Phản ứng chính sách của ASEAN trước sự biến động địa chính trị Đông Á trong thập niên đầu thế kỷ XXI
1. Thúc đẩy hợp tác đa phương và thực hiện chiến lược cân bằng trong quan hệ với các nước lớn
a) Tăng cường quan hệ với Trung Quốc bằng thiết lập FTA và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
Các nước trong khu vực nhận thức sâu sắc rằng, Trung Quốc là một cường quốc châu Á đang trỗi dậy, lại là láng giềng trực tiếp của ASEAN. Các vấn đề của châu Á sẽ không thể giải quyết được, nếu không có sự tham gia của nước này. Chính vì vậy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, ASEAN đã hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia ARF và cùng với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… lập nên các cơ chế đa phương mới tại Đông Á như ASEAN+3, ASEAN+1..
Cùng với những hoạt động trên, ASEAN còn hưởng ứng khá tích cực những sáng kiến hợp tác song phương do Trung Quốc đưa ra, nhất là việc hình thành Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) (ký tháng 11/2002 và chính thức hoạt động với ASEAN - 6 từ 01/101/2010). Lý do không chỉ về kinh tế như mở rộng thị trường với 1,3 tỷ dân, mà quan trọng không kém là tạo ra cú hích để các đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN như Mỹ, Nhật Bản cùng thiết lập các FTA song phương.
Từ khi ACFTA được ký kết, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Việc chuyển giai đoạn này được thể hiện bằng Tuyên bố chung về Quan hệ hợp tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc và ký TAC (11/2003). Để xây dựng Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc, hai bên đã thông báo Chương trình hành động vào tháng 11/2005, trong đó nhấn mạnh quyết tâm đưa ACFTA thành hiện thực vào năm 2010 đối với ASEAN-6.
Thay vì hoan hỉ với việc được cắt giảm thuế khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN hết sức lo ngại bởi sự tràn ngập hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Inđônêxia đề nghị lên ban lãnh đạo ASEAN hoãn việc cắt giảm thuế nhập khẩu, đồng thời muốn "đàm phán lại để hàng hóa nhập khẩu rẻ không bị ngăn chặn". Các nhà doanh nghiệp Malaixia cũng lo ngại về tình trạng trên. Theo ông Tan Sri William Cheng, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp người Hoa Malaixia, nếu các vấn đề trên không được giải quyết thì ACFTA sẽ "có nhiều điều cản trở hơn là thuận lợi". Tại Thái Lan, các nhà sản xuất đã công khai lên tiếng về sự bất lực của họ trong việc đối đầu với giá cả của Trung Quốc…
Việc một số nước thành viên ASEAN muốn xem xét lại ACFTA khiến Trung Quốc bối rối. Bởi vì, nếu điều này xảy ra sẽ làm phương hại không chỉ tới lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á mà còn làm giảm ảnh hưởng chính trị của họ tại khu vực này; Bởi vì, khi đưa ra sáng kiến CAFTA, Trung Quốc không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa của họ tiếp cận thị trường ASEAN mà còn muốn CAFTA là hạt nhân của Khu vực mậu dịch tự do Đông Á trong tương lai. Để làm yên lòng các quốc gia Đông Nam Á, thời gian gần đây, Trung Quốc đã và đang tiến hành một loạt hoạt động kinh tế và ngoại giao nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ của họ với các nước ASEAN. Tuy nhiên, những nỗ lực mới của Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức, không chỉ bởi sự tràn ngập hàng giá rẻ của Trung Quốc, mà còn sự gia tăng can dự của các đối tác lớn khác, nhất là Mỹ. Chính những điều lý giải trên góp phần giải thích vì sao, quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ một hai năm trở lại đây có vẻ giậm chân tại chỗ.
