Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/08/2020 20:46 (GMT+7)

GSVS Vũ Tuyên Hoàng : Cả đời cống hiến cho khoa học Việt Nam

Cố Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là tấm gương sáng về sự tận tâm, nghiêm túc, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp của Việt Nam và thế giới.

Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng

Trong thời gian làm việc tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, GSVS Vũ Tuyên Hoàng đã cống hiến rất nhiều cho Liên hiệp Hội, đặc biệt nhất là hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội như công trình thủy điện Sơn La hạ thấp đập ngăn nước, bảo vệ cho vùng đồng bằng mà vẫn đảm bảo công suất phát điện và tư vấn dự án công trình thủy điện Lai Châu. Những đề xuất này đã được thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Liên hiệp Hội thành lập Hội đồng tư vấn do GSVS Vũ Tuyên Hoàng làm chủ tịch đề xuất phương án làm đoạn đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Cúc Phương và đã được thực hiện bảo vệ môi trường cảnh quan rừng quốc gia.

Cũng trong thời gian Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam, GSVS Vũ Tuyên Hoàng đã đề nghị thành lập Nhà xuất bản Tri thức, Bản tin hoạt động các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Khai trương Website của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Và cũng trong thời gian này, GSVS Vũ Tuyên Hoàng cùng với Liên hiệp Hội đã đề nghị và được Thủ tướng chính phủ chính thức giao nhiệm vụ hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội. Liên hiệp Hội đã thành lập 18 Hội đồng tư vấn chuyên ngành có nhiệm vụ lựa chọn và đề xuất giải pháp cho những vấn đề bức xúc thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Ngoài những công việc Nhà nước giao, với chức năng và nhãn quan khoa học của mình, Liên hiệp Hội Việt Nam còn thường xuyên theo dõi mọi việc đang diễn tiến trong mọi lĩnh vực của xã hội. Nếu việc nào tốt rồi thì Liên hiệp Hội Việt Nam không can thiệp, còn nếu nhận thấy có việc chưa ổn, chưa hợp lý và đang gây bàn tán, tranh cãi thì Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tự thẩm định và đề xuất ý kiến đến cơ quan có thẩm quyền. Có thể kể đến những “vụ” mà Liên hiệp Hội Việt Nam đã “nhảy vào”, như vấn đề giáo dục đào tạo, vấn đề phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh thành ở Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Nam….hoặc tư vấn về vấn đề nhà ở, vệ sinh trong các khu phố cổ, vấn đề đê điều sông Hồng… Thường là các ý kiến tư vấn của Liên hiệp Hội Việt Nam đưa ra kịp thời, đúng lúc, giúp “gỡ rối” hoặc “sửa sai”, đều được các bên được tư vấn tiếp thu ngay.

Để có được sự tín nhiệm cao của các đơn vị được tư vấn, phản biện, để Nhà nước “chọn mặt gửi vàng”, những nhà khoa học trong ngôi nhà Liên hiệp Hội Việt Nam đã mang hết khả năng chuyên môn, chuyên gia của mình, làm việc nghiêm túc, đặc biệt là cương quyết giữ vững bản lĩnh, khí tiết trong bảo vệ quan điểm khoa học, chính kiến xã hội của mình.

Để giải quyết tình trạng nước Hồ Tây bị ô nhiễm nặng, đã có đơn vị đề xuất Dự án thay nước Hồ Tây bằng nước sông Hồng. Trong bối cảnh có rất nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, rất gay gắt về Dự án này, Liên HH Việt Nam đã vào cuộc. Sau khi đủ dữ kiện, Liên HH Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội không triển khai Dự án trên; đồng thời đưa ra giải pháp giữ nguyên nước Hồ Tây, bởi lẽ đó là môi trường sinh thái cho rong tảo và các loài thuỷ sinh khác sống, tạo nên bản sắc riêng của nước Hồ Tây đã đi vào tiềm thức của người dân Kinh kỳ. Để chống ô nhiễm nước Hồ Tây, Liên HH Việt Nam đưa ra giải pháp ngăn không cho nước thải từ các cống quanh hồ chảy vào hồ, thu gom và xử lý nguồn nước thải đó trước khi cho chảy ra sông Hồng. Ý kiến của Liên HH Việt Nam đã được UBND TP. Hà Nội đồng ý.

