Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 15/02/2006 00:48 (GMT+7)

Bác Hồ với nước Mỹ (phần I)

Lúc từ máy bay bước vào hành lang của sân bay Kennedy, tôi thấy trên tường treo những tấm hình thành phố New York hồi đầu thế kỷ với các niên đại 1913, 1915… Tôi chợt giật mình nhận ra rằng: chính vào thời điểm chụp những tấm hình ấy có một người Việt Nam đã sống ở New York. Đó là Bác Hồ. Hèn nào, Bác là người rất am hiểu nước Mỹ. Điều đó khiến những người Mỹ tốt yêu hoà bình thì trở thành bạn của Bác, còn những người Mỹ xấu gây chiến thì nếm đòn của Bác, cũng là của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vừa biết kết bạn vừa biết đánh giăc. Cũng không lấy làm lạ vì sao vào năm 1967, giữa lúc chiến tranh đang ác liệt nhất, Bác Hồ lại ngỏ lời: “Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi. Ông hãy đến với vợ và con gái, thư ký, bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc. Tôi xin bảo đảm rằng: Tổng thống sẽ an toàn tuyệt đối” (17 – 1 – 1967).

Có thể ý niệm về một quốc gia ở bên kia đại dương đến với Bác Hồ khi còn nhỏ tuổi, cũng như đông đảo đồng bào của mình là một thứ vật dụng khá phổ biến hồi đầu thế kỷ này: chiếc đèn thắp bằng dầu hoả mà dân gian vẫn gọi là “đèn Hoa Kỳ”. Khi cậu Nguyễn Sinh Cung học ở Quốc học Huế (1908), hay thầy Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết (1909), nước Mỹ được viết trong các “tân thư, tân sách” của các nhà duy tân Trung Hoa.

Khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (1911), điều nung nấu sớm nhất của Bác từ khi mới 13 tuổi là những ý tưởng tốt đẹp của cuộc Cách mạng Tư sản Pháp “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Nhưng đến được nước Pháp rồi, người thanh niên khao khát trí tuệ và ước mơ giải phóng dân tộc ấy lại làm một cuộc hành trình đến mọi xứ sở để quan sát, học hỏi xem thiên hạ người ta “trị nước” như thế nào. Rời Sài Gòn ngày 5 – 6 – 1911, đến bến cảng đầu tiên của nước Pháp là Le Havre, vậy mà chỉ một năm rưỡi sau, Khâm sứ Trung kỳ đã nhận được một lá thư ký tên Nguyễn Tất Thành đề ngày 15 – 12 – 1912 gửi từ New York nhằm liên lạc và xin gửi tiền về giúp cha đang sống trong nước.

Tài liệu của giáo sư Phan Ngọc có nói đến các cuộc tham dự của Bác tại một Hội bảo trợ người da đen ở Mỹ UNIT (Universal Negro Improvement Trust). Lần gặp nhà báo Mỹ David Dellinger vào năm 1966, Bác Hồ có thuật lại rằng Bác đã từng “đi ở” cho người ta ở Brooklin với lương tháng 40 USD và vẫn dùng thời gian rảnh rỗi để học tập và đi thăm các khu vực khác của thành phố (Libération 10 – 1969). Khoảng cuối năm đó (1913), Người trở về Anh. Nhưng đến đầu năm 1915 đã lại có tư liệu cho biết Bác đã sang và làm việc tại khách sạn “Omini Parker House” ở Đông Bắc nước Mỹ. Và một tham luận của một nữ tác giả Mỹ đọc tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác còn cho biết rằng Bác đã đến thăm tượng Nữ thần Tự Do và đã có những lời đề từ thật sâu sắc vào sổ lưu niệm. Sự có mặt tại Mỹ lần này được xác nhận bởi một hiện vật: lá thư đề ngày 16 – 4 – 1914 từ Mỹ, Nguyễn Tất Thành gửi toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn để tìm địa chỉ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Nhưng sự kiện có ý nghĩa lớn lao hơn là với tên gọi “Nguyễn Ái Quốc” ký dưới Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi cho các đại biểu Đồng minh dự Hội nghị ở Versailles, Bác đã bước vào vũ đài chiến đấu và nhanh chóng trở thành linh hồn của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Bản yêu sách đề ngày 18 – 6 – 1919 thì chỉ một ngày sau (19 – 6), đại biểu sứ quán Mỹ ở Paris và đoàn đại biểu Mỹ dự hội nghị Paris đã báo nhận và cảm ơn việc làm của Bác; và hôm sau lại nhận được hồi âm của chính thư ký riêng Tổng thống báo hứa sẽ trình thư đó lên tổng thống.

Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Wilson, người đã đưa ra 14 điểm nguyên tắc để kiến tạo thế giới sau đại chiến, thực chất là phân chia lại thế giới. Nhưng Bản yêu sách ấy mãi mãi không bao giờ được thực hiện vì như Bác sau đó đã nhận ra cái “chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là bánh vẽ. Ít lâu sau, mật thám Pháp phát hiện cuộc tiếp xúc đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ qua sự giới thiệu của những thanh niên yêu nước Triều Tiên vào ngày 20 – 9 – 1919, bài báo có tựa đề “Người đại diện An Nam: Nguyễn Ái Quốc” đăng trên một tờ báo Trung Quốc ở Thiên Tân.

Nhưng lần đầu tiên Bác Hồ bày tỏ quan điểm chính trị của mình liên quan đến nước Mỹ, đó là vào cuối năm 1920, Bác đã tham gia mít tinh ở Paris để phản đối nhà cầm quyền Mỹ kết án tử hình hai công nhân… Bẵng đi một thời gian dài lại thấy một bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc nhưng đã ở Liên Xô, trong đó lên án Mỹ đã cùng một số nước đế quốc mang danh “đồng minh” để tấn công nước Nga Xô Viết, bài viết đăng trên tờ Imprékorr, tháng 4 – 1924. Cũng trong thời gian này, Bác viết một số bài lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tham luận tại phiên họp thứ 25 Đại hội V Quốc tế Cộng sản: Bác đã nêu lên việc nước Mỹ có diện tích 9.420 ngàn km2, 100 triệu dân lại chiếm tới 1.850 ngàn km2, cai trị 12 triệu người (3 – 7 – 1924)… Và trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân(1925 – 1926), tác giả đã nhiều lần lên án tính chất dã man của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tội ác man rợ của bọn 3K.

Hai năm sau (1927), nhưng lại từ Quảng Châu (Trung Quốc), sách Đường Kách mệnhdo Bác (lấy bí danh là Lý Thụy) viết lần đầu tiên giảng về lịch sử cách mệnh Mỹ cho lớp chiến sĩ cách mạng Việt Nam tiên phong. Bác ca ngợi cuộc cách mạng năm 1776 vì đó thực chất là một cuộc chiến tranh giải phóng, rồi dịch bản Tuyên ngôn bằng một lời lẽ thật sâu sắc: “Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng. Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ chính phủ ấy đi”.Nhưng rồi thầy Lý Thụy lại kết luận: “Nhưng bây giờ (1927) Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai nói đến cách mệnh… Mỹ tuy cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nhân vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”…Cũng thời điểm này (2 – 1927), Nguyễn Ái Quốc còn viết “Thư gửi Văn phòng Đảng Cộng sản Mỹ ở Quốc tế Cộng sản” yêu cầu cung cấp sách báo tuyên truyền của Đảng Cộng sản Mỹ để sử dụng. Địa chỉ của Bác: “Ông Lý, Hưởng Cảng Tiểu Dạ Báo, 53 đường Uy Liêm, Hong Kong”. Rồi đầu năm 1939, mang bí danh Hồ Quang, Bác Hồ đến Văn phong Bát Lộ quân Trùng Khánh đặt tại thôn Hồng Nhan. Tại đây Bác tiếp xúc với một người Mỹ gốc Hoa Franklin Liên Hô vốn là giáo sư Đại học Colombia của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ Trung Hoa dân quốc.

Chiến tranh thế giới bùng nổ, vị lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc nhận ra một cơ hội mới cho cách mạng giải phóng Việt Nam, mà nước Mỹ sẽ được đặt lên bàn cơ mưu lược của Hồ Chí Minh.

Nguồn: Xưa và Nay, số 81B, tháng 11 – 2000, trang 5 – 7

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...