Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 07/11/2005 18:32 (GMT+7)

Những vấn đề đặt ra trong việc xã hội hóa y tế*

Xã hội hóa y tế được hiểu như sự huy động cộng đồng, xã hội và người dân cùng tham gia công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. 12 năm thực hiện chủ trương này đã đạt được một số kết quả ban đầu. Nhưng, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để huy động được sự tham gia tích cực của các chính quyền, tổ chức, cá nhân cùng tham gia theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Vai trò hướng dẫn, tổ chức của cộng đồng trong chủ trương xã hội hóa thể hiện ở năm khía cạnh sau đây:

Một là, cộng đồng cần phát động những phong trào và những cuộc vận động chăm sóc sức khỏe. Nếu không có một cuộc vận động lớn mang tính quốc gia để mọi người hãy tự chăm sóc sức khỏe và tham gia tích cực vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe thì một mình ngành y tế sẽ chẳng bao giờ làm được sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tổ chức thực hiện xã hội hóa y tế (theo cách nói ngày nay, hay y tế phải dựa vào phong trào quần chúng theo cách nói của cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch ngày trước) là phải được hiểu đầu tiên theo nghĩa này. Cũng chính trên ý nghĩa này mà Chỉ thị 06/TW do Ban Bí thư TW Ðảng khóa IX về củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở ra đời tháng 1-2002 nhấn mạnh việc tạo ra phong trào toàn dân vì sức khỏe. Cần nêu lên một khẩu hiệu mới: "Mọi người vì sức khỏe" bên cạnh khẩu hiệu: "Sức khỏe cho mọi người". Khẩu hiệu: "Sức khỏe cho mọi người" nói lên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhưng ít thể hiện sự tham gia tích cực của mỗi cá thể con người trong chăm sóc sức khỏe. Nếu thêm "Mọi người vì sức khỏe" thì không những thể hiện sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe mà còn nói lên vai trò tác động tích cực của mỗi người vào sự nghiệp chung này.

Hai là, làm thế nào phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị hay các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Với tính chất tự nguyện và mạng lưới sâu rộng trong quần chúng, số lượng đông hội viên, các đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội - nghề nghiệp là một lực lượng đông đảo nhất trong thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Quan niệm này cần được nhận thức đầy đủ bởi các nhà quản lý nhà nước để nếu chưa xuất hiện nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp thì phải tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức này được thành lập và tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe. Thí dụ: Hội hành nghề y tế tư nhân, hội các thầy thuốc về hưu, các hội nghề nghiệp y tế (hội các chuyên khoa), hội bảo trợ bệnh nhân nghèo...

Gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước được thành lập và có những hoạt động hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là phòng, chống HIV/AIDS. Chỉ có phát triển các hình thức hoạt động này chúng ta mới thật sự gọi là xã hội hóa chăm sóc sức khỏe và cải cách nền hành chính theo tinh thần gọn nhẹ và hiệu quả. Chính thông qua các hội này mà một số hoạt động quản lý nhà nước được phối hợp và tăng cường (thí dụ: các hoạt động thanh tra giám sát trong hành nghề).

Năm 1998, Ban Bí thư TW Ðảng giao cho Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (một tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tập hợp cả Tổng hội Y Việt Nam, Hội Ðông y Việt Nam, Hội Dược Việt Nam) nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hoạt động khoa học - công nghệ nhằm góp phần thiết thực vào công cuộc CNH, HÐH đất nước. Thông báo số 145-TB/TW ban hành ngày 9/7/2004 của Ban Bí thư TW Ðảng nhấn mạnh: "Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc quy định rõ những loại dự án phát triển bắt buộc phải có tư vấn, phản biện xã hội hoặc giám sát độc lập của các tổ chức khoa học - công nghệ, trong đó có Liên hiệp hội" nhằm phát huy vai trò tư vấn, thẩm định và giám sát của các tổ chức hội đối với các chương trình hành động của nhà nước kể cả việc đề ra các chủ trương, chính sách. Những chỉ thị này cần được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn trong các tổ chức hội có hoạt động liên quan chăm sóc sức khỏe như Tổng hội Y Việt Nam, Hội Ðông y Việt Nam, Hội Dược Việt Nam và nhiều hội chuyên khoa khác.

