Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 02/02/2012 21:05 (GMT+7)

Từ Chi - nhà dân tộc học xuất sắc

Ông học xong tú tài Tây trước 1945 nên tiếng Pháp của ông rất giỏi. Khi kháng chiến bùng nổ, ông đi bộ đội. Sau Hiệp định Genève, ông tham gia cải cách ruộng đất với tư cách là thư ký của một đội cải cách. Rồi ông đi học Đại học Sư phạm Hà Nội khi đã hơn 30 tuổi. Ông có 10 năm dạy học ở nước Cộng hoà Ghi-nê, chính thời gian này ông đã bắt đầu nghiên cứu về dân tộc học. Ông chuyên nghiên cứu về người Mường, có đi điền đã nhiều đợt dài ngày nên nói được tiếng Mường và là tác giả của những công trình nghiên cứu có giá trị như Hoa văn Mường, Người Mường ở Hoà Bình “đã thuộc vào di sản văn hoá thế giới” (Phan Ngọc).

Tháng 3-1990, ông sang Paris theo lời mời của giáo sư Georges Condominas và đã có nhiều buổi thuyết trình về dân tộc học.

Từ Chi qua đời ngày 15-10-1995.

Trong bài Từ Chi "gương mặt lớn của dân tộc học Việt Nam" ( báo Người Hà Nội, số 41, ngày 14-10-2005), nhà nghiên cứu Miên Thảo viết :

"Gương mặt lớn của dân tộc học Việt Nam", Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đánh giá như thế về nhà dân tộc học Từ Chi ; và Giáo sư dân tộc học người Pháp – Geoeges Condomi-nas, người bạn suốt 20 năm cuối đời của Từ Chi nhận xét ông là một nhà bác học lớn của Việt Nam. Những lời đánh giá ấy thật xứng đáng với Từ Chi khi ông dành cả cuộc đời cho dân tộc học với các công trình khoa học sắc sảo, có giá trị cao, nhất là cụm 4 công trình : "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ", "Hoa văn Mường", "Hoa văn các dân tộc Giarai-Bana", "Người Mường ở Hoà Bình" được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

"Nhà dân tộc học Từ Chi sinh ra trong một dòng họ có truyền thống về dịch thuật và yêu nước, dòng họ Nguyễn Đức ở Ích Hậu, Can Lộc, Hà Tĩnh. Cha ông là Nguyễn Kinh Chi, một trong những nhà dân tộc học đầu tiên ở nước ta học theo kiểu Pháp, thường xuyên gửi thư cho Từ Chi trong những năm Từ Chi đến Crôn-na-kri ở Ghi-nê dạy học sau khi đã tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp. Chính những lá thư ấy đã động viên Từ Chi đến với ngành dân tộc học còn rất mới mẻ đối với Việt Nam. Từ Chi bắt đầu khảo cứu, nghiên cứu sâu lịch sử văn hoá các dân tộc Tây Phi bằng những chuyến đi điền dã, chụp ảnh, trò chuyện với người bản địa. Đấy là những vốn liếng ban đầu nhưng vô cùng quan trọng đối với cả sự nghiệp sau này của Từ Chi. Về nước, trở thành một dịch giả, biên tập viên và người thầy đầy uy tín nhưng ông vẫn không ngừng tiếp tục công việc của một nhà dân tộc học. Ông bắt đầu tìm ra mối quan hệ lịch sử giữa hoa văn cạp váy Mường ngày nay với hoa văn trống đồng Đông Sơn hàng nghìn năm trước để chứng minh một vấn đề khoa học cực kỳ thú vị : mạch nghệ thuật Đông Sơn vẫn chảy trong nghệ thuật trang trí của người Thái cũng như cư dân bản địa Tây Nguyên. Đó là một minh chứng sinh động về Đông Sơn và là cứ liệu củng cố quan điểm khoa học cho rằng tổ tiên cư dân Việt - Mường là một chủ nhân quan trọng của nền văn hoá này. Bên cạnh đó, Từ Chi còn nghiên cứu về ruộng lang ở người Mường. Ông lập luận một cách sắc sảo : "Chế độ lang-đạo là một vấn đề rất phức tạp. Bây giờ chúng tôi quan niệm rằng, nghiên cứu chế độ lang-đạo không phải chỉ đơn thuần nghiên cứu cấu trúc của một bộ máy thống trị... Chế độ lang-đạo có quan hệ với nhiều mặt khác của xã hội Mường cổ truyền". Từ những phát hiện đó, Từ Chi đồng thời muốn khám phá vũ trụ luận Mường - một phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng từ trào lưu cấu trúc luận của Pháp. Cuốn sách Hoa văn Mườngđược xuất bản đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Cùng với việc đi sâu nghiên cứu về văn hoá người Mường, Từ Chi còn soi sáng các quan hệ cực kỳ rối rắm trong xã hội nông thôn người Việt, làm cho sự vận hành vốn rất phức tạp trở nên có thể hiểu được, đặc biệt ông phát hiện ra tổ chức "giáp" và lột tả tinh thần dân chủ xưa còn được phản ánh trong đời sống đương thời ở làng Việt... Những cống hiến đó của ông là những điểm sáng trong nhân học đương đại Việt Nam.

Nhắc đến Từ Chi, bạn bè, học trò của ông đều nhắc đến một nhà dân tộc học điền dã mẫu mực. Những người bạn đồng hành với ông trên suốt các dặm đường là chiếc máy ảnh hiệu Olympic-PEN, chiếc túi may bằng vải ghép trong đó đựng cuốn sổ tay, một bản thảo đang viết, một quyển sách đang đọc dở, một bài biên tập chưa xong. Ông tiếc việc đến nỗi "Có như vậy ở đâu mình cũng làm việc được, chán việc này thì có thể đổi qua việc khác". Đến vùng người Mường hàng chục năm để thu thập tư liệu theo một chu kỳ nông nghiệp và một vòng quay của đời sống cộng đồng. Từ Chi đã học tiếng Mường, nói như người Mường... Trong bối cảnh dân tộc học đương thời ông là người tiên phong thực hiện việc " trao giọng nói cho người dân", đề cao chủ thể và quan điểm bản địa. Chính vì vậy, khi dạy học trò, ông thường khuyên học trò phải biết lắng nghe và cảm nhận thực tiễn.

Nhà dân tộc học Từ Chi là con của bà Tôn Nữ Thị Vân, một người phụ nữ thuộc dòng dõi hoàng tộc. Bởi vậy, ông chịu ảnh hưởng phầ nào những đức tính khiêm nhường, thâm trầm, hóm hỉnh và tinh tế của bà mẹ xứ Huế. Ở Huế những năm tháng tuổi thơ, sau này trở về quê mẹ ông nhớ mãi kỷ niệm : "Tôi còn nhớ hồi còn cắp sách đến trường trung học, một hôm ông giáo dạy chúng tôi - một linh mục người Pháp mới đến Huế hỏi cả lớp :  "Các anh có biết con sông Hương của các anh đẹp hơn sông Loa,đẹp hơn sông Đa-nuyp không ?". Tất cả chúng tôi, những thiếu niên sinh ra và lớn lên hai bên bờ sông Hương, đều mở to mắt ngạc nhiên. Quen thuộc quá hoá tầm thường! Nhưng giờ đây sau 12 năm xa cách, những đêm thao thức trước trang giấy viết chưa kín, những tối cuối hè có lá khô cuộn lao xao trên nhựa đường Hà Nội, tôi lại giật mình tưởng như sắp nghe tiếng xe ầm ầm vượt qua Giã-siên vắt qua con sông quê cũ". Với tâm hồn như thế, Từ Chi đã vượt qua mọi trở ngại gia đình, xã hội, tìm mọi cách đưa cô Nguyễn Thị Tuất - người con gái lưu lạc ở xứ người trở về quê hương để rồi kết tóc xe tơ. Dù họ không có con nhưng cuộc sống thanh đạm mà giàu tình người đã vun vén cho tình yêu của họ. Khi đi làm, thế nào ông cũng xách theo cái cặp lồng vài ngăn do bà Tuất chuẩn bị, trong đó có bát cơm, ít lạc rang, chút dưa và món cá mè nấu xâm xấp với rau muống. Còn ông, ki được bạn biếu bao thuốc Malboro thì ngập ngừng mở ra rồi cất vào túi vì "Cái này phải đem về cho bà Tuất, chắc bà ấy sẽ vui lắm!".

Cuộc đời của nhà dân tộc học Từ Chi giản dị đến lạ thường. Cứ mải miết nghiên cứu, mải miết cống hiến cho khoa học, ông không nhận cho mình một tước vị nào. Mà việc nghiên cứu khoa học của ông cũng là công việc tay trái dù ông là người giỏi tiếng Pháp, đi Paris thuyết trình về tục thờ mặt trời của người Mảng, thảo luận với nhiều nhà dân tộc Pháp nổi tiếng. Vì chuyện mưu sinh, ông từng làm rất nhiều nghề: dịch thuật, biên tập, giáo viên... ở lĩnh vực nào ông cũng khiến mọi người nể trọng. Còn nói riêng ông, ông chỉ nhận:  "Đúng là sự nghiệp chính của cuộc đời tôi là nghiên cứu dân tộc học". Đến giờ, sự nghiệp và công lao ấy của ông đã được Nhà nước ghi nhận. Và thêm một lần nữa, Bảo tàng Dân tộc học tiến hành công bố một cách đầy đủ, toàn diện nhất cuộc đời và sự nghiệp của ông – nhà dân tộc học hàng đầu ở Việt Nam sau hơn 1 năm sưu tầm và phục chế tư liệu, kỷ vật.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.