Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 06/02/2020 17:49 (GMT+7)

Tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế

Chia sẻ với vusta.vn, bà Dương Thị Nga – Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo sát sao các hoạt động hợp tác quốc tế của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, từ việc xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức thực hiện và tổng kết đánh giá kết quả. Hoạt động hợp tác quốc tế của Liên hiệp Hội Việt Nam đã góp phần tích cực cho thành công chung của của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, với số lượng đối tác quốc tế tăng và nhiều hình thức hợp tác đa dạng, tranh thủ tốt các nguồn lực từ nước ngoài cho hoạt động phát triển cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề lớn như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển sinh kế cho người dân, giải quyết các vấn đề xã hội đặc biệt là nhóm yếu thế, nâng cao năng lực tổ chức và cán bộ hoạt động hội.

Bà Nga chia sẻ, trong năm 2019 hoạt động hợp tác quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục duy trì số lượng đối tác, đa dạng hóa phương thức và nâng cao chiều sâu hợp tác với các đối tác quốc tế. Liên hiệp Hội Việt Nam hiện là thành viên của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO), Hội đồng khoa học thế giới (ISC), là đối tác với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và cơ quan hợp tác phát triển và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Viện trợ Ailen (IrishAID), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới (Bfw), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Khí hậu Châu Âu (ECF), Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS), tập đoàn Microsoft…; thiết lập và duy trì quan hệ đối tác, chương trình hợp tác với nhiều tổ chức khoa học và công nghệ của các nước như Hiệp hội KH&KT Trung Quốc (CAST), các viện/ hiệp hội/ liên đoàn kỹ sư các nước ASEAN, Viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản, Viện KHCN Việt Nam Hàn Quốc.

Về công tác hỗ trợ các hội thành viên và trực thuộc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các tổ chức trực thuộc trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào, hội nghị, hội thảo quốc tế) và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ, tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước đối với nguồn viện trợ, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho các tổ chức và tổ chức các diễn đàn nhằm tạo cơ hội kết nối và đối thoại giữa các tổ chức trong hệ thống với các đối tác quốc tế và các cơ quan Nhà nước.

Năm 2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai thí điểm 1 năm thực hiện sáng kiến thành lập Liên minh Môi trường và Biến đổi Khí hậu (VECCA) nhằm huy động và phát huy sự hợp tác của các tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam huy động nguồn lực quốc tế nhằm đóng góp cho vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Chuỗi các hội nghị, tọa đàm đối thoại chính sách cấp cao được khởi xướng từ sáng kiến VECCA đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức thành viên, các đối tác trong và ngoài nước, như Diễn đàn Mekong quốc gia, Đối thoại chính sách về quản lý rác thải nhựa đại dương, Hội nghị đóng góp ý kiến cho chiến lược và kế hoạch phát triển Kinh tế biển, cho kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, Hội nghị triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội về Đầu tư Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội thảo tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. vv…

Về công tác với trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam là vận động, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển khoa học và kỹ thuật nước nhà. Nhằm phát huy vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong công tác tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác và thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với các cơ quan ở Trung ương như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kết nối trí thức khoa học người Việt Nam ở nước ngoài với các nhà khoa học trong nước, thông qua tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo và tiếp xúc với cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Nga cho biết thêm, về công tác chính trị đối ngoại, quán triệt chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại của các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Cụ thể, Đảng đoàn đã chỉ đạo việc kịp thời quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng về công tác đối ngoại nhân dân; chỉ đạo việc sơ kết thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư vể tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Chỉ đạo việc xây dựng các quy trình nội bộ chặt chẽ nhằm rà soát, thẩm định và phê duyệt hồ sơ hoạt động đối ngoại, bao gồm đoàn ra, đoàn vào, hội nghị quốc tế, tiếp nhận viện trợ nước ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam quan tâm chỉ đạo việc đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ chế độ báo cáo của các tổ chức, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động đối ngoại theo kế hoạch đã được phê duyệt và công tác quyết toán tài chính đối với nguồn viện trợ nước ngoài.

