Thái Bình: Phản biện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Ngày 18/9/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo tư vấn phản biện Đề án “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện…
Theo Hội đồng phản biện, đây là đề án có mục tiêu, nội dung phù hợp với định hướng, yêu cầu, các chương, mục đầy đủ, có cơ sở khoa học và luận cứ rõ ràng, việc chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như cây ăn quả là một hướng đi đúng trên cơ sở định hướng chính sách của các cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, Đề án cần lưu ý, thế mạnh của Thái Bình là cây lúa và nuôi trồng thuỷ sản. Xét về mặt vĩ mô, chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng cây ăn quả là phát triển thị trường ngách cho sản phẩm cây ăn quả: tạo sản phẩm quả ăn tươi phục vụ tại địa phương nên giảm chi phí vận chuyển so với việc mang từ nơi sản xuất tập trung khác về đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động trong tỉnh.
Vì vậy, phát triển cây ăn quả phải chú ý đến lợi thế vị trí địa lí, chú ý dự tính lượng quả tươi, lượng từng loại cây ăn quả muốn chuyển đổi mà tỉnh Thái Bình có thể tiêu thụ, phân phối và chỉ nên tập trung trồng mỗi mô hình 1-2 loại cây trồng để tạo ra lượng hàng hoá đủ lớn và không bị phân mảng manh mún.
Mặt khác, trong đề án có cả quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nên chăng Đề án chỉ tập trung chuyển đổi đất sang trồng cây lâu năm (trong đó cây ăn quả là chính), cây ngắn ngày (có rau, hoa) và cây dược liệu. Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát, loại bỏ những căn cứ không liên quan, bổ sung các quyết định/nghị quyết về định hướng/quy hoạch đô thị, công nghiệp liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng đất lúa trong phần cơ sở pháp lý xây dựng Đề án.
Theo đó, bố cục Đề án cũng cần chỉnh sửa để các chương, mục thêm tính logic và khoa học. Phần giải pháp thực hiện nên phân chia theo nhóm: giải pháp về khoa học - công nghệ, giải pháp về vốn, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp về thị trường…từ đó phân rõ hơn trách nhiệm của từng đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ của đề án.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các ngành, Hội đồng phản biện yêu cầu đơn vị chủ trì Đề án - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bố cục và hoàn thiện nội dung Đề án nhằm đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Thái Bình trong việcchuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quảtrước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.