Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 30/05/2006 15:31 (GMT+7)

Quan hệ Việt Nam và Xiêm trong việc đóng thuyền

Thuyền Việt Nam và sự giúp đỡ của người Xiêm

Những thông tin và tranh luận mà tôi đã có dịp trình bày trong một bài viết trước đã đặt cho ta vấn đề so sánh công nghiệp đóng tàu ở Đàng Trong thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với nước Xiêm đương thời. Vả lại, nghề đóng thuyền của Xiêm đã được các học giả về Đông Nam Á và Trung Hoa ca ngợi, và quốc gia láng giềng thịnh vượng này nhờ vào lực lượng hải quân hùng mạnh cuối cùng đã có thể giữ được nền độc lập. Nó hiện ra rõ rệt trước Việt Nam, nơi sức mạnh hải quân phải rất đáng thương mới dẫn đến số phận rơi vào ách thuộc địa của Pháp.

Tuy nhiên, xem xét cẩn thận hơn về chủ đề này dường như gợi ý rằng việc cho là sức mạnh hải quân Xiêm lợi thế hơn Việt Nam là rất mù mờ. Nếu như Xiêm từng trở nên mạnh hơn về lực lượng hải quân so với Việt Nam, thì có lẽ là một hiện tượng vào cuối những năm 1830.

Mọi người đều biết rằng Rama I đã giúp Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn. Ông giao cho Nguyễn Ánh một ít thuyền trong những năm 1780, nhưng vào năm 1798, ông đòi Nguyễn Ánh đóng thuyền cho Xiêm để trả nợ sự hào phóng của mình: “Nếu khi Ong Chiang Su (Nguyễn Ánh) đề nghị giúp đỡ quân sự, nhà vua sẽ sẵn sàng gửi quân đội giúp đỡ. Tuy nhiên, hành quân trên đường bộ sẽ quá xa, và đi bằng đường biển thì chỉ có 70 đến 80 thuyền ở kinh đô… do vậy bất cứ lúc nào Ong Chiang Su không bận đánh nhau, đòi ông đóng khoảng 60 đến 70 thuyền kular cùng với một thuyền kular tốt nhất để nhà vua dùng và gửi chúng tới nhà vua”.

Thuyền Kular được yêu cầu ở đây gần giống với thuyền chèo Mã Lai - Chăm kora - kora. Nó sẽ giúp chúng ta nhận dạng được ghe bầu, một loại thuyền hay được nhắc đến nhất trong Biên niên nhà Nguyễn thế kỷ XVIII bởi trong nội dung sau, đó chính là loại thuyền Nguyễn Ánh đã đóng cho Xiêm. Khu vực đóng thuyền chủ yếu là vùng bờ biển dọc vịnh Xiêm La như nội dung của Biên niên nhà Nguyễn1789cho biết. Trong thực tế, nó dường như là ghi chép duy nhất về thuyền Việt Nam đóng cho Xiêm:

“Ra lệnh đóng hơn 40 đại chiến thuyền và hơn 100 ghe bầu. Mọi quan lại ở Trấn Biên (vùng Biên Hoà), Trấn Định (Định Tường) và Vĩnh Trấn (Vĩnh Long) nộp gỗ (vì mục đích này). Cứ 40 lính nộp đủ gỗ để đóng một thuyền. Số thuyền Long Xuyên (vùng Bát Xác) phải nộp là 10 chiếc, Kiên Giang 3, Trấn Giang (nay là Cần Thơ) 5, Phú Quốc 8”.

Cả bốn vùng trên đều gần Xiêm và họ phải gánh trách nhiệm đóng một số lượng lớn những thuyền to. Rõ ràng Nguyễn Ánh coi đây là một công việc cấp thiết nên chỉ tiêu đã được giao cho các khu vực hành chính khác nhau. Tới năm 1791, số thuyền trên hoàn thành và Nguyễn Ánh đã chuyển chúng sang Xiêm. Đoạn văn sau đây đặc biệt thú vị trong việc bộc lộ mối quan hệ nhạy cảm Xiêm - Việt trong vấn đề này và Nguyễn Ánh đã tìm cách đổi thuyền lấy vũ khí với Xiêm như thế nào:

“Vào ngày đầu tiên trăng tròn của tháng 11 ta, năm Hợi, vua An Nam gửi thư đề nghị mua 1000 súng hoả mai và 1000 hap nặng bằng sắt để làm cầu tàu. Kèm theo thư là 30 cái võng Việt Nam được trình cho nhà vua cùng với 70 chiến thuyền được yêu cầu đóng trước đó. Thuyền được thu nhận và neo ở bán đảo Bang-o theo lệnh nhà vua. Vào thứ năm, ngày thứ hai trăng khuyết của tháng 3 ta, nhà vua ra lệnh gửi 200 hap nặng bằng sắt để làm cầu tàu và 200 súng làm tặng vật tới vua An Nam”.

Mặc dù có những đóng góp của Việt Nam trong những năm 1790, số lượng tàu thuyền của hải quân Xiêm vẫn rất thấp so với Việt Nam. Khi Edmund Roberts tới Xiêm năm 1832, ông ước chừng có khoảng 500 xuồng chiến, 50 đến 60 thuyền, chở từ ba đến tám súng đồng, chiếc lớn nhất không quá một trăm tấn. Nó đối lập với lực lượng hải quân nhà Nguyễn được Moor mô tả năm 1823: “… lực lượng hải quân của ông ta không kém phần khác thường bởi chất lượng thiết kế, hoàn thành và phạm vi “… Lực lượng hải quân của ông ta có thể ước chừng như sau: 50 thuyền buồm dọc 14 súng, 80 pháo hạm, 100 thuyền lớn, khoảng 300 thuyền chèo từ 80 đến 100 mái, 500 thuyền chèo từ 40 đến 80 mái. Tại các tỉnh, 500 thuyền từ 20 đến 100 mái tạo nên tổng số khoảng 1530 chiếc”.

Rõ ràng là sai lầm nếu nói rằng tàu thuyền đóng ở Xiêm ít hơn ở Đàng Trong đầu thế kỷ XIX. Đã từng có một nền công nghiệp đóng thuyền liên tục và sống động ở Xiêm nhưng nó dường như chủ yếu là công việc kinh doanh của người Hoa tham gia vào buôn bán với Trung Hoa. Công nghiệp đóng thuyền rộng lớn dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình Xiêm dường như chỉ bắt đầu từ cuối những năm 1820, và tác nhân trực tiếp là sự ganh đua của Xiêm với Đàng Trong.

Gutzlaff thuật lại rằng năm 1827, “ vua Xiêm dường như bị hăm doạ bởi trả lời thẳng thừng [của Đàng Trong về vấn đề Hoàng tử Lào Chao Anou] đã lệnh cho những quý tộc lớn và các đối tượng người Hoa đóng hàng trăm chiến thuyền theo kiểu do tổng đốc của Ligore tạo ra”. Tuy nhiên, xem xét mô tả trên của Roberts, lực lượng hải quân Đàng Trong cho tới tận 1832. Mâu thuẫn với Việt Nam qua cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi năm 1834 với thất bại thảm hại của hải quân Xiêm đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan tâm của quan lại Xiêm trong việc đóng thuyền, và từ đó Chanthaburi trở thành bến thuyền chính của triều đình Xiêm.

Người Đàng Trong, người Hoa và đóng thuyền ở Chanthaburi

Chanthaburi từng được những du khách đầu tiên nhắc đến nhưng họ không nhắc gì tới việc đóng thuyền ở đây trong phần lớn thế kỷ XVIII. Khi Hamilton tới thăm vùng này, ông thuật lại rằng “bờ biển Liant và Chanthaburi là lãnh địa của Xiêm nhưng trong khoảng từ 50 lý [1 lý = 4800 mét] hoặc hơn không hề có cảng biển, đất nước gần như là một hoang mạc”. Theo tường thuật của một nhà truyền giáo người Pháp năm 1703, thời kỳ đầu đây là một khu định cư chủ yếu do người Đàng Trong chiếm giữ: “ Chúng tôi đã thiết lập một cơ sở tại cảng biển có tên là Chanthaburi nằm ở biên giới với Campuchia nơi phần lớn là người Đàng Trong, trong đó có khoảng 100 người Công giáo”. Người Khmer cũng thấy ở đây. Thư của các nhà truyền giáo cho chúng ta biết rằng có một cuộc nổi dậy ở Chanthaburi năm 1702” do một người Campuchia lấy vợ người Đàng Trong khởi xướng”.