Về công tác vận động nguồn lực, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động vận động, tìm kiếm và xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về đối ngoại, xúc tiến hợp tác với các đối tác quốc tế, nâng cao năng lực tư vấn phản biện và giám định xã hội, nâng cao hiệu quả công việc qua sử dụng công nghệ cho các tổ chức thành viên và trực thuộc. Tăng cường năng lực điều phối của cơ quan trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững thông qua triển khai sáng kiến Liên minh Môi trường và Biến đổi Khí hậu (VECCA).

Về quan hệ với các đối tác quốc tế, hiện nay Liên hiệp Hội Việt Nam là thành viên của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO), Hội đồng khoa học thế giới (ISC), là đối tác với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và cơ quan hợp tác phát triển và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, Lao và Sốt rét, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Viện trợ Ailen (IrishAID), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới (Bfw), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Khí hậu Châu Âu (ECF), Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS), tập đoàn Microsoft…; thiết lập và duy trì quan hệ đối tác, chương trình hợp tác với nhiều tổ chức khoa học và công nghệ của các nước như Hiệp hội KH&KT Trung Quốc (CAST), các viện/ hiệp hội/ liên đoàn kỹ sư các nước ASEAN, Viện Công nghệ Quốc gia Nhật Bản, Viện KHCN Việt Nam Hàn Quốc. Liên hiệp Hội Việt Nam tích cực tham gia các sự kiện, diễn đàn quốc tế và khu vực nhằm học hỏi kinh nghiệm và phát triển mối quan hệ với các tổ chức trong khu vực. Phần lớn kinh phí tổ chức đoàn được huy động từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước;

Năm 2019, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác xây dựng Đề án đăng cai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kỹ sư Đông Nam Á (AFEO) năm 2020, chính thức nhận Cờ AFEO chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 38 tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm 2020.

Về quan hệ với Trung Quốc, Liên hiệp Hội Việt Nam đã duy trì mối quan hệ hợp tác hữu hảo Hiệp hội KH&KT Trung Quốc và của tỉnh Quảng Tây đồng thời kết nối bạn với các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam tại các địa phương như Cao Bằng, Bắc Giang và Hà Nội để tiếp tục có trao đổi hợp tác. 

Về quan hệ với Nhật Bản, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác với đối tác Nhật Bản tổ chức sự kiện Gặp gỡ Tài năng và Doanh nghiệp Toàn cầu tại Đà Nẵng tháng 11 năm 2019 nhằm kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với các trường đại học và sinh viên Việt Nam khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục chương trình hợp tác kỹ thuật đã ký với tổ chức GIZ, phát huy năng lực của hai chuyên gia phát triển của GIZ làm việc tại Liên hiệp Hội Việt Nam để xây dựng các hoạt động dự án cụ thể. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của GIZ, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tiếp cận và vận động được dự án của Quỹ Khí hậu Châu Âu giúp nâng cao năng lực điều phối của Liên hiệp Hội Việt Nam đối với hội thành viên trong công cuộc thực hiện các sáng kiến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngoài ra, theo bà Nga thì các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia triển khai các đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công chung của nền ngoại giao nước nhà. Nhiều tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực đấu tranh, lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo của Việt Nam như Hội Nghề cá, Hội Luật Gia, Hội Khoa học và Kỹ thuật Biển, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Trắc địa – Bản đồ Viễn thám… Nhiều tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia các cơ chế đa phương theo ngành, lĩnh vực của mình và nhiều tổ chức trực thuộc tham gia các mạng lưới, liên minh trong khu vực. Các hội thành viên, đặc biệt là các hội KH&KT ngành toàn quốc đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ của khu vực và quốc tế, điển hình như Hội nghị quốc tế Cơ học, Địa vật lý; Tuần lễ khoa học quốc tế về trắc địa-bản đồ “FIG Working Week 2019”, Hội nghị quốc tế về công nghệ và sức khỏe toàn cầu, Diễn đàn Nobel Y học (Gin Nobel 2019) lần thứ nhất.

