Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 15/09/2008 14:32 (GMT+7)

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Nhà quân sự, nhà khoa học tài năng

Vị tướng hiền minh

Nếu bạn được tiếp xúc với con người này thì ngay từ lần đầu tiên, khuôn miệng biểu cảm, chiếc cằm quả đoán và đặc biệt là đôi mắt sắc với hàng mày rậm hình lưỡi mác vểnh ngược lên một cách dứt khoát, dữ dội của ông sẽ mách bảo bạn rằng đây hẳn là một nhà chỉ huy quân sự.

Đúng vậy, như là ông được sinh ra để đảm lãnh công việc ấy: 20 tuổi được Bác Hồ cử đi học quân sự ở Trung Quốc; 24 tuổi trở thành Tư lệnh Chiến khu (Quân khu), vị tư lệnh trẻ tuổi nhất của quốc gia độc lập chưa đầy một tháng tuổi. Từ đó cuộc đời ông, tên tuổi ông - Hoàng Minh Thảo - hoàn toàn gắn với quân đội, với chiến tranh. Ba mươi năm, đi qua dư trăm trận - khởi đầu là chỉ huy Trung đội tập kích đồn Pò Mã (Lạng Sơn) thắng lợi, tháng 5/1945; kết thúc trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch chiến lược tiến công Tây Nguyên đại thắng lợi, tháng 3/1975 - đâu là phong cách chỉ huy Hoàng Minh Thảo?

Câu trả lời ở ngay mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch mà ông tham dự, chỉ huy. Từ những trận giao thông chiến vang dội Đường 5 thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp đến những cuộc đối đầu ác liệt những năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, sơ đồ tác chiến của ông luôn luôn là: xác định mục tiêu - dự kiến tình huống - xây dựng lực lượng, thế trận - liên tục công kích giành chiến thắng. Trong sơ đồ đó, tâm lực ông in đậm ở công đoạn dự kiến và loại trừ bớt các tình huống (được ông gọi một cách hình tượng là gạn lọc tình huống) bằng mưu kế tác chiến và nghi binh với mục đích duy nhất là tạo nên một thế trận có lợi, giành yếu tố bất ngờ - một nửa của thắng lợi. Và ông luôn thành công.

Được đào tạo trong môi trường Hoàng Phố vốn coi trọng học thuyết quân sự cổ điển Tôn Ngô là một lý do; chiến đấu trong một quân đội cách mạng trưởng thành từ lượng ít, thế yếu luôn phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh là một lý do nữa; nhưng có lẽ điều chủ yếu khiến trên dưới, bạn bè gọi ông một cách trìu mến là ông "mưu, kế, thế, thời" chính là sự say mê và dấu ấn để lại trong lĩnh vực đấu trí này.

Thật là xác đáng khi cấp trên đặt ông vào nơi đắc địa Tây Nguyên. Tây Nguyên với những bình sơn nguyên bao la đủ khả năng triển khai bộ đội lớn, vũ khí nặng rất thuận lợi cho tác chiến trận địa như đã được chứng tỏ trong năm 1972 và nhất là trong năm 1975. Nhưng nơi đây, với trùng trùng núi cao rừng dày cũng là nơi lý tưởng cho việc thi mưu bày kế trong tác chiến vận động - loại hình tác chiến sở trường của quân đội ta.

Chiến dịch Đắc Tô 1967, ta triển khai phục kích hai tầng, Mỹ hùng hổ dùng trực thăng đổ quân bọc vào sau lưng lực lượng phục kích của bộ đội ta thì chính chúng lại rơi ngay vào bẫy vu hồi sâu, cả một tiểu đoàn dù Mỹ bị tiêu diệt. Chiến dịch Đắc Siêng 1970, chiến dịch Đắc Tô 1972, với kế "điệu hổ ly sơn" dụ địch đánh vào mục tiêu giả, để trống lực lượng, ta nhanh chóng công kích vào mục tiêu đã lựa chọn giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Nói đến chiến dịch Tây Nguyên 1975 thì không thể không đề cập đến cả một chiến dịch nghi binh lừa địch, gạn lọc tình huống đặc sắc diễn ra trước đó khiến kẻ địch ở phút cuối đã như bị trói chân trói tay.

Mười năm chiến đấu ở Tây Nguyên, do muôn vàn khó khăn, chỉ duy nhất một lần một chiến dịch nhỏ được Hoàng Minh Thảo triển khai ở phía Nam . Nhưng ông luôn đau đáu hướng này. Phải chi có đủ lực lượng, phải chi tập trung được lực lượng đủ lớn, đủ mạnh để không chỉ giải phóng Buôn Ma Thuột mà còn có thể đánh dài ngày, đánh bại lực lượng phản kích chắc chắn phải lên đến hàng sư đoàn của địch. Một chiến dịch như vậy sẽ không chỉ có tác động chiến lược vì tính chất đắc địa của Buôn Ma Thuột mà còn có thể dẫn đến bùng nổ chiến lược nếu được cộng thêm vào đó một yếu tố cực kỳ quan trọng: đẩy địch vào thế chủ quan, bất ngờ và do đó trở nên hoang mang, mất tinh thần.