Khi Tak Sin tấn công Chanthaburi năm 1767, ông đã chiếm được một số thuyền ở đó nhưng không có thông tin gì cho thấy rằng đã có một trung tâm đóng thuyền lớn. Tại Chanthaburi, Tak Sin ra lệnh đóng năm thuyền, dựa vào đó ông đã tiến hành cuộc tấn công Miến Điện và giành được chiến thắng. So sánh với công nghiệp đóng thuyền ở Chanthaburi đường thời chỉ mới ở giai đoạn đầu. Nó có thể cũng không quá khác với Hà Tiên là Ligor, cả hai đều có bến thuyền riêng nhưng với khả năng đóng thuyền có giới hạn. Cần phải nhắc rằng cuối thế kỷ XVIII chứng kiến một sự bùng nổ của việc đóng thuyền không chỉ ở vùng đồng bằng sông Mê Kông và Mê Nam Chao Phaya mà còn ở bán đảo Mã Lai. Ví du như vào năm 1771, Dato của Jeam (tên Xiêm là Yiring) viết cho Sultan Mansur của Terengganu đề nghị giúp đỡ tấn công Pattani. Sultan Mansur đáp lại đề nghị này bằng cách dẫn vài nghìn quân trên 80 thuyền lớn. Các trung tâm Hà Tiên, Ligor, Chanthaburi và Terengganu mặc dù tất cả đều tự đóng lấy thuyền nhưng không chắc có thể so sánh với công nghiệp đóng thuyền ở Biên Hoà thời tiền Tây Sơn, thậm chí vẫn kém hơn trong giai đoạn Nguyễn Ánh.

Nhưng vào năm 1835, Chanthaburi trở thành một vùng hoàn toàn khác. Khi Bradley tới thăm Chanthaburi, ông ở trong một ngôi nhà tại bến thuyền không xa cửa sông Chanthaburi nơi có khoảng vài trăm người sinh sống. Có không dưới 50 thuyền lớn ở trên giàn tàu, hai thuyền sức chứa từ 300 đến 400 tấn, 30 hoặc 40 chiếc thuyền và một số thuyền nhỏ. Giữa bến thuyền và Chanthaburi, du khách thấy nhà của Cháu Phraya Phrakhlang, thủ quỹ kiêm quyền bộ trưởng bộ chiến tranh và tỉnh miền nam của Rama III, người đặt kế hoạch cho công nghiệp đóng thuyền ở Chanthaburi và đưa lực lượng hải quân Xiêm vào một bước ngoặt mới. Ông sống tại Chanthaburi để giám sát việc đóng thuyền.

Vào năm 1839 khi Rama III tấn công Kedah, người Xiêm đã có một lực lượng hải quân thực sự đáng lưu ý. Thậm chí đáng lưu ý hơn là xem có bao nhiêu thuyền được đóng ở Chanthaburi sau năm 1834. Ví dụ như “Chiến binh đại dương” được đóng tại Chanthaburi năm 1835. Thú vị nhất, nó là một “chiếc thuyền kiểu châu Âu đầu tiên trong các cỡ được đóng dưới sự trông nom của người Xiêm”. “Thày phù thuỷ” chiếc thuyền lớn hơn nhiều được đóng tại Chanthaburi năm 1836-1837, ước chừng 800 đến 1400 tấn. Nếu hai thuyền trên không nhắc đến việc tiếp thu của người Xiêm đối với thuyền Việt Nam đóng kiểu phương Tây, rõ ràng có hai loại thuyền đóng tại Chanthaburi theo mẫu của Việt Nam. Một trong số đó là “pháo hạm do Cháu Phraya Phrakhlang thiết kế trong khoảng 1834-1835 “là kết quả của sự cảm nhận tính hiệu quả của những pháo hạm do người An Nam sử dụng chống lại ông trong chiến dịch 1833-1834”. Một loại khác được gọi là “thuyền mũi Việt Nam” được coi là một loại thuyền Việt Nam, có thể với mũi cao hơn hoặc vuông hơn so với thuyền Trung Hoa. Loại thuyền nhỏ hơn này có thể là loại “tam bản đầu to của An Nam” theo cách gọi của người Hoa được nhắc đến ở đầu bài. Đầu của nó cao hơn đuôi chừng 0,66 mét, chứa khoảng 30 thuỷ thủ.

