Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/02/2021 16:23 (GMT+7)

Ngày Xuân suy ngẫm chuyện “Trí thức làng”

Trí thức là gì? Mỗi người định nghĩa theo kiểu khác nhau, nhưng riêng ở làng xã thì cứ thấy các con em đi học cao đẳng, đại học... ở trên huyện, tỉnh hay thành phố có dịp về quê thăm gia đình, thì dưới con mắt của người nông dân thì họ là những trí thức tương lai. Hoặc có những cán bộ lúc đương chức làm việc ở thành phố khi về hưu, chọn chốn quê nhà ở làng quê sống cuối đời còn lại...thì họ cũng được người nông dân liệt vào hàng ngũ trí thức.

Các Nhà Nho tại các làng xã miền Bắc đầu thế kỉ 20

Chúng ta không luận bàn nhiều về vai trò của các cụ đồ, ông giáo làng ngày xưa vì ít nhiều ở các bậc trưởng lão ấy đã có công rất lớn trong việc xây dựng hương ước, dạy bảo con em, phân xử điều hay lẽ phải, đóng góp trí tuệ trong việc xây dựng trường làng,đình, chùa, miếu mạo... Nhưng những “trí thức làng” thời nay có khác và suy ngẫm lại có nhiều điều dở khóc dở cười.

Quê tôi sau khi có quy định của nhà nước các cán bộ thôn, cán bộ xã, phường phải có đủ trình độ chuẩn theo quy định mới tiếp tục làm việc và tiến cử về sau...thì các cán bộ thôn, xã, phường dập dìu đi học đại học tại chức hay đăng ký học bổ túc văn hóa cấp 3 ở Trung tâm dạy nghề của huyện (2 năm 3 lớp: 10;11;12)cho dù các vị ấy đã đến tuổi 50, cái tuổi mà nơ-ron ở bộ não càng ngày bị mất đi. Có một dịp tôi tham gia cuộc họp bàn về xây dựng thôn văn hóa, đây là buổi họp của thôn rất đơn giản, những người nông dân tham gia những ý kiến cũng mộc mạc như bản chất của họ, ấy vậy mà vị lãnh đạo xã (đang theo học đại học tại chức chừng hơn 3 tháng)được mời tham dự, khi phát biểu thì ông ta oang giọng , nào là “ Phát biểu như anh trưởng thôn rất có khoa học và đúng phạm trù của vấn đề”, nào là “tôi hoàn toàn đồng tình với các luận điểm của cụ A vừa trình bày” ...

Thực ra đây là cuộc hội ý mang tính dân dã của người dân thôn tôi về việc xây dựng thôn văn hóa, chứ có luận điểm khoa học gì đâu, có lẽ các vị lãnh đạo xã mới học đâu vài nội dung học phần nào đó từ lớp đại học tại chức vừa qua, nhân đây ra oai với người dân để thể hiện mình là trí thức. Tôi chỉ có cách ráng chịu ngồi nghe một lúc rồi phắn.

Có nhiều người trời phú cho một chút năng khiếu "hoa tay" và chưa mài đũng quần một giờ ở trường Mỹ thuật hay Kiến trúc, nhưng những lúc nhàn rỗi bên ly cà phê hay tách trà cứ ba hoa về lĩnh vực mỹ thuật, nào là cách điệu các họa tiết chim muông, hoa lá, nào là tạo dáng, bố cục đăng đối trong xây dựng kiến trúc...người dân ngộ nhận anh ta là trí thức nên mời tham gia vào ban xây dựng trùng tu đình làng, báo hại khi thực hiện công trình người dân dở khóc dỡ cười trước kiểu trang trí loạn xạ về màu sắc tổng thể bên trong và ngoài cửa đình. Cuối cùng phải mất thêm tiền công để tẩy xóa, phải tốn thêm tiền bồi dưỡng để mời một họa sĩ ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện về trang trí lại.

