Việt Nam đặt 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo báo cáo quốc gia 2020 thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Dự tháo Báo cáo Quốc gia 2020 về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của Việt Nam cho biết, Dự thảo đã tập trung vào 3 nội dung chính. Một là cập nhật tình hình thực hiện các mục tiêu PTBV tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm vừa qua, phân tích kết quả thực hiện theo Bộ chỉ tiêu PTBV Việt Nam (ban hành tại Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và đánh giá mức độ đạt được theo Lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030 (ban hành tại Quyết định 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Hai là nêu bật những khó khăn thách thức đặt ra khi thực hiện các mục tiêu PTBV như về khoảng trống chính sách, thực thi chính sách, nguồn lực, về sự phối kết hợp các bên liên quan, về giám sát đánh giá kết quả thực hiện… Ba là đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu PTBV và những vấn đề cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Báo cáo là việc gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cần thực hiện để vượt qua thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV trong thời gian tới. Trong đó, có việc huy động nguồn lực cho PTBV; sử dụng nguồn lực huy động được một cách tập trung và hiệu quả, hướng tới các mục tiêu đặt ra. Dự thảo cũng nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đi đôi với lồng ghép các chính sách PTBV, nguồn lực tài chính cho PTBV, bà Nga cho biết thêm.
GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam
Theo ý kiến của GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, có thể có 3 mục tiêu chung có khả năng không đạt, đó là mục tiêu 12 “Bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững”; mục tiêu 14 “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương biển và nguồn lợi biển để PTBV”; mục tiêu 15: “Bảo vệ và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất”
Trong số 115 mục tiêu cụ thể của 17 mục tiêu chung, thì 73 mục tiêu không hoặc có thể sẽ không đạt, chiếm 63,5%. Một son số đáng kể, trong đó có nhiều mục tiêu chung, số mục tiêu cụ thể có thể không đạt chiếm hơn 50%.
GS Trình cho hay, để vượt qua những thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu PTBV trong thời tới, theo tôi cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chí đánh giá thực hiện PTBV cho Việt Nam.
Nân cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ năng lực cán bộ đến tổ chức bộ máy. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng thông tin.
Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về PTBV, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học học công nghệ vào phát triển kinh tế.
Ông Đặng Đình Luyến – Chuyên gia độc lập
Còn đối với ý kiến của ông Đặng Đình Luyến – Chuyên gia độc lập cho rằng, từ trang 40 đến trang 205 của dự thảo báo cáo nên tiến trình thực hiện 115 mục tiêu cụ thể thuộc 17 mục tiêu chung về PTBV của Việt Nam, theo tôi đây là nội dung quan trọng, nêu nhiều số liệu cụ thể. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại các số liệu, nhận xét đánh giá việc thực hiện và khả năng đến năm 2030 mà Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu, như: chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững; Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người…. nhằm bảo đảm tính chính xác và tính khả thi.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến như hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam còn cồng kềnh, chồng chéo, thậm chí làm chậm sự phát triển của sản xuất.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực chưa cao, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương chưa tốt. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế thị trường.
Vấn đề phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nhiều ngành nghề vẫn còn hạn chế. Máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu Việt Nam vẫn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, hệ quả là nhập từ Trung Quốc trong nhiều năm qua rất cao.
Về nhận thức, tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung, nhận thức của xã hội đối với hoạt động PTBV còn hạn chế. Nhận thức của các cấp, có thẩm quyền đã có nhưng chưa được thể hiện cụ thể vào các chính sách.
Tin, ảnh: HT