Điều gì đã xảy ra giữa năm 1832, khi Robers tới Xiêm nơi có một lực lượng hải quân yếu ớt và năm 1835, khi Bradley thấy một lực lượng thực sự ấn tượng? Như tôi có thể thấy cho đến nay, chỉ có duy nhất một sự kiện quan trọng xảy ra trong giai đoạn này, nó ảnh hưởng rõ rệt tới tình trạng của lực lượng hải quân Xiêm, và sự kiện này đã xảy ra ở Đàng Trong. Đó là cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, diễn ra ở Sài Gòn từ 1833 tới đầu 1835. Mâu thuẫn về quyền lợi giữa lực lượng địa phương ở vùng Sài Gòn và triều đình nhà Nguyễn ở Huế đã tới chỗ quá căng thẳng vào năm 1832, khiến cho cuộc nổi loạn trở nên không tránh khỏi. Sau hai năm đấu tranh, cuộc nổi loạn đã thất bại. Hơn 2000 người, nhiều người trong số đó là người Hoa và người Công giáo Việt Nam đã bị tàn sát. Thành Sài Gòn bị san thành bình địa.

Điều đáng lưu ý là cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi được khởi động hoàn toàn trên vấn đề khai thác gỗ và đóng thuyền ở đồng bằng sông Mê Kông. Biên niên nhà Nguyễn buộc tội Lê Văn Khôi về việc khai thác gỗ trái phép ở vùng Sài Gòn. “ Lê Văn Khôi thường dựa vào quyền lực của [Lê Văn] Duyệt để sai lính đi khai thác gỗ trong rừng mà không có phép [của nhà vua]. Đôi khi họ bán ván cho người Hoa và đôi khi đóng thuyền của họ”. Một trong những tội của Lê Văn Duyệt, cũng theo Biên niên nhà Nguyễnlà ông sở hữu những thuyền to và tốt hơn của triều đình. Rõ ràng là khai thác gỗ và đóng thuyền thời gian đó trở thành một trong những vấn đề trung tâm của tranh giành quyền lực cả trong và ngoài lãnh địa nhà Nguyễn.

Không có gì ngạc nhiên khi thành phần tham gia chủ chốt trong việc phát triển công nghiệp đóng thuyền ở Chanthaburi là người Đàng Trong và người Hoa vừa trốn khỏi sự khủng bố của Minh Mạng. Có từ năm đến sáu nghìn người ở Chanthaburi năm 1835, đa số là người Đàng Trong mới đến. Theo mô tả của một nhà truyền giáo người Pháp, “ chỉ có rất ít trong số đó là người tị nạn cổ xưa bởi người Công giáo Đàng Trong cổ xưa đã quay về đất nước của họ mới vài năm trước đó”. Rất khó tìm thấy người Xiêm ở Chanthaburi khi Bradley đi dọc theo sông Chanthaburi. “ Phần lớn họ là người Đàng Trong và người Hoa với một hai người Xiêm ở đây đó” Trong số những người Đàng Trong có những thợ mộc lành nghề, một số người Công giáo Đàng Trong ở Chanthaburi là thợ rèn, mặc dù phần lớn thợ rèn là người Hoa, cả hai nghề là không thể thiếu trong việc đóng thuyền.

Giống như đồng bằng sông Mê Kông, Chathaburi rất giàu về gỗ. Những cây gỗ khổng lồ được chuyển đến sông Chanthaburi đã được du khách nhắc đến. Việc phát triển tương đối muộn của công nghiệp đóng thuyền ở đây cũng có nghĩa vùng này chưa khai thác gỗ cho tới những năm 1830. Quan trọng hơn, Chanthaburi nằm ở giữa hai vùng đóng thuyền chủ yếu của cuối thể kỷ XVIII, đồng bằng Mê Nam Chao Phaya và đồng bằng sông Mê Kông. Nó có vị trí hoàn hảo để hấp thu cả truyền thống lẫn lực lượng kỹ thuật từ hai đồng bằng trên để trở thành vùng chủ yếu của công nghiệp đóng thuyền ở Đông Nam Á lục địa thế kỷ XIX. Quá trình này được tăng tốc, nếu không muốn nói là được tạo thuận lợi bởi người tị nạn Đàng Trong và người Hoa. Nó cho thấy, thậm chí nổi bật khi xem xét rằng Chanthaburi đã nhanh chóng trở thành xưởng đóng thuyền chủ chốt của Xiêm gần như ngay sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi năm 1834.

