Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 11/06/2007 23:41 (GMT+7)

Nguyễn Ái Quốc với báo Le Paria

Năm 1921, với sự vận động và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc, Hội Liên hiệp thuộc địa được thành lâp, nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa quyết định cho ra báo Le Paria, cơ quan ngôn luận và tranh đấu của Hội.

“Xuất bản một tờ báo ở ngay giữa Paris như vậy, lại là tiếng nói chung của dân chúng các thuộc địa, lấy đó làm vũ khí để chiến đấu, đặt tên như thế nào đây?...” Bác bảo: “Người xứ Nghệ nhà choa hay chơi chữ. Nhân dân Pháp cũng thích chơi chữ. Người Paris càng thú chơi chữ. Nay ra tờ báo nhỏ ở ngay Paris , tuy là tiếng nói đầu tiên của dân chúng các thuộc địa, nhưng chưa có thanh thế, thì lấy tên báo là Paria và hay nhất! Paria nguyên là tiếng Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết mọi quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng, người Pháp dùng để gọi những người cùng khổ...” (1)

Le Paria số 1 xuất bản đúng vào ngày 1-4-1922, đã tuyên bố: “Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”.

Măng-sét in chữ Le Paria ở giữa. Bên phải có ba chữ “Lao động báo” bằng chữ Hán, nhưng chữ “động” được viết thêm chữ “nhân đứng” do Nguyễn Ái Quốc sáng tác ra, là tờ báo của người lao động. Bên trái, có hàng chữ Ả Rập “An Mancurơ” có nghĩa tương tự như các thứ chữ Pháp và Hán.

Từ số 1 đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Người còn tham gia chuẩn bị cho các số 15 - 17 trước khi đi Liên Xô, rồi Trung Quốc.

Trong thời gian ở hai nước này, Nguyễn Ái Quốc vẫn gửi bài về đăng báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ báo.

Nhận nhiệm vụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria ở trung tâm chính trị và văn hóa của nước Pháp, công khai đương đầu với Bộ Thuộc địa và các thế lực thực dân Pháp hết sức phản động, Nguyễn Ái Quốc đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, động viên, tổ chức nhân dân các thuộc địa đứng lên tiến công kẻ thù.

Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết gần 140 bài đăng trên các báo ở Paris, riêng trên báo Le Paria, có 38 bài, 5 bức tranh với 7 bút danh. (2)

Từ tháng 5 - 1922 trở đi, Nguyễn Ái Quốc đăng một loạt bài trên báo Le Paria. Le Paria số 4 tháng 7 - 1922, có 2 bài của Người với tựa đề: Le haine des races (Sự thù ghét chủng tộc); Les civilisateurs (Những con người đi khai hóa). Trong tháng 8 - 1922, trên báo Le Paria có đến 3 bài và một ký họa của Nguyễn Ái Quốc vẽ một tên thực dân to béo, ngồi trên chiếc xe tay với kiểu ngồi như một con vật: thô kệch và kềnh càng. Tên thực dân quát: mau lên! Còn người kéo xe là một người bản xứ gầy đét vẻ mệt nhọc. Le Paria số ra ngày 1 tháng 9 năm 1922 có đăng bài “Humanité coloniale” (Nhân đạo kiểu thực dân), trong đó, Nguyễn Ái Quốc tố cáo quyết liệt những hành động vô cùng tàn bạo của chính quyền thực dân tại thuộc địa, đặc biệt, ở Đông Dương đã xử bắn người bản xứ hàng loạt.

Cũng trong số Le Paria nói trên, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được hai tấm ảnh trích trong tờ báo tên là Sciencens et voyages (Khoa học và du lịch), không ghi số báo, cho thấy rõ bọn lính đang xử bắn đồng bào, và ảnh kia thì những chiếc đầu bị chém rời cổ, có một số người Pháp đứng bên cạnh như đứng chụp ảnh trước một phong cảnh...

Những bài viết và tranh vẽ của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria đã vạch trần sự dã man, tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Đông Dương, cũng như của chủ nghĩa đế quốc đối với các nước thuộc địa. Qua báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã cổ vũ nhân dân Đông Dương, nhân dân các nước thuộc địa tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng để tự giải phóng mình.

Những bài viết của Người trên báo Le Paria đã tỏ rõ một kiến thức uyên bác, vốn sống phong phú, khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy và một lối viết sắc sẳo, điêu luyện. Nguyễn Ái Quốc còn là tác giả của nhiều tranh minh họa, tranh châm biếm với nét vẽ phóng khoáng, đơn giản nhưng cực kỳ có ý nghĩa.

Nguyễn Ái Quốc là linh hồn của tờ báo Le Paria. Hầu hết các công đoạn làm báo như: viết bài, tin, biên tập, trình bày, minh họa, vẽ tranh châm biếm, đưa bài đi in, sửa bài... cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo, Nguyễn Ái Quốc đều đảm nhiệm.

Ngoài việc gửi báo Le Paria đến những cửa hiệu nhỏ bán giúp, Nguyễn Ái Quốc còn đích thân mang truyền đơn cổ động độc giả mua báo. Truyền đơn cổ động do chính Người viết bằng tiếng Pháp ngắn gọn, nhưng có nội dung lý luận rất quan trọng. Người viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau.

Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới.

Lao động tất cả các nước đoàn kết lại! (3)

Báo Le Paria chỉ tồn tại trong 4 năm (4 - 1922 đến 4 - 1926) với 38 số, song báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

Đứng về phía lịch sử báo chí nước ta nói chung, và lịch sử phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp nói riêng, báo Le Paria đã có một địa vị rất vinh quang mà phần lớn nhờ công lao của Nguyễn Ái Quốc. Tờ báo này đã thực hiện được sứ mệnh vẻ vang là tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa cộng sản vào thời kỳ ấy.

Tờ báo Le Paria khi gửi về tới Việt Nam đã được những người có ý thức dân tộc, có lòng yêu nước truyền tay nhau đọc, giấu giếm, bí mật. Họ đã xem tờ báo này như là một khẩu hiệu đấu tranh.

Kể từ ngày báo Le Paria ra số đầu tiên đến nay đã hơn tám thập kỷ, song tên tuổi của tờ báo và người sáng lập ra nó - nhà báo Nguyễn Ái Quốc vĩ đại - vẫn còn in đậm trong lòng độc giả và nhân dân toàn thế giới.

________________

(1) Những bức thư kể chuyện Bác Hồ- NXB Sự thật, Hà Nội, 1985

(2) Tạp chí Lịch sử Đảngsố 7 - 2000

(3) Danh nhân Hồ Chí Minh- NXB Lao động, Hà Nội, 2000, tr 146

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.