà tuyển dụng không phù hợp.
Thảo luận tại hội thảo, bà Phan Thị Phấn - Phó giám đốc Sở Nội vụ Bình Phước cho rằng, công tác xây dựng đội ngũ trí thức còn gặp phải một số khó khăn do chính sách, môi trường và điều kiện đặc thù của tỉnh nhà, do vậy nên ưu tiên đào tạo tại chỗ. Đại diện Sở y tế tỉnh Bình Phước cũng cho rằng, do chính sách đãi ngộ của tỉnh thấp cho nên không thu hút được bác sĩ, thậm chí có bác sỹ được tỉnh đào tạo xong rồi cũng bỏ đi. Vì vậy, cùng với thu hút tỉnh ta cần có chính sách “giữ chân trí thức”.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Phước cho biết, hội thảo đã có 6/17 tham luận được trình bày, 7 lượt ý kiến xung quanh công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Đồng thời, tất cả các ý kiến của các đại biểu sẽ được Liên hiệp hội Bình Phước tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh nghiên cứu, xem xét để sớm đưa ra những quyết sách phù hợp trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bình Phước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện tốt nhất cho trí thức Bình Phước góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đề ra và xây dựng Bình Phước ngày càng giàu đẹp và văn minh.