Do vậy, vấn đề tôi nêu ra ở đây là công nghiệp đóng thuyền ở Chanthaburi, xưởng đóng thuyền chủ chốt để triều đình Xiêm xây dựng lực lượng hải quân của mình trong những năm 1830, được xây dựng hoàn toàn dựa trên kiến thức kỹ thuật và sức người của các thợ đóng thuyền người Đàng Trong, người Hoa và người Chăm, những người đã di cư từ lãnh địa của nhà Nguyễn. Nói một cách khác, công nghiệp đóng thuyền của triều đình Xiêm, nền tảng của dân tộc Xiêm hiện đại, được xây dựng trực tiếp bởi một lực lượng lao động hoàn toàn là người nước ngoài. Nhưng “nước ngoài” không phải là một từ chính xác ở đây. Không có gì cố định trong phần này của thế giới, nơi đang trong giai đoạn phát triển và hình thành, dù là biên giới, tộc người hay dân tộc. Như Terwiel chỉ ra, “ đối với người Thái của những năm 1980, có thể khó tin rằng vào những năm 1840 vùng nội địa phía đông nam có những dải đất rộng lớn nơi người Thái không hề cai quản và đó là không gian thích hợp với khỉ, hổ và tê giác”.

Vô số chứng cứ cho thấy sự tham gia của người Đàng Trong trong lực lượng hải quân Xiêm. Tới năm 1839, một số người Đàng Trong đã trở thành những quan chức hải quân quan trọng, ít nghi ngờ là bởi kiến thức hàng hải của họ. Ví dụ như năm 1839, Phra Khlang, thủ quỹ kiêm quyền bộ trưởng Bộ chiến tranh và tỉnh miền Nam, người đóng ở Chanthaburi để giám sát việc đóng thuyền đã “ cử Khun Ritthironakrai, trung uý thuộc đơn vị An Nam, tới kinh đô trên chiếc thuyền săn cướp biển với một lá thư mang chỉ thị tăng tốc việc xuất phát những chiếc thuyền còn lại… chúng tiến về phía nam từ Chanthaburi ngày 21 tháng 3 nên lúc này chúng đã phải đến Nakhon”. Thú vị là sứ giả người Đàng Trong và người Hoa mang thư từ của triều đình Xiêm liên quan tới kế hoạch và chỉ thị của cuộc viễn chinh tới Kedah là những người từng đi lại giữa Chanthaburi, Băng Cốc và bờ biển Mã Lai. Trong việc xây dựng hải quân của mình, người Xiêm còn tuyển mộ cả người Chăm. Chuyện kể lại rằng khi Tak Sin tấn công Campuchia, ông mang theo mình một số người Chăm, những người định cư ở khu bờ sông tại Băng Cốc và được hải quân tuyển dụng.

Gần như tất cả thuyền lớn của Xiêm trong những năm 1830 đều được đóng tại Chanthaburi như một tờ báo sau đây trong Lưu trữ Trung Hoa năm 1837 ám chỉ:

“The Singapore Free Press ngày 27 tháng 7 ghi lại việc cập cảng của tàu khu trục “Kẻ chinh phục” của hoàng đế Xiêm, một chiếc thuyền khoảng 600 tấn vừa mới hạ thuỷ tại Chantibun. Nó được trang bị 40 súng, không nói là cỡ nào; nhưng mặc dầu với dụng cụ chiến tranh và tên của nó, chiếc thuyền này lúc đó được sử dụng chỉ như một phương tiện chở hàng hoà bình cho thần dân của hoàng đế gót ngọc mình vàng. Một chiếc thuyền khác khoảng 100 tấn cũng đã được hạ xuống, được trang bị và sử dụng với mục đích tương tự”.

