Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 15/05/2020 23:01 (GMT+7)

Khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Suy dinh dưỡng là một chứng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Việt Nam hiện có gần 2 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi; có 233.107 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về gánh nặng do suy dinh dưỡng gây ra, chính vì vậy cần cấp thiết giải quyết.

Ông Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam

Hội thảo Bổ sung quy định điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em vào Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ tổ chức đã diễn ra ngày 15/5/2020 tại TP Hà Nội. Ông Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chủ trì hội thảo.

Giải pháp với suy dinh dưỡng cấp tính

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo phác đồ điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng do WHO và UNICEF xây dựng bao gồm: Khám dinh dưỡng; Điều trị nội trú cho khoảng 10% trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nặng có biến chứng; Điều trị ngoại trú cho khoảng 90% các trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nặng mà không có biến chứng; Điều trị duy trì, dự phòng cho suy dinh dưỡng cấp tính vừa.

Tuy nhiên theo bà Thủy, cần sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc trị trong điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng bao gồm có F-75 tức là độ đậm đặc năng lượng là 75kcal/100ml sử dụng cho giai đoạn bắt đầu điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, nhằm đảm bảo bù điện giải và điều trị các biến chứng y khoa; F-100 độ đậm đặc năng lượng 100kcal/100ml, được bổ sung lipid, chất khoáng và các vitamin, sử dụng trong giai đoạn điều trị ổn định; Chế độ dinh dưỡng đặc trị ăn liền, độ đậm đặc năng lượng cao 500kcal/100g, được bổ sung chất khoáng và các vitamin, sử dụng trong giai đoạn điều trị ổn định.

Ngoài ra, theo bà Thủy còn có chế phẩm dinh dưỡng đặc trị được coi là thuốc, đó là sản phẩm được sáng chế dựa trên các nghiên cứu khoa học uy tín và tuân theo các quy chuẩn toàn cầu về y tế; Các sản phẩm này chỉ được sử dụng theo đơn kê của bác sĩ theo đúng phác đồ điều trị, không được bán trên thị trường mà không có đơn của bác sĩ.

Theo ý kiến của bà Đỗ Hồng Phương – UNICEF Việt Nam cho biết, Trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng sẽ kéo theo hậu quả lâu dài là thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ kém phát triển về thể chất, trí tuệ. Việt Nam cần phải đầu tư và ngăn chặn trẻ em suy dinh dưỡng ngay từ lúc này. Chính vì thế, theo bà Phương Việt Nam cần phải khẩn trương hành đồng, ưu tiên can thiệp suy dinh dưỡng cấp tính nặng để giải quyết tình trạng tử vong trẻ và suy dinh dưỡng thấp còi; Vận động để suy dinh dưỡng cấp tính nặng được điều trị như các bệnh khác ; Vận động cho các chế phẩm đặc trị điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng thuộc “Danh mục thuốc chữa bệnh” do Bộ Y tế quy định; Lồng ghép đào tạo về suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào giáo trình quốc gia trước khi hành nghề.

Bổ sung quy định điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em vào Luật khám bệnh

Theo ý kiến của Bà Đỗ Thị Vân – Giám đốc NGO-IC cho biết, theo dự thảo 03 Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi ngày 13/2/2020, thì đã có nhiều bổ sung, sửa đổi so với dự thảo 2 ngày 12/10/2019; Đề xuất đặc biệt của dự thảo 3 là Điều 84, sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh và sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ không đến 72 tháng tuổi.

Trong nội dung Điều 84: Đưa được độ tuổi điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính ở trẻ em từ không đến 72 tháng tuổi, điều này hết sức cần thiết vì đây là thời kỳ đặt nền móng suốt đời cho sự phát triển của trẻ; Sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính; Trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Đề nghị ghi rõ là sản phẩm chuyên biệt, suy dinh dưỡng nặng cấp tính; Việc quỹ bảo hiểm y tế chi trả sẽ điều trị được cho số lượng lớn trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính chưa được điều trị trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế giảm.

Bà Vân cũng cho biết thêm, hiện nay các tổ chức xã hội và các chuyên gia đã tham gia đóng góp tại nhiều diễn đàn, hội thảo; Tổ chức hội thảo vận động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính trẻ em trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh để các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt sử dụng trong điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính trẻ em được chi trả bằng ngân sách nhà nước.

Quang cảnh buổi hội thảo

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến như Luật cần quy định rõ các nội dung mà ngân sách nhà nước đảm bảo; Bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thuộc tuyến chăm sóc ban đầu; Bổ sung quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; Quy định cụ thể về cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và trách nhiệm chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Tin, ảnh: HT

Xem Thêm

Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.