Trong năm 2019, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã huy động và triển khai 50 khoản viện trợ dự án và phi dự án phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị viện trợ xấp xỉ là 9,5 triệu USD, và 6 Dự án ODA với tổng giá trị viện trợ xấp xỉ 5,4 triệu USD. So với năm 2018, số lượng dự án giảm tương đối (Năm 2018: 89 dự án), tuy nhiên tổng giá trị viện trợ lại tăng nhẹ so với năm 2018 trên 8 triệu USD. Số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ năm 2019 là 26 tổ chức, giảm tương đối so với năm 2018 là gần 40 tổ chức. Trung tâm SCDI vẫn là đơn vị tiếp nhận số lượng dự án và viện trợ nhiều nhất trong năm 2019, cụ thể đã tiếp nhận 7 dự án, mặc dù giảm gần một nửa so với 13 dự án trong năm 2018.

Về quy mô các dự án, năm 2019, quy mô của các dự án lớn hớn tương đối, có 15 dự án có quy mô viện trợ từ 100.000 USD đến 400.000 USD, chiếm 30% tổng số dự án, 6 dự án có quy mô trên 400.000 USD, đặc biệt có 2 dự án gần 2 triệu USD, chiếm 12% tổng số dự án và phần lớn là các dự án có quy mô viện trợ dưới 100.000 USD, chiếm trên 58% tổng số dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một vài dự án có quy mô nhỏ, dưới 10.000 USD.

Thời gian thực hiện dự án thường kéo dài trong một năm, khoảng 30% số lượng dự án có thời gian thực hiện dự án là từ một năm đến ba năm.

Nội dung các dự án trong năm 2019 vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực phát triển xã hội, tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, HIV/AIDS, Y tế, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, nâng cao năng lực tổ chức. Cụ thể, lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã  hội như  HIV/AIDS, người khuyết tật, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm chiếm khoảng 25%, lĩnh vực y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản chiếm 20%, lĩnh vực tài nguyên môi trường như năng lượng bền vững, biến đổi khí hậu chiếm khoảng 20%, 35 % còn lại dành cho các lĩnh vực khác về giáo dục, nâng cao năng lực, hỗ trợ tư pháp,… Các nhà tài trợ PCPNN phần lớn là các tổ chức của Hoa Kỳ, bao gồm cả nguồn tài trợ từ các trường đại học, Viện nghiên cứu của Hoa Kỳ, tiếp theo là các tổ chức phi chính phủ của Đức, một số các tổ chức/mạng lưới khu vực và cuối cùng là các tổ chức phi chính phủ của Pháp, Hà Lan, Anh. Đối với lĩnh vực hỗ trợ xây dựng năng lực pháp lý, chủ yếu tập trung vào nội dung Luật lâm nghiệp, giao đất, giao rừng và Luật chuyển đổi giới tính.

Về địa bàn triển khai dự án: phần lớn các dự án được triển khai, thực hiện tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Chỉ có khoảng 10% số lượng các dự án triển khai khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào lĩnh vực bảo vệ nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các tổ chức trực thuộc trong việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ, tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước đối với nguồn viện trợ, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho các tổ chức nhận viện trợ để các tổ chức.

Nhằm nâng cao và phát triển hoạt động hợp tác quốc tế, bà Nga cho biết, năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam  sẽ triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức tốt Hội nghị Thường niên của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (CAFEO38) tại Đà Nẵng 25-27/11/2020; Triển khai các hoạt động kỷ niệm năm chẵn quan hệ đối ngoại với các đối tác song phương và đa phương; Tiếp tục triển khai sáng kiến Liên minh Môi trường và Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp Hội Việt Nam (VECCA), hình thành các hoạt động hợp tác liên kết giữa Liên hiệp hội địa phương với hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc và tổ chức trực thuộc, tiếp tục duy trì các diễn đàn đối thoại đa phương về các vấn đề: Kinh tế Biển, Phát triển bền vững Đồng bằng Sông cửu long, Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bài, ảnh:HT

Xem Thêm

Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.