Chỉ với một số “vụ” tư vấn, phản biện và giám sát xã hội rất hiệu quả trên đây, đủ thấy Liên hiệp Hội Việt Nam đã không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Liên hiệp Hội Việt Nam đã góp phần giảm hoặc tránh sự lãng phí tiền của, tránh những rủi ro về sau của nhiều công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa về lâu về dài.

Được biết, từ năm 1955 đến năm 1960, GSVS  là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Các năm 1961-1968, ông làm cán bộ giảng dạy, sau đó giữ chức Trưởng Bộ môn Di truyền - chọn giống tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Từ năm 1969 đến năm 1973, ông làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Nông nghiệp Krasnodar ở Liên Xô, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ sinh học. Về nước từ năm 1973 đến năm 1974, ông công tác tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Các năm 1975-1977, ông làm thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học nông nghiệp.

GS Vũ Tuyên Hoàng (người thứ hai từ trái sang) hướng dẫncán bộ khoa học Viện Cây lương thực, cây thực phẩm tại ruộng thí nghiệm (ảnh internet)

Từ những năm 1960 đến nay, ông là tác giả lý thuyết hai hệ thống gen trong cây lúa và hơn 50 công trình được công nhận cấp quốc gia, bao gồm các giống lúa mới thâm canh (Xuân số 2, NN 75-6, . . .); các giống lúa chịu hạn (CH5, CHI33,. . .); các giống lúa chịu ngập úng đầu tiên trên thế giới (Ui4, Ui7,. . .), quy trình kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt; chọn tạo các giống rau quả mới bằng phương pháp sử dụng ưu thế lai: dưa chuột, cà chua, các giống táo mới như Hi2. H32, Má hồng, . . . Ngoài ra, ông còn xây dựng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gieo thẳng lúa ở phía bắc Việt Nam, thâm canh lúa.

GSVS Vũ Tuyên Hoàng còn là một nhà quản lý có kinh nghiệm và tích cực tham gia công tác xã hội. Trong các năm 1977-1999, ông làm Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trụ sở tại xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc. Từ năm 1989 đến năm 1993, ông làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (1989-1993). Từ năm 1999 đến năm 2008, ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ IV, V. Ông còn đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm các chương trình khoa học kỹ thuật quốc gia về cây lương thực (1978-1995), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (từ năm 1981), Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (từ năm 1981), Chủ nhiệm chương trình hợp tác Việt Nam-IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế) (1988- 1999), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt -Nhật (từ năm 1988), Chủ tịch Trung tâm Phát triển nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (1991-1993), Chủ tịch Uỷ ban Khoa học Nông nghiệp Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (1999- 2001), Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Khoa học công nghệ các nước ASEAN (từ năm 2000), Uỷ viên Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia (từ năm 2003).

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng trao giải Thương hiệu Việt cho một doanh nghiệp (ảnh internet)

Với 200 công trình khoa học đã công bố, GSVS Vũ Tuyên Hoàng đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000; giải thưởng lúa thế giới lần thứ nhất năm 1998; giải nhất giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Vifotec năm 1997.

GSVS Vũ Tuyên Hoàng từng là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, là ủy viên chính thức các khóa VI,VII,VIII; là đại biểu Quốc hội các khóa VIII, XI và khóa XII hiện nay. Là GS.TS khoa học nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam và thế giới, GSVS Vũ Tuyên Hoàng đã được trao các giải thưởng lớn như Huân chưong lao động hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Hai, Giải thưởng Lúa Thế giới, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 2 (năm 2000).

Bài, ảnh: HT

Xem Thêm

Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.