Phạm Văn Thiều - Dịch giả xuất sắc của những cuốn sách khoa học
Sau nhiều lần hẹn không thành, cuối cùng tôi đã gặp được ông - dịch giả Phạm Văn Thiều. Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ danh cho Tổng biên tập Tạp chí Vật lý và Tuổi trẻ, năm trong khuôn viên Viện Vật lý, ông kể cho tôi nghe về những cuốn sách khoa học đã gắn liền với tên tuổi của mình, cùng những tâm sự trong 16 năm gắn bó với công việc dịch thuật.
Sinh năm 1946, ông theo học ngành vật lý lý thuyết tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và đã từng giảng dạy vật lý ở một số trường đại học trước khi chuyển về làm việc tại Viện Vật lý. Cơ duyên đưa ông đến với công việc dịch thuật là năm 1982, khi ông là thực tập sinh tại Viện Vật lý hạt nhân - Trường Đại học Tổng hợp Paris 11 (Pháp). Ở nước bạn, ông có điều kiện tìm hiểu và phát hiện thấy nhiều pho sách phổ biến kiến thức cap cấp do những nhà khoa học lớn trên thế giới viết và biên soạn. Ông nghĩ ngay đến việc chuyển ngữ những cuốn sách quý này sang tiếng Việt. Cùng với GS Cao Chi, ông đã dịch cuốn "Lược sử thời gian" của Stephen Hawking (Anh) và xuất bản ở Việt Nam, được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt. Thành công đầu tiên với việc biên dịch cuốn sách này đã tạo đà cho những thành công liên tiếp sau này của ông. Nói như TSKH Vũ Công Lập - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý y sinh học: Những bản dịch của Phạm Văn Thiều như một lời tâm sự, truyền cho độc giả không chỉ kiến thức mà cả niềm say mê… Còn GS Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức thì cho rằng: Phạm Văn Thiều được đào tạo cơ bản về vật lý, nhưng "nghề tay trái" lại làm ông nổi tiếng trong làng dịch thuật, bởi ông hội tụ đủ các tố chất cần thiết của một dịch giả chuyên nghiệp: Có nền tảng văn hóa chung vững vàng, giỏi tiếng Việt, thông thạo ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga).
Trao đổi về những thành công này, ông chỉ khiêm tốn: Tôi may mắn được tiếp cận những cuốn sách phổ biến khoa học nổi tiếng thế giới, bản thân chúng không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có giá trị cả về văn học nữa. Chẳng hạn, cuốn "Giai điệu dây và bản giao hưởng của vũ trụ" của Brian Greene đã vào được tới vòng chung khảo giải Pulitzer của Hoa Kỳ. Tôi cũng có một may mắn nữa là gặp được anh Trịnh Xuân Thuận, người đã trao cho tôi quyền được dịch các tác phẩm của anh. Chính những cuốn sách và các tác giả danh tiếng này đã đảm bảo đến 80% sự thành công của tôi.
Quả thật, ông đã rất thành công trong loạt sách dịch của nhà vật lý Trịnh Xuân Thuận (Pháp) về vật lý thiên văn, như: "Giai điệu bí ẩn", "Hỗn độn và hài hòa", "Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận"… Để trở thành người thành công nhất trong dịch sách của Trịnh Xuân Thuận với những cuốn sách được tái bản nhiều lần, điều cốt lõi là ông đã giữ được "chất văn" bay bổng và văn phong trong sáng gần với bản gốc nhất. Cuốn sách: "Định lý cuối cùng của Fermat" (tác giả Simon Singh, cũng là tác giả của cuốn "Mật mã: Từ cổ điển đến lượng tử") do Phạm Văn Thiều dịch cũng gây được tiếng vang lớn và được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Không chỉ dịch sách trong lĩnh vực vật lý, ông còn biên soạn cả những cuốn sách về toán học, triết học. Ông tâm sự: Dịch sách khoa học chỉ là "cái cớ", điều quan trọng là tôi muốn được thỏa mãn niềm đam mê tìm tòi, nâng cao kiến thức khoa học, được biết về cuộc đời, về quan niệm, tư tưởng mới của những nhà khoa học lớn. Điều này kích thích sự sáng tạo trong tôi. Trong cuộc sống hiện đại, sáng tạo là chìa khóa của sự thành công.
Ông cũng rất tâm đắc với cuốn sách dịch: "Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học" (tác giả Thomas Kuhn - Hoa Kỳ) và cho rằng, những người làm công tác quản lý khoa học nên đọc cuốn sách này. Theo ông, hầu hết các sách khoa học xuất sắc đều rất giàu tính văn học, có nhiều điều mới mẻ, lý thú, có sức thu hút lớn đối với công chúng. Bằng chứng là cuốn "Giai điệu bí ẩn" đã được tái bản 3 lần, chỉ sau 4 năm xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam.
Với gần 20 đầu sách lớn, gây tiếng vang trong công chúng, và nhiều cuốn sách dịch có giá trị khác, hiện nay, ông cùng với TSKH Vũ Công Lập và GS Nguyễn Văn Liễn (Viện Vật lý) đang xây dựng một Tủ sách mang tên: Khoa hoc và khám phá (đặt tại số 24, ngõ 24 phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội). Ông cũng kêu gọi sự cộng tác của các học sinh, nghiên cứu sinh đang học tập ở Hoa Kỳ tham gia tìm và dịch sách khoa học để ngày càng mở rộng Tủ sách này. Ông dự định, Tủ sách Khoa học và khám phá sẽ có khoảng 50 cuốn sách dịch từ những cuốn sách quý, nổi tiếng trên thế giới và cần thiết cho bạn đọc trẻ của Việt Nam. Tháng 3.2011, ông cùng con gái vừa cho xuất bản cuốn sách dịch: "Thượng đế có phải là nhà toàn học hay không" của tác giả Mario Livio, Hoa Kỳ.
Có thể nói, những cuốn sách đã dịch, những dự định của dịch giả Phạm Văn Thiều không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho bạn đọc yêu khoa học, mà còn góp phần kích thích niềm đam mê khoa học cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ.