Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/02/2020 18:28 (GMT+7)

Huy động các nguồn lực của xã hội, tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách nhà nước

Với đặc điểm là các tổ chức tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải kinh phí hoạt động vì vậy huy động kinh phí để duy trì hoạt động của đơn vị là yếu tố rất quan trọng. Các tổ chức KH&CN huy động kinh phí từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ hợp tác quốc tế thông qua các khoản viện trợ phi chính phủ, viện trợ ODA, từ ngân sách nhà nước thông qua các đề tài, dự án đấu thầu được, các hợp đồng từ doanh nghiệp, bán các sản phẩm, kinh phí ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân…

Ông Trần Xuân Việt – Phó Trưởng ban KHCN & MT VUSTA

Theo số liệu tổng hợp của 202 tổ chức đã kịp gửi báo cáo trước 30/11/2019, trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2019, các tổ chức này đã huy động được khoảng 520 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị, tính trung bình mỗi tổ chức huy động được khoảng 2,5 tỷ đồng/năm để hoạt động, tuy nhiên số kinh phí này tập trung ở một số tổ chức có kinh nghiệm và uy tín với các đối tác quốc tế và dễ dàng huy động được viện trợ với kinh phí khá lớn so với quy mô một tổ chức ngoài công lập.

Trong những năm qua, các tổ chức KH&CN tham gia, chủ trì các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cung cấp dịch vụ, thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng xã hội, tham gia vào các công đoạn xây dựng chính sách… trong đó điển hình nhất là Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển: Trực tiếp xây dựng và triển khai 102 mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng; Triển khai 60 mô hình ứng phó BĐKH có sự tham gia của người dân; Xây dựng 22 mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước; Treo 2.020 pano, áp phích, băng rôn các loại.

Tiếp đến là về các hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học: Thực hiện 130 hoạt động bảo tồn động vật các loại; Thực hiện 41 hoạt động bảo tồn thực vật các loại; Trực tiếp xây dựng và vận hành 28 mô hình bảo tồn đa dạng sinh học; Thực hiện 25 chiến dịch truyền thông; Treo 2.145 pano, áp phích, băng rôn các loại.

Một số tổ chức trực thuộc VUSTA rất có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động thực vật hoang dã và được các đối tác quốc tế rất quan tâm, hỗ trợ như Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (VietNature), Trung tâm con người và thiên nhiên (PAN), Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), cá biệt có đơn vị còn bước đầu kết hợp giữa các hoạt động bảo tồn với các hoạt động mang tính chất dịch vụ như Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (WRCC).

Còn về lĩnh vực năng lượng: Thực hiện tư vấn, thiết kế, xây dựng 34 công trình/mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).

Kết quả hoạt động của một số tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA cho thấy, nếu có phương pháp phù hợp, một số ít những trí thức, nhà khoa học, thậm chí chỉ là những cán bộ được đào tạo bài bản nhưng còn trẻ cũng có thể có những đóng góp cho cộng đồng rất lớn thông qua các nhiệm vụ, dự án, mô hình, tập huấn, truyền thông mà họ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp.

Với những đóng góp, nỗ lực của các trí thức đã và đang hoạt động trong thời gian qua của các tổ chức xã hội nói chung, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA nói riêng trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH, ứng phó BĐKH, các tổ chức này đã được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao và có sự ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, các tổ chức KH&CN còn tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế là một trong những lĩnh vực rất được các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA quan tâm. Có nhiều hình thức tham gia vào lĩnh vực này, có đơn vị tự nghiên cứu, thiết kế các chương trình đào tạo-dạy nghề và trực tiếp tuyển sinh, đào tạo-dạy nghề, có đơn vị thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo-dạy nghề với các cơ sở đào tạo-dạy nghề của cơ quan nhà nước.

Theo số liệu báo cáo, các tổ chức trực thuộc VUSTA đã tổ chức dạy nghề cho hơn 4.000 thanh niên, trong đó có những đơn vị rất có uy tín và chỉ tập trung vào thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí cho trẻ em, tổ chức đào tạo về các kỹ năng mềm khác cho trẻ em.

Chia sẻ về hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững, ông Trần Xuân Việt – Phó trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, VUSTA cho biết, đây là lĩnh vực mà các tổ chức trực thuộc VUSTA thể hiện rất rõ tính chất của các tổ chức KH&CN. Thông qua việc nghiên cứu ứng dụng, tìm tòi các sản phẩm nghiên cứu đã có, các kỹ thuật đã được công nhận, đồng thời bằng sự năng động nhiệt tình của các tổ chức để tìm các nguồn kinh phí từ trong nước thông qua các đề tài, dự án hoặc viện trợ nước ngoài, nhiều mô hình tự quản, phát triển cộng đồng, mô hình về kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững đã được các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA triển khai trong thời gian qua.