Cũng có những người ở quê tôi ngày xưa vất vả lắm, nay kinh tế gia đình khấm khá lên đôi chút nhờ con cái làm ăn thành đạt ở thành phố hay có ít đồng Đô la nước ngoài do có con là Việt kiều, thì muốn tô trát chăm chút bản thân cho ra dáng một trí thức làng với trang phục quần đùi lững, mang tất trắng đi giày Adidad kèm theo đôi kính trắng mạ vàng tây lúc nào cũng trệ dưới đôi mắt, nực cười nhất là những người ấy vầng trán lại thấp, tóc thì dày khô ráp nhưng mỗi khi cắt tóc cứ bảo các thợ hớt tóc phải cạo phần tóc trước cao lên để lộ vầng trán cho vẻ trí thức, một vài ngày sau chân tóc nơi cạo ấy mọc ra nhìn vào khuôn mặt trông nực cười và thấy các vị ấy ngồi đâu cũng nói huyên thuyên có vẻ ta luôn lúc nào cũng 'Thượng thông thiên văn- hạ thông địa lý", chuyện gì cũng biết nhưng thực ra chả biết chuyện gì. Chẳng qua "nghe lóng nói gió" mà thôi.

Ngày xưa, những vị đỗ đạt ra làm quan, khi nghỉ hưu đa phần đều về sống ở quê nhà và góp phần quan trọng vào đời sống chính trị, xã hội và nhất là văn hoá, giáo dục của làng mình hay một vùng, tùy vào uy tín cá nhân, theo trình tự "Tiến vi quan, thoái vi sư" (khi đã đỗ thì ra làm  quan, khi đã hoàn thành sứ mạng thì về hưu mở trường làm thầy dạy học)…Ngay tại mỗi làng, còn có nhiều ông Tú, nhiều người học giỏi nhưng nghèo hoặc thi không đỗ cũng ở lại làng mở lớp dạy học và tham gia việc làng, việc xã. Họ là những "trí thức nông thôn", có tiếng nói quan trọng trong những vấn đề văn hóa, xã hội, nhiều khi lấn át, điều tiết được những công việc quản lý của các hào lý đương quyền..

Các “trí thức thôn bản” được tôn vinh năm 2017

Nhưng nay cũng có nhiều điều phải nghẫm nghĩ, số là có người mang danh là kỹ sư nông nghiệp (tốt nghiệp đại học tại chức),công tác ở huyện đến khi nghỉ hưu thường về lại làng, bỏ tiền chỉnh trang lại nhà cha mẹ khi trước đã giao mình để ở và xem đây là "thủ phủ thứ 2" bởi nó yên lặng thanh bình, môi trường trong lành. Sự có mặt của các vị kỹ sư nông nghiệp (hệ tại chức) này cũng nhiều câu chuyện để suy ngẫm. Thực ra đương thời có người chỉ làm công tác tổng hợp văn phòng, hay làm kiểm kê gỗ lậu ở các trạm kiểm lâm, có chị làm Phó văn phòng... tiếng là học Nông nghiệp có bằng kỹ sư nhưng cả đời chưa lội xuống ruộng, chưa vốc tay vào nắm giống lúa để gieo một thửa mạ, chưa cầm cái cuốc chải một góc bờ hay bâm một góc ruộng vv... khi các vị về hưu có mặt ở làng, người dân phấn khởi và kỳ vọng nên nhờ tư vấn chuyện làm ruộng sao cho đạt năng suất, cày bừa thế nào để đất ải và tơi... thì các vị ấy đành "bó tay chấm com"

Và cũng có nhiều người đã có bằng đại họ và còn trong độ tuổi cố gắng “đu bám ” để học lấy bằng cao học (Thạc sĩ) hệ tại chức để khi có “quy hoạch cán bộ lãnh đạo” thì khỏi lăng tăng việc bằng cấp…khổ nỗi có trình độ Thạc sĩ hệ tại chức nhưng về làng bà con nông dân quê tôi đặc nhiều câu hỏi với quan niệm chí ít vị Thạc sĩ này cũng tư vấn cho người dân những lĩnh vực nào đó…nhưng rất tiếc Thạc sĩ ấy không đáp ứng yêu cầu và người dân đành tự thầm “ Ô…trình độ Thạc sĩ ấy à?”

