Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 13/01/2011 19:18 (GMT+7)

Áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.

Với mục tiêu phát triển kinh tế bằng mọi giá, từ hàng thế kỷ nay, loài người đã và đang khai thác kiệt quệ, tàn phá nguồn tài nguyên sinh thái dẫn đến hậu quả là môi trường sống của chính con người đang bị đe doạ nghiêm trọng và khí hậu đang ngày càng bị biến đổi nhanh. Đồng thời với các hành động tàn phá trực tiếp thiên nhiên, hàng ngày con người đã trực tiếp và gián tiếp thải vào môi trường hàng chục triệu tấn chất thải rắn, lỏng và khí, mà trong số đó có nhiều chất gây biến đổi hiệu ứng nhà kính. Bão tố, động đất, lũ lụt với sức tàn phá ghê gớm là hậu quả tất yếu do cách đối xử tàn bạo của con người đối với thiên nhiên. Theo dự báo của các nhà khoa học, hậu quả của BĐKH sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trường hợp mực nước biển dâng lên một mét, nếu chỉ tính riêng thiệt hại do mất đất sản xuất tại các vùng bị ngập ước tính tổng sản lượng lương thực của nước ta sẽ giảm khoảng 12% (khoảng năm triệu tấn). Với kịch bản nước biển dâng một mét vào cuối thế kỷ 21, hai vựa lúa lớn nhất Việt Nam là Đông bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, gây giảm sút đáng kể sản lượng lương thực. Nguy cơ của việc thiếu lương thực đang trở nên vô cùng cấp bách.

Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, nước biển dâng một mét sẽ khiến Đồng bằng sông Hồng mất 5.000 km 2, tức 1/3 tổng diện tích. Thậm chí với Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng mất đất còn nghiêm trọng hơn với 15.000 - 20.000 km 2sẽ bị nhấn chìm (khoảng một nửa diện tích).

Trong khi đất nông nghiệp dần thu hẹp thì việc đảm bảo lương thực cho dân số ngày một tăng là một thách thức không nhỏ. Theo tính toán, nếu năm 2020, dân số việt Nam là hơn 100 triệu người thì sản lượng lương thực phải tăng gấp rưỡi hiện nay để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Diện tích canh tác cây lương thực có thể giảm do BĐKH làm một số vùng không còn phù hơp với sản xuất lương thực và một phần đất hiện trồng cây lương thực sẽ phải chuyển đổi thành đất cho những người phải di dời do ngập lụt vùng duyên hải. Đối với ngành chăn nuôi, năng suất và sản lượng một số loại vật nuôi có thể bị giảm do biên độ dao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại canh khác tăng lên. Nhiệt độ tăng cùng với biến động về các yếu tố khí hậu và thời tiết khác có thể làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển bùng phát gây ra những đại dịch trên gia súc, gia cầm. Đó là chưa kể tác động của

BĐKH đến thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn.

Năng suất và sản lượng cây trồng và vật nuôi có thể bị giảm do biên độ đao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác tăng lên. Nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi giảm hạn chế phát triển chăn nuôi. Nhiệt độ tăng cùng với biến động về các yếu tố khí hậu và thời tiết khác có thể làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, bùng phát: gây ra những đại địch trên gia súc, gia cầm. Đa dạng sinh học bị ảnh hưởng mạnh mẽ của BĐKH, thành phần và phân bố địa lý của các hệ sinh thái sẽ thay đổi. Vùng khô hạn và bán khô hạn sẽ trở lên khắc nghiệt hơn. Hầu hết các vùng đất cát ven biển miền Trung sẽ trở lên nóng và khô hạn hơn làm tình trạng sa mạc hóa diễn ra trầm trọng. Đến năm 2070, các loại cây trồng có thể lên đến độ cao 550 mét và hướng lên phía bắc 100-200 km so với hiện tại. Phân bố ranh giới các kiểu rừng nguyên sinh, thứ sinh có thể dịch chuyển, tăng nguy cơ tiệt chủng của động thực vật, nguồn gien quí hiếm. Nhiệt độ tăng làm nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Các loài cá nhiệt đới (kém giá trị kinh tế trừ cá ngừ) tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới (giá trị kinh tế cao) giảm, trữ lượng các loài hải sản kinh tế bị giảm sút.