Có thể hữu ích khi nói thêm rằng thuyền do người Đàng Trong và người Hoa đóng ở Chanthaburi những năm 1830 là lực lượng chủ yếu sử dụng cho cuộc tấn công của Xiêm tới Kedah năm 1839. Thú vị hơn, chúng cũng là lực lượng nòng cốt sử dụng trong những mâu thuẫn giữa Xiêm với Việt Nam năm 1841-1842 cũng như vận chuyển đồ tiếp tế và tuần tra ngoài bờ biển Hà Tiên.

Kết luận

Bàn luận trên dường như gợi ý một số điểm. Thứ nhấtlà sự phát triển đặc biệt của kỹ thuật hàng hải Đàng Trong ở giai đoạn này có lẽ nằm ở một số loại chiến thuyền, thuyền chèo và thuyền buồm. Đặc điểm khiến cho những thuyền này khác với thuyền của các nước châu Á khác trong thời gian đó là sự tiếp thu thuyền kiểu châu Âu. Đặc điểm này bắt đầu được người Xiêm chia sẻ trong những năm 1830.

Thứ hai, cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX là giai đoạn có áp lực cao chứng kiến sự giám sát trực tiếp và sâu rộng của cả triều đình Đàng Trong lẫn Xiêm đối với việc đóng thuyền. Không nghi ngờ gì, sự tham gia trực tiếp của triều đình trong đóng thuyền đã đẩy nhanh nền công nghiệp này. Ngược lại đóng thuyền cũng cho họ một cơ hội áp dụng quyền lực lên trên dân cư một cách hiệu quả và cụ thể nhất, đẩy nhanh tốc độ hình thành dân tộc. Trên mọi hoạt động kinh tế ở Việt Nam và Xiêm thế kỷ XIX, có lẽ không có gì truyền dẫn mạnh hơn công nghiệp đóng thuyền đối với sự thành lập và phát triển các quốc gia mới.

Đi cùng với đóng thuyền và hình thành dân tộc là sự cạnh tranh trong việc kiểm soát đường thuỷ ở khu vực. Điều gì đã xảy ra đối với lực lượng hải quân một thời tự hào của nhà Nguyễn đã được thấy rõ trong thời kỳ chống lại cuộc xâm lược của người Pháp. Quá rõ là thậm chí hồi ức về lực lượng hải quân huy hoàng đó cũng đã mất. Cái gì đã hạ Việt Nam từ những chiến thuyền, thuyền chèo, thuyền buồm vuông và thuyền buồm dọc hùng mạnh xuống con số không? Phải chăng nó chỉ đơn giản bởi vì “ một thế hệ từ bỏ sự nghiệp của thế hệ trước giống như những chiếc thuyền mắc cạn” như Henry Thoreau đã nói trong Walden, hoặc trải nghiệm nổi bật nhưng ngắn ngủi đã mất bởi sự ra đi của số lượng lớn dân cư trôi nổi đã tạo nên công nghiệp đóng thuyền ở khu vực khác?

Công nghiệp đóng thuyền mà bài viết này đề cập đến dường như khẳng định rằng nghiên cứu khu vực vượt qua biên giới quốc gia không chỉ là có khả năng mà còn là cần thiết.

___________________

Xem “Thuyền và kỹ thuật đóng thuyền ở Đàng Trong cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 18, Xưa & Nay, số 131, tháng 1/2003.

Biên niên triều đình, thời đại Băng Cốc, triều đại thứ nhất. Thadeus và Flood dịch, tập 1: văn bản (Tokyo: The Center for East Asian Cultural Studies, 1878), trang 167.

Xem minh hoạ kora-kora trong Pierre-Yves Manguin, “Tàu thuyền Đông Nam Á lục địa trong buôn bán và chiến tranh (thế kỷ 15-17)” trong Đông Nam Á đầu thời hiện đại. Anthony Reid chủ biên (Ithaca và London: Cornell University Press, 1993), trang 206.

Thực lục, I, tập 4, trang 64.

Biên niên triều đình, thời đại Băng Cốc, triều đại thứ nhất, trang 174-175.

Roberts, Sứ bộ tới triều đình phương Đông của Đàng Trong, Xiêm và Muscat trong những năm 1832-1833-1834, (New York: harper and Brothers, 1837), trang 311.