Qua rồi thời bao cấp khốn khó, nay "Phú quý sinh lễ nghĩa" và làm việc gì cũng đụng tới sắp sửa lễ vật để cúng kính tạ ơn hay báo hỷ nên các thầy cúng cũng có giá trị và được mọi người gọi bằng thầy rất kính nể và cũng được người dân xếp vào hạng mục trong danh bạ trí thức làng. Oái ăm thay khi cúng phải có sớ điệp để đọc, khổ nỗi những vị thầy cúng này chỉ nối nghiệp theo kiểu cha truyền con nối chứ đâu có học qua lớp chữ Hán –Nôm nào, nên khi đọc tờ văn sớ toàn bộ chữ lời văn khẩn tấu là in chữ Hán-Nôm nhưng thể hiện là tiếng Việt, buồn cười nhất là nét chữ quá xấu và viết sai chính tả, tôi thầm nghĩ khi huuwong hồn các bậc tổ tiên hay các đấng thần linh tiếp nhận tờ văn sớ này thì suy nghĩ thế nào!?

Thực ra làng tôi cũng có khá nhiều người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hay cao hơn nữa với những tấm bằng khá là đẹp đẽ, thậm chí nhiều trong số họ còn làm những cái nghề cao quý của xã hội như nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở các cơ quan nòng cốt của nhà nước. Nhưng chỉ một ít người trong số họ được người dân công nhận là trí thức, cũng có người cứ ngỡ ở làng này ta là trí thức, khi có một việc làm ở xã nên ở họ rất "chảnh" với người dân trong làng, thực ra công việc của những người ấy có gì đâu, chủ yếu làm việc trong văn phòng mà ngày nào cũng chỉ "làm vài chén" rồi ngồi tán gẫu đến hết buổi, có chăng công việc của họ là trả lời vài câu với người dân nếu có ai hỏi, đóng vài ba con dấu, kí vài ba chữ ký công chứng gấy tờ...

Hay đó, cô giáo mẫu giáo làng hàng chục năm chỉ nói đi nói lại một bài như cái máy thu âm mà chẳng khi nào thèm quan tâm xem những gì mình nói có còn đúng hay không. Đó là những người mang danh kĩ sư nhưng chả có việc gì khác ngoài việc cầm thước đi đo hay chỉnh sửa thông số ở những bản vẽ có sẵn. Những kĩ năng đó tôi tin rằng một em học sinh tốt nghiệp cấp 3 chỉ cần đào tạo 1 tháng là làm được chứ cần chi phải học những 4, 5 năm đại học cho mệt mỏi, tốn tiền gia đình và công đào tạo của nhà nước rồi khoác lên mình cái danh hão, cứ tưởng mình là trí thức.

Nhân dịp xuân về tết đến, tôi mạo muội suy nghẫm vài điều về "Trí thức làng" cùng chia sẻ với bạn đọc và cho dù là là trí thức làng, hay huyện, hay tỉnh...  trong bối cảnh xã hội ngày nay, đó là người trí thức là người phải biết đấu tranh cho chân lý. Người trí thức không thể hùa vào số đông để cảm thấy mình hòa đồng hay tự tách mình ra mà "mặc kệ đời". Người trí thức, mang nhiệm vụ đóng góp cho sự phát triển của xã hội và một xã hội không thể phát triển từ sự thiếu hiểu biết, từ những ngộ nhận./.

                                                                 Ngày giáp Tết Tân Sửu 2021

 Tác giả bài viết:Huỳnh Đức Thế(Liên hiệp Hội Phú Yên)

Xem Thêm

Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.