Sáng chế giúp nông dân chẻ quế, thái cỏ
“Giúp mẹ đỡ vất v ả!”
Bố Trường mất sớm, nhà chỉ còn hai mẹ con, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai mẹ. Mỗi ngày, từ tinh mơ đến tối mịt, mẹ Trường bận bịu với công việc ruộng nương. Mỗi buổi đi học về, Trường “xắn tay” vào nấu cơm; cho trâu, bò, lợn, gà ăn. “Đi làm đồng, về mẹ có cơm ngon ăn thì sẽ bớt mệt mỏi hơn” – Trường nhoẻn miệng cười, trông em già hơn tuổi 17.
Quê Trường có dự án nuôi bò bán công nghiệp nên nhà nào cũng nuôi vài con. Thức ăn của bò chủ yếu là cỏ voi. Nếu cứ để nguyên cây thì bò rất “kén”, chỉ chọn ăn phần đầu còn nhiều chỗ “ngon” nhưng chúng vẫn bỏ. Người dân nghĩ cách để tận dụng nhiều hơn, đó là băm nhỏ cỏ, trộn lẫn với nhau. Tuy nhiên, khi băm, bà con vẫn làm thủ công (dùng dao cầu). Nhà Trường cũng nuôi 3 con bò, “Nhiều lần vì vội đi làm nên mẹ em băm cả vào tay, máu túa ra. Các bác hàng xóm cũng thường xuyên bị dao cứa đứt tay, đau đớn lắm” – Trường thổ lộ. Sau mỗi lần “tai nạn”, Trường rất thương mẹ. Nhìn bàn tay mẹ băng bó mà phải làm mọi việc, cậu không cầm lòng. “Em quyết định chế tạo chiếc máy thái cỏ để mẹ làm việc đỡ vất vả và an toàn hơn”, Trường tâm sự.
Giữa năm 2006, Trường quyết tâm “hiện thực” ý tưởng của mình. Chiếc máy thái cỏ voi có “tổng kinh phí” 2 triệu đồng (theo cách tính của cậu) trở thành tài sản quý giá trong nhà. Nhà nghèo nên mẹ Trường phải vay “nóng” hàng xóm cho cậu “đeo đuổi” ước mơ. Có thời gian rảnh là Trường lại đến cơ sở thu mua phế liệu để tìm mua các chi tiết về lắp ráp theo “thiết kế”, rồi đầu tư thuê máy hàn để làm việc. Nhiều đêm cậu mất ngủ vì đôi mắt đau buốt do tiếp xúc với ánh sáng trong lúc hàn xì. Sau 2 tháng làm việc cật lực, Trường đã hoàn thiện “công trình” của mình. Ngày Trường cho máy chạy thử, bà con xóm làng đến xem chật nhà. Mọi người không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi thấy cái máy "nuốt ngon" từng bó cỏ.
Trường khẳng định, chiếc máy thái có năng suất gấp 74 lần so với việc băm cỏ bằng tay. Nếu băm bằng tay, một người làm việc cật lực chỉ băm được 1 tạ/ngày, còn làm bằng máy có thể băm được 74 tạ/ngày. Cỏ voi dài hàng mét cho vào máy được băm nhừ rồi chỉ việc chuyển cho bò ăn. Theo Trường, “bí quyết” để cỏ trông ngon mắt là dao cắt phải thật sắc.
Công trình của Trường đã đoạt giải nhì trong cuộc thi “Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 3”. Trường tâm sự: “Em muốn chiếc máy của mình sẽ hoàn thiện hơn và được ứng dụng rộng rãi vào thực tế để bà con đỡ vất vả. Em sẽ dành toàn bộ tiền thưởng của cuộc thi để tiếp tục nâng cấp chiếc máy cho tốt hơn”.
Mua phế liệu để… chế tạo máy!
Nhà Nam trồng quế và đã từng làm nghề chế biến quế. Để bán được quế, người trồng phải trải qua nhiều công đoạn chế biến. Đầu tiên là bóc vỏ, sau đó cho quế vào máy chẻ rồi mang phơi khô, cuối cùng tách ra thành từng miếng nhỏ. “Chiếc máy chẻ quế tươi có nhược điểm là chỉ khía được rãnh nhỏ trên vỏ quế chứ chưa tách ra thành từng miếng riêng biệt nên bắt buộc phải có công đoạn tách nhỏ, rất tốn công sức” - Nam cho biết. Cũng như Trường, Namquyết tâm làm chiếc máy chẻ quế khô để giảm sức lao động cho bà con quê mình. Thấy cậu con trai suốt ngày hý hoáy với mấy tấm sắt vụn, bố mẹ Nam không khỏi ngạc nhiên. Hỏi Nam , cậu bảo đang làm chiếc máy chẻ quế. Thấy bố mẹ hoài nghi, Nam càng quyết tâm để chứng tỏ khả năng của mình.
Năm 2006, Nam bắt đầu thiết kế mô hình chiếc máy chẻ quế. Linh liện, chi tiết máy được tính toán khá cụ thể. Sau đó, Nam đến nơi thu gom phế liệu để tìm mua những thanh sắt mang về gia công cho phù hợp. Sau mấy tháng “mày mò”, cuối cùng chiếc máy chẻ quế cũng được “trình làng”. Bố mẹ cậu là người ngạc nhiên nhất khi thấy chiếc máy chạy ro ro, chẻ những thanh quế gọn gàng, đều đặn. Không còn nghi ngờ về khả năng của Nam , bố mẹ “mạnh tay” đầu tư cho công trình của cậu “quý tử” thêm hoàn thiện.
Gửi công trình tham dự cuộc thi, Nam không nghĩ đến khả năng mình sẽ đạt giải cao nhất – giải đặc biệt và được tặng thưởng huy chương vàng của Ban tổ chức. Bất ngờ hơn, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng đã tặng giải thưởng WIPO cho công trình này. Mọi người đánh giá cao ưu điểm của máy: chẻ được 300kg quế /giờ, gấp trên 20 lần bóc bằng tay.
Namước mơ mình sẽ thi đỗ vào Khoa Chế tạo máy (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) “Em sẽ tiếp tục đầu tư chế tạo để máy hoàn thiện hơn” – Nam cho biết.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 53, 31/12/2007, tr 13