J.H.Moor, Thông báo về quần đảo Ấn Độ(Singapore: 1837, trang 232-233; xuất bản lần đầu trên Calcutta Journal, 2/2/1823).

Charles Gutzlaff, Nhật ký về ba chuyến đi dọc bờ biển Trung Hoa năm 1831, 1832 và 1833(London: Thomas Ward and Co. n.a) trang 77.

Hamilton, trang 185.

Baas Terwiel, “ Hướng tới lịch sử Chanthaburi, 1700-1860: các nguồn tư liệu Pháp” Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Thái học, 22-24/8/1984 (Bangkok: Chulalongkorn University), trang 3.

Baas Terwiel.

Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí: Thành trì chí, Cheng Ching Ho chú giải, Tạp chí xã hội Đông Nam Á, tập 12, số 24, trang 30.

Hsu Yun-tsiao, Lịch sử Pattani (Singapore: Nan Yang Press, 1946), trang 76-77. Năm 1844, triều đình Nguyễn mang về một thuyền phương Tây từ nước ngoài giá 280 nghìn quan tiền. Chính biên: đệ tam kỷ, tập 40 trang 5275.

B.J Terwiel, Thông qua mắt du khách: một cách tiếp cận lịch sử Thái Lan đầu thế kỷ 19(Bangkok: Editions Duang Kamol, 1989), trang 188.

Thông tin về thuyền của người Xiêm là từ Rama III và cuộc viễn chinh của người Xiêm tới Kedah năm 1839: thông báo chính thức của Luang Udosombat Syril Skinner dịch, Justin Corfield chủ biên, Monash Papers số 30, trang 317-318.

Rama III và cuộc viễn chinh của người Xiêm, trang 317.

Rama III và cuộc viễn chinh của người Xiêm tới Kedah năm 1839: thông báo chính thức của Luang Udosombat. Syril Skinner dịch, Justin Corfield chủ biên (Melbourne: Centre of Southeast Asian Studies, Monash Univesity, 1993), trang 316. Tuy nhiên, việc học hỏi của người Xiêm về kỹ thuật Việt Nam không phải bắt đầu từ năm 1834. Gia Định thành thông chí: Sảo vật chí: năm 1780, “Đỗ Thanh Nhân thiết lập hải quân [nhà Nguyễn], thêm một cần lái dài để vận hành nhẹ nhàng hơn khi lái ngoài biển trong khi vẫn giữ cần lái tròn cũ để lái trên sông, do vậy nó được gọi là [thuyền] hai cần lái. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, trong Ba nguồn tư liệu chủ yếu gồm Lĩnh Nam trích quái,Gia Định thành thông chíHà Tiên trấn Mạc thị gia phả. Dai Kelai và Yang Baoyun chủ biên (Zhengzhou: Zhongzhou guji Press, 1991), trang 195. Nó dường như được hải quân Xiêm tiếp thu năm 1792 trong cuộc chiến chống Miến Điện. “Quân đội Thái lúc đó đã đóng chiến thuyền với cần lái ở cả đầu lẫn đuôi”. Thú vị là nó xảy ra ngay sau khi Nguyễn Ánh gửi thuyền tới Rama I năm 1791. Biên niên triều đình, thời đại Băng Cốc, triều đại thứ nhất, trang 198. Nhưng xem Anthony Reid, Thời đại thương mại, tập 2, trang 38-39, chỉ ra rằng hai cần lái là truyền thống của thuyền Đông Nam Á. Liệu phải chăng người Việt Nam và người Xiêm đã tái tiếp thu hai cần lái trong cuối thế kỷ 18?

Liệt truyện Nhị tập, tập 45, trang 8110.

Theo Đại Nam thực lục, chiếc thuyền phương Tây này được viên quan tên là Đào Tri Diên mua từ “Tây dương”. Nhà Nguyễn dường như từng mua mọt số chiến thuyền nhỏ hơn trong thời Minh Mạng được gọi là Yến Phi, Vũ Phi và Hương Phi. Nay chiếc thuyền lớn được mua có tên là Điện Phi.

Terwiel, “ Hướng tới lịch sử Chanthaburi”, trang 8-9.

