Bảo vệ xoài từ khi cây phân hoá mầm hoa
Mặc dù mùa khô và ấm ở phương Nam trong các tháng đông xuân rất thuận lợi cho hoa xoài nở và thụ phấn, song vẫn có trở ngại không nhỏ đối với mùa hoa xoài, đó là sâu bệnh.
Trong số các loại sâu bệnh gây hai nghiêm trọng cho các nụ, hoa và quả non của xoài, cần chú ý đến cây xoài (rầy nhảy mắt to, rầy bông xoài, rầy lửa) nấm thán thư, nấm phấn trắng… Dưới đây xin giới thiệu cách phòng trừ rầy xoài.
- Rầy xoài ( I dioscofus clyfealis)
Đây là loài côn trùng chích hút, có mức độ phổ biến lớn và phạm vi lây lan rộng ở nước ta. Loài rầy này đặc biệt nguy hiểm đối với nụ, hoa xoài; nó làm giảm năng suất quả xoài tới 25 - 30%. Ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở Nam Trung bộ, các hộ trồng xoài đều coi đây là dịch hại quan trọng, vì rầy xâm nhiễm 60 - 90% số cây xoài ở thời kỳ kinh doanh, chích hút và làm rụng với tỷ lệ rất cao các nụ, hoa, quả xoài non. Một tỷ lệ nhất định của nụ hoa, quả non tuy bị hại nhẹ, song phát triển kém, hoa nở, không đều và tỷ lệ đậu trái thấp.
Rầy xoài được các nhà chuyên môn xếp vào nhóm côn trùng gây hại nặng nhất đối với năng suất chất lượng quả xoài.
Rầy xoài trưởng thành, nhìn từ phía lưng, có hình nêm, phía đầu, lưng ngực rộng, phía cuối thân thu gọn thành mũi nhọn, thân dài 4 - 5mm, màu vàng đất. Rầy non màu xanh nhạt sau chuyển nâu xám, mầm cánh của rầy non lớn và rõ dần theo tuổi. Sau 4 lần lột xác, rầy non chuyển trưởng thành không qua giai đoạn nhộng (biến thái không hoàn toàn).
Sau khi mùa khô bắt đầu, xuất hiện sự phân hoá mầm hoa trên các cành xoài thì mật độ rầy xoài cũng bắt đầu tăng; khi xoài có nụ hoặc nở hoa mật độ rầy tăng đột biến. Nếu trước tháng 10, mật độ rầy chỉ một vài con/cành thì sang tháng 11, con số đó đã tăng gấp 3 - 4 lần, rồi khi hoa nở, tháng 12 mỗi cành xoài đã có tới trên dưới 100 con, tức là gấp 45 - 50 lần. Với mật độ như vậy, hoa xoài bị hại rất nặng và nếu ngay từ tháng 10, 11 tiến hành phòng trừ thì hạn chế được tác hại của rầy rất nhiều. Mật độ rầy tăng như vậy, ngoài yếu tố thời tiết (khô, ẩm) thì nguyên nhân chủ yếu là nguồn thức ăn dồi dào, đó là hoa xoài nở, quả non hình thành. Khi quả đã lớn, tức là sang tháng 2 tháng 3 năm sau thì mật độ rầy lại giảm đi nhanh chóng. Rầy trưởng thành cái đẻ trứng vào mô non của nụ, hoa, quả non, cành lá non. Sau khi nở, rầy non cũng như rầy trưởng thành tập trung chích hút dịch tế bào để sinh sống. Nhờ các cặp chân phát triển nên rầy di động nhanh nhẹn. Rầy trưởng thành có thể bay từ nơi này sang nơi khác để phát tán lây lan, trong mùa hoa xoài nở rộ.
Ở các vườn xoài kinh doanh, cây có tán lá rậm rạp mật độ rầy xoài thường cao hơn vườn xoài nhỏ, vì lượng hoa cao hơn. Đồng thời thực tế sản xuất cho thấy, vườn xoài kinh doanh, nếu được vệ sinh tốt, cỏ dại và cây lùm bụi được phá bỏ triệt để thì mật độ xoài cũng thấp hơn nơi nhiều cỏ dại và nhiều cành xoài vô hiệu.
Biện pháp phòng trừ
- Cắt tỉa vô hiệu, kết hợp vệ sinh vườn xoài để hạn chế nơi ẩn náu của rầy trước mùa hoa nở.
- Ngay từ khi mùa mưa chấm dứt, nên theo dõi phát hiện rầy xoài và tính toán mật độ rầy, nếu mật độ rầy tăng đột ngột cần có biện pháp xử lý.
- Chăm sóc vườn xoài, bón phân, diệt cỏ dại trước mùa hoa.
- Khi xoài ra nụ mà rầy có mật độ từ 10 con trên 1 chùm hoa cần phun thuốc như Surnicidin 20EC pha 0,1% + Butyl 10WP pha 0,5%. Phun kỹ vào tán lá và chùm nụ hoa.
Nguồn: KH & ĐS, số 101 (1819), 19/12/ 2006