b) Tăng cường Quan hệ đối tác và tiến tới quan hệ chiến lược với Mỹ
Mặc dù không hài lòng với sự "lơi là", thiếu rõ ràng trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á trong hai thập niên qua, nhưng ASEAN và các nước thành viên luôn coi trọng yếu tố Mỹ và tìm mọi cách tăng cường quan hệ với siêu cường này; Bởi vì Mỹ không chỉ là siêu cường có thế vượt trội trên tất cả các mặt, nhất là về quân sự, có lợi ích lớn tại khu vực này và là bạn hàng, đồng minh truyền thống của nhiều nước ASEAN. Trong số các lợi ích của Mỹ, thì việc đảm bảo an ninh, tự do hành động của họ trên biển, trong đó có biển Đông, chống chủ nghĩa khủng bố được Mỹ quan tâm nhiều hơn. Hơn thế nữa đây là khu vực có vị trí chiến lược trong phòng thủ quân sự. Nếu như các quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn, lợi thế kiểm soát khu vực sẽ nghiêng về Trung Quốc.
Những phản ứng "tự tin" của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế trong thời gian gần đây như sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền bạc thâu tóm các công ty hàng đầu thế giới, kể cả các công ty của Mỹ, tăng cường đầu tư quốc phòng, ngăn cản hoạt động thám hiểm đại dương của Mỹ ở biển Đông, phản đối đề xuất của Mỹ về cắt giảm khí thải và chưa tăng giá đồng nội tệ của mình…đã làm cho Mỹ khó chịu. Điều này không chỉ thôi thúc Mỹ tăng cường chính sách can dự, kìm chế Trung Quốc bằng mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, quyết định bán vũ khí cho Đài Loan và thúc đẩy hợp tác với ASEAN, Ấn Độ… Điều này chứng tỏ Mỹ đang muốn mở rộng "vành đai sắt" kéo dài từ Đông Bắc Á ven biển đến Đông Nam Á, trong đó khu vực biển Đông là chỗ yếu, nhưng mang tầm chiến lược của Mỹ tại khu vực này.
Cần lưu ý rằng, Mỹ đã có ý định tăng mức độ can dự vào Đông Nam Á đề kìm chế sự tăng nhanh ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ khi G. Bush lên cầm quyền. Nhưng do dành ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố và giành ưu thế kiểm soát địa chính trị từ khu vực Trung Á đến Bắc Kavkaz và thực hiện cách mạng màu ở không gian hậu Xô Viết nên có phần làm chậm lại tiến trình trên. Ngay từ thời đó, Mỹ đã mượn cuộc chiến chống khủng bố, đưa quân trở lại Philippin và tăng cường hợp tác chính trị, an ninh với nhiều nước Đông Nam Á. Thế nhưng, chỉ từ nửa sau thập niên đầu thế kỷ XXI, khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng khá nhanh tại khu vực này, Mỹ mới thể hiện tương đối rõ ràng về sự cần thiết gia tăng hợp tác với ASEAN và các nước thành viên, kể cả những nước không phải là đồng minh như Inđônêxia và đối thủ cũ như Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn khá dè dặt, chủ yếu tiếp cận cải thiện quan hệ song phương với từng nước. Cho tới một hai năm trở lại đây, Mỹ mới thực sự tiến hành đồng bộ, cùng lúc thúc đẩy cả quan hệ với ASEAN và các nước thành viên…
Những điều chỉnh mới trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á đã được ASEAN nhiệt liệt hoan nghênh. Đây là bước mở đầu mới cho quan hệ ASEAN - Mỹ trong thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI. Cụ thể ASEAN đã cùng Mỹ ký Tuyên bố "Tầm nhìn về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN -Mỹ" (2005). Để triển khai xây dựng Quan hệ đối tác tăng cường, ASEAN đã cùng với Mỹ tổ chức long trọng 30 năm thiết lập quan hệ đối tác và ký "Kế hoạch hành động vì quan hệ đối tác tăng cường" (2006). Tiếp đó, vào 8/2006, ASEAN và Mỹ ký Hiệp định khung về mậu dịch và đầu tư ASEAN - Mỹ. Một Uỷ ban chung đã được thiết lập để chỉ đạo việc thực hiện TIFA.