Terwiel, Thông qua mắt du khách, trang 186. Gần một nửa dân số ở Chanthaburi là người Việt Nam cho đến tận 1965. Xem Peter Poole, Người Việt Nam ở Thái Lan (Ithaca: Cornell University Press, 1970), trang 30.

Người Việt Nam ở Thái Lan, trang 28.

Hướng tới lịch sử Chanthaburi”, trang 11.

Thông qua mắt du khách, trang 200.

Thông qua mắt du khách, trang 201.

Thông qua mắt du khách, trang 201.

Rama III và cuộc viễn chinh của người Xiêm, trang 163. Hunter được đặt một chiến thuyền chạy bằng động cơ hơi nước, hai trăm pháo và súng cối để Xiêm sử dụng trong trường hợp chiến tranh với Đàng Trong. Cả thuyền hơi nước và pháo đều tới chậm và trong khi chờ đợi, Hunter chọn hơn trăm súng thần công để bán cho nhà vua. Sau đó ông đi Anh để mua thuyền hơi nước… Sáng hôm sau, thuyền hơi nước “Tốc hành” tiến ngược sông Mê Nam tạo nên sóng và sự kích thích to lớn. Nó là một cảnh tượng mọi người chưa từng thấy… “Tốc hành” mang toàn bộ hai trăm pháp mà nhà vua lúc đầu đã đặt Hunter, và bây giờ Hunter khăng khăng đòi Xiêm phải trả tiền tất cả mặc dù Xiêm đã mua thêm hơn trăm pháo của ông ta trong khi chờ đợi. Thêm vào đó, khi nhà vua nhìn thấy chiếc thuyền đã được mua, ông không muốn nó. Ông tuyên bố rằng Hunter ra giá 50 nghìn đô la là quá cao đối với một chiếc thuyền cũ và rĩ như vậy. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng với Đàng Trong đã qua đi, và nhà vua không còncảm thấy cần thiết một chiếc thuyền như vậy. Hunter đã đe doạ rất nhiều nhưng không hề kết quả, bao gồm cả doạ đánh bom đốt hoàng cung. Trang 38: Hunter không chỉ doạ đánh bom hoàng cung, ông còn bán thuyền hơi nước cho địch thủ của Xiêm là Đàng Trong. Vì sự ngạo mạn này, Hunter bị trục xuất khỏi kinh đô. Ông không có lựa chọn nào ngoài việc trao lại công việc cho trợ lý và rời đến S’pore trên chiếc “Tốc hành” Trang 39: chúng ta biết được rằng ông đã tạo được một đe doạ mạnh: “Tốc hành” cũng như toàn bộ pháp đã được bán cho Đàng Trong với giá ông đã yêu cầu vua Rama III… Phraklang (bộ trưởng ngoại giao) đề nghị rằng bởi Hunter đã bán thuyền hơi nước cho Đàng Trong, ông nên tự mình đi tới đó. Phraklang nói Xiêm hoàn toàn không sợ Đàng Trong, có lẽ Hunter cần phải bán cho họ một thuyền hơi nước nữa.

Cholthira Satyawadhna, “Cộng đồng Ban Khrua: lịch sử tộc người, đấu tranh, kháng cự và phong trào xã hội” trong Tai Culture, tập 5, số 2, 12/2000.

“Báo chí của sự kiện”, The Chinese Repository, tập 6, 1837, số 5, trang 256.

“Chiến binh đại dương có trọng lượng rẽ nước khoảng 150 tấn và được gắn 6 pháo… nó thấy hoạt động trở lại trong chiến dịch An Nam năm 1841-1842 như một kỳ hạm, được phép rời cảng với nhiệm vụ chở đồ tiếp tế cho Chao Phaya Bodin (lực lượng thradecha) và tuần tra ngoài bờ biển Bantesy Mas (Hà Tiên). Thầy phù thuỷ có thể là lớn nhất trong những thuyền tham gia vào chiến dịch 1839, ước lượng trọng lượng rẽ nước của nó từ 800 tới 1400 tấn. Nó được đô đốc Xiêm dùng làm kỳ hạm trong việc rút khỏi Banteay Mas”. Rama III và cuộc viễn chính của người Xiêm tới Kedah năm 1839, trang 316-317.

Nguồn: Xưa & Nay, số 132+133, 1+2 năm 2003, tr 32, 33

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...