Trong thời gian vừa qua, các tổ chức này đã trực tiếp xây dựng hơn 200 mô hình về lĩnh cộng đồng tự quả, phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Đồng thời cũng tổ chức tập huấn, trực tiếp tập huấn cho hàng nghìn người dân hoặc cán bộ kỹ thuật về kiến thức canh tác, chăn nuôi, bảo quản, chế biến, phát triển nông nghiệp bền vững, ông Việt cho hay.

Các tổ chức KH&CN còn tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo hai hình thức: Một là, thông qua các dự án viện trợ phi chính phủ, viện trợ ODA, các tổ chức KH&CN phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức thăm khám, hỗ trợ cho các bệnh nhân, đặc biệt tập trung vào các bệnh xã hội. Ngoài ra, từ các nguồn kinh phí viện trợ phi chính phủ, nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA cũng có những hướng nghiên cứu rất sâu về sức khỏe sinh sản, các bệnh xã hội…

Hai là, thông qua việc mở phòng khám trực thuộc, các tổ chức này thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và hoạt động theo Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Và tính hết tháng 11/2019, các tổ chức này đã tổ chức thăm, khám bệnh cho khoảng 50.000 lượt người và số bệnh nhân phải can thiệp là trên 10.000 lượt bệnh nhân. Số lượng này tuy không lớn nhưng cũng thể hiện rằng, nếu cơ chế đủ thông thoáng, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân hoàn toàn tiếp tục nên được xã hội hóa mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đã tham gia rất nhiều hoạt động về tư vấn, phản biện và giám định xã hội và đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng có thể dùng với nhiều cụm từ khác nhau như “tư vấn chính sách”, “vận động chính sách”, “phản biện xã hội”. Có thể nói đây là hoạt động thể hiện rõ nhất vai trò của các trí thức trong hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, với sự nhiệt tình, tâm huyết của các trí thức đang hoạt động tại các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu, luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách đã được các tổ chức này đưa ra và kiến nghị lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ/ngành.

Bên cạnh một số đơn vị có năng lực nghiên cứu sâu về chính sách được các nhà khoa học công nhận, có những hoạt động nghiên cứu, đánh giá bài bản để đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp với thực tế thì phần lớn các tổ chức trực thuộc VUSTA chủ yếu trực tiếp đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sau khi cơ quan quản lý nhà nước đã có dự thảo đầu tiên. Số liệu thống kê cho thấy có 6 dự thảo luật, 16 dự thảo nghị định và 28 dự thảo thông tư đã được các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đóng góp ý kiến, bên cạnh đó các tổ chức này cũng đề xuất hàng chục sáng kiến luật, nghị định, thông tư để các nhà quản lý, lập pháp xem xét.

Tuy nhiên, theo ông Việt, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực khác nhau, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế trong thời gian qua như một số tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA không nắm rõ đơn vị mình được thành lập và vận hành theo các quy định của Luật KH&CN cũng như các văn bản dưới luật hướng dẫn, nhiều tổ chức tự giới thiệu, tự nhận đơn vị của mình là tổ chức phi chính phủ, trong khi đó các tổ chức này được thành lập bởi VUSTA-là một tổ chức chính trị-xã hội và được Bộ KH&CN cấp giấy phép đăng ký hoạt động. Ngoài ra thực tế pháp luật Việt Nam chưa có các quy định phân loại rõ ràng về tổ chức phi chính phủ.

Đại đa số các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA có các hoạt động nghiên cứu hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật để thực hiện hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức. Tuy nhiên, do không tập trung, chú trọng vào việc viết các báo cáo khoa học, tư liệu hóa để công bố, xuất bản, đưa lên website hoặc báo cáo của chính các tổ chức với Bộ KH&CN, VUSTA và các bộ/ngành khác nên rất dễ gây hiểu lầm là các tổ chức này không phải là các tổ chức KH&CN mà chỉ thuần túy là các tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức thuộc các lĩnh vực BVMT, phát triển cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế, lĩnh vực bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Do khó khăn về tài chính để duy trì bộ máy nên nhiều tổ chức đã có những hoạt động vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn tới việc bị các cơ quan quản lý nhà nước phản ánh về cơ quan chủ quản, nhất là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực.

Bài, ảnh: HT

Xem Thêm

Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.