Đỉnh cao của quan hệ ASEAN - Mỹ trong thập niên đầu thế kỷ XXI, ngoài việc ký TAC (7/2009) là lần đầu tiên diễn ra Hội nghị giữa 10 nguyên thủ ASEAN và Tổng thống Mỹ Obama vào tháng 11/2009 bên lề Hội nghị APEC. Một Tuyên bố chung đã đưa ra, trong đó nhấn mạnh cam kết của hai bên tăng cường hợp tác với nhau trong các lĩnh vực trao đổi giáo dục, khoa học công nghệ, lao động, hợp tác phát triển, hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị, nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu, triển khai thực hiện các chính sách và các biện pháp thích hợp. Ngoài các nội dung trên, tuyên bố khẳng định cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ hai sẽ được tổ chức vào năm 2010. Điều này có nghĩa là tiến trình Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ sẽ được thể chế hoá. Có thể trong một vài năm tới, hai đối tác này sẽ tiến tới thiết lập một FTA chung. Khi đó chiến lược cân bằng giữa các nước lớn của ASEAN sẽ thành công.
c) Thúc đẩy Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản
Do ngày càng có nhiều lợi ích song trùng cả trước mắt cũng như lâu dài, trong thập niên qua, ASEAN đã hưởng ứng hầu như toàn bộ các sáng kiến, nỗ lực mới của Nhật Bản trong thúc đẩy hợp tác với khu vực. Bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai thực thể này là việc thông qua "Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản" (2003 tại Bali). Trong khuôn khổ AJCEP, chính phủ Nhật Bản cam kết Áp dụng quy chế Tối huệ quốc cho các nước thành viên ASEAN chưa phải là thành viên của WTO. AJCEP, bao gồm cả các yếu tố của một khu vực mậu dịch tự do, sẽ được hoàn thành vào năm 2012, có tính tới mức độ phát triển kinh tế và các lĩnh vực nhạy cảm ở từng nước, trong đó cho phép các nước thành viên mới có thêm thời hạn 5 năm thực thi các nghĩa vụ của mình.
Nhằm phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai bên, ngày 12/12/2003, tại Tokyo, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã được tổ chức. Hội nghị đã ra "Tuyên bố Tôkyô về quan hệ đối tác năng động và bền vững ASEAN - Nhật Bản trong thế kỷ XXI". Trong văn kiện này, hai bên chủ trương thúc đẩy không chỉ hợp tác kinh tế mà cả hợp tác chính trị - an ninh, không chỉ hợp tác song phương giữa hai bên mà còn hợp tác trong các tổ chức hợp tác khu vực và quốc tế, đặc biệt là hợp tác Đông Á.
Ngoài việc thúc đây quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa với cả khối ASEAN, Nhật Bản còn đặc biệt quan tâm tới việc giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên mới của ASEAN với các nước thành viên cũ, trong đó chú trọng hơn đối với các nước Đông Dương. Điều này không chỉ bắt nguồn từ tiềm năng to lớn, nhất là về nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, nguồn lao động rẻ, sức mua của thị trường đang lên của ASEAN, mà quan trọng không kém là góp phần quan trọng đảm bảo lợi ích chiến lược của Nhật trước sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này. Trong số các nước Đông Dương, Việt Nam đang trở thành một "mỏ neo" chiến lược mới của Nhật Bản, bởi vì Việt Nam nằm sát con đường giao thông hàng hải trên biển Đông, con đường huyết mạch vận chuyển của Nhật Bản.
Trong chính sách đối với Đông Dương, Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc phát triển Tiểu vùng Mê Công, nơi có đầy tiềm năng chưa khai thác nhiều và cũng là địa bàn chú ý hàng đầu của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên, trong hai thập niên qua, Nhật Bản liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mê Công. Trong số các dự án đó thì Nhật Bản quan tâm nhiều hơn cả phát triển Hành lang Đông - Tây (EWEC). Ngoài việc cấp viện trợ ODA, Nhật Bản còn hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN để tổ chức các cuộc gặp cấp cao, trong đó mới đây nhất Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nhật Bản và các nước hạ lưu Mê Công tổ chức tại Tokyo 11/2009. Tại hội nghị này, Nhật Bản cam kết hỗ trợ các nước Tiểu vùng sông Mê Công 500 tỷ Yên viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong 3 năm để phát triển cơ sở hạ tầng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho khu vực này. Các nước ASEAN nói chung, các nước thuộc hạ lưu sông Mê Công như Việt Nam, Lào, Cămpuchia và Thái Lan hưởng ứng tích cực sự gia tăng hợp tác của Nhật Bản đối với khu vực.