BĐKH sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng và băng ở Bắc cực tan dẫn đến nước biển dâng cao và lúc đó một phần diện tích vùng đồng bằng của nước ta sẽ bị ngập trong nước biển. Dự báo diện tích rộng lớn của đồng bằng sông MêKông, sông Hồng và ven biển miền Trung sẽ bị ngập lụt. Trước hết là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Định sẽ bị nhấn chìm trong nước biển. Thay đổi chế độ mưa có thể gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô; gia tăng về cường độ và tần suất các cơn bão, giông tố gây lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất và xói mòn; gia tăng thiếu hụt nước và tăng nhu cầu dùng nước, đòi hỏi đáp ứng cấp nước và mâu thuẫn trong sử dụng nước.

Theo báo cáo của ủy ban Tham vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế: Nước ta sẽ xảy ra hiện tượng nước mưa bị axít hoá do lượng CO tăng dẫn đến sản lượng hải sản và lúa gạo giảm nghiêm trọng. Các đầm hồ trong đất liền bị nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, nhiều loài có giá trị kinh tế hoặc ý nghĩa khoa học sẽ bị chết hoặc di cư. Biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn tài nguyên nước, dẫn đến ảnh hưởng dòng chảy lưu lượng đỉnh lũ, độ bốc thoát hơi đều tăng khiến nguồn nước ngọt cũng giảm đi đáng kể. Dự báo trong tương lai, khí hậu Việt Nam sẽ nóng lên, mùa đông ít đi, mưa phùn giảm đi rõ rệt ở Bắc bộ và Trung bộ.

Khẩn trương hành động để cứu lấy môi trường sống của chính mình.

Trước nguy cơ và thách thức đó, đặt ra cho ngành Nông nghiệp phải có chương trình hành động thích ứng và giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra. Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã chỉ rõ: "Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai lấy phòng ngừa là chính, không ngừng nghiên cứu tác động của BĐKH toàn cầu, nước biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu để phòng, tránh". Thực tế, ngành Nông nghiệp và Nông thôn (NN và NT) đã có những chương trình góp phần hạn chế BĐKH, đặc biệt là Chương trình năm triệu ha rừng là những đóng góp rất lớn cho các hoạt động giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH tại Việt Nam . Hoặc chương trình xử lý chất thải trong chăn nuôi để sản xuất biogas, phát triển năng lượng sạch (hệ thống thủy lợi kết hơp thủy điện nhỏ) . . .

Các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH của ngành NN và PTNT sẽ là bộ phận quan trọng của Chiến lược quốc gia về thích ứng và giảm thiểu tác động BĐKH. Để phát triển bền vững ngành NN và PTNT trong bối cảnh BĐKH, vấn để xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình Hành động thích ứng và giảm thiểu BĐKH của ngành NN và PTNT là hết sức cần thiết. Đối với ngành chăn nuôi, đồng thời với sự phát triển ồ ạt các loại vật nuôi, cần phải có chiến lược giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bởi vì chất thải chăn nuôi không được xử lý là một trong những "thủ phạm" gây biến đổi hiệu ứng nhà kính do các loại khí C0 2, NH 4... có trong phân và nước tiểu của động vật phát tán vào bầu khí quyển. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các địa phương cần nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông cao thêm 50 cm vào năm 2020, nhất là hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để ứng phó với mực nước biển đang dâng; trồng 300.000 - 350.000 ha rừng ngập mặn, rừng chống cát di động ven biển; phân phối sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước ngọt, cung cấp nước, vệ sinh môi trường cho những vùng bị nhiễm mặn, hải đảo, vùng hạn hán, lũ lụt, ngập úng, xâm nhập mặn; áp dụng các giống mới cho các vùng đặc thù mặn, hạn, ngập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến vô cùng phức tạp nên chúng ta cần tập trung nghiên cứu, đánh giá thường xuyên tình hình khí hậu. Đó là cơ sở để đưa ra những phán đoán chính xác nhất.

Cần áp dụng những biện pháp thích hợp với tùy từng vùng miền để giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu.

Một trong những việc cấp thiết hiện nay là phải đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Những giống lúa mới với năng suất cao và khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt sẽ vô cùng quan trọng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để phòng tránh tác hại của BĐKH trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nâng cao nhận thức đầy đủ về BĐKH, tác động của BĐKH, từ đó huy động lực lượng chuyên gia ở các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp để xây dựng kế hoạch chương trình hành động, thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH đối với từng lĩnh vực. Cần tổ chức đào tạo lại đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, nhất là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao để tham gia giải quyết những vấn đề của BĐKH thuộc các lĩnh vực của kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, phải có chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu tác hại của BĐKH trong sản xuất và đời sống.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...