Phát triển mạnh các tổ chức khoa học và công nghệ
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các tổ chức KH&CN thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng. Tính đến hết 30/11/2019, VUSTA quản lý 492 tổ chức KH&CN được thành lập theo Luật KH&CN, trong đó có 58 tổ chức có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh, ngoài ra, một số tổ chức KH&CN nằm rải rác ở các tỉnh như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Huế, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Giang, Ninh Bình, Gia Lai, Đăk Lăk, Cần Thơ, Đăk Nông, Gia Lai, Thái Nguyên, Sơn La.
Ông Lê Duy Tiến – Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường VUSTA
Theo số liệu của Văn phòng Đăng ký hoạt động KH&CN thì số lượng tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA chiếm khoảng 1/4 tổng số tổ chức KH&CN ngoài công lập đã được đăng ký trên phạm vi cả nước. Trong đó đăng ký tại Bộ KH&CN chiếm 1/2 tổng số.
Về loại hình tổ chức, các tổ chức KH&CN trực thuộc được thành lập và hoạt động với các hình thức tên gọi khác nhau, chủ yếu là Trung tâm (khoảng 60%) và Viện (khoảng 30%) còn lại là các hình thức khác như liên hiệp, văn phòng.
Trong thời gian gần đây, xu hướng thành lập các tổ chức KH&CN với hình thức Viện tăng lên nhanh vì Thông tư 03/2014 đã giảm bớt các tiêu chí thành lập tổ chức với hình thức Viện.
Chia sẻ với Vusta.vn, ông Lê Duy Tiến – Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường VUSTA cho biết, căn cứ vào tên gọi, chức năng nhiệm vụ có thể phân loại thế mạnh hoạt động của các tổ chức KH&CN như sau: 118 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; 70 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng; 20 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; 75 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; 50 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ năng lực doanh nghiệp, nghiên cứu chính sách, pháp luật, quản lý, hỗ trợ pháp lý...; 5 tổ chức có thế mạnh hoạt động trong lĩnh vực văn thư-lưu trữ, số hóa tài liệu; 34 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực sinh học, kỹ thuật nông nghiệp; 30 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực y học, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; 10 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng; 50 tổ chức có thế mạnh trong lĩnh vực xã hội, tâm lý giáo dục, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em...; 30 tổ chức ở các lĩnh vực khác.
Về trụ sở, đa số các tổ chức đóng trụ sở tại Hà Nội và Tp. HCM, trong đó chủ yếu là thuê trụ sở, số rất ít, thống kê từ 202 tổ chức đã gửi báo cáo trước 30/11/2019, chỉ có khoảng 15% là có trụ sở do tự đầu tư mua hoặc xây dựng.
Khoảng 40% số tổ chức báo cáo không thuê, mượn hoặc tự đầu tư thêm mặt bằng, cơ sở phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thực nghiệm...25% số tổ chức báo cáo có đủ tiềm lực để tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng, mua thêm mặt bằng, nhà xưởng phục vụ cho hoạt động của đơn vị.
Ông Tiến cũng cho biết thêm, để phục vụ thêm cho các hoạt động của đơn vị, nhiều tổ chức KH&CN cũng có mong muốn thành lập thêm tạp chí, đến nay có 23 tổ chức KH&CN đã thành lập được các tạp chí. Tuy nhiên, khác với những tạp chí có hàm lượng khoa học rất cao của các Hội KH&KT chuyên ngành toàn quốc, những tạp chí này của các tổ chức KH&CN trực thuộc lại chủ yếu tập trung vào các vấn đề chung về môi trường, xã hội, kinh doanh mà chưa thực sự chú trọng đến các nội dung về khoa học, ít các bài đăng liên quan đến công trình nghiên cứu và chưa có tạp chí nào nằm trong danh sách các tạp chí được tính điểm khi làm luận án hoặc hồ sơ phong học hàm.
Nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA cũng lập website và tương tác trên Facebook để hỗ trợ cho hoạt động truyền thông cho các hoạt động của đơn vị. Qua theo dõi có trên 155 tổ chức có website riêng và có 45 tổ chức tương tác trên Facebook.
Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA cũng chủ động tham gia các mạng lưới, liên minh để tăng cường liên kết, hợp tác trong quá trình thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ và tìm kiếm thêm các nguồn lực về tài chính, nhân lực cho hoạt động.
Theo số liệu tổng hợp, chỉ có khoảng 20% số tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA tham gia các mạng lưới/liên minh nhằm tìm kiếm sự chia sẻ và hỗ trợ trong hoạt động của đơn vị, các tổ chức này tham gia từ 1-2 mạng lưới/liên minh khác nhau, có rất ít số tổ chức trực thuộc VUSTA tham gia từ 3-5 mạng lưới/liên minh cùng một lúc.
Trong hơn hai năm vừa qua, đa số các tổ chức KH&CN trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và của Liên hiệp Hội Việt Nam. Tuy nhiên, còn không ít tổ chức KH&CN chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức KH&CN đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp Hội Việt Nam, đó là: không nộp báo cáo kết quả hoạt động hàng năm; không thông báo khi thay đổi trụ sở làm việc; chưa thực hiện kiện toàn bộ máy theo yêu cầu của VUSTA; chưa nộp quản lý phí với cơ quan chủ quản đúng hạn.
Sau khi Liên hiệp Hội Việt Nam ban hành Quyết định số 573/QĐ-LHHVN ngày 15/8/2016 về Quy định thành lập, đăng ký hoạt động và giải thể tổ chức KH&CN trực thuộc, có một số tổ chức đã và đang tiến hành hoàn thiện thủ tục về phê duyệt lại Điều lệ, công nhận Hội đồng quản lý, bổ nhiệm lại có thời hạn Giám đốc/Viện trưởng, Phó Giám đốc/Phó Viện trưởng và Kế toán trưởng theo quy định.
Trong năm 2019, một số tổ chức KH&CN còn vi phạm pháp luật, bị xử lý theo pháp luật hoặc bị các cơ quan chức năng nhắc nhở liên quan đến tổ chức các giải thưởng không đúng quy định của pháp luật; đào tạo và cấp chứng chỉ chưa phù hợp quy định pháp luật; triển khai các hoạt động không đúng với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ đã được Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt; ký kết các hợp tác, liên kết, ủy quyền không đúng quy định…làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của VUSTA. Một số đơn vị do vi phạm các quy định của VUSTA và pháp luật hoặc hoạt động không hiệu quả nên đã bị đình chỉ hoạt động hoặc giải thể.
Nhờ sự hỗ trợ về thông tin của lực lượng an ninh (A85 trước đây), VUSTA cũng đã kịp thời chấn chỉnh một số tổ chức KH&CN trực thuộc có các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tránh xảy ra các vi phạm đáng tiếc.
Việc đánh giá chính xác kết quả hoạt động của tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA là rất khó khăn, một phần là do chưa đủ số liệu thống kê ở nhiều khía cạnh, một phần là do sự đa dạng, phong phú về lĩnh vực hoạt động, phương thức hoạt động, đội ngũ nhân sự, những tác động, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp khác…của các tổ chức này nên khó có thể có tiêu chí chung để đánh giá. Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ đánh giá một cách khái quát nhất một phần kết quả hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc trong thời gian qua để có những kiến nghị chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này phát triển hơn nữa trong lĩnh vực KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung, ông Tiến chia sẻ.
Bài, ảnh: HT