Điều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo các nước hạ lưu sông Mê Công và Nhật Bản đã thống nhất tổ chức Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản định kỳ 3 năm một lần tại Nhật Bản và tại các nước Tiểu vùng sông Mê Công vào các dịp Hội nghị cấp cao ASEAN. Bên cạnh đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Nhật Bản sẽ được tổ chức hàng năm tại nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, trong khi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế sẽ được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy hợp tác dựa trên sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mê Công - Nhật Bản. Năm 2010, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đảm nhiệm việc tổ chức Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 2.
Cùng với các hoạt động trên, các nước ASEAN còn hoan nghênh việc hải quân Nhật Bản tham gia vào tuần tra chống cướp biển ở vùng biển Đông Nam, diễn tập quân sự chung với nhiều nước ASEAN như với Inđônexia, Malaixia, Xingapo và Thái Lan. Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật (JICA) đã và đang tài trợ đào tạo nguồn nhân lực các cơ quan có thẩm quyền về biển ở Đông Nam Á.
Ngoài 3 đối tác chính trên, trong thập niên gần đây, ASEAN còn chủ trương tăng cường quan hệ với các nước lớn, thực thể khác trên toàn thế giới, trong đó có Ấn Độ, Nga, EU, Hàn Quốc, Australia… Chiến lược "đa cửa", tận dụng các cơ hội để thực hiện cân bằng chiến lược nhằm củng cố chủ quyền quốc gia-dân tộc và thúc đẩy hội nhập khu vực cũng như nâng cao địa vị của mình trên trường quốc tế vừa là chiến lược, vừa là mục tiêu xuyên suốt của ASEAN. Chiến lược trên được ráo riết tiến hành trong thập niên qua là một trong những phản ứng khá kịp thời đối với sự biến động địa chính trị thế giới, trước hết là ở Đông Á, trước hết là ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung trong thập niên đầu thế kỷ XXI và thập niên tiếp theo.
2. Tiếp tục phát triển các thể chế hợp tác đa phương và giữ vai trò chủ đạo trong Hợp tác Đông Á.
Cùng với chiến lược cân bằng quan hệ trong ứng xử với các nước lớn, ASEAN cũng nỗ lực thúc đẩy thiết lập và mở rộng các khuôn khổ hợp tác đa phương với các đối tác bên ngoài. ASEAN từ trước tới nay, nhất là trong thập niên gần đây đã nhận thức sâu sắc rằng, mình không quản lý các hoạt động của nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và giữa các nước lớn này luôn cạnh tranh với nhau nhằm thiết lập vị thế nổi trội của họ tại khu vực này. Chính những mâu thuẫn về địa chính trị đó đã và đang tạo ra cơ hội cho ASEAN "đóng một vai trò xây dựng", tạo nên các thể chế hợp tác đa phương khu vực, mà trong đó có sự tham gia của các nước lớn.
Bước chuyển mới đó được thể hiện bằng việc ASEAN chủ động lập nên ARF từ 1994 - một Diễn đàn hợp tác an ninh đa phương đầu tiên ở khu vực có sự tham gia của hầu hết cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản v.v... là muốn Mỹ và EU tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại khu vực này, đồng thời lôi cuốn Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ có trách nhiệm, chia sẻ nhiều hơn những vấn đề an ninh của khu vực. Tuy nhiên, do ARF chỉ là một cơ chế hợp tác an ninh lỏng lẻo với trọng tâm hoạt động là xây dựng lòng tin giữa các nước tham gia, nên Hoa Kỳ cũng không mấy mặn mà với nó. Còn Trung Quốc thì chỉ tới diễn đàn để nói về các ý định hoà bình hợp tác của họ, trong khi không hề giảm các hoạt động bành trướng ở biển Đông. Do vậy, vấn đề đặt ra cho ASEAN là phải xây dựng thêm các cơ chế hợp tác khu vực khác, đủ sức kiềm chế bớt những tham vọng của các nước lớn đang nổi lên. Đây là một trong những nguyên nhân đưa đến hình thành các cơ chế hợp tác đa phương mới như ASEAN+3 vào năm 1997.
Tuy nhiên, ASEAN cũng ý thức được rằng, Trung Quốc và Nhật Bản đang kình địch với nhau và muốn có tiếng nói nhiều hơn trong khu vực, nên sẽ là khó để triển khai một cách thực chất các hoạt động hợp tác của cơ chế ASEAN+3. Do vậy, sau khi ASEAN+3 ra đời, ASEAN đã quyết định hình thành nên cơ chế ASEAN+1. Sự kiện đó đưa đến sự ra đời của cơ chế hợp tác ASEAN+ Trung Quốc, ASEAN + Nhật Bản, ASEAN + Hàn Quốc… Đây là một trong những kênh của tiến trình Hợp tác Đông Á. Nhiệm vụ của chúng ta là triển khai các quyết định, các kế hoạch về hợp tác Đông Á được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 hàng năm. Trong các tiến trình này, ASEAN với tư cách là người sáng lập, được tất cả các đối tác thừa nhận nắm vai trò chèo lái. Như vậy, với sự xuất hiện của các cơ chế ASEAN+3, ASEAN+1, một cấu trúc khu vực mới do ASEAN sáng lập đã hình thành ở Đông Á từ cuối những năm 90 của thế kỷ XXI và xúc tiến khá mạnh mẽ trong thập niên đầu thế kỉ XXI.
Tuy nhiên, do Hợp tác Đông Á không có sự tham gia của Mỹ, nên Trung Quốc đã có cơ hội phát huy vai trò của họ trong ASEAN+3. Vai trò của Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên khá mờ nhạt. Nếu tiếp tục tình hình này, thế cân bằng ảnh hưởng giữa các nước lớn mà ASEAN đang cố gắng tạo lập, có nguy cơ bị phá vỡ. Do vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà lãnh đạo ASEAN là phải tìm cách thu hút sự tham gia của các cường quốc khác vào hợp tác Đông Á. Ý tưởng họp Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã được Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Yung đưa ra và sau đó được các nước ASEAN, nhiều nước ngoài Đông Á như Ấn Độ, Australia, Niu Dilân và Nga hưởng ứng. Để đạt được mục tiêu này, ASEAN đã đề ra một bộ quy tắc về thành viên EAS, theo đó một quốc gia muốn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á phải đáp ứng được 3 điều kiện sau: (1) Là nước đối thoại của ASEAN; (2) Phải thừa nhận TAC và (3) Là đối tác kinh tế quan trọng.
Thực tế trên đặt Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia , Niu Dilân trước một số lựa chọn khó khăn: hoặc họ phải đáp ứng yêu cầu của ASEAN, hoặc sẽ đứng ngoài EAS. Trong số các đối tác đối thoại muốn tham gia vào EAS, chỉ Trung Quốc đáp ứng được yêu cầu trên của ASEAN. Năm 2003, Trung Quốc đã ký TAC và đang là đối tác thương mại lớn của ASEAN. Để không đứng ngoài cuộc chơi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Niu Dilân, Nga đã lần lượt ký TAC. Tuy nhiên, chỉ 5 trong số đó được tham gia vào EAS đầu tiên, được tổ chức vào tháng 12/2005. Nga bị từ chối với lý do chưa phải "là đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN" . Từ 2009, Mỹ là nước tiếp theo thừa nhận TAC và có thể trở thành thành viên mới, cùng với Nga tham gia vào EAS.
Với sự ra đời của tiến trình EAS, ASEAN đã tạo ra được thêm một thành tố mới cho cấu trúc của khu vực. Thành tố này là một vòng đồng tâm lớn, nằm ngoài ASEAN+3 và các ASEAN+1. Cấu trúc trên tạo ra những kênh mới, thông qua đó, ASEAN thu hút được các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Nhưng quan trọng hơn, các vòng tròn đồng tâm được liên kết với nhau theo mô hình trục và nan hoa đã làm dày thêm mạng lưới bảo hiểm an ninh cho ASEAN trước các mối đe doạ từ bên ngoài và khai thác sự hiện diện của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Niu Dilân để kiềm chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Rõ ràng, nỗ lực hình thành các thể chế hợp tác đa phương, trong đó ASEAN nắm thế chủ động và duy trì vai trò chèo lái của mình là một trong những phản ứng khá linh hoạt và hợp lý trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường cạnh tranh và an ninh khu vực thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, nhất là sự gia tăng của toàn cầu hóa và nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc cũng như gia tăng chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á.
3. Nâng cao sức đề kháng khu vực thông qua xây dựng Cộng đồng ASEAN
Cân bằng quan hệ với các nước lớn và xây dựng các thể chế hợp tác đa phương là những nhân tố quan trọng để duy trì an ninh và phát triển của Đông Nam Á. Tuy nhiên, những công cụ này chỉ có thể phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, khi quan hệ giữa các nước lớn là quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Một khi mối quan hệ giữa các nước lớn phát triển theo chiều ngược lại, thì những công cụ đó chưa đủ để đảm bảo an ninh cho khu vực. Do vậy, ASEAN nhận thấy cần thiết phải tăng cường khả năng đề kháng của Đông Nam Á bằng việc làm sâu sắc hơn hội nhập khu vực. Để đạt được mục tiêu này, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 tổ chức ở Bali tháng 11/2003, các nhà lãnh đạo Hiệp hội này đã đề ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAn dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC) (từ năm 2007 đổi thành Cộng đồng chính trị - an ninh - APSC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN (ASSC). Nói về tác động của AC đối với ASEAN, trong bài thuyết trình nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ASEAN (2007), Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long nhấn mạnh "Bằng sự tự hiện diện một cách gắn kết, chúng ta sẽ tự chứng tỏ khả năng theo đuổi lợi ích của chúng ta và can dự với thế giới. Chúng ta có thể thuyết phục người khác rằng chúng ta có thể được tin cậy để đóng vai trò tích cực, trung thực và xây dựng trong việc cung cấp một nền tảng cho sự tương tác giữa họ với Châu Á. Chỉ khi đó, các cường quốc khác mới nhìn nhận chúng ta một cách nghiêm túc. Chỉ khi đó ASEAN mới thiết lập được chỗ đứng và vị trí chính đáng của nó trong khu vực". Nếu ASEAN không hội nhập nhanh hơn và sâu hơn, ASEAN sẽ bị mất vai trò chủ đạo. "Trung Quốc và Nhật Bản có thể là người cầm lái và kiểm soát tốc độ của Hợp tác Đông Á và ASEAN sẽ chỉ là một hành khách. Nếu điều đó xảy ra, Hợp tác Đông Á sẽ thất bại".
Để triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, ASEAN đã thông qua 3 Chương trình hành động nhằm xây dựng ASC, AEC và ASCC (2004) và thông qua bản Hiến chương ASEAN từ 2007…
Nói tóm lại, trước sự gia tăng của toàn cầu hoá, khu vực hóa và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, sự suy giảm tương đối vai trò của Mỹ và Nhật Bản cũng như sự nổi lên của các vấn đề an ninh, trong đó có an ninh phi truyền thống, ASEAN đã phản ứng khá linh hoạt và mau lẹ bằng tiếp tục theo đuổi chiến lược cân bằng nước lớn, tạo dựng các thể chế hợp tác đa phương như ASEAN+3, ASEAN+1, EAS và tăng cường liên kết nội khối với quyết tâ xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực vào năm 2015. Những nỗ lực mới trên và những kết quả ban đầu đã và đang góp phần quan trọng cho duy trì hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên phát triển kinh tế và duy trì bản sắc, chủ quyền quốc gia của dân tộc mình, hội nhập có hiệu quả và ngày càng có vị thế quan trọng hơn trên trường quốc tế. Đây là tiền đề hết sức quan trọng, là hành trang cho ASEAN và các nước thành viên bước vào thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI-thập niên đầy hứa hẹn, nhưng biến động khôn lường.