Ba là, kêu gọi và tạo môi trường thuận lợi để các thành phần y tế ngoài công lập xuất hiện và trở thành một bộ phận của ngành y tế; y tế tư nhân, y tế hợp tác, y tế tư bản tư nhân, y tế tư bản nhà nước, y tế với vốn 100% của nước ngoài. Trước hết, cần thật sự coi y tế ngoài công lập là một bộ phận cấu thành của ngành y tế về tất cả các phương diện: giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp y tế, bồi dưỡng chuyên môn và tay nghề, tham gia các hoạt động nhân đạo và công ích, tuyên dương và khen thưởng... Mở rộng y tế ngoài công lập sẽ huy động nguồn lực tài chính trong cộng đồng để đầu tư cho ngành y tế các trang thiết bị y tế (nhất là những trang thiết bị công nghệ cao) trong khi chúng ta chưa đủ nguồn ngân sách nhà nước lo cho công việc này. Mở rộng y tế ngoài công lập sẽ huy động nguồn nhân lực đông đảo, nhất là những công chức, viên chức y tế đã về hưu - họ là những người có kinh nghiệm nghề nghiệp và từng trải - tham gia chăm sóc sức khỏe. Mở rộng y tế ngoài công lập sẽ tạo ra nhiều khả năng lựa chọn cho người dân trong sử dụng các dịch vụ y tế và thông qua sự lựa chọn này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp các dịch vụ y tế. Cần nhấn mạnh: Phát triển y tế ngoài công lập không đồng nghĩa với tư nhân hóa ngành y tế.

Bốn là, mối quan hệ của quản lý nhà nước và xã hội hóa y tế. Bất luật trong hoàn cảnh nào, và dù cho huy động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp và đoàn thể, tổ chức xã hội đến mức nào đi nữa thì Nhà nước vẫn cần đóng vai trò đề xuất những chủ trương và chính sách trong chăm sóc sức khỏe để hướng sự nghiệp chăm sóc sức khỏe đi đúng đường hướng do thể chế chính  trị đã đề ra (đối với nước ta đó là công bằng, hiệu quả và phát triển). Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và điều phối các nguồn đầu tư trong chăm sóc sức khỏe. Nhà nước còn thực hiện chức năng thanh tra và kiểm tra, làm cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe đi đúng trong các hành lang pháp lý. Bất luận trong tình huống nào, Nhà nước không thể buông rời công tác quản lý trong chăm sóc sức khỏe.

Năm là, cần đề ra và nhận thức đúng mục tiêu ưu tiên của chủ trương xã hội hóa y tế trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương xã hội hóa y tế là một chủ trương lâu dài của Ðảng và Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động  toàn xã hội tham gia sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tạo điều kiện để toàn xã hội được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. Tuy vậy, trong mục tiêu chung đó cần xác định mục tiêu ưu tiên cho giai đoạn hiện nay. Có như vậy mới có các giải pháp tập trung, tránh dàn trải và tránh quên nhiệm vụ ưu tiên. Trong giai đoạn hiện nay, xã hội y tế nhằm: thực hiện tốt việc trợ giúp các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc sức khỏe. Mọi hoạt động của xã hội hóa y tế trước hết phải ưu tiên nhằm vào mục tiêu này để thể hiện bằng được tính chất nhân đạo của y tế và định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển" của nền y tế Việt Nam. Trong lý thuyết quản lý y tế, chúng ta cần phân biệt khái niệm "nhu cầu" (need) và "yêu cầu" (demand). Khái niệm "nhu cầu" là muốn nói tới những đòi hỏi do thực trạng bệnh tật và sức khỏe tạo ra (như vậy người nghèo thường có nhu cầu cao hơn người giàu), còn khái niệm "yêu cầu" mang tính phụ thuộc vào khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ (như vậy người có nhiều tiền thì có yêu cầu cao hơn). Xã hội hóa y tế trước hết cần tính đến ưu tiên giải quyết những nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chứ không thể chỉ nhằm giải quyết yêu cầu mà coi nhẹ hoặc quên giải quyết nhu cầu. Chính xuất phát từ nguyên lý này, trong giai đoạn hiện nay xã hội hóa y tế cần ưu tiên tập trung vào việc trợ giúp các đối tượng và chính sách và người nghèo trong chăm sóc sức khỏe.

* Trích bài viết của GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Khoa giáo TW.

Nguồn: Nhân Dân 24/10/2005.

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.