Nhưng phải có thời cơ. Và thời cơ ấy đến.

Năm 1973, được triệu tập ra Hà Nội họp chuẩn bị cho chiến cuộc 1975, trước những điều kiện thuận lợi xuất hiện, ông đã đề xuất với Tổng tư lệnh về một chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột với những luận cứ sắc bén. "Tôi rất tán thành", Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong hồi ký của mình . Trong cách nhìn của Đại tướng, đấy không chỉ là nhãn quan của một người chỉ huy thực tiễn trên chiến trường mà còn là nhãn quan "của một người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự".

Vậy là từ Quân khu V, tháng 2/1975, sau khi mục tiêu Buôn Ma Thuột đã được xác định, Hoàng Minh Thảo một lần nữa được điều động trở lại Tây Nguyên trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, một chiến dịch rồi sẽ khiến rung chuyển toàn bộ chiến lược địch như sau này chúng ta được biết.

Nhà giáo, nhà khoa học

Nếu Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một chỉ huy quân sự tài năng thì ông cũng hoàn toàn xứng đáng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà sư phạm quân sự, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự khi trong hơn ba mươi năm được chỉ định đứng đầu những cơ sở đào tạo cao nhất của quân đội ta: Trường trung, cao quân sự, Học viện Quân sự, Học viện Quốc phòng, ngay từ những năm tháng đầu tiên các cơ sở này được thành lập.

Hàng vạn cán bộ trung, cao cấp quân đội - nhiều người trong đó giữ các cương vị lãnh đạo quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, đi qua môi trường này vẫn ghi nhớ cách làm việc khoa học cũng như các bài giảng trực tiếp sinh động, có sức thuyết phục cao của ông. Đặc trưng công tác đào tạo và nghiên cứu của ông là gắn chặt với thực tiễn. Lĩnh vực mà ông hứng thú và dồn nhiều tâm huyết nhất là nghệ thuật quân sự - công nghệ tiến hành chiến tranh. Ngay tại chiến trường, ông thường xuyên cập nhật các tình huống diễn biến, phân tích động thái và quy luật hoạt động của địch, giải bài toán lực lượng để từ đó đề xuất cách đánh hay hình thức chiến thuật thích hợp, ném trả lại tác chiến, tạo nên sức sống mới.

Có lẽ không nhiều người biết rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, Quân đội ta đã phát kiến ra ba hình thức chiến thuật mới thì hai trong số đó: “ Chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt” và “Chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục” được hình thành từ chiến trường ác liệt Tây Nguyên. Neil Sheehan, tác giả Mỹ trong “Sự lừa dối hào nhoáng” đã nhận xét đây là những chiến thuật “đánh vào đầu rắn”, “lúc nào cũng mới vì sử dụng bất ngờ”, được sáng tạo và dẫn dắt bởi “một trong những tướng tài nhất của Cộng sản là Hoàng Minh Thảo”.

Trong hàng chục tác phẩm về nghệ thuật quân sự đã được công bố của Hoàng Minh Thảo, có lẽ cần dành một sự ghi nhận đặc biệt cho hai cuốn sách: " Tổ tiên ta đánh giặc" và " Sự thất bại của một sức mạnh phi nghĩa". Ghi nhận đặc biệt vì nó được tác giả viết ra ngay tại chiến trường, giữa những trận tác chiến. Ghi nhận đặc biệt nữa vì tác dụng thực tiễn ở cuốn đầu, và những phân tích chính xác, khoa học, ở cuốn sau.

Viết ra một cách súc tích, ngắn gọn và dung dị như chính tên gọi, " Tổ tiên ta đánh giặc" được NXB QGP Tây Nguyên phát hành đến tận trung đội, tiểu đội và được cán bộ, chiến sĩ rất hoan nghênh. Nó không chỉ cổ vũ sĩ khí bộ đội mà còn mở ra cả một đợt thi đua ngầm học tập và phát huy cách đánh "lấy ít đánh nhiều", "lấy yếu chống mạnh" của các bậc tiền bối trong khắp các đơn vị. Nghe "danh" cuốn sách, các chỉ huy ngụy ở Sài Gòn và Quân khu II cũng phải chỉ thị "kiếm về" cho bằng được để nghiên cứu.

"Sự thất bại của một sức mạnh phi nghĩa" lại là một tác phẩm kiểu khác. Từ chiến trường được gửi về NXB QĐND cuối năm 1974 và chỉ kịp ra mắt độc giả sau Mùa xuân đại thắng 1975, bản thảo cuốn sách đã làm ngạc nhiên những người biên tập về những dự báo chính xác, những phân tích khoa học, đặc biệt phần nói về các quy luật chiến tranh. Càng ngạc nhiên hơn là trong điều kiện gian khổ và thiếu thốn như thế ở chiến trường, người chỉ huy này lấy đâu ra và làm cách nào có thể tham khảo được cả một khối tư liệu lớn, cũng như dành thời gian tạo nên một tác phẩm dày dặn như vậy?

Với sự công nhận "Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, đã được công bố và sử dụng kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước CHXHCN Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", cụm 8 công trình nghiên cứu của Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo vừa được Nhà nước ta trao tặng giải thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. 

Con người

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã được NXB Quân đội "đặt hàng" hồi ký ngay khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Họ rất kỳ vọng dựng lại được những trận đánh huyền thoại, đặc biệt có sự đấu trí của hai bên, thông qua những ngưng đọng và bùng nổ tâm lý sống động của chính người chỉ huy. Nhưng phải gần 30 năm sau cuốn sách đó mới ra đời, và không được như trông đợi. Lý do? Rất đơn giản, là một người cực kỳ khiêm tốn, ông không muốn và không biết nói về mình.

Những năm ở Tây Nguyên, bộ đội thiếu đói đủ thứ, ông vẫn chỉ thị nhường một phần lương thực, gạo muối cung cấp cho nhân dân và tự mình làm gương giảm bớt khẩu phần. Mỗi mùa chiến dịch, ông đều tổ chức hội nghị mời lãnh đạo các địa phương đến bàn cách phối hợp và đặc biệt lắng nghe các ý kiến đóng góp của họ, được địa phương rất tin tưởng và đánh giá cao, cho nên ở các cuộc họp này đã luôn luôn có mặt các Bí thư Tỉnh ủy.

Một người bạn kể lại câu chuyện này: Khi bố anh mất, biết được má anh đang đứng trước khó khăn phải nuôi bầy con còn nhỏ, ông đã trích lương mình hàng tháng gửi đến giúp đỡ. Việc trở nên thường xuyên, má anh không muốn phiền ông - đó là những năm đầu chiến tranh phá hoại - bà đưa gia đình đi sơ tán, không cho ông biết địa chỉ. Nhưng rồi ông vẫn tìm được.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ông vẫn thường để riêng một khoản tiền giúp đỡ những gia đình khó khăn như vậy. Nhưng bản thân ông bà lại sống hết sức giản dị: một phòng khách đơn sơ với những đồ dùng cũ kỹ như không thể giản dị hơn. Ông bảo: Còn dùng được, sao lại bỏ đi? Tự ông giữ lại, xếp sắp ngăn nắp nhiều thứ tưởng đã có thể bỏ vào sọt rác, cuối cùng lại trở nên có ích khi cần: phong bì công văn, túi giấy, túi nhựa cũ, ốc vít...

Có thể nói, ông đã có một gia đình thật hạnh phúc. Bước sang tuổi 85, ông đi lại đã chậm chạp nhưng vợ ông - bà Vũ Thị Minh Nguyệt - vẫn như mường tượng thấy dáng vẻ dữ tướng mà nhanh nhẹn rất đàn ông ngày nào của vị Tư lệnh Quân khu trẻ tuổi. Hồi ấy ông di chuyển giữa các đơn vị không phải bằng xe hơi, không phải bằng ngựa hồng mà bằng xe đạp. Ông đi xe đạp rất giỏi và còn lưu lại trong vùng cả một câu lẩy… "Chinh phụ": "Lối nay xe ngựa Hoàng Minh Thảo…".

Nhưng làm sao ông bà đến được với nhau? Giản dị thế này thôi: Những năm đầu kháng chiến, ông bề bộn công việc, chẳng có thì giờ nào mà… làm quen phụ nữ, mà nghĩ đến việc riêng. Nhưng mọi người đều bảo, phải có "hậu phương" thì "tiền phương" mới yên tâm chiến đấu được; và xúm lại đưa trước mặt ông một tấm ảnh, yêu cầu ông lựa chọn. Ông cười và chỉ vào một cô học sinh xinh đẹp trong số những cô gái trong ảnh. Đám cưới liền sau cũng được tổ chức giản dị như vậy: Người ta tìm được một căn nhà bỏ trống của một gia đình đã đi tản cư, may còn lại một chiếc giường. Một cụ già mang đến một chiếc chiếu… Ngay hôm sau ông đã phải chia tay vợ trở về đơn vị vì chiến dịch sắp mở màn.

Hôm nay, điều hạnh phúc lớn đối với ông bà là tất cả các con cháu đều đã trưởng thành, như những công dân tốt, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ông bà có 3 người con trai. Anh con út là công nhân, rất giống ông ở đức tính cẩn thận, kiệm lời. Anh con thứ 2, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nội, thừa hưởng ở ông tác phong quân sự, xứng đáng nối nghiệp bố. Còn anh con cả - cán bộ ngành Hàng không - người mà ông rất thương, có lẽ giống ông nhất ở phương diện con người. Tháng trước, biết tin bố được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, anh đã dự kiến làm bữa cơm gia đình mừng cho ông. Thật không may, anh đã qua đời đột ngột vì tai nạn. Nhận được tin dữ khi đang đứng trước sân, ông chỉ nói: "Đỡ mẹ đi các con" rồi lặng lẽ bước vào nhà. Đứng trong buồng mình, ông cứ ngó trân về phía đối diện; rồi khi gieo mình xuống ghế, ông mới để mặc đôi hàng hương lệ ròng ròng thương nhớ con.

Vũ Cao Phan

Nguồn: www